Ảnh minh họa. Bộ trưởng Nội Vụ Đức Thomas de Maiziere (phải) và lãnh đạo cơ quan tình báo nội địa Hans-Georg Maassen tại Berlin, ngày 28/06/2016 Rainer Jensen / dpa / AFP
Cơ quan phản gián Đức ngày hôm qua, 10/12/2017 đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ Trung Quốc sử dụng các mạng xã hội để moi tin từ các quan chức cũng như giới làm chính trị tại Đức. Một cách cụ thể là đã có đến hơn 10.000 nhân vật Đức bị gián điệp Trung Quốc tiếp cận thông qua các tài khoản mạng giả mạo, đặc biệt là qua mạng LinkedIn.
Theo hãng tin Mỹ AP, ông Hans-Georg Maassen, giám đốc cơ quan phản gián Đức, mang tên là BfV, tình báo Trung Quốc đã thiết lập nhiều tài khoản hay profile ảo trên mạng xã hội, chủ yếu là trên mạng kết nối giới chuyên nghiệp LinkedIn, giả danh là chuyên gia tư vấn, chuyên gia tuyển mộ, hay học giả, từ đó « kết nối » với các mục tiêu như các chính khách hay quan chức cao cấp, thu thập thông tin về những thói quen, sở thích, quan điểm chính trị của những người này.
Đối với ông Maassen, đây thực sự là một chiến dịch có quy mô rộng lớn, nhằm thâm nhập vào các nghị viện, các bộ và cơ quan chính phủ Đức. Để đối phó, cơ quan phản gián Đức đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm vào đầu năm nay, chuyên theo dõi việc sử dụng các tài khoản giả mạo trên mạng xã hội LinkedIn. Cuộc điều tra đã kéo dài 9 tháng
Trong một động thái khá bất thường, phản gián Đức đã cho biết chi tiết về 8 tài khoản cá nhân bị cho là giả mạo, sử dụng những cái tên như Lily Wu, Laeticia Chen hoặc Alex Li. Các profile này cung cấp những sơ yếu lý lịch rất đáng nể, với hàng trăm đầu mối liên lạc, kèm theo những bức ảnh ứng viên trẻ rất thu hút…
Ngoài ra BfV cũng nêu tên 6 tổ chức mà cơ quan này cho rằng đã được tình báo Trung Quốc sử dụng là vỏ bọc để che đậy mục đích tiếp cận đối tượng mà họ muốn khai thác. Trong số này, có 2 tổ chức mang tên Association France Euro-Chine và Global View Strategic Consulting.
Theo hãng tin Anh Reuters, phản gián Đức đã không che giấu thái độ quan ngại khi cho biết là « có thể còn có một số lượng lớn các cá nhân là đối tượng moi tin của gián điệp Trung Quốc, và nhiều tài khoản mạng xã hội giả mạo khác chưa bị phát hiện ».
Dĩ nhiên là Trung Quốc đã bác bỏ các kết luận của cơ quan phản gián Đức. Phát biểu tại Bắc Kinh vào hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảm đã cho rằng các cáo buộc từ phía Đức hoàn toàn vô căn cứ.
Theo nhân vật này thì Trung Quốc « hy vọng là các tổ chức Đức, đặc biệt là các cơ quan chính phủ, có lời lẽ và hành động có trách nhiệm hơn, và không làm những việc bất lợi cho sự phát triển quan hệ song phương ».
Theo RFI