Bà Clinton tiếp xúc lãnh đạo Việt NamBà Clinton muốn Việt Nam mở rộng lối vào cho doanh nhân MỹNgoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đánh giá cao nỗ lực ngoại giao của Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông, nhưng cũng nói Hà Nội cần nỗ lực hơn trong bảo vệ nhân quyền.
Bà Ngoại trưởng cũng nói hai nước có thể sẽ đạt thỏa thuận về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước cuối năm.
Sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh ở Hà Nội hôm 10/7, bà Clinton nói Washington ủng hộ nỗ lực của Việt Nam nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
“Hoa Kỳ đánh giá rất cao sự đóng góp của Việt Nam để có giải pháp ngoại giao hợp tác cho các tranh chấp và giảm căng thẳng ở Biển Nam Trung Hoa.”
“Chúng tôi hy vọng Asean sẽ có tiến bộ nhanh chóng với Trung Quốc hướng đến bộ quy tắc ứng xử hiệu quả nhằm bảo đảm khi xảy ra thách thức, chúng được điều chỉnh và giải quyết hòa bình thông qua quá trình thống nhất phù hợp với tiêu chuẩn luật quốc tế,” bà Clinton tuyên bố.
Bà cũng nói bà lo ngại về thiếu tự do trên mạng, cùng với việc bắt giam các phóng viên, blogger, luật sư và bất đồng chính kiến.
Ngoại trưởng Mỹ tiết lộ trong cuộc gặp với người tương nhiệm, bà đã nêu vụ xử sắp diễn ra với các blogger thuộc Câu lạc bộ Nhà báo Tự do.
Ông Nguyễn Văn Hải (tức Điếu Cày), Phan Thanh Hải (Anh Ba Sài Gòn) và Tạ Phong Tần, sẽ bị đưa ra xét xử trong vụ án này.
“Chúng tôi lo ngại về hạn chế tự do ngôn luận trên mạng và phiên xử sắp tới với những người sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do,” bà Clinton cho biết.
Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định chỉ những ai vi phạm pháp luật mới bị bắt giam.
Ngoại trưởng Mỹ cũng công khai đề cập vấn đề chất da cam gây tranh cãi.
“Tôi đã nỗ lực rất nhiều để bảo đảm Hoa Kỳ đang đối diện vấn đề chất da cam. Đó là di sản mà chúng tôi vẫn quan tâm và đã tăng cam kết tài chính.”
“Ông bộ trưởng [Phạm Bình Minh] và tôi đã thảo luận về một kế hoạch dài hạn, để có thể nhìn tới không chỉ từng năm, mà nhìn về tương lai,” bà Clinton phát biểu.
Gặp lãnh đạo Việt Nam
Tại Hà Nội hôm 10/7, Ngoại trưởng Mỹ đã tiếp xúc với cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thông Tấn xã Việt Nam nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “hai bên cần tiếp tục nỗ lực tăng cường quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới”
Ngoại trưởng Mỹ đã có cuộc gặp với Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú TrọngViệt Nam xác nhận Thủ tướng Dũng và bà Clinton đã trao đổi về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và hợp tác tiểu vùng sông Mekong.
Theo Thông Tấn xã Việt Nam, hai người khẳng định tranh chấp chủ quyền “cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Việt Nam được cho là mong muốn phát triển quan hệ với Mỹ vượt quá mức độ thương mại. Nước này đã nói rõ rằng họ muốn có mối quan hệ chặt chẽ hơn với nước từng là cựu thù chiến tranh của họ trong bối cảnh căng thẳng về chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông.
Nói tại Hà Nội, bà Clinton nhấn mạnh Việt Nam “đã trở thành lãnh đạo ở tiểu vùng sông Mekong và Đông Nam Á, nơi Hoa Kỳ và Việt Nam chia sẻ các quyền lợi chiến lược”.
Hiệp định TPP
Một điểm nhấn của chuyến thăm ngắn ở Hà Nội là việc bà Clinton nói bà hy vọng hai nước có thể sẽ đạt thỏa thuận về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước cuối năm.
“Các kinh tế gia trông đợi Việt Nam sẽ thuộc số các nước có lợi nhất nhờ TPP.”
“Chúng tôi hy vọng hoàn tất thỏa thuận trước cuối năm,” bà Clinton nói.
Bà nói TPP sẽ giảm bớt rảo cản thương mại nhưng tăng tiêu chuẩn về nhiều lĩnh vực như điều kiện lao động, bảo vệ môi trường, bảo hộ tài sản trí tuệ.
“Sẽ phải có thêm không gian cho sự trao đổi tư tưởng tự do, củng cố pháp quyền, tôn trọng quyền của mọi người lao động trong đó có quyền lập công đoàn,” bà nói.
Hai chính thể vẫn còn nhiều khác biệt về tự do ngôn luậnCũng trong một ngày nhiều hoạt động, Ngoại trưởng Mỹ có mặt ở Đại học Ngoại thương Hà Nội để kỷ niệm 20 năm Chương trình Học bổng Fulbright của chính phủ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Tham dự chương trình là hơn 200 cựu sinh viên chương trình Fulbright và một số chương trình giáo dục khác của Hoa Kỳ, cùng với các sinh viên Đại học Ngoại thương.
Sứ quán Mỹ cho biết từ 20 năm qua, chương trình Fulbright đã đưa hơn 1.000 sinh viên, giáo viên và học giả Việt Nam sang Hoa Kỳ để học tập và nghiên cứu nâng cao.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tiếp hơn 20 doanh nghiệp Mỹ đi cùng bà Clinton.
Theo số liệu chính thức của chính phủ Mỹ thì năm ngoái Mỹ thâm hụt 13,2 tỷ đôla trong giao thương với Việt Nam. Tuy nhiên nền kinh tế dựa vào ngoại thương của quốc gia này đang cần một cú hích.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm xuống còn 4,38% trong nửa đầu năm 2012. Đây là tốc độ tăng trưởng chậm chạp nhất của nước này trong ba năm trở lại đây do tác động của các yếu tố như lạm phát cao và các khó khăn ở châu Âu.
“Tôi nghĩ một trong những điều then chốt ở đây là nếu chúng ta nhìn vào Asean thì sẽ thấy đây là một trong những khu vực trung lưu phát triển nhanh nhất trên thế giới,” một quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với các phóng viên tháp tùng bà Clinton.
“Và nếu chúng ta xem xét đâu là thành tố quan trọng trong sự phục hồi kinh tế của Mỹ thì rõ ràng xuất khẩu sẽ đóng vai trò trung tâm, nhất là xuất khẩu sang châu Á,” quan chức này nói thêm với điều kiện giấu tên.
Source: BBC
Sửa bởi người viết 10/07/2012 lúc 10:11:08(UTC)
| Lý do: Chưa rõ