Một đơn vị không gian mạng mới bao gồm 10.000 người mang tên "Lực lượng 47" đã bắt đầu hoạt động "để chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái," theo lời một tướng quân đội Việt Nam.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) bày tỏ lo ngại về loan báo của Việt Nam triển khai 10.000 "chiến binh mạng" để chống lại quan điểm bất đồng chính kiến trên Internet và gọi đó là một “cuộc tấn công nhắm vào quyền tự do thông tin.”
Cuối tháng 12 vừa qua, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, cho biết một đơn vị không gian mạng mới của quân đội bao gồm 10.000 người mang tên "Lực lượng 47" đã bắt đầu hoạt động "để chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái."
Những người này được mô tả là "vừa hồng vừa chuyên," vừa kiên định về ý thức hệ, vừa có trình độ và kỹ năng sử dụng công nghệ cao để thực hiện nhiệm vụ, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông cho biết.
RSF nói bước đi này của Việt Nam càng củng cố thêm lo ngại của họ về xu hướng các chính phủ tổ chức các đạo quân dư luận viên trên Internet để tấn công và làm im tiếng các nhà báo độc lập và các cơ quan truyền thông.
"Đây là một cuộc tấn công mới nhắm vào quyền tự do thông tin ở một quốc gia vẫn tiếp tục áp dụng mô hình kiểm duyệt chặt chẽ của họ trên mạng xã hội," Daniel Bastard, trưởng phụ trách bộ phận Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, nói. "Vào thời điểm mà 25 blogger Việt Nam đang ngồi tù, thông báo này xác định một cách thẳng thừng rằng Việt Nam quyết truy lùng và làm im tiếng các nhà báo công dân mà không hề cảm thấy tội lỗi."
Việt Nam là một trong những nước có số lượng người sử dụng Facebook đông nhất thế giới. Không như Trung Quốc, chính phủ Việt Nam không chặn truy cập vào Facebook. Thay vào đó, họ sử dụng tuyên truyền trực tuyến để kiểm soát và kiểm duyệt mạng xã hội.
Ít nhất 30 quốc gia đã thành lập những đạo quân dư luận viên tương tự được chính phủ trả tiền để phản bác những người bất đồng chính kiến trên mạng, theo báo cáo Tự do Net năm 2017 của tổ chức phi chính phủ Freedom House. Một trong những phương thức được sử dụng là tạo ra những bình luận gây nên ảo tưởng về sự ủng hộ tự phát dành cho chính phủ và các chính sách của họ.
Việt Nam đứng gần cuối bảng xếp hạng Thế giới về Tự do Báo chí năm 2017 của RSF - ở vị trí thứ 175 trong số 180 quốc gia.
Theo VOA