“Kẻ tám lạng, người nửa cân”, là những từ có thể dùng để đánh giá về hoạt động gián điệp của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Một mặt, chính quyền Washington tố cáo Bắc Kinh dùng tin tặc tấn công vào các cơ sở bảo mật của mình. Mặt khác, Hoa Kỳ lại dùng kỹ nghệ thông tin để theo dõi thông tin cá nhân các công dân trong nước lẫn ngoài nước. Báo chí Pháp hôm nay quan tâm đến đề tài này.
Le Monde tự hỏi “Edward Snowden sẽ còn có những tiết lộ gì nữa?”. 24 giờ đã trôi qua sau buổi nói chuyện với ký giả tờ The Guardian, nhưng không ai biết hành tung của anh ta ở đâu.
Chính quyền Mỹ bắt đầu một chiến dịch mà giới báo chí trong nước gọi là “cuộc săn lùng người” nhằm truy tìm tung tích của tác giả vụ rò rỉ thông tin nghiêm trọng nhất trong lịch sử của Cơ quan An ninh quốc gia NSA.
Đối với báo Libération, tính chất nghiêm trọng của vụ rò rỉ thông tin lần này cho thấy “Đế chế của sự bí mật đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát”. Lẽ dĩ nhiên, tờ báo dùng chữ “ngoài tầm kiểm soát” là muốn ám chỉ đến việc làm thế nào, một anh nhân viên vi tính trẻ tuổi, làm việc cho một nhà thầu nằm ngoài NSA lại có thể truy cập được vào các tài liệu mật mà anh ta đã tiết lộ trong tuần rồi.
“Ngoài tầm kiểm soát” là vì sự việc lần này cộng với vụ Wikileaks đã chứng tỏ rằng kể từ năm 2001, các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ đã phát triển với một nhịp độ điên cuồng đến mức công tác kiểm soát nội bộ không thể theo kịp.
Bị gián điệp Hoa Kỳ tấn công, châu Âu phòng vệ yếu ớt
Không như Hoa Kỳ lúc nào cũng kêu gào là nạn nhân của các vụ tin tặc Trung Quốc, ít ai biết được rằng châu Âu từng nhiều lần là nạn nhân thật sự của các hoạt động gián điệp Mỹ. Thế nhưng, trước vụ việc lần này, châu Âu lại có những phản ứng khá dè dặt như hàng tựa trên báo Les Echos “Giám sát mạng: Bruxelles lên tiếng chống Hoa Kỳ”
Về phần mình, báo Le Monde nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên châu Âu mới là nạn nhân của Mỹ. Năm 2000, châu Âu khám phá NSA sử dụng một mạng lưới của Anh quốc để theo dõi mạng lưới viễn thông trong một kế hoạch mang tên Echelon, nhằm thu thập các thông tin kinh tế, thương mại, công nghệ và chính trị. Le Monde lưu ý là vào thời điểm đó, Anh quốc đã lợi dụng mối quan hệ đặc biệt với Hoa Kỳ để dọ thám các đối thủ châu Âu.
Năm 2001, sau vụ tấn công khủng bố 11/09, Bruxelles buộc phải nhượng bộ Hoa Kỳ chuyển giao một số lượng dữ liệu quan trọng cho Washington dưới danh nghĩa chống khủng bố.
Đến năm 2006, châu Âu bất ngờ phát hiện ra là trong vòng 5 năm, Mỹ đã bí mật thâm nhập vào kho dữ liệu Swift chuyên bảo mật các hoạt động giao dịch tài chính cho các ngân hàng trên toàn thế giới.
Vấn đề là trước các hoạt động gián điệp ồ ạt và dồn dập của Hoa Kỳ, châu Âu lại tỏ ra khá vất vả trong việc tự vệ.
Sau các sự việc trên, châu Âu và Hoa Kỳ tiến hành nhiều cuộc thương lượng mà theo đánh giá của Le Monde khá khó khăn. Cuối cùng, một thỏa thuận được ký kết vào năm 2006. Theo đó, châu Âu được quyền đánh giá tính chính đáng các yêu cầu của Mỹ và có một đại diện tại quốc gia này để thực hiện công tác kiểm soát.
Trong số các thương lượng về trao đổi thông tin cá nhân, đặc biệt nhất là là vụ cung cấp thông tin cá nhân của các hành khách đi máy bay (PNR). Châu Âu phải mất đến 9 năm thương lượng và 4 văn bản khác nhau, hai bên mới đạt được một đồng thuận chung vào tháng 04/2012.
Theo đó, châu Âu chấp thuận cung cấp 19 dữ liệu liên quan đến tất cả các du khách của Liên hiệp hay đi đến Mỹ. Đổi lại, Washington thả nổi giấy phép nhập cảnh. Các dữ liệu thu thập sẽ được lưu giữ dưới dạng vô danh trong vòng 06 tháng, sau đó là 5 năm trên cơ sở “hoạt động” và cuối cùng là 10 năm trong cơ sở dữ liệu “ngủ yên”.
Tuy nhiên, cuộc thương lượng đó vẫn chưa thể nào giải quyết được vấn đề cốt lõi : ba trong số bốn công ty hàng không thế giới lưu trữ các dữ liệu đặt vé có trụ sở tại Hoa Kỳ. Nghĩa là, các cơ sở này phải tuân thủ luật pháp của nước này. Như vậy, trong trường hợp có sự cố, luật lệ châu Âu không thể làm gì được cho họ.
Cuối cùng, tờ báo còn cho hay, vụ tiết lộ thông tin cơ mật lần này còn cho thấy rõ một điều là Đức từng là một trong những quốc gia bị nhắm đến nhiều nhất trong hoạt động gián điệp của Hoa Kỳ. Đối với chính quyền Berlin, rất có thể là Washington cũng đã gởi gián điệp công nghiệp đến nước này.
Source: RFI