Ông Snowden trả lời phỏng vấn báo Hong KongCựu nhân viên CIA Edward Snowden nói Hoa Kỳ đã xâm nhập hệ thống máy tính của Hong Kong và Trung Quốc nhiều năm nay.
Cáo buộc nghiêm trọng nói trên được đưa ra trong cuộc phỏng vấn mà ông Snowden dành cho báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, đăng hôm thứ Năm 13/6.
Trong cuộc phỏng vấn được thực hiện tại một địa điểm bí mật trong thành phố, ông Snowden cũng nói ông sẽ ở lại Hong Kong để đấu tranh chống lại nỗ lực dẫn độ ông về Hoa Kỳ vì tội rò rỉ bí mật quốc gia.
Ông nói ông sẽ trụ lại "tới chừng nào người ta yêu cầu tôi ra đi", và rằng "tôi đã có nhiều cơ hội để rời Hong Kong, nhưng tôi quyết định ở lại và đấu tranh với chính phủ Mỹ tại tòa án vì tôi tin tưởng vào hệ thống pháp quyền của Hong Kong".
Không phải người hùngChính phủ Mỹ xác nhận bắt đầu điều tra hình sự đối với ông Snowden, người đưa ra các cáo buộc rằng chương trình theo dõi điện tử Prism gây tranh cãi bao gồm cả các máy tính của cá nhân và tổ chức tại Hong Kong và Hoa lục; chính phủ Mỹ đang gây áp lực với chính quyền Hong Kong đòi dẫn độ ông và ông quan ngại to lớn về an ninh của bản thân cũng như cho gia đình.
Edward Snowden nói ông không phải người hùng, nhưng cũng không phạm tội bội phản.
“Tôi không ở Hong Kong để lẩn tránh luật pháp, tôi có mặt ở đây để vạch trần tội ác."
Ông Snowden nói rằng dựa trên các tài liệu mà ông có, nhưng chưa được SCMP kiểm chứng độc lập, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã xâm nhập hệ thống máy tính ở Hong Kong và Trung Hoa lục địa từ năm 2009. Tuy nhiên ông nói các tài liệu này không cho thông tin về hệ thống quốc phòng của Trung Quốc.
Ông còn chỉ rõ rằng các mục tiêu xâm nhập của NSA ở Hong Kong là Đại học Trung Hoa (Chinese University of Hong Kong), các quan chức chính quyền, các doanh nghiệp và sinh viên.
Theo cựu nhân viên CIA, có 61.000 hoạt động xâm nhập của NSA trên toàn cầu, con số mục tiêu tấn công ở Hong Kong và Hoa lục lên tới hàng trăm.
Ông Snowden nói ông công bố các thông tin trên để cho thấy "sự đạo đức giả của chính phủ Mỹ khi tuyên bố rằng họ không nhằm vào các mục tiêu dân sự như các đối thủ khác”.
“Tôi không phải kẻ phản quốc mà cũng không phải anh hùng. Tôi là một người Mỹ,” ông nói, và thêm rằng ông rất tự hào được là người Mỹ.
"Tôi tin vào quyền tự do ngôn luận. Tôi làm điều mình cho là cần thiết, nhưng việc mọi người đưa ra ý kiến riêng của mình là lẽ tự nhiên thôi."
Quan ngại an toànEdward Snowden nói ông chưa liên lạc với gia đình và lo ngại về sự an toàn của họ.
“Tôi sẽ không bao giờ thấy an toàn."
“Mọi điều đối với tôi đều khó khăn trong lúc này, nhưng nói lên sự thật thì bao giờ cũng là chuyện mạo hiểm."
Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng các nước trên thế giới "sẽ không để Hoa Kỳ ép buộc vào chỗ truy bức những người tỵ nạn chính trị".
Khi được hỏi có phải chính phủ Nga đã đề xuất cho ông tỵ nạn hay không, Snowden nói: "Tôi chỉ muốn nói rằng tôi rất mừng khi có một số chính phủ không chịu để các nước lớn hà hiếp".
SCMP nhận định rằng vụ Snowden có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ Mỹ-Trung, ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Sunnylands, California.
Hàng chục nghìn người ủng hộ ông đã ký đơn xin tha tội cho Snowden tại Mỹ, và đóng góp tài chính để giúp ông.
“Tôi rất biết ơn mọi người đã ủng hộ tôi," Snowden nói. "Nhưng tôi đề nghị quý vị hành động vì lợi ích của chính mình, hãy dùng tiền đó để gửi thư lên cái chính phủ đã phạm luật mà còn khoe khoang ân nghĩa".
Edward Snowden nói ông muốn xin người dân Hong Kong quyết định số phận của ông.
Vụ rò rỉ thông tin này là một trong các vụ lớn nhất từ trước tới nay.
Thứ Bảy tới các nhân vật hoạt động địa phương dự định tuần hành ủng hộ ông Snowden tới trước tòa lãnh sự quán Hoa Kỳ vào lúc 3 giờ chiều.
Source: BBC