Người hầu bàn vừa để tô phở trước mặt tôi thì có ba người khách cùng đến ngồi vào ba chiếc ghế còn trống của cái bàn có bốn chỗ ngồi cho khách. Ngày lễ Quốc-khánh 14/7/1980 của Pháp nên tiệm phở đông khách Pháp lẫn Việt. Tiệm phở nằm trên khu phố Á-châu của quận 13 thuộc thành phố Paris. Họ là một cặp người Pháp và một thiếu niên Châu Á.
Tôi đưa mắt nhìn họ định nói lời chào xã-giao thì người đàn ông lên tiếng trước:
- Chào ông, ông là ông Hoàng ? Ông còn nhớ vợ chồng tôi không?
Tôi hơi bỡ ngỡ một chút rồi nhớ ra ngay. Người đàn ông là Daniel, trước năm 1975 làm việc tại lãnh sự quán Pháp, thành phố Đà-nẵng. Người đàn bà là Sophie vợ của Daniel. Ba chúng tôi đã quen biết nhau từ dạo ấy.
Chúng tôi bắt tay nhau mừng rỡ, hỏi thăm tin túc nhau sau sáu năm mất liên lạc.
Trước năm 1975, tôi làm việc cho Phòng văn hóa Pháp của thành phố Đà-nẵng nên chúng tôi gặp nhau thường xuyên và biết rõ nhau như trong một gia-đình. Khi thành phố Đà-nẵng bị mất vào tay quân-đội Bắc-việt, chúng tôi không còn có tin tức của nhau.
Daniel chỉ tay về phía cậu thiếu niên mặt mày sáng sủa ngồi đối diện và hỏi tôi:
- Ông Hoàng còn nhớ Văn không, con của Liên đấy?
Tôi do dự một chút rồi gật đầu:
- Tôi nhớ rồi, Văn bây giờ cũng mười tuổi rồi, nếu tôi nhớ không sai.
- Tháng 10 tới sẽ là sinh nhật thứ Mười của cháu, Sophie nói.
Tôi bắt tay Văn, nhìn kỹ vào mặt Văn, thấy cháu giống Luân nhiều hơn giống Liên.
Khi chia tay, Sophie mời tôi dự sinh nhật của Văn vào đầu tháng tới và không quên nói thêm:
- Bà ngoại của Văn hiện đang sống với gia-đình chúng tôi. Ông sẽ có dịp gặp lại đồng hương của ông.
*****
Tôi và Luân là đôi bạn từ những năm còn học tiểu-học cho đến những năm hoàn tất xong tú tài phần thứ nhất thì xa nhau.
Tôi không biết rõ về gia-đình của Luân, chỉ biết Luân sống với gia-đình người chú, buôn bán tạp hóa trong chợ Hàn Đà-nẵng. Luân cao ráo, đẹp trai, nhất là cặp mắt, hai con mắt của Luân long lanh như hai viên bi chai.
Đậu xong tú-tài bán phần, tôi xin được việc làm tại Phòng văn hóa Pháp, thì một hôm tôi bị ty cảnh-sát Quốc-gia Dà-nẵng mời. đến ty nói chuyện. Người cảnh-sát trẻ tuổi và lịch sự hỏi tôi rất nhiều về mối quan-hệ giữa tôi và Luân.
Tôi trả lời rất rõ-ràng rằng hai chúng tôi chỉ là bạn học, ngoài sinh hoạt học-đường và giao-lưu bạn bè thì không có gì đặc biệt, nguoi cảnh sảt hỏi rất nhiều về Luân, hỏi tôi có biết cách sinh hoạt bạn bè và giao tiếp của Luân, tôi đã trả lời ngay thẳng những gì tôi đã biết cho người thẩm-vấn nghe.
Khi hỏi về Liên, vợ mới cưới của Luân, tôi cũng đã khai những gì tôi biết về hai nguoi từ lúc mới quen nhau.
Giữa năm học thi tú-tài một, một ngày chủ nhật, tôi và Luân cùng ba người bạn trong lớp rủ nhau đi Hội-an để ăn mì Cao-lầu bà Cảnh ,tiệm cao lầu nổi tiếng thời đó. Chúng tôi ngồi vào một bàn đã có một cô gái đang ngồi ăn.
Lúc bắt đầu ăn, Luân đưa tô mì lên ngữi hít hít vài tiếng rồi nói:
- Tô mì của tao sao không thơm mùi mì mà chỉ thom mùi nước hoa của con gái.
Chúng tôi cùng cười biết Luân đang ghẹo cô gái, tôi nhìn thấy mặt cô gái hồng lên, mặt cúi gầm xuống tô mì đang ăn, cô mắc cỡ. Ngoài vẻ đẹp trai, Luân có thêm tính khôi hài nên Luân có nhiều bạn bè trai lẫn gái. Phụ họa theo Luân, tất cả chúng tôi đều chúi mũi vào tô mì của mình, cùng hít hít và nói:
- Đúng, đúng, tô mì của tao cũng có mùi dầu thơm của đàn bà con gái.
Cô gái không ăn hết tô mì, vội vã bước đến quày trả tiền.
Cô vừa bước ra khỏi quán thì Luân cũng để tô mì lại bàn ăn, hấp tấp bước đi theo cô gái. Luân không quên quay đầu lại nháy tụi tôi, một tay che miệng nói :
- Em không đẹp mà dễ thương, phải không tụi bây?
Hôm đó chờ mãi không thấy Luân quay lại quán, bọn chúng tôi đành trở về Đà-nẵng.
Ngày hôm sau vào trường, Luân báo cáo lại cho chúng tôi nghe như sau:
Luân theo cô gái từ quán Cao-lầu đến đường Nguyễn-thái-Học thì cô dừng lại trước một ngôi nhà có một cô gái khác cùng trang lứa đang lau cửa kính. Hai người nhỏ to với nhau vài câu rồi cô gái “dễ thuơng”tiếp tục đi. Bỗng nhiên cô gái đang lau kính gọi theo:
- Liên, ngày mai sau buổi dạy nhớ ghé lại đây giúp mình cắt bộ đồ ngủ cho thằng em, bộ đồ ngủ nó đang mặc cũ quá rồi.
Liên quay người lại trả lời cô gái đang lau kính:
- Ngày mai mình hơi bận chút xíu không đến giúp bạn được, Hôm nay không dạy, bây giờ mình vào trường gặp bà hiệu trưởng có chuyện riêng, chút nữa mình trở lại giúp bạn được không ?
Cô gái lau kính cười lớn tiếng:
- Vậy thì tốt quá, mình chờ bạn và sẽ nấu chè bắp đãi bạn.
Kể đến đây Luân cười thích thú về chiến công của minh:
- Em tên Liên. Em dạy trường tiểu học Nam sinh Hội-an, hôm đó tau theo sát cho đến lúc em vào trường. Tau chưa biết nhà em ở đâu, nhưng rồi sẽ biết, nhất định sẽ biết.
Tuần lễ tiếp theo, sau ngày thứ năm không có giờ học, Luân vào Hội-an đến trước trường tiểu học Liên đang dạy, chờ giờ tan học Luân theo Liên cho đến tận nhà.
Hai tuần sau nữa, Luân khoe với chúng tôi: Luân đã viết thơ và nhờ một học sinh trong trường chuyển cho cô giáo Liên.
Tết năm đó, trường chúng tôi có tổ chức hội-chợ, chúng tôi thấy Luân và Liên tay trong tay đến tham dự.
Tất cả chúng tôi đều thán phục tài chinh phục người đẹp của Luân.
Sau kỳ thi tú tài bán phần, Luân và chúng tôi đều có kết quả tốt. Luân nghỉ học và làm đám cưới với Liên rồi theo vợ vào sống ở Hội-an.
Những tháng sau đó, thỉnh thoảng cuối tuần, tôi thường gặp Luân và Liên về Đà nẵng thăm bà Loan. Bà Loan là mẹ của Liên, bà đang giúp việc nội trợ cho gia đình Daniel và Sophie. Vì làm việc chung tại Phòng văn hóa Pháp, tôi thường xuyên gặp cặp vợ chồng này tại nơi làm việc hoặc tại nhà riêng vì nhà của họ tọa lạc trong khuôn viên phòng văn hóa. Chúng tôi hay uống trà hay cà-phê tại nhà họ, hầu như mỗi buổi sáng, do đó tôi quen biết bà Loan làm viêc tại nhà hai người nầy.Tôi gặp bà Loan là mẹ của Liên lần đầu khi dự ngày cưới của Liên và Luân.
Liên là con gái duy nhất của bà Loan, bà dân Quảng-nam nhưng học trường Jeanne d'Arc ngoài Huế, nhờ vậy bà có vốn tiếng Pháp rất khá. Bà có chồng là một sĩ quan quân đội Quốc-gia thời thuộc Pháp năm mười tám tuổi. Khi bà mang thai Liên thì chồng tử nạn. Bà xin được việc làm cho vợ chồng Daniel và Sophie khi được tin tòa lãnh sự Pháp cần tim một phụ nữ biết tiêng Pháp giúp việc nhà. Bà nạp đơn và được chấp nhận. Lúc đó Liên đang được bà Loan gởi cho gia đình bên nội nuôi tại Hội-an.
******
Vài ngày trước khi tôi bị Cảnh-sát Quốc-Gia Đà-nẵng mời tới hỏi về quan hệ giữa tôi và Luân, thì bạn bè trong trường cũng như ngoài trường, bàn tán việc Luân mất tích. Một vài tin nói Luân hoạt động cho Việt-cộng nên bị bắt. Một tin khác nói Luân về thăm quê thì bị du kích Cộng sản địa phương đến nhà bắt đi vào ban đêm. Một vài tin nữa nói Luân "chạy núi" vì cha mẹ Luân trước đây cũng đã "chạy núi", nên Luân mới được người chú đem về nuôi dưỡng. Nhiều tin đồn như vậy nên tôi không biết tin nào chính xác.
Tôi đến thăm bà Loan, bà cho biết ty Cảnh-sát quốc gia Hội-an cũng có mời Liên hỏi tin túc về Luân. Liên có kể cho bà biết cha mẹ Luân "chạy núi" khi Luân mới có năm tuổi, nhưng trước khi cưới nhau Luân chỉ cho biết cha mẹ của Luân chết vì tai nạn lụt lội tại quê nhà quận Hiếu-Đức. Luân được người chú đem về nuôi.
Sau nhiều lần Liên hỏi và nhắc Luân cho biết ngày chết của cha mẹ chồng để hằng năm nàng làm giỗ, biết không che dấu hoài được, Luân phải cho Liên biết Cha mẹ "thoát ly" hoạt động cho Cộng sản trong mật-khu Quảng-Đà.
Một một ngày không xa sau khi bị cảnh-sát quốc-gia mời hỏi tin tức về quan hệ giữa tôi và
Luân, tôi có dịp đi Túy-Loan do lời mời của người bạn cùng xóm đã nhập ngũ, hiện đóng quân ở miền Tây, nhân có dịp về phép thường-niên, chúng tôi rủ nhau về quê ngoại ăn mì Quảng.
Túy-Loan là một phố nhỏ an bình trong thời chiến, thuộc quận Hòa-vang Quảng-Nam. Chi khu Hiếu-Đức đóng tại đây.. Từ Đà-nẵng, nếu dùng xe Honda làm phương tiện di chuyển thì chỉ mất hai mươi phút. Mì-quảng Túy-Loan nổi tiếng ngon nhưng chỉ bán hàng gánh hai bên đường hoặc trong chợ. Tôi tình cờ gặp trung sĩ Tân, bạn cùng lớp, nhưng Tân đã nghỉ học sau khi thi rớt trung học, đăng vào lính, đang làm phụ tá ban 2 của Chi khu Hiếu-Đức.
Tân đã ăn xong, đang trả tiền thì chúng tôi vừa tới. Sau vài câu chào hỏi nhau,Tân vội vàng mở máy xe Honda để trở về chi-khu làm việc. Truớc khi cho xe chạy, Tân nói với tôi:
- Hoàng còn nhớ thằng Luân không, trước đây nó học chung lớp đệ tứ với bọn mình đó, nó "chạy núi" rồi. Hiện nó đang hoạt động vùng ven quận Hiếu-Đúc.
Tôi gật đầu trả lời:
- Anh em bạn cũ nói với nhau, chỉ nghe Luân mất tích thôi.
Tân lắc đầu:
- Mất tích gì ! Nó đang hoạt động cho du-kích huyện Hòa-Vang, địa bàn chi khu Hiếu-Đức, mình làm trong ban 2 của chi khu nên tin tức rất chính xác.(1).
Tôi đem lời của Tân kể lại cho bà Loan nghe. Bà và tôi đồng ý không cho Liên biết tin nầy vì Liên đang có thai.
Nhân ngày lễ kỹ niêm Hai Bà Trưng năm đó, mồng 6 tháng 2, Liên được bà Loan đưa về quê chồng quận Đại-lộc để thăm bà con, đồng thời tìm người giúp việc cho Liên trong thời gian sinh nở vì ngày ở cử gần đến.
Xe đò chở 2 mẹ con đến gò Cà thì bị mìn, nhiều người chết và bị thương. Bà Loan bị thương nhẹ, Liên bị nặng, máu ra quá nhiều nên ưu tiên được trực thăng tải thương đưa về cấp cứu tại bịnh viện Đà-nẵng.
Gò Cà là một địa danh nằm trên trục giao thông nối liền quận Hiếu-đúc và quận Đại-lộc, nhưng thuộc lãnh thổ chi khu Hiếu-đức.
Liên bị mảnh mìn ghim vào đầu khá sâu, bể sọ não nên không thể cứu được và để bảo toàn sinh mệnh cho thai nhi, bác sĩ đã giải phẫu bào thai, cứu đứa trẻ, một bé trai.
Bà Loan đặt tên cho cháu là Văn. Bà nuôi cháu được vài tháng thì vợ chồng Daniel và Sophie lập thủ tục nhận Văn làm con, vì Sophie và Daniel bị hiếm con. Bà Loan trở thành quản -gia cho gia-đình Daniel và Sophie, đồng thời săn sóc nuôi dưỡng Văn. Thời gian đó là vào giữa năm 1970.
********
Sau ngày dự sinh nhật của Văn, tôi có dịp gặp lại bà Loan thường xuyên vì chúng tôi cùng cư ngụ trong thành phố Paris đồng thời Daniel và Sophie muốn tôi đến chơi thường xuyên để nói tiếng Việt với Văn.
Sophie có lần nói với tôi :
"Cái chết của mẹ Văn là một thảm cảnh của chiến tranh”.
Sophie rất yêu mến nước Việt-Nam, một đất nước, một dân tộc triền miên trong chiến tranh, không bên nào chịu công nhận sự hòa giải. Người dân vô tội chết nhiều hơn các nguời lính tham dự trực tiếp vào cuộc chiến. Dân chết tức tửi và oan nghiệt, Chết khi đang vui cười, chết khi đang chia sẻ ái ân và thương yêu, chết khi đang nằm ngủ yên thanh thản, chết không có hận thù...
Vợ chồng Sophie không muốn đổi tên Văn bằng một tên Tây vì tôn trọng giòng máu thuần túy Việt-nam và họ không muốn đứa trẻ khi lớn lên quên mất cội ngưồn của mình.
Bà Loan thường tâm-sự với tôi, đợi khi nào Văn lớn lên và trưởng thành bà sẽ đem Văn về nước cho thăm viềng mồ của Liên và tìm thăm tin tức Luân, người cha biệt tăm khi Văn vừa mới tượng hình trong bụng mẹ. Bà vẫn hi-vọng Luân còn sống một nơi nào đó trên quê hương sau khi cuộc chiến đã tàn. Hiện tại bà không muốn ai cho Văn biết về cái chết của mẹ Văn cũng như sự ra đi theo tổ chức MTGP/MNVN của Cộng sản Hà-nội thời đó của cha Văn, Luân. Bà chỉ muốn, sau nầy khi Văn lớn lên, tự tìm hiểu một cách khách quan và công bình, bỡi lẽ theo bà, người đã sống trong thời chiến thường có thiên kiến, không khách quan.
Bà Loan thường nói với tôi, tận lòng bà, bà không muốn sống trên nước Pháp, bà đến Pháp như là một an bày của thời thế.
Bà kể, sau khi Văn được vợ chồng Daniel và Sophie nhận làm con nuôi và bà giúp đôi vợ chồngnầy săn sóc Văn thì vào tháng 2/1975 khi thành phố Đà-nẵng sắp sửa bị mất vào tay Cộng sản Hà-nội, Toàn bộ lãnh sự quán Pháp tại Đà-nẵng có lệnh di chuyển vào Sài-gòn. Bà theo gia-đình Daniel và Sophie định tạm vào Sài-gòn tránh chiến-tranh ác-liệt, nhưng chuyến bay hôm đó của lãnh sụ quán không đáp xuống phi-trường Tân-sơn-Nhất được vì phi trường đã quá tải nên phi đoàn có lệnh bay qua phi-trường Thái-Lan chờ lệnh. Sau gần mười ngày chờ đợi ở Thái Lan, phi hành đoàn được lệnh bay thẳng về Pháp vì tình hình chiến sự không thuận tiện cho hành khách của chuyến bay trở lại Viêt-Nam.
Kể từ đó, bà trở thành người tị-nạn vô-tổ quốc trên nước Pháp.
Mùa hè năm 1985, tôi đến OFPRA, cơ quan Pháp bảo vệ người tị-nan và người vô tổ quốc để điều chỉnh vài giấy tờ cần thiết, tình cờ tôi gặp lại Tân. Tân và gia-đình vượt biển tị-nạn cộng sản được tàu Ile de-Lumière của Pháp cứu, và đang được một chủ nông-trại Pháp vùng Midi bảo trợ. Trong lúc chờ đợi giờ hẹn, hai chúng tôi cùng uống cà-phê mua từ máy tự động. Khi nhắc đến bạn bè cũ ai còn, ai mất, ai đang ở đâu,Tân lại nhắc đến Luân. Tân biết tôi và Luân thân nhau thưở còn đi học. Tân nhắc, sau ngày Luân đưa du-kích xã về đặt mìn ở Gò-Cà trên trục lộ xe đò chở khách Đà_nẵng Đai-Lộc, gây ra cái chết cho Loan, vợ nó và một số hành khách năm 1970, mấy tuần sau nó lại đưa du-kích về vùng ven chi-khu Hiếu- Đức tiếp tục đặt mìn xe đò và bắn sẻ. Được mật báo, chi khu Hiếu-Đức mở cuộc hành-quân phục kích.
Kết quả, Luân bị bắn chết đang lúc gài-mìn, mìn nổ nên chết không toàn thây. Nỗi xót xa chĩu xuống toàn thân tôi, nước mắt tôi bất giác trào ra không ngăn lại được.Tôi im lặng, nghe nỗi buồn lặng vào tim. Tôi hỏi Tân:
- Sao bạn biết Loan chết do mìn của Luân đặt ?
Tân trả lời không do dự:
- Thời đó, đó chỉ có Luân làm trưởng du kích vùng đó. Tin kiểm thính điện đài Chi khu cũng nghe được báo cáo của Luân lên cấp trên của nó về việc đặt mìn; ngoài ra còn có tin của mật báo và của dân chúng địa phương.
Tôi không đem chuyện nầy kể lại cho một ai.
Năm 1995, bà Loan qua đời sau một cơn bạo bịnh. Trước khi ra đi, bà trăn trối nhờ tôi khi nào Văn học hành thành tài, có công ăn việc làm nên tìm cách đưa Văn về Việt-nam tìm thăm mộ của Liên và tìm tin tức của Luân. Bà trao cho tôi một tấm hình chụp Luân và Liên trong ngày cưới. Bà căn dặn tôi, nếu sau
nầy không biết tin túc của Luân thì xem như Luân đã chết, hướng dẫn Văn thờ phượng cha mẹ trên chùa, lấy ngày chết của Liên làm ngày chết của hai người.
Năm 2000, Văn làm việc được hai năm sau khi ra trường Kỹ-sư cầu cống, được chính phủ Pháp cử qua Việt-nam trong công-tác của chương-trình Viện trợ phát triển giao thông.Văn sẽ làm việc tuyến đường Huế -Đà-nẵng. Được tin nầy, tôi rất vui mừng, biết đây là cơ hội giúp Văn tìm thăm mộ của Liên. Ngày đám tang Liên tôi có tham dự, biết Liên được chôn trong nghĩa trang thành phố thời bấy giờ. Tôi đề nghị việc nầy và được Văn vui mừng chấp thuận.
Một tháng sau, tôi về Đà-nẵng. Thành phố thay đổi quá nhiều; tôi đi trong lòng quê hương, nơi được sinh ra và được lớn lên mà cảm thấy mình như một người xa lạ.nCảnh vật và người đều đổi thay. Ngôi nhà cũ không còn dấu tích. Bà con chòm xóm không biết trôi lạc phương nào. Bạn bè tan biến một nơi nào đó. Đi trong lòng phố, mỗi bước chân như gánh nặng nỗi đau thương. Cảnh vật cứ nhỏa đi vì nước mắt.
Khi đền nghĩa trang, một cảnh hoang tàn trước mắt. Nghĩa trang đã được dời đi trước đó mấy tháng để mở một con đường xuyên qua đó. Lòng tôi nhói đau, khi được biết con đường nầy đang nằm trong chương trình Văn đang thực hiện .
Tôi và Văn hỏi thăm một người dân có nhà cạnh khu nghĩa-trang để được biết những ngôi mộ không có thân nhân di dời đã được đưa về đâu, họ lắc đầu,trả lời theo tiếng thở dài: những mộ vô chủ đã được hỏa thiêu,tro cốt nghe nói được rãi một nơi nào đó không ai biết.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Văn khóc, không biết Văn nghĩ gì trong đầu lúc đó. Tôi yên lặng đứng cạnh Văn,nghe tiếng uất nghẹn trong ngực Văn. Tôi cũng không cầm được nước mắt. Những ngày sau đó, vẫn còn nghe tiếng Văn thở dài.
******
Sau khi Văn trở lại Huế làm việc, tôi còn hai ngày để chờ có chuyến bay vào Sài-gòn để về lại Pháp.Tôi nhớ lời bà Loan dặn trước khi chết, nhân còn thòi gian, tôi đón xe ôm đi Đại-Lộc tìm tin tức người cháu họ bên chồng của bà. Biết tôi muốn đi Đại-Lộc, người xe ôm của tôi hỏi giới thiệu một người khác chuyên chạy khách đường Đại-Lộc. Khi xe chạy ra khỏi thành phố khoảng hai mươi phút, người lái xe ôm đột nhiên quay lại hỏi tôi:
- Ông biết chỗ nầy không?Thời chiến tranh nơi nầy du kích hoạt động mạnh lắm, lính Cộng hòa và lính du-kích Giải-phóng đụng độ nhau thường xuyên ở đây.
Tôi không trả lời câu hỏi của người lái xe ôm, ông nói tiếp:
- Nơi đây xe đò bị chạy trúng mìn làm nhiều người chết lắm. Tôi có ông chú lái xe đò đường nầy bị mìn chết, chuyến đó chết mấy người, trong số đó có một cô giáo đang mang thai bị thương nặng không cứu được, phải mỗ người mẹ để cứu đứa con. Người ta nói thằng du-kích đặt mìn hôm đó là chồng của cô giáo. Thằng du-kích đó mấy tuần sau bị lính Cộng hòa bắn chết, chôn xác ở Gò-Cà.
Người xe ôm đưa tay chỉ vào khoảng trống thưa thớt vài hàng cây lớn, nói tiếp:
- Sau Giải-phóng ,người ta quy hoạch nơi đây làm Nghiã trang Liệt-sĩ, nhưng liên tiếp mấy năm rồi nước lũ mạnh quá đã cuốn trôi mất nghĩa trang nầy,nay chỉ còn một ngọn đồi trống.
Để tham gia vào câu chuyện của người xe ôm, tôi hỏi: "Chuyện thời đó sao chú biết rành vậy?"
Người xe ôm trả lời trong giọng cười chua chát:
- Lúc đó tôi được năm hay sáu tuổi rồi, ông già tôi là lính Địa-phương Quân trong quận Hiếu-đức. Gia đình tôi ở trong trại gia-binh, ban đêm mọi người đều ngủ dưới hầm để tránh pháo-kích của mấy ông trong rừng, nên chuyện gì xẩy ra quanh chi khu, chúng tôi biết hết. Hôm chiếc xe hàng bị trúng mìn do chú tôi lái, tôi có chạy ra đây xem nên thấy hết. Mấy tuần sau thì thằng du-kích đặt mìn kỳ đó lại mò về tính gài mìn tiếp nhưng bị Nghĩa-quân và Đia-phương-quân chi khu phục kích bắn chết nó với hai tên khác cùng đi.
Tôi nghĩ đến Liên, tôi nghĩ đến Luân, tôi đang nghĩ đến chiến tranh không tha cho một ai, dù người tham gia hay không tham gia cuộc chiến.
.Như để san sẻ hiểu biết về sự mất mát người chú lái xe đò của người xe ôm, tôi nói:
- Chiến tranh không chừa một ai phải không chú ? Và tôi nói tiếp những lời không kiểm soát được, như muốn che đậy sự thật, không muốn nói đến cái chết của Luân:
- Tôi có một người bạn học, vào một mùa hè năm nào đó, đi honda về thăm quê, khi đi ngang qua đây ( Gò-Cà )thì bị bắn sẻ chết. Hồi chiến tranh nghe nói đến địa danh Gò-Cà nhưng nay mới được biết tường tận tại chỗ.
Đến Đại Lộc, người xe ôm giúp đưa tôi chạy lòng vòng qua nhiều khu dân cư tìm hỏi thăm tin-tức người cháu họ của chồng bà Loan, không một ai biết.
Trên đường trở về, tôi mời người xe ôm dùng cơm trưa một quán bên đường. Lúc đang ăn người lái xe ôm hỏi tôi:
- Tôi tin chắc là ông người Việt sống ở nước ngoài mới về nước?
Tôi cười:
- Sao ông biết ?
Người lái xe ôm nhỏ nhẹ đáp:
- Có gì đâu mà không biết, khi đưa ông chạy vòng vòng hỏi thăm tin tức người nhà của ông,
những người ông hói và được trả lời không phải là dân địa phương, họ toàn là dân ngoài Bắc đưa vô sau chiến tranh. Lúc đầu là mấy ông mấy bà làm tổ trưởng,khóm trưởng, phường trưởng cùng gia đình, sau đó là bà con xa gần, rồi cả một làng. Dân chúng cũ ở đây "kỵ" nhữngngười nầy lắm nên lần hồi bỏ đi nơi khác Họ là người mới mà ông tìm người cũ thì làm sao họ biết được. Chỉ có người sống ở nước ngoài như ông
mới không biết thôi.
Lúc rời quán cơm,tôi không quên tìm mua một bó nhang.Trên đường về,người lái xe ôm theo yêu cầu của tôi, dừng xe tại Gò-Cà.Tôi đốt nhang và chia một ít cho người lái xe ôm, theo lời chú kể, có người chú lái xe đòchết vì mìn ở đây, tôi có người bạn bị bắn "sé" chết ở đây, vậy hôm nay có dịp chúng ta thắp cho những người nằm ở đây một nến hương để tưởng nhớ họ.
Cảnh vật thay đổi nhiều, người lái xe ôm cũng không còn nhớ rõ nơi chiếc xe đò của người chú bị mìn nổ; hai chúng tôi đi tìm một chỗ cao bên đường thắp nhang. Tôi nghe lòng rưng rưng và nước mắt trào ra. Tôi nghĩ đến Liên, tôi nghĩ đến Luân, tôi nghĩ đến Văn, những bi đát của chiến tranh đă mang đến cho họ. Tôi nghe tiếng chim cu đất gọi nhau tù những hàng cây soan trơ trụi lá từ xa vọng lại, âm thanh hòa trong ánh sáng vàng vọt của buổi chiều, cảnh vật âm -u như có bóng hình ai đó ẩn-hiện bên trong.
Bàn tay người lái xe ôm chạm vào người tôi ,trở về thực tai, người xe ôm nói:
- Chúng ta đi thôi,chiều rồi.
Tôi theo người lái xe ôm, tôi nghe ông nói: người chú của tôi chết cũng còn trẻ lắm.
Hai mươi tuổi vào lính.
Hai mươi ba tuổi bị thương; được giải ngũ, làm nghề lái xe đò,còn mấy tháng nữa cưới vộ thì bị chết. Ông quay lưng lại, nhìn vào khoảng xa xôi nào đó, lắc đầu, đôi mắt ông buồn hiu hắc.
Tôi ngồi sau xe,một cơn gió nhẹ tù hướng trong gò đất cao thổi đến,cơn gió thật nhẹ nhưng tôi cảm thấy rùng mình, lạnh toàn thân, tôi nghe như có tiếng đàn tì Bà thoáng qua.đâu đó. Tôi thấy người lái xe ôm cũng rùng mình. Ông nói:
- Ở đây,vào buổi chiều thường có những cơn gió như vậy, gió rất nhe nhưng làm lạnh người, tiếng gió như tiêng thở của những ai đó từ ngọn đồi xa kia mang đến.
Trước khi rời Gò-Cà, người xe ôm nói tiếp:
- Ông biết không, người dân vùng nầy gọi những cơn gió như "rứa" là lời than của đất.?
Tôi im lặng tụ hỏi: Sao không gọi là lời than của người đã chết ? Người ta muốn quên đi dấu vết của một địa danh chiến tranh ?
Tôi lại nghĩ trong đầu: không biết lúc nào Văn trở lại Pháp? Lúc đó tôi sẽ giúp Văn đưa tấm hình chụp đám cưới của cha mẹ nó vào thờ trong chùa. Tôi cũng không biết có nên kể lại cho Văn biết về cái chết của Luân và Liên ?
Tôi phải quyết định sao đây ?
Nguyễn Đại Thuật
_______________________
(1) Ban 2:có trách nhiệm thu nhận tin tức tình báo đói phương thời chiến tranh.