Ủy viên Châu Âu về công nghệ số Mariya Gabriel trả lời phỏng vấn AFP tại trụ sở Ủy Ban Châu Âu, Bruxelles, ngày 08/03/2018. EMMANUEL DUNAND / AFP
Ủy viên châu Âu về công nghệ số, bà Mariya Gabriel ngày 09/03/2018 khi trả lời phỏng vấn AFP khẳng định cần « gia tăng nỗ lực » chống nạn bóp méo thông tin trên mạng trong các kỳ bầu cử.
Ngày 25/04/2018 tới đây, bà Gabriel sẽ đề xuất với Ủy Ban Châu Âu những phương án ban đầu để truy quét « fake news » (tin giả) trên mạng xã hội, ở tầm mức châu Âu. Hồ sơ này đã được tranh luận ráo riết ở Đức mùa hè rồi, còn Pháp trong vài tuần tới sẽ đưa ra các đề nghị tương tự.
Bà Mariya Gabriel giải thích : « Cũng chính vào dịp bầu cử, mà chúng tôi nhận ra hiện tượng này đã dẫn đến hậu quả to lớn như thế nào trong sự chọn lựa của cử tri». Những khuyến cáo đầu tiên được đưa ra dựa trên một báo cáo sẽ được nhóm chuyên gia chính thức công bố vào thứ Hai tới.
Nhóm chuyên gia này gồm đại diện các phương tiện truyền thông lớn của châu Âu (RTL, Mediaset, Sky News), xã hội dân sự (RSF), các tạp đoàn lớn về công nghệ (Facebook, Twitter, Google), giảng viên đại học và các nhà báo.
Khi được hỏi Nga có bị nằm trong tầm ngắm hay không, bà Gabriel cho rằng « không có thủ phạm duy nhất ». Theo bà, quan trọng nhất là « tính minh bạch để giúp nhận diện nguồn tin ». Chẳng hạn trong thời gian bầu cử, cần phải nói rõ những gì do một chính đảng trả chi phí, chứng tỏ cho công dân thấy những thông tin đó nằm trong một chiến dịch gây ảnh hưởng. Bà Gabriel cũng đề nghị có kế hoạch giáo dục giới trẻ trong vấn đề này.
Hôm qua tổng tư lệnh lực lượng NATO ở châu Âu, tướng Mỹ Curtis Scaparrotti cũng cảnh báo, các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ chưa phối hợp chặt chẽ để bảo vệ đất nước trước mối đe dọa tin tặc từ Nga, và « chiến dịch gây bất ổn » của Matcơva. Điều trần trước Hạ Viện Mỹ, ông khẳng định Nga mưu toan gây sứt mẻ liên minh giữa các nước thành viên NATO, đặc biệt thông qua việc lan truyền các tin giả trên mạng.
Theo RFI