Facebook bắt đầu ‘kiểm chứng’ hình ảnh và video Hoạt động kiểm chứng bắt đầu vào ngày thứ Tư tại Pháp với sự trợ giúp của hãng thông tấn AFP và sẽ sớm mở rộng sang nhiều nước và đối tác khác, Tessa Lyons, giám đốc sản phẩm tại Facebook, nói.
Facebook hôm thứ Năm cho biết họ đã bắt đầu "kiểm chứng" các hình ảnh và video để giảm những nội dung lừa bịp và những thông tin ngụy tạo đã xuất hiện tràn lan khắp mạng xã hội lớn nhất thế giới này.
Facebook từ nhiều tháng qua đối mặt trước sự phẫn nộ của người dùng về nhiều vấn đề, từ sự lan truyền tin vịt cho đến việc sử dụng mạng xã hội này để thao túng các cuộc bầu cử và việc công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica thu thập dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook.
Những hình ảnh và video bị chỉnh sửa là một vấn đề khác đang gia tăng trên mạng xã hội.
Hoạt động kiểm chứng bắt đầu vào ngày thứ Tư tại Pháp với sự trợ giúp của hãng thông tấn AFP và sẽ sớm mở rộng sang nhiều nước và đối tác khác, Tessa Lyons, giám đốc sản phẩm tại Facebook, nói trong một buổi họp báo với các phóng viên.
Bà Lyons không cho biết những tiêu chí nào của Facebook hoặc của AFP sẽ được sử dụng để thẩm định hình ảnh và video, hoặc một bức hình có thể bị chỉnh sửa nhiều tới mức nào thì mới bị xác định là giả tạo.
Dự án này là một phần trong "những nỗ lực chống lại tin tức sai lạc xung quanh các cuộc bầu cử," bà nói.
Chưa có bình luận nào từ AFP.
Facebook đã thử những cách khác để ngăn chặn tin vịt lan truyền. Họ đã sử dụng những người kiểm chứng thuộc bên thứ ba để xác định những chuyện tin vịt và sau đó không cho những chuyện này xuất hiện quá nổi bật trên News Feed của Facebook khi mọi người chia sẻ đường dẫn tới chúng.
Vào tháng 1, Giám đốc Điều hành Mark Zuckerberg nói Facebook sẽ ưu tiên các tin tức "đáng tin cậy" bằng cách sử dụng các cuộc khảo sát thành viên để xác định các trang cung cấp tin tức chất lượng cao.
Alex Stamos, giám đốc an ninh của Facebook, nói trong cuộc họp báo rằng công ty không chỉ lo ngại về thông tin sai lạc mà còn về những sự giả mạo khác.
Ông nói Facebook muốn giảm thiểu "khán giả giả mạo," những đối tượng mà ông mô tả là sử dụng "chiêu trò" để mở rộng một cách giả tạo nhận thức về sự ủng hộ dành cho một thông điệp cụ thể nào đó, cũng như "lối thuật chuyện sai trái," chẳng hạn như những hàng tít và ngôn từ "khai thác sự bất đồng."
Theo VOA