logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 29/03/2018 lúc 09:54:25(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,807

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Lời người dịch: Ron Rash là tác giả tiểu thuyết Serena (chung kết giải thưởng văn chương PEN/Faulkner 2009), và ba tiểu thuyết One Foot in Eden, Saints at the River, và The World Made Straight; ba tuyển tập thơ; ba tuyển tập truyện ngắn, trong đó tập Chemistry and Other Stories vào chung kết giải văn chương PEN/Faulkner 2007. Hai lần nhận giải O.Henry, Rash hiện dạy tại Đại học Western Carolina. Thời Buổi Khó Khăn Hoàng Chính dịch từ Hard Times trong tập truyện ngắn Burning Bright. Harper-Collins xuất bản 2010. Đọc Thời Buổi Khó Khăn, nghĩ về quê nhà, bạn không thể không thấy xót xa khi nhận ra rằng bên cạnh cảnh sống phô trương của đám người có tiền, còn không thiếu những kiếp sống khốn cùng của những người nghèo khó, những người mà “thời buổi khó khăn” của họ kéo dài suốt kiếp người.
Jacob đứng ở cửa trang trại nhìn Edna bước ra khỏi chuồng gà. Môi bà ấy mím chặt, nghĩa là lại có thêm trứng gà bị lấy trộm. Ông nhìn lên đỉnh vách núi và đoán là tám giờ. Ở Boone giờ này đã sáng tỏ rồi, nhưng ở đây bóng tối nhòe nhoẹt và sương thấm làm ẩm đôi giầy bố của ông. Vùng vũng ông ở tối tăm tới mức người ta phải nạy ánh sáng bằng xà beng, bố ông vẫn thường nói thế.
Edna hất đầu xuống phía cái soong đựng trứng gà trong tay bà.
“Không có gì dưới bụng con gà tre hết,” Edna nói. “Vậy là bốn ngày liên tiếp rồi đấy.”
“Hay là tại lão gà trống già không chịu ve vãn nó chứ gì,” Jacob nói. Ông chờ bà mỉm cười. Những năm về trước khi họ bắt đầu ngọt ngào với nhau, nụ cười của Edna là thứ làm ông đắm đuối. Cả khuôn mặt bà ấy sáng lên, như thể cái nhếch lên của đôi môi tỏa ra một làn sóng ánh sáng từ miệng lên tới trán.
“Cứ ở đó mà đùa,” bà nói, “tiền bán trứng không bao nhiêu chứ cũng đỡ lắm. Không có tiền ấy ông lấy đâu ra năm xu phí phạm để mua báo mà đọc.”
“Có bao nhiêu người còn khốn khổ hơn mình,” Jacob nói. “Cứ nhìn ra ngoài cái vũng này là bà sẽ thấy tôi nói đúng hay sai.”
“Chẳng bao lâu nữa là mình cũng như nhà Hartley cho mà xem,” Edna trả lời. Bà nhìn qua Jacob về phía chỗ đoạn cuối con đường và là và khúc đầu lối đi mà công ty gỗ xoi mòn, tạo ra. “Chắc chính con chó xù của nó ăn trộm trứng gà nhà mình. Con chó ấy nhìn cứ như đứa ăn cắp trứng ấy thôi. Lúc nào nó cũng lảng vảng quanh đây.”
“Làm sao bà biết được. Tôi nghĩ nếu là chó thì thế nào nó cũng bỏ sót lại một ít trứng trên đống rơm. Tôi chưa bao giờ gặp con chó nào mà không bỏ sót lại.”
“Chứ đứa nào mà mỗi lần chỉ lấy vài ba quả trứng? Chính ông đã từng nói nếu là cáo hay chồn thì đã ăn thịt luôn con gà rồi.”
“Để tôi đi coi xem sao,” Jacob nói, biết chắc Edna sẽ cằn nhằn về chuyện mất trứng gà suốt ngày. Ông biết cho dù mỗi con gà mái đẻ ra ba trứng một đêm trong suốt tháng tới, thì cũng chẳng thay đổi được gì. Bà ấy vẫn tiếp tục xem chuyện mất mát là điều không thể đền bù. Jacob cố bao dung, tự nhủ rằng Edna trước đây đâu đến nỗi vậy. Bà ấy chỉ thay đổi từ khi ngân hàng lấy đi chiếc xe chở đồ và hầu hết gia súc của họ. Họ không mất hết mọi thứ như những người khác, nhưng mất vậy cũng là nhiều rồi. Edna luôn luôn hoảng sợ khi nghe tiếng xe rẽ vào con đường đất, như thể ngân hàng và ông cảnh sát trưởng đang đến để tịch biên những thứ còn lại.
Edna đem trứng lại nhà ủ lạnh trong khi Jacob băng qua sân để vào khu chuồng gà làm bằng bê tông. Mùi phân đậm đặc trong không khí. Chú gà trống đã ra ngoài nhưng mấy chị gà mái vẫn còn lục cục trong mấy cái ổ tối tăm. Jacob nâng con gà tre lên và đặt nó xuống nền nhà. Chỗ rơm lót ổ không có mảnh vỏ trứng vỡ nào, cũng không có rơi rớt chút lòng đỏ hay lòng trắng nào.
Ông biết thủ phạm có thể là một thứ sâu bọ hai chân, nhưng dù thời thế có khó khăn đến đâu Jacob vẫn chưa hề thấy có người nào ở Goshen Cove này đi ăn trộm hết, cho dù là Hartley, người nghèo nhất trong xóm. Hơn nữa ai lại chỉ lấy trộm hai hay ba cái trứng gà trong khi có hàng tá để lấy. Trứng gà tre nhỏ hơn các loại trứng gà khác. Từ phía chuồng bò, liên tục vọng lại tiếng rống của con bò giống Guernsey. Ông biết nó đang loay hoay bên cạnh cái ghế đẩu chờ được vắt sữa.
Khi Jacob ra khỏi chuồng gà ông trông thấy nhà Hartley đang đi xuôi con dốc mòn. Mỗi tuần hai lần, họ lặn lội hai dặm đường tới Boone, và mỗi người, ngay cả đứa bé, đeo nặng những lá cây lưu niên. Jacob nhìn khi họ rẽ vào con đường, những cụm bụi xám dâng lên từ bàn chân trần của họ. Hartley vác bốn bao bố đầy lá lưu niên. Vợ anh ta vác hai bao và đứa bé vác một bao. Với ba bộ quần áo rách bươm treo hờ trên khung thân hình xương xẩu, nhìn họ giống những thằng bù nhìn, khuân theo chút của cải, trên đường đi đến một ruộng ngô khác. Con chó săn lê lết theo họ, gầy guộc y như những kẻ đang đi trước nó. Lá lưu niên là thứ duy nhất mà nhà Hartley có thể gặt hái được, bởi khu đất nhà anh ta dốc và toàn là đá. Đến móng chân cũng không mọc được trên khu đất nhà Hartley, Bascombe Lindsey có lần nói thế. Chuyện ấy cũng chẳng hề gì nếu như nhà máy cưa còn hoạt động, nhưng khi nhà máy đóng cửa thì gia đình Hartley chỉ còn biết trông cậy vào một mình con bò sữa già nua có cái lưng võng xuống; con bò và lá lưu niên, đem về cho họ vài xu trao đổi ở tiệm tạp hóa Mast. Jacob biết qua những trang báo ngày Chủ nhật mà ông vẫn mua rằng ở đâu đời sống cũng khó khăn. Đám dân giầu ở New York mất hết tiền bèn nhẩy lầu tự tử. Đám đàn ông đeo theo những toa xe chở hàng đi từ thị trấn này qua thị trấn kia để xin việc làm. Nhưng thật khó tưởng tượng được sẽ có người nào đó nghèo hơn Hartley và gia đình anh ta.
Khi Hartley trông thấy Jacob anh ta gật đầu nhưng vẫn rảo bước. Họ không thân thiện cũng chẳng thù nghịch gì nhau, là láng giềng theo cái nghĩa Jacob với Edna là những người ở gần họ nhất ở dưới khu vũng thấp này, cho dù gần nhất ở đây nghĩa là cách nửa dặm đường. Hartley từ quận Swain dọn đến cách đây tám năm để làm việc trong nhà máy cưa. Lúc ấy con anh ta còn là một em bé, và cô vợ xem ra mấy mươi tuổi trẻ hơn cái người đàn bà già nua xấu xí đang bước đi bên cạnh đứa con gái. Họ hẳn sẽ tiếp tục đi mà không chuyện trò gì với nhau trừ khi Edna bước ra ngoài ngạch cửa.
“Con chó săn ấy của nhà anh,” bà nói với Hartley, “có phải nó thích ăn trứng gà không?” Có thể bà không muốn buộc tội nhưng những chữ bà nói ra nghe như cáo buộc.
Hartley ngừng lại trên đường và quay về phía bậc cửa. Nếu là người nào khác thì hắn ta đã đặt những bao bố xuống, nhưng Hartley thì không làm vậy. Anh ta vác chúng như thể đo lường sức nặng của chúng.
“Bà hỏi thế làm chi vậy?” anh ta nói. Nhưng chữ nói ra bằng một giọng không giận dữ cũng không biện bạch. Nó làm Jacob nhận ra rằng ngay cả giọng nói của người ta cũng bị ép mòn tới sát tận xương tủy.
“Có kẻ nào đó vào chuồng gà nhà tôi lấy trộm vài quả trứng,” Edna nói. “Chỉ lấy trứng thôi thành ra không thể là cáo hay chồn được.”
“Vậy nên bà nghĩ là chó nhà tôi.”
Edna không nói, Hartley đặt những cái bao xuống. Gã rút con dao một lưỡi từ trong bộ quần áo khoác tả tơi ra. Gã nhỏ nhẹ gọi con chó lại và nó rụt rè đến bên gã. Hartley quỳ một chân xuống đất, tay trái nắm lấy gáy con chó và kề lưỡi dao ngang cổ họng con chó. Đứa con gái và chị vợ đứng yên hoàn toàn, khuôn mặt họ trống trải như bột nhồi làm bánh mì.
“Tôi không nghĩ là con chó nhà anh lấy trộm trứng gà,” Jacob nói.
“Nhưng ông bà không biết chắc. Cũng có thể là nó,” Hartley nói. Con chó ngóc đầu lên khi ngón tay trỏ của Hartley rờ rẫm phía dưới cổ họng nó.
Jacob chưa kịp nói gì thì lưỡi dao đã xoẹt ngang cuống họng con chó. Con vật không kêu gào hay rên rỉ gì hết. Nó chỉ rũ xuống dưới bàn tay túm chặt của Hartley. Máu loang đen mặt đường.
“Bây giờ ông bà sẽ biết chắc chắn có phải nó không,” Gã túm lấy gáy con chó, đi qua phía bên kia đường, và bỏ nó xuống cỏ. “Tối nay trên đường về nhà tôi sẽ lấy nó đi,” gã nói và vác những cái bao lên. Hartley dợm bước và vợ con anh ta lầm lũi đi theo.
“Tại sao bà cứ phải nói chuyện với người ta như thế chứ,” Jacob nói khi gia đình ấy đã mất hút cuối con đường. Ông nhìn đăm đăm bờ cỏ chỗ ruồi nhặng bắt đầu bu lại.
“Làm sao tôi biết được nó lại làm như thế?” Edna nói.
“Bà cũng biết hắn ta là một người đàn ông đầy tự hào.”
Jacob cố giữ cho câu nói của mình vướng lại. Hồi tháng giêng khi tuyết đổ dầy sáu mươi phân, giam cầm hầu như tất cả mọi người trong nhà, Jacob đã buộc một miếng thịt vai heo muối vào yên ngựa và cỡi ngựa lên lối mòn. “Chẳng bao lâu nữa chính mình sẽ cần tới chỗ thịt ấy,” Edna cản, nhưng ông cứ đi. Khi Jacob đến chỗ căn lều ông thấy gia đình nhà ấy ngồi ăn ở cái bàn ván gỗ. Những chiếc bát gỗ trước mặt họ chứa một thứ canh lỏng lổn nhổn vài miếng mỡ vụn. Cái xoong treo trên bếp lửa chứa đầy cũng thứ nước canh màu xám ấy. Jacob đặt miếng thịt heo lên bàn, miếng có nhiều thịt. Sáng hôm sau Jacob thấy miếng thịt ấy nằm trên bậc thềm nhà mình.
Jacob nhìn chăm chú qua khỏi chỗ con chó của Hartley, xuyên qua đường tới chỗ mẫu đất trồng ngô nơi ông sẽ làm việc đến giờ ăn tối. Ông chưa xới luống đất nào mà đã thấy mệt mỏi tới tận xương tủy.
“Tôi có muốn con chó ấy chết đâu,” Edna nói. “Tôi có muốn thế đâu.”
“Thì cũng như là bà đâu có muốn thằng Joel và con Mary bỏ đi và không bao giờ bén mảng về nhà nữa vậy mà,” Jacob trả lời. “Nhưng chuyện xảy ra như thế, đúng không nào.”
Ông quay lưng đi về phía vựa củi để lấy cái cuốc.
Sáng hôm sau xác con chó không còn ở bên đường nữa và thêm vài quả trứng nữa bị mất trộm. Vì là sáng thứ Bẩy nên Jacob đánh xe ngựa xuống thị trấn Boone, không phải chỉ để mua tờ báo mà còn để nói chuyện với mấy người nông phu già vẫn tụ tập ở tiệm tạp hóa Mast. Trong lúc đánh xe ông nhớ buổi sáng sáu năm về trước khi thằng Joel làm đổ bát lúa mạch trên nền nhà. Vô ý vô tứ, nhưng những đứa trẻ mười hai tuổi vẫn làm những chuyện vô ý như thế. Đó là một phần của cái việc là trẻ con. Edna bắt thằng bé lấy muỗng múc lúa mạch dưới nền nhà lên để ăn. “Đừng ăn,” Mary bảo em trai mình như thế, nhưng thằng bé vẫn ăn, vừa ăn vừa sụt sùi. Hai tuần sau đó, Mary, lúc ấy mới mười sáu tuổi, bỏ nhà ra đi. “Con sẽ không bao giờ về nữa, cho dù là về thăm,” một mảnh giấy để trên bàn ăn trong nhà bếp ghi như thế. Mary đã giữ lời.
Khi Jacob đánh xe vào thị trấn, ông thấy chiếc xe chở hàng của mình mà ngân hàng đã tịch biên đậu bên tòa án. Đó là chiếc xe dùng để chở lúa lên thị trấn, và chở muối cùng phân bón và dây kẽm gai về, nhưng ông đoán chẳng nông phu nào đủ khả năng mua chiếc xe ấy trong buổi bán đấu giá. May ra thì một ông chủ tiệm hay một nhân viên nhà nước, ông đoán, người nào mà vẫn còn dùng cái ví đựng tiền giấy thay vì cái bóp đựng tiền cắc như cái mà ông đang moi ra một đồng năm xu sau khi đã buộc con ngựa vào cây buộc ngựa. Jacob bước vào tiệm. Ông gật đầu chào mấy cụ già, rồi đặt đồng xu lên quầy. Erwin Mast đưa cho ông tờ báo Raleigh News của Chủ nhật trước.
“Chắc không có thư từ gì đâu nhỉ?” Jacob hỏi.
“Không, tuần này không có gì hết,” Erwin nói, dù ông ta có thể nói thêm, “hoặc tháng trước hoặc năm trước cũng chẳng có.” Thằng Joel gia nhập hải quân, đóng quân đâu đó tận Thái bình dương. Mary sống với chồng con ở một nông trại quận Haywood, cách đây sáu mươi dặm nhưng cứ tính những liên lạc mà Edna và Jacob có với cô ta thì chỗ ấy xa hệt như California vậy.
Jacob lẩn quẩn chỗ quầy hàng. Khi mấy ông già ngưng chuyện trò, ông nói với họ về vụ trứng gà.
“Cậu chắc chắn không phải là chó à?” Sterling Watts hỏi.
“Vâng. Không có một chút xíu gì vung vãi hay vỏ trứng vụn trên ổ rơm hết.”
“Chuột cũng ăn trứng,” Erwin góp chuyện từ phía sau quầy hàng.
“Nhưng vậy thì vẫn còn vương vãi lại chứ,” Bascombe Lindsey nói.
“Thế thì chỉ còn một thứ thôi,” Sterling Watts nói một cách quả quyết.
“Cái gì vậy?” Jacob hỏi.
“Một con trăn bắt chuột. Chúng nó nuốt trọn hai hay ba cái trứng và không để lại một giọt trứng nào.”
“Đúng vậy, một con vào chuồng gà nhà tôi,” Sterling nói. “Và tôi mất cả tháng trời mới nghĩ ra cách tóm cổ cái quân khốn nạn.”
“Bằng cách nào vậy?” Jacob hỏi.
“Câu cá,” Sterling nói.
Hôm ấy Jacob cuốc đất trong ruộng ngô tới tối mịt. Ông ăn tối, rồi đi đến vựa củi và tìm một cái lưỡi câu. Ông buộc ba thước dây cước vào lưỡi câu và đi về phía chuồng gà. Con gà mái tre có một quả trứng ở dưới bụng. Jacob lấy quả trứng và khoét một lỗ thật nhỏ bằng đầu nhọn lưỡi câu. Ông thong thả luồn lưỡi câu vào trong quả trứng, rồi buộc sợi dây vào đầu một cái đinh phía sau ổ gà. Ba thước, Watson bảo thế. Như vậy con rắn sẽ nuốt trọn quả trứng trước khi sợi dây căng ra móc cái lưỡi câu.
“Sáng sớm tôi sẽ không mò ra đó để mà đụng đầu với con rắn đâu đó,” Edna nói khi ông bảo bà chuyện ông làm. Bà ngồi trên chiếc ghế đu có lưng dựa hình bậc thang, chiếc chăn ráp mảnh đắp lên hai chân. Ông đã làm chiếc ghế cho bà ngồi lúc bà có thai thằng Joel. Chiếc ghế làm bằng gỗ anh đào, đúng ra không phải là thứ thực dụng để làm đồ đạc, nhưng ông muốn có chiếc ghế đẹp.
“Chuyện ấy để tôi lo,” Jacob nói.
Trong một khoảnh khắc, ông ngồi ngắm bà khâu vá, đường chỉ xanh và mảnh sửa đường nối của chiếc chăn bông Bear’s Claw. Edna đã làm từ sáng sớm, nhưng tới giờ bà cũng chưa chịu nghỉ. Jacob ngồi xuống bên chiếc bàn nhà bếp và trải rộng tờ báo. Ở trang trước Roosevelt tuyên bố tình hình đang càng lúc càng sáng sủa, nhưng phần tin tức còn lại thì hoàn toàn trái ngược. Thợ đình công bị bắn ở xưởng bông gòn. Những người mà tội của họ là trốn trong toa xe chở hàng đi tìm việc làm bị đánh đập bằng gậy bởi nhân viên công lực và bọn đầu gấu làm thuê cho công ty hỏa xa.
“Điều mà ông nói sáng nay rằng tôi làm thằng Joel với con Mary bỏ đi,” Edna lên tiếng, mũi kim của bà không ngừng khi bà nói, “nói vậy mà cũng nói được. Chúng nó chưa bao giờ bị đói một ngày nào trong đời chúng nó. Áo quần chúng nó may vá tử tế và chúng nó có giầy để đi, có áo quần để mặc.”
Ông biết ông nên bỏ qua chuyện ấy, nhưng hình ảnh con dao của Hartley cắt cổ họng con chó cứ gầm gừ trong trí ông.
“Lẽ ra bà cũng đừng quá khó khăn với chúng nó.”
“Thế giới này là nơi khắc nghiệt,” Edna trả lời. “Cần phải cho chúng nó biết như thế.”
“Tự chúng nó cũng nghiệm ra điều ấy kịp lúc.” Jacob nói.
“Chúng nó cần được chuẩn bị, và tôi chuẩn bị cho chúng nó. Chúng nó không đến nỗi phải sống trong trại tế bần hoặc lê chân đất như vợ chồng con cái nhà Hartley. Nếu chúng nó không mang ơn tôi vì chuyện đó, thì giờ này tôi cũng chẳng làm gì hơn được.”
“Thời thế rồi cũng sẽ tốt hơn chứ,” Jacob nói. “Chuyện suy thoái kinh tế không thể tồn tại mãi được, nhưng cái cách bà đối xử với chúng nó thì còn hoài.”
“Đã kéo dài chín năm rồi,” Edna nói. “Và tôi chẳng thấy có vẻ gì là sẽ giảm bớt hết. Giá tiền mình bán ngô và bắp cải thì vẫn vậy. Mình vẫn sống bằng một nửa cuộc sống mình có ngày trước.”
Bà trở về với công việc vá cái chăn bông và hai người không lời qua tiếng lại nữa. Một lúc sau Edna bỏ kim chỉ xuống và đi ngủ. Chẳng bao lâu sau Jacob cũng vào giường. Thân thể Edna căng thẳng khi ông nằm xuống bên cạnh bà.
“Tôi không muốn mình cãi cọ,” Jacob nói, và đặt tay lên vai bà. Bà co người lại, nhích ra xa.
“Ông nghĩ tôi là thứ vô tri giác,” Edna nói, bà quay mặt đi nói chuyện với vách tường. “Keo kiết và nhỏ nhen. Nhưng biết đâu nếu như tôi không như vậy thì mình đã trắng tay từ lâu rồi.”
Cho dù mệt mỏi, Jacob vẫn thấy khó ngủ. Sau cùng khi ông ngủ được, ông mơ thấy mình đu theo toa xe chở hàng trong khi người ta lấy cây đánh ông. Những người bị đánh đi giầy bố và mặc áo liền quần dính đầy bùn, và ông biết họ không phải là công nhân nhà máy hoặc thợ mỏ than bị cho nghỉ việc mà là nông dân giống như ông.
Jacob thức dậy trong bóng tối. Cửa sổ mở toang và chưa kịp ngủ lại thì ông nghe tiếng gì đó trong chuồng gà. Ông khoác chiếc áo liền quần, xỏ giầy bố, rồi thắp đèn đi ra sân trước. Bầu trời dầy đặc sao và một con trăng ướt át thắp sáng mặt đất, nhưng khu chuồng gà không cửa sổ thì tối đen. Trong đầu ông thoáng lên ý nghĩ nếu một con trăn bắt chuột có thể ăn trứng gà thì rắn hổ mang hoặc rắn lưng bóng cũng ăn được vậy, và ông muốn chắc ăn mình đừng dẵm lên nó. Ông đi ra vựa củi lấy cái cuốc để thủ thân.
Jacob băng qua khúc gỗ lót lối đi và bước lên bậc chuồng gà. Ông giơ cây đèn lên để kiểm soát ổ trứng. Con gà mái nằm đấy, nhưng dưới bụng nó không có quả trứng nào. Phải mất một lúc ông mới tìm được sợi dây câu, dẫn tới góc sau như một sợi tơ nhện. Ông thủ sẵn cái cuốc và bước vào. Ông dơ cái đèn lên trước mặt và thấy con gái của Hartley co ro trong góc, sợi dây mất hút trong cái miệng ngậm chặt của con bé.
Con bé không cố mở miệng khi ông quỳ xuống trước mặt nó. Jacob đặt cuốc với đèn xuống và lấy con dao díp trong trong túi ra, rồi cắt sợi dây câu khoảng vài phân Anh phía ngoài miệng con bé. Trong khoảnh khắc ông ngồi bất động.
“Để ông xem,” ông nói, và dù con bé không há miệng nhưng nó không chống cự lại khi những ngón tay ông vạch miệng nó. Ông tìm thấy cái lưỡi câu móc sâu trong má con bé và ông cảm thấy yên lòng. Ông chỉ sợ nó mắc vào lưỡi, hay trầm trọng hơn, sâu trong cổ họng con bé.
“Mình phải lấy cái lưỡi câu ra,” Jacob nói với con bé, nhưng con bé vẫn lặng thinh. Hai mắt nó cũng không mở to ra vì sợ hãi và ông nghĩ nó đang bị choáng váng. Lưỡi câu quá sâu, khó có thể gỡ ra được. Ông phải đẩy nó xuyên qua luôn.
“Sẽ hơi đau một chút, nhưng một tí là xong,” ông nói, rồi dùng ngón trỏ và ngón cái nắm lấy chỗ uốn cong của lưỡi câu. Ông đẩy sâu vào thịt, ngón tay ông trơn nhờn vì máu và nước bọt con bé. Con bé rên rỉ. Sau cùng đầu nhọn của lưỡi câu xuyên thấu qua da. Ông đẩy cho cán của lưỡi câu tuột qua, sợi dây câu tuột theo sau cùng như sợi chỉ hoàn tất một mũi khâu.
“Ra rồi,” ông bảo con bé.
Jacob ngồi đó một lúc lâu. Ông nghĩ xem mình sẽ phải làm gì. Ông có thể bế con bé về căn chòi của Hartley và giải thích chuyện gì đã xảy ra, nhưng ông nhớ tới con chó. Ông nhìn má con bé, chẳng có nước mắt, chỉ có một lỗ nhỏ rỉ máu không nhiều hơn một vết trầy khi nhánh cây tầm xuân quệt vào. Ông quan sát kỹ cái lưỡi câu tìm dấu vết sét rỉ. Không có gì hết, như vậy ít ra ông cũng không sợ con bé bị phong đòn gánh. Nhưng nó vẫn có thể nhiễm trùng.
“Ngồi yên đó,” Jacob nói rồi đi về phía vựa củi. Ông tìm lọ thuốc chùi bóng và trở lại chỗ con bé. Ông lấy khăn tay thấm thuốc, rồi vạch miệng con bé và chấm vào vết thương, rồi ông chấm bên ngoài má.
“Được rồi,” Jacob nói. Ông lấy tay xốc nách con bé lên. Nó nhẹ đến mức ông tưởng như mình đang cầm một con búp bê vải. Bây giờ con bé đứng trước mặt ông, và lần đầu tiên ông trông thấy trong bàn tay phải của nó có vật gì đó. Ông đưa cái đèn lên và nhận ra quả trứng gà, và quả trứng ấy còn nguyên vẹn. Jacob nhìn quả trứng gật đầu.
“Đừng đem cái đó về nhà nhé,” ông nói. “Con ăn ở đây đi, nghe không?”
Đứa bé gật đầu.
“Ăn cái trứng ấy đi,” Jacob nói, “nhưng con không được lại đây nữa. Nếu con trở lại, bố con sẽ biết. Con hiểu không?”
“Vâng,” con bé thì thầm, tiếng nói đầu tiên mà con bé nói.
“Vậy thì ăn đi.”
Con bé đưa quả trứng lên miệng. Một sợi máu chảy xuống cằm nó khi nó há miệng. Vỏ trứng vỡ ra khi hàm răng nó cắn vào.
“Về nhà đi,” ông nói khi con bé nuốt mảnh vỏ trứng cuối cùng. “Và đừng lại đây nữa. Ông sẽ gài cái lưỡi câu khác vào trứng gà và lần này sẽ không có buộc dây câu. Con nuốt cái lưỡi câu ấy, nó sẽ đâm thủng ruột con đấy.”
Jacob nhìn con bé đi lên con dốc mòn cho tới khi bóng tối bao trùm lấy nó, rồi ông ngồi xuống chỗ mỏm cây cụt dùng làm thớt. Ông thổi tắt ngọn đèn và chờ đợi, dù chờ đợi điều gì ông cũng không biết nữa. Một lúc sau trăng và những vì sao mờ đi. Phía đông bóng tối loãng dần thành màu chàm thủy tinh. Giờ này cái viền bóng đầu tiên của những thân cây bắp và lá của chúng hiện rõ, vươn lên từ mặt đất trông như những cánh tay khoác manh áo tồi tàn.
Jacob cầm cái đèn với lọ thuốc chùi bóng lên đi về phía chái nhà chứa đồ rồi đi vào nhà. Khi ông bước vào phòng ngủ Edna đang mặc áo, lưng bà quay về phía ông.
“Đấy là một con rắn,” ông nói.
Edna ngưng mặc áo, quay lại. Tóc bà buông xõa và khuôn mặt bà chưa kịp cau có để đối chọi với những đòi hỏi của một ngày vất vả, ông liếc nhìn người đàn bà đã từng là bà lúc họ kết hôn hai mươi năm về trước; trẻ trung hơn, dịu dàng hơn.
“Ông giết được nó không?” bà hỏi.
“Được.”
Môi bà mím lại.
“Tôi mong là ông đã không quăng nó bên chuồng gà. Tôi không muốn mỗi lần ra lấy trứng lại phải ngửi cái mùi xác thối.”
“Tôi quăng nó sang bên kia đường.”
Ông lên giường. Vóc dáng và hơi ấm của Edna còn vương trên mặt tấm nệm lót lông chim.
“Tí nữa tôi sẽ thức dậy,” ông nói với bà.
Jacob nhắm mắt lại nhưng không ngủ, Thay vào đó ông hình dung những thị trấn nơi những kẻ đói khát bám đầy những toa xe chở hàng đi tìm việc làm mà không bao giờ tìm thấy, những ổ chuột nơi những gia đình chen chúc không có ngay cả một con bò sữa có cái lưng võng xuống. Ông tưởng tượng những thành phố nơi máu loang lổ những lề đường bên dưới những tòa nhà cao như những vách núi. Ông cố hình dung đến một nơi tệ hại hơn cái nơi ông đang ở.

Truyện ngắn – Ron Rash
Bản Việt ngữ – Hoàng Chính
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.200 giây.