Luật sư Dương Hà gặp ông Hà VũLuật sư Dương Hà nói TS Cù Huy Hà Vũ đang tuyệt thực 19 ngàyLuật sư Nguyễn Thị Dương Hà đã tới trại giam số 5 Thanh Hóa thăm và làm việc với TS Cù Huy Hà Vũ, tù nhân chính trị, chồng và thân chủ của bà, người được gia đình xác nhận là tuyệt thực trong ba tuần liền trong nhà tù.
Hôm thứ Bảy, 15/6, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện nói với BBC ông đang trên đường từ Thanh Hóa trở về Hà Nội, trong chuyến đi cùng một số trí thức nhân sỹ và quần chúng, tháp tùng luật sư Dương Hà.
Trên trang Bấm blog Tễu của mình cùng ngày, ông cho hay:
"Sáng nay, từ 4h, LS Nguyễn Thị Dương Hà đã lên đường đi thăm chồng là TS Cù Huy Hà Vũ tại trại giam số 5, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá.
"08h30, LS Dương Hà đã hoàn thành các thủ tục để vào thăm chồng. Chị cũng tuyên bố với Giám thị rằng hôm nay chị vào gặp ông Vũ thì 9 phần là với tư cách một người vợ, chỉ có 1 phần là với tư cách luật sư của ông Vũ."
Blogger này thuật lại lời của luật sư Dương Hà, người đã được Tổng cục VIII, chuyên trách thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp của Bộ Công an, hôm 14/6 cấp phép cho gặp ông Hà Vũ, cho hay ông Vũ chỉ uống nước và có tình trạng sức khỏe xấu:
"Hai vợ chồng gặp nhau, luôn có sự giám sát của 2 giám sát viên của trại trong khi những lần trước đó thường là có 3-5 giám sát viên giám sát xung quanh.
"Ông Vũ tuyệt thực, không ăn bất cứ thức ăn và đồ uống gì kể cả sữa trong 20 ngày nay, chỉ uống nước trắng. Sức khoẻ ông Vũ sa sút trầm trọng."
Hôm thứ Sáu, bà Dương Hà nói với BBC bà đã chuẩn bị một số thực phẩm, nhưng không hy vọng được phép tiếp tế cho chồng.
"Tôi chuẩn bị mấy lon sữa và một ít trái cây tươi, nhưng không biết anh có được nhận không," bà nói.
Bà Dương Hà cho BBC hay trong một lần gặp gần đây khoảng hai tuần, bà có nỗ lực cho ông Hà Vũ uống nước mang theo vào trại, nhưng đã bị các quản giáo ngăn cản.
Bà nói: "Tôi cho chồng tôi là Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ uống... lúc ấy anh ấy rất là mệt... Tôi rót ra cái chén hạt mít... bé tí tị tì ti...
"Tôi rót ra tôi uống và tôi cũng cho anh ấy uống cùng. Về sau các anh ấy (quản giáo) hỏi là nước gì đấy, tôi nói là nước tôi uống thì cho anh ấy uống cùng
"Các anh ấy bảo là đấy là nước sâm à, thì không cho uống nữa, và cuối cùng cho một cốc nước trắng cho anh ấy uống thôi."
'Không hồi đáp yêu cầu'Hôm thứ Sáu, bà Dương Hà cho hay 'giấy giới thiệu' mà Bộ Công an cấp cho bà gặp ông Hà Vũ không hồi đáp yêu cầu của bà gặp ông Hà Vũ về vấn đề sức khỏe do ông tuyệt thực gần 3 tuần.
Bà cho rằng chồng bà có dấu hiệu suy yếu sức khỏe trầm trọng và thuật lại việc một Phó Giám thị trại giam số 5 ở Thanh Hóa đã cảnh báo bà trong lần thăm trước rằng bà không được đề cập nội dung gì khác ngoài giúp đỡ thân chủ làm thủ tục ra kháng nghị và giám đốc thẩm.
Bà nói trại giam cảnh báo bà phải tuân thủ nội dung đó nếu không muốn bị lập biên bản vi phạm nội quy và bị đình chỉ làm việc.
Hôm 14/6, bà Dương Hà nói bà e rằng ông Hà Vũ có thể không đủ sức khỏe để "làm việc" với luật sư sau gần ba tuần tuyệt thực.
Một số quà cáp, thực phẩm mà bà mang tới trại lần gặp mới nhất với ý định tiếp tế cho ông Hà Vũ đã bị giám thị trại cự tuyệt và trả lại, vẫn theo luật sư Nguyễn Thị Dương Hà.
Trong cuộc gặp với ông Vũ hôm thứ Bảy, bà Dương Hà được blogger Nguyễn Xuân Diện trích thuật cho biết ông Vũ mới bị bỏng.
"Ngày thứ 12 của cuộc tuyệt thực, tức là 7 tháng 6, ông Vũ bê một chậu nước nóng, do cơ thể mệt mỏi, hạ đường huyết dẫn đến trạng thái choáng, ông đã run tay tự đánh đổ chậu nước sôi vào người khiến bị bỏng phần trước cơ thể, kể cả hạ bộ.
"Hiện nay vết bỏng, ở những chỗ nhẹ đã se mặt da," theo lời thuật của TS Nguyễn Xuân Diện trên trang blog của ông.
"Tinh thần của ông Vũ vẫn rất kiên cường, và ông cho biết sẽ tiếp tục tuyệt thực cho đến khi đơn tố cáo của ông được giải quyết."
Bà Dương Hà được nói bà và thân chủ, TS Hà Vũ, đã cùng làm việc và bà đã lập một biên bản về cuộc làm việc đó.
Trong biên bản này, ông Cù Huy Hà Vũ ghi rõ:
"Chỉ sau khi văn bản giải quyết đơn tố cáo của tôi được bổ sung và chỉnh sửa theo yêu cầu của tôi và được giám thị Tuyến gửi cho tôi và LS Nguyễn Thị Dương Hà là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tôi thì tôi mới chấm dứt tuyệt thực".
Ông Vũ được tường thuật nói với luật sư Dương Hà rằng nếu ông dừng tuyệt thực thì ông sẽ gọi điện trực tiếp để báo cho bà Hà bằng điện thoại và "chỉ khi ấy, nghe rõ tiếng của ông Vũ thì cuộc tuyệt thực mới được coi là đã chấm dứt," theo bài blog của TS Xuân Diện.
'Làm xấu thêm thành tích'Hôm thứ Sáu, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters Sans Frontiers) nói với BBC tổ chức này quan ngại về sức khỏe của ông Vũ do vụ tuyệt thực diễn ra nhiều tuần lễ.
Trao đổi với BBC từ Pháp, ông Benjamin Ismail, nói:
"Chúng tôi rất quan ngại về tình trạng sức khỏe của ông Cù Huy Hà Vũ và yêu cầu nhà cầm quyền đáp ứng ngay tức khắc các nhu cầu cơ bản của ông về quyền con người, nhất là trong bối cảnh tù nhân lương tâm này đang có tình trạng sức khỏe bị đe dọa do đã tuyệt thực nhiều tuần."
Nhân dịp này, đại diện của Reporters Sans Frontiers cũng liên tiếng về các vụ bắt bloggers trong nước mới đây.
Vợ chồng ông Hà Vũ trong một lần thăm gặp ở trại giamÔng Ismail nói: "Chúng tôi phản đối các vụ bắt giữ đối với các bloggers Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất và coi đây là hành động có tính chất khủng bố tinh thần nhắm vào giới bloggers, các ngòi bút vận động cho dân chủ, nhân quyền một cách ôn hòa."
Ông cảnh báo rằng hành động của nhà cầm quyền có thể làm trầm trọng thêm hình ảnh và hồ sơ nhân quyền được cho là đang xấu đi của Việt Nam trong thời gian gần đây.
Ông nói: "Các vụ và khuynh hướng bắt bớ các bloggers, đàn áp các nhà vận động dân chủ, nhân quyền ôn hòa chỉ càng làm gia tăng thêm sự phản kháng trong nước, làm xấu đi thành tích nhân quyền đã xấu của Việt Nam.
"Và chúng cũng cho thấy chính quyền không xứng đáng trở thành ứng viên cho ghế thường trực ở Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc," đại diện RSF cảnh báo.
Cũng hôm thứ Sáu 14/6, Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Úc nói với BBC ông cho rằng việc nặng tay với giới hoạt động dân chủ của Việt Nam hiện nay, kể cả cung cách đối xử với các tù nhân lương tâm đang bị giam giữ, có thể phản ánh cuộc xung đột và chia rẽ trong chính sách của nội bộ lãnh đạo chính quyền.
"Phe cứng rắn có thể đang thắng thế và có thể họ muốn sử dụng các vụ bắt bớ, các ứng xử nặng tay như những món quà với Trung Quốc nhằm cân bằng các quan hệ với một số nước lớn," ông nói với BBC.
Source: BBC