Facebook “nối giáo” cho các chế độ chuyên chế Châu Á Biểu tình chống chủ tịch–tổng giám đốc Facebook Mark Zuckerberg bên ngoài trụ sở Quốc Hội Mỹ tại Washington, ngày 10/04/2018. REUTERS/Aaron P. Bernstein
Những sai lầm của Facebook trong vụ công ty Cambridge Analytica thu thập thông tin cá nhân của hàng chục triệu người sử dụng đã buộc ông chủ Facebook phải liên tục xin lỗi, mà gần đây nhất là ngày 10/04/2018 trước Quốc hội Mỹ. Ông Mark Zuckerberg đã khẳng định là tập đoàn của ông đang xem xét lại trách nhiệm đối với người sử dụng và xã hội. Đây được xem là một điều cần thiết, trong bối cảnh một số quan sát viên đã nêu bật khả năng là nhiều chính quyền Châu Á sẽ vin vào những sai sót liên tiếp của Facebook để trấn áp mạng xã hội và quyền tự do ngôn luận tại nước họ.
Trên đây chính là nhận xét của tờ báo Nhật Bản Nikkei Asian Review ngày 05/04/2018 trong bài “Cuộc khủng hoảng Facebook nối giáo cho giới lãnh đạo chuyên chế tại châu Á - Facebook crisis plays into hands of Asia's authoritarians”.
Đối với tờ báo Nhật Bản, các công dân châu Á đang phải sống dưới các chế độ mà mức độ chuyên chế nặng nhẹ khác nhau, và trong một số trường hợp, mạng xã hội là phương tiện duy nhất để họ có thể trao đổi một cách tự do quan điểm chính trị. Thế nhưng, những tiết lộ gần đây về việc Facebook chia sẻ trái phép dữ liệu của 87 triệu người sử dụng với một công ty phân tích, có thể tạo nên một lý do tốt để một số chế độ tăng cường kiểm soát các mạng xã hội.
Facebook đã từng bị chỉ trích vì đã để phát tán những thông tin không xác thực. Trong một bài phân tích ngày 23/03/2018, giáo sư James Crabtree, Đại Học Quốc Gia Singapore, đã ghi nhận: “những phát biểu bị cho là mang tính chất kích động hận thù hay là những gì bị cho là tin thất thiệt, cho dù là không được xác minh, cũng đều có thể được dùng làm cái cớ tốt cho việc trấn áp, đặc biệt là tại các quốc gia chuyên chế.”
Cho đến nay, những dữ liệu bị thất thoát có vẻ như chủ yếu là của người Mỹ, nhưng Facebook gần đây đã công nhận là đa số hồ sơ cá nhân công khai của người sử dụng - ở mọi nơi – chứ không riêng gì ở Mỹ - đã bị giới tiếp thị dò xét và khai thác.
Tương lai của Facebook là ở Châu ÁNếu tính theo số lượng người sử dụng, thì châu Á hiện là thị trường lớn nhất của Facebook với 828 triệu người dùng, so với 609 triệu ở cả châu Âu và Bắc Mỹ.
Dĩ nhiên, lợi nhuận bình quân theo đầu người mà Facebook thu được ở Châu Á hiện chỉ bằng vỏn vẹn 1 phần 10 lợi tức trung bình mà tập đoàn thu được ở Mỹ, nhưng triển vọng phát triển của Facebook trong tương lai là ở Châu Á, nhờ thu nhập ngày càng tăng lên trong vùng, và tiềm năng của những thị trường to lớn như Ấn Độ và Indonesia.
Theo tính toán của giáo sư Crabtree, chỉ tính riêng 2 năm vừa qua, Facebook đã có thêm 288 triệu người sử dụng ở châu Á, nhiều hơn cả toàn bộ số khách hàng mới trên phần còn lại của thế giới. Tính tổng cộng thì con số 828 triệu người sử dụng Facebook đều đặn hàng tháng ở Châu Á chiếm đến 39% trên tổng số 2,1 tỷ người sử dụng mạng xã hội này trên toàn cầu.
Tại châu Á, không phải là ở nước nào Facebook cũng phát triển. Ở Trung Quốc chẳng hạn, Facebook đã bị cấm để nhường chỗ cho đối thủ cạnh tranh là WeChat tung hoành. Nhưng tại phần còn lại ở Châu Á thì Facebook là một phương tiện thông tin có vị trí còn quan trọng hơn cả ở phương Tây, nhất là đối với thanh niên.
Tại Miến Điện chẳng hạn, số người sử dụng Facebook giờ đây đã tăng vọt lên mức 18 triệu người so với vỏn vẹn 1 triệu cách đây 5 năm. Nhà điều tra nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, bà Yanghee Lee, khi nói về Miến Điện, đã tóm lược tình hình như sau: ở Miến Điện, “mạng xã hội là Facebook, và Facebook là mạng xã hội”.
Nhìn chung, số lượng hàng trăm triệu người sử dụng đã chứng tỏ tầm quan trong của trang mạng này ở Châu Á (ngoại trừ Trung Quốc).
Sơ hở của FacebookCho đến lúc này, Facebook đang phải gấp rút dập tắt ngọn lửa do chính mình nhúm lên tại phương Tây, đặc biệt là vụ để lộ thông tin về khách hàng của mình cho một công ty nghiên cứu đặc tính cử tri, công ty Cambridge Analytica, trụ sở tại Luân Đôn, có quan hệ với ban vận động tranh cử của ông Trump.
Báo New York Times từng nói đến một nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Nga đã tạo ra một ứng dụng nhằm xác định đặc điểm của một người nào đó, mà người sử dụng Facebook được thuê để thử nghiệm. Nhà nghiên cứu này đã khai thác dữ liệu của hàng triệu người và chia sẻ kết quả cho công ty Cambridge Analytica. Chủ tịch tổng giám đốc Facebook Mark Zuckerberg đã nói đến 87 triệu người sử dụng.
Cambridge Analytica phủ nhận việc đã sử dụng dữ liệu của Facebook để giúp đỡ ông Trump, nhưng dẫu sao thì đây chỉ là vụ mới nhất gây tai tiếng cho Facebook. Một vụ khác là tiết lộ theo đó trang mạng đã bị giới tuyên truyền do Nga đỡ đầu sử dụng để gây chia rẽ trong nội tình nước Mỹ trước cuộc bầu cử năm 2016.
Mark Zuckerberg rõ ràng đang trong thế ‘tứ bề thọ địch’. Trong vụ tai tiếng dữ liệu thất thoát và bị khai thác, vị chủ tịch tổng giám đốc trẻ chịu trận pháo chỉ trích ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Thế nhưng, các cuộc tấn công từ Mỹ và Châu Âu không che lấp được việc giờ đây Facebook còn bị đánh từ Châu Á. Và lỗi phần lớn là do chính bản thân Facebook.
Facebook phải đương đầu với những thiếu sót ở Châu Á Vào tháng 3, Facebook đã bị ngăn chặn trong một thời gian ngắn tại Sri Lanka, sau khi bị chính quyền tố cáo là làm cho bạo động bùng lên giữa những nhóm tôn giáo khác nhau.
Cũng trong tháng Ba, nhà điều tra về nhân quyền Liên Hiêp Quốc, Yanghee Lee tố cáo trang mạng đã phát tán những phát biểu thù hận ở Miến Điện đối với người Rohingya.
Nhà điều tra Liên Hiệp Quốc đã đánh giá : “Tôi e ngại là Facebook đã trở thành một con thú vật và không còn đi theo ý định ban đầu nữa”.
Tại Ấn Độ, Facebook cũng có vấn đề, khi bị quần chúng phản đối vào năm 2016 và bị buộc phải bỏ kế hoạch thiết lập dịch vụ internet "free basics" với giá cả khác nhau tùy dịch vu. Cư dân mạng tại chỗ rất bất bình.
Gần đây hơn, Facebook nằm trong mối quan ngại về thông tin thất thiệt (fake news), với chính quyền các nước như Singapore sẵn sàng đưa ra luật mới để chống lại việc loan truyền ‘tin giả’ trên mạng. Tại Malaysia thì Facebook, cùng với các tập đoàn như Google và Twitter cũng bị nhắm với lý do tương tự.
Facebook phải nhanh chóng dập lửaTheo ông James Crabtree, những tai tiếng tại phương Tây, từ những cáo buộc liên quan đến việc để phát tán tin giả, thông điệp kích động hận thù, hay ‘fake news’ theo kiểu của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đặc biệt hệ trọng đối với Facebook ở châu Á do vị trí quan trọng mà mạng xã hội này đang chiếm giữ trong tư cách là phương tiên thông tin liên lạc được ưa chuộng ở nhiều nước đang phát triển trong vùng.
Một số không nhỏ các quốc gia này, như Cam Bốt và Thái Lan, đang do những chế độ độc tài hay chuyên chế cai trị. Trước việc chính quyền giới hạn quyền tự do ngôn luận trên các phương tiện truyền thông truyền thống, người dân đã quay sang những mạng xã hội như Facebook mà chính quyền và cảnh sát khó kiểm soát, khó đối phó hơn. Ngay cả những nơi dân chủ hơn như Singapore, người dân cũng dùng Facebook hay WhatsApp (cũng của Facebook), nhiều hơn là Twitter.
Nhiều nước đang trỗi dậy ở Châu Á cũng thiếu những phương tiện truyền thông lớn có khả năng cung cấp thông tin khách quan, được kiểm chứng chặt chẽ cho công chúng rộng rãi.
Hai yếu tố trên cộng lại - sự yêu thích ngày càng tăng đối với Facebook trong bối cảnh thiếu vắng thông tin công khai xác tín – chỉ làm cho những vấn đề như loan tin thất thiệt thêm nguy hiểm. Điều này càng đúng đối với những quốc gia có vấn đề về cộng đồng thiểu số như Miến Điện và Sri Lanka, nơi mà các nhóm cực đoan sử dụng Facebook để truyền tải tư tưởng hận thù.
Facebook không phải là hoàn toàn mù quáng trước các vấn đề này và khi bị chỉ trích về hoạt động ở Miến Điện, tập đoàn từng giải thích là “đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ và nghiên cứu ngôn ngữ địa phương để giúp loại bỏ nhanh chóng những bài đăng có tính chất hận thù”.
Facebook phân trần là đã đưa ra những quy định rõ ràng để nhận dạng những nội dung nguy hiểm và cũng làm việc với những hiệp hội xã hội tại chỗ để cảnh báo về những ‘fake news’ và nhiều vấn đề khác.
Tuy nhiên, đối với giáo sư Crabtree, Facebook cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc sửa chữa những sai lầm và bổ khuyết những thiếu sót ở châu Á vì nếu không làm như vậy, các chính phủ tại chỗ chắc chắn sẽ bóp nghẹt Facebook bằng những quy định ngặt nghèo hơn. Những cáo buộc nhắm vào Facebook về việc giúp phát tán tin thất thiệt hay thông điệp kích động hận thù, ngay cả khi không về lời nói thù hận và tin giả mạo, ngay cả khi không có cơ sở, cũng có thể bị chính quyền, đặc biệt là tại các quốc gia chuyên chế, dùng làm cớ để biện minh cho các vụ trấn áp.
Một diễn biến như trên sẽ gây ra hai hậu quả : Người dùng Facebook bình thường tại chỗ sẽ mất đi một phương tiện hữu ích để thảo luận trực tuyến, còn Facebook sẽ mất đi hy vọng phát triển nhanh chóng ở châu Á trong tương lai.
Theo RFI
Sửa bởi người viết 12/04/2018 lúc 09:30:03(UTC)
| Lý do: Chưa rõ