Tin tặc Nga được cho là tấn công 6.500 lần nhiều cơ quan của Ukraina trong vòng hai tháng cuối năm 2016. Ảnh minh họa. REUTERS/John Adkisson
Hôm qua 16/04/2018, Washington và Luân Đôn cảnh báo nguy cơ Matxcơva đang gia tăng tấn công tin học quy mô toàn cầu, với đích nhắm chủ yếu là chính quyền nhiều nước, các nhà cung cấp dịch vụ internet. Hoạt động nói trên đe dọa nghiêm trọng an ninh và nền kinh tế của các quốc gia liên quan.
Theo AFP, cơ quan an ninh mạng Anh Quốc (National Cyber Security Center), cùng FBI và bộ An Ninh Nội Địa Mỹ, đã ra một thông báo chung, khẳng định các đối tượng bị nhắm vào chủ yếu là các hệ thống tường lửa bảo vệ mạng, các bộ định tuyến (router), là những thiết bị chủ chốt trong hệ thống lưu chuyển thông tin kỹ thuật số. Việc kiểm soát được các phương tiện này cho phép « tiến hành các hoạt động do thám, đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, duy trì khả năng thâm nhập liên tục vào các mạng tin học của nạn nhân, và chuẩn bị cho các hoạt động tấn công trong tương lai ».
Thông báo được coi là hiếm hoi của Mỹ và Anh nhấn mạnh : Đối tượng bị tấn công có thể là các nhà cung cấp dịch vụ, cũng như người sử dụng. Theo Washington và Luân Đôn, chiến dịch tin tặc toàn cầu của Nga đã được khởi sự từ năm 2015, có thể đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây.
Cách nay hai tháng, Mỹ và Anh từng cáo buộc Nga là thủ phạm vụ reo rắc mã độc NotPetya, năm 2017, làm tê liệt nhiều cơ sở hạ tầng tin học tại Ukraina, trước khi lan rộng ra toàn thế giới. Một trong những can thiệp gây hậu quả nghiêm trọng tại Hoa Kỳ, được nhắc đến, là vụ tin tặc Nga xâm nhập mạng tin học của đảng Dân Chủ, đánh cắp hàng nghìn email và công bố, gây bất lợi cho ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton trong cuộc tranh cử 2016.
Lãnh đạo cơ quan an ninh mạng Anh Ciaran Martin nhấn mạnh là có thể tin tặc Nga đã xâm nhập vào « hàng triệu máy tính » và chờ đợi « các thời điểm căng thẳng » để ra tay.
Reuters dẫn lời một quan chức cao cấp Mỹ, xin giấu tên, cho biết tấn công tin tặc rất khó « nhận diện và xác định thủ phạm », và đối phó với tin tặc còn « khó hơn là bắn chặn các hỏa tiễn ».
Theo RFI