logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 21/04/2018 lúc 01:04:35(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,273

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Bệnh viện nằm trên sườn đồi. Trước mặt là một giòng sông nhỏ nước trong vắt. Buổi sáng, ánh nắng phản chiếu mặt nước lấp lánh như một tấm gương phẵng và dài. Bên kia sông, những ngọn đồi cỏ nằm thoai thoải, tiếp theo là một cánh rừng dồi và những cây hoa màu rực rỡ. Sau lưng bệnh viện là ngọn đồi trống xuống một cánh đồng cỏ vàng úa và một con lộ rãi đá chạy quanh co về thị trấn xa.
Những chuyến xe đò mệt lả trở về thường đậu ở bên này bờ sông có nhiều đá cuội trắng. Mỗi khi nghe thấy tiếng động cơ quen thuộc và tiếng ồn ào của đám súc vật Nguyên thường chạy ra mở tung cánh cửa sổ và nhìn xuống. Chuyến xe mang đàn bò đi đang mất hút ở đầu con đường rẽ, ở đấy bốc lên một đám bụi mù đóng thành một vồng trắng phau phau và phủ mờ những thân cây trơ trụi. Khi chiều đến khí nóng tan dần, gió từ mặt sông bốc lên quyến lấy lớp cỏ đồi làm thành một loạt sóng nhỏ, bóng tối ngã xuống một vùng rộng rãi làm tím xậm khu rừng sồi và những ngọn đồi cỏ; và con lộ thì lẫn cả vào màu lá mọc hoang hai bên vệ đường.
Buổi sáng mùa xuân thường có nắng muộn. Sương mù che kín mặt sông và cánh đồng cỏ đằng sau ngọn đồi. Đàn bò chậm chạp đi qua con lộ kêu ầm ĩ và trong căn phòng riêng Nguyên ngửi thấy cả mùi rạ ướt.
Năm đó tiết xuân vào muộn. Trời xanh và cao. Nhưng cây hoa màu bên kia sông lần lần đổi sắc. Cả cánh rừng sồi vàng úa bỗng biến thành xanh tươi và Nguyên nghĩ tới một buổi sáng kia khi trở dậy nhìn qua cửa sổ Nguyên sẽ thấy khu rừng héo trơ trụi hôm nào bây giờ đã xanh um đã chết rũ dưới một cơn mưa rào. Và Nguyên lắng nghe tiếng nước nhỏ từng giọt trên những tàu lá chuối vừa bình thản vừa buồn bả. Tiếng Thảo gọi ai ở dưới nhà rồi tiếng guốc bước qua hành lang và dừng lại trước cửa buồng Nguyên.
Tiếng người con gái nói nhỏ:
- Hôm nay đã có kết quả gì đâu. Ít ra là phải vài hôm nữa. Anh vừa ở phố về đấy à?
Một lát:
- Thấy bảo ngoài ấy có một quán cà-phê ngon lắm.
Tiếng người đàn ông đáp:
- Dĩ nhiên là ngon lắm. Cả cô quán cũng vậy, trông đã thấy ngon rồi. Ông ấy thế nào?
- Xuỵt! Khá lắm rồi. Chắc hãy còn ngủ.
Nguyên ngồi nhỏm dậy thấy nhức cả một bên tay và cổ họng khô ráo. Cánh cửa sổ đã mở trông ra một khoảng trời xanh thẫm. Bên ngoài đôi khi đưa vào những luồng gió nhẹ. Nguyên cố gắng đưa chân xuống đất tìm guốc rồi đứng dậy lê ra phía cửa sổ đưa mắt nhìn ra bên ngoài. Bấy giờ những cây sơn lưu đang nở hoa và bên kia sông, ven sườn đồi phía bắc, ánh sáng của buổi sớm mai cắt thềm cỏ thành những giải vàng óng ả. Đám cuội trắng ven bờ sông trông như những tảng kim loại và hoa mùa nở tím một vùng chen lẫn với màu sáng đỏ của những loài cây dại làm cảnh sắc như đang cười rạng rỡ.
- Ông Nguyên, ông đã thức dậy rồi đấy à?
Nguyên quay lại, Thảo và người đàn ông đang tươi cười tiến vào. Nàng mặc áo cánh trắng bằng hàng phin mỏng làm nổi bật màu da xanh sao. Đôi mắt Thảo sáng ngời:
- Hôm nay ông thấy thế nào, ông Nguyên?
- Dạ, khá nhiều rồi ạ. Tôi xin cảm ơn cô có lòng tốt mở hộ tôi cánh cửa sổ lúc sáng. Tưởng cứ phải nhìn màu trắng cảu những bức tường vôi này thì tôi đến chết mất.
Thảo nắm lấy tay người đàn ông:
- Xin giới thiệu với ông anh Mạc, người đã tiếp máu cho ông buổi sáng qua, chồng tôi.
Nguyên ngạc nhiên nhìn người đàn ông và hững hờ bắt tay. Mạc vừa cười vừa nói:
- Sáng nay tôi lại để thăm nhà tôi thì vừa gặp lúc người ta mang ông vào. Ông ngất đi, quần áo vấy đầy máu. Tôi sợ quá. Tai nạn thật thê thảm, ông bị văng đi đến sáu bẩy thước.
- Thật cũng tại tôi một phần. Tôi hay lơ đễnh và coi thường mọi sự quá. Tôi không biết lấy gì để đền đáp ơn ông. Nếu không có ông chắc tôi đã không còn được nói chuyện như thế này rồi.
Nguyên lê lại phía giường.
- Thật tôi vô ý quá. Tôi cứ tưởng bà Thảo chưa lập gia đình. Mà sao bà không nói trước với tôi để tôi cứ lỡ gọi là cô mãi. Thật vô phép quá. Rước ông bà ngồi chơi.
- Ông nằm nghỉ đi cho đỡ mệt, cứ để mặc chúng tôi. Nhà tôi còn trẻ con lắm, đã là bà thế nào được.
Thảo cười chúm chím:
- Ông cứ xưng hô như trước cho thân mật ông Nguyên ạ. Chúng tôi chẳng đáng tuổi em ông là gì?
- Thôi, xin phép ông Mạc nói: Ông hãy còn mệt nhiều để ông nghỉ cho lại sức. Ông nên ngủ một giấc dài, lúc tỉnh dậy chắc sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều. Chúng tôi xin phép ông.
Thảo vừa cười vừa lắc đầu rồi dắt tay chồng bước ra ngoài, cánh cửa khép lại. Nguyên ngả lưng xuống giường tìm lại giấc ngủ. Buổi chiều khi Nguyên trở dậy thì cơn mưa nhỏ lúc trưa cũng vừa tạnh. Một làn khói trắng bốc lên bên kia bờ sông như có ai thổi cơm trưa và một lát sau thì cả vùng rộng lớn chung quanh bệnh viện trở lại quang đãng.
Hai người đang đứng ở hành lang. Thảo chỉ tay xuống con đường chay ra mé sông:
- Trước ở đồn điền nhà tôi cũng có con sông nhỏ mà nước bạc như thế ông Nguyên ạ. Tôi thích đá cuội trắng lắm. Đá cuội mà chợi rải ranh thì nhất. Dễ bây giờ tôi hãy còn nhớ.
Nguyên nói:
- Tôi vừa định rủ cô xuống nhặt đá cuội.
Thảo ngoảnh nhìn Nguyên mỉm cười, đáp:
- Ừ phải đấy, xuống gần sông gió có lẽ mát hơn.
Hai người đi qua dẫy hành lang xuống hết chiếc cầu thang rộng rãi làm bằng gạch bóng. Tôi định nhớn lên thì cứ vụ hè là rủ các bạn bè về chơi. Song chẳng bao giờ thực hiện được ý định đó cả. Về sau gia đình tôi sa sút, cha tôi phải bán ấp đó đi. Anh Mạc cũng là người hàng ấp. Anh có một căn nhà nhỏ cũng trông ra bờ sông, trước cửa thì có vườn và dàn hoa thiên lý. Nhưng mé sông đó lại bùn lầy và không có đá cuội.
Hai người đứng trên bãi cát ướt. Gió thổi mát rượi. Thảo ngồi sụp xuống nhặt mấy viên sỏi ném ra mặt sông.
- Ông Nguyên, tôi không hiểu sao bỗng dưng ông lại bỏ đi như thế trong khi chưa biết rõ kết quả các cuộc khám nghiệm ra sao.
- Tại vì cô chưa biết được tâm sự một người chờ chết nó như thế nào. Tại vì cô không là một người đàn ông bao giờ. Có một đêm tôi mở cửa sổ đứng nhìn ra ngoài trời sáng trong khi ấy hoa cỏ và mọi người đều ngủ yên cả, tôi nghĩ: “Tôi sẽ chết đêm nay chăng?” Cái chết chắc chắn quá. Và chính sự chắc chắn này làm cuộc đời trở nên vô nghĩa. Và tôi trả lời: “Nào có ích lợi gì đâu”. Phải, không có ích lợi gì cả. Tôi nghĩ tới những thần tượng mà tôi thờ từ nhỏ. Lúc ấy, những thần tượng đều vỡ tan ra. Khi đối diện với sự chết là lúc con người bên ngoài đối diện với con người nội tâm. Cuộc gặp gỡ này chua sót lắm, nếu người ta là kẻ có kỷ niệm và tình cảm. Cô hãy tưởng tượng một người đàn ông kia bỏ gia đình ra đi ba năm rồi vì một tiếng ru con và tiếng võng nghe thấy tình cờ hắn vội vã trở về. Là người có kỷ niệm và tình cảm, hắn không thể nào chạy xa được.
- Tôi cho là ông trốn một người.
- Không đúng. Tôi coi mọi sự là những “sen” của một vở kịch. Tôi có thể là đạo diễn là kịch sĩ hay là một khán giả vỗ tay lúc ra về. Nhưng tuyệt nhiên không thể nào là một người viết kịch. Cô hiểu tại sao rồi chứ? Bây giờ tôi muốn là người viết kịch dẫu đó là một vở kịch hết sức thê thảm, mặc dầu.
Thảo mỉm cười:
- Nhưng ông cũng biết là tác giả cũng không rời khỏi sân khấu được.
- Đấy mới chính là chỗ bí của tôi. Cô làm tôi nhớ tới một câu đối thoại cũ xẩy ra giữa tôi và một người bạn.


Cuộc đối thoại ấy xẩy ra cách đây ba năm khi Nguyên ra ngoài sân ga để gặp một người con gái đưa lá thư thứ nhất và cũng là lá thư cuối cùng. Hai người nói chuyện trong bóng tối của chiếc sân ga xép vào lúc những hồi còi đang rền rĩ. Nguyên nói: “Tôi đã làm hỏng đời tôi bao nhiêu năm. Bây giờ tôi lại để lỡ hạnh phúc trôi trên bàn tay nữa. Loan hiểu rằng tôi đã suy nghĩ chín chắn. Chưa bao giờ tôi đã suy nghĩ nhiều như thế.” Loan đáp: “Anh là một người không nhất định, hay thay đổi và có lòng tự ái lẫn tự trọng. Vì thế anh cô đơn. Linh hồn chúng ta là những khu rừng kín.” Nguyên nói: “Có phải chúng ta là kẻ lang thang đi tìm linh hồn mình không?” Loan đáp: “Sự ấy không ích lợi gì cho tương lai.” Nguyên nói:” Có phải loài người là loài ưa kết xã? Như thế tôi là người đã chết.” Loan đáp: “Có thể vì anh chán nản. Lúc xưa, khi bị gạt ra khỏi vườn địa đàng, Cain bỏ đi về miền Đông và sống ở đấy. Có thể là hắn còn tin tưởng. Sự đó có ích gì cho tương lai?” Rồi hai người chia tay. Lá thư đầu tiên cũng là lá thư vĩnh biệt.
Nguyên trở về cùng sự rỗng tuêng toang của tâm hồn. Sân ga vắng trơn. Ngọn đèn đỏ yếu như ánh nến. Nguyên nghĩ đến một buổi họp trong giấc mơ. Tiếng cười nói, nỗi buồn rầu. Nó và mọi người đều đông đủ. Nhưng tại sao Nguyên lại có mặt trong đó, tại sao?
- Tại sao?
Thảo ngơ ngác:
- Sao ông lại hỏi tôi thế?
- À, tôi vừa nghĩ đến cuộc đời mà tôi có mặt và tôi hỏi “tại sao thế?”
- Không ai, kể cả ông, chối được sự có mặt của ông.
- Thế mới chết chứ! Nhưng tôi cho là cô đã nói đúng một câu mà nãy tôi cho là sai: Tôi trốn một người.
- Hôm ấy ở phòng thí nghiệm ra, tôi nghe thấy người ta nói: “Ông Nguyên ở phòng bên bỏ bệnh viện đi rồi”. Tôi nghĩ rằng chắc ông lại giở cơn gàn của ông lên và ông bỏ xuống phố uống rượu. Rồi thế nào ông cũng trở lại. Quả nhiên chiếc xe lao vào núi đã ném ông về với chúng tôi. Nhưng ông trốn ai thế? Có phải cái cô áo hồng xinh đẹp hôm nọ đến thăm ông phải không?
Nguyên mỉm cười:
- Nó là em gái tôi đấy. Nó đến báo tin cho tôi biết chồng nó vừa chết. Hắn tự tử. Nếu cô đã một lần bị đánh ngất đi, ba giờ đêm tỉnh dậy lờ mờ nhìn thấy một đôi mắt của một người mình đã thề không nhìn thấy nó nữa, nó cúi xuống lau vết máu trên trán cho mình và hát ru mình ngủ thì cô sẽ nghĩ như thế nào khi được tin nó chết. Chồng con em tôi nó đối với tôi như thế đấy. Chúng tôi thân nhau từ bé vì ở cùng phố và đi học cùng trường. Nó yêu em gái tôi từ năm mười bẩy tuổi và giữ lòng chung thủy. Nó liên can tới dĩ vãng của tôi và đã chiếm linh hồn tôi gần hết buổi thiếu thời. Nhưng cái chết của nó cũng chưa làm tôi phải chạy trốn.
- Vậy thì ai?
- Một tình yêu vừa mới chớm nhưng vô cùng mạnh mẽ, tôi không chống lại được.
- Sao ông không nói ra với cô ta mà phải chạy trốn cho khổ.
- Vì tôi không thể nói ra được.
- Ông nhát quá, ông Nguyên.
- Vâng, nhát lắm, dẫu là đứng trước mặt nàng, chỉ cách 50 phân.
Thảo chợt hiểu. Nàng ngước mắt nhìn Nguyên ngạc nhiên rồi lặng lẽ cúi đầu xuống.
- Tôi hiểu rồi ông Nguyên ạ.
Nguyên thở dài:
- Ta về thôi chứ, cô Thảo?
- Vâng, muộn rồi.
- Tôi cũng cho là muộn rồi.
Khi hai người về đến sân của bệnh viện thì Nguyên biết người ta đang gọi tên vào phòng chiếu điện. Nguyên nói:
- Sau vụ này thì tôi biết chắc chắn rằng tôi sẽ ra sao. Người ta nghĩ là tôi đã bị gẫy một vài thứ. Nếu trường hợp ấy xảy ra, tôi không còn gì nữa.
Thảo đáp:
- Trước khi bị tai nạn mới này, ông đã có hy vọng ở đây người ta sẽ cứu được ông. Tôi cho rằng lần này hy vọng vẫn không giảm tý nào. Xin chúc ông may mắn.
Thảo dừng lại. Hai người đứng sát nhau. Nàng như định nói thêm một điều gì nhưng chỉ lắc đầu và thở dài. Nguyên cảm thấy đôi vú tròn trịa của người con gái đang phập phồng sau tà áo mỏng. Thảo quay mặt đi và bước vội vã. Nguyên bước vào phòng lặng lẽ cởi áo. Căn phòng có vẻ lạnh lẽo và trang nghiêm. Người y tá đang xem xét lại máy. Hắn nói:
- Ông đứng áp ngực vào đây, cầm tỳ lên miếng này. Ngực áp sát vào, hai vai ông cố đưa ra phía trước, thế ông đứng nguyên nhé, cấm động đậy, nín thở này, lặng yên. Thôi, xong rồi.
Để tránh hơi lạnh của tấm chì vừa tỳ vào ngực, Nguyên vội vã mặc áo và bắt tay người y tá:
- Thưa ông bao giờ có kết quả?
- Hai hôm nữa. Ở đây họ rửa phim chậm lắm. Ông cứ yên chí và về ngủ kỹ đi. Không có gì đáng lo ngại cả.
Nguyên cảm ơn rồi thong thả bước về phòng riêng.
Mấy trang nhật ký của Nguyên:
20 tháng giêng. Sáng
Những buổi sáng trở dậy sau một đêm ngủ ngon lành bao giờ cũng là những buổi sáng đẹp. Thảo đã dậy trước và mở cánh cửa sổ ra rồi. Khoảng trời vẫn trong xanh và có những cơn gió nhẹ. Tôi để cánh cửa chính khép hờ và nằm ở giường nhìn ra. Thảo đi qua hai lần. Vẫn chiếc áo phin mỏng. Nhưng Thảo không nhìn vào.
Bữa ăn sáng chỉ có một tách sữa. Mũi Peniciline thứ hai đau nhói người. Viên bác sĩ gật gù ra vẻ đắc ý lắm. Hắn cuộc là mình sống, nhưng nếu hắn là người thua cuộc thì mọi sự sẽ ra sao?
Tôi hỏi:
- Bác sĩ đã bao giờ bảo một người là “ông sẽ chết” chưa?
Hắn không đáp và lặng lẽ ra khỏi phòng. Bữa sáng ăn rất nhẹ. Tôi vừa ngồi vào mâm thì Thảo vào. Nàng nói:
- Tôi ăn chung với ông cho vui.
- Hôm nay Mạc không tới à?
- Anh ấy phải coi nhiều việc đâu có tới hằng ngày được.
- Dẫu cô đang ở thời kỳ thấp thỏm đợi chờ này à?
- Dẫu tôi đang ở thời kỳ thấp thỏm đợi chờ này. Nhưng chiều mai thì có kết quả rồi. Cả ông lẫn tôi.
- Liệu có ai sẽ “đi đứt” không?
- Tôi hy vọng là không.
- Tôi lại hy vọng là có.
Thảo lắc đầu và thở dài:
- Ông định hy vọng là một hay cả hai sẽ “đi đứt”?
- Một thôi.
- Ông có biết như thế là ông tàn ác lắm không.
Tôi kinh ngạc. Nhưng tôi đã hiểu Thảo muốn nói gì. Trong bữa ăn tôi kể tới cái thích ăn rau cải soong của tôi và kể luôn cho Thảo nghe những chi tiết về cuộc tình duyên của em gái tôi và chồng nó.
- Còn người vợ cũ của ông?
- Không có gì đáng nhớ để kể.
- Tôi cũng biết là ông không sống cùng với cô ta được.
Và Thảo nói thêm:
- Vì cô ta có quen tôi. Nàng là bạn cũ của anh Mạc.
- Mạc có biết tôi à?
- Có biết và kính trọng ông.
Sau bữa cơm Thảo đi ra và hẹn chiều sẽ vào thăm. Thảo cười rất nhiều. Trong giấc ngủ trưa tôi nghĩ đến chữ tàn ác mà Thảo đã dùng.
Chiều và tối.
Và buổi chiều đã đến không ngờ. Vợ chồng Mạc vào thăm tôi. Thảo vẫn tươi cười nhưng Mạc lại ít nói, hắn là người ngay thẳng và dễ bắt được cảm tình của người khác. Cả ba đều nói những chuyện không ăn nhập vào đâu cả. Mạc đưa cho tôi mượn một cuốn tiểu thuyết của Hans Wehner. Cuốn ấy tuy đã đọc rồi song tôi vẫn làm ra vẻ vui mừng và ngạc nhiên. Chiến tranh đã làm con người rã rời. Tôi trưởng thành ở các trại tập trung, tôi còn lạ gì cái băn khoăn của Richter nữa.
Hai vợ chồng Mạc kéo nhau đi vào lúc bốn giờ, Mạc muốn đưa vợ ra bờ sông để tâm sự và an ủi nàng. Hình ảnh cuối của Thảo: Khóe mắt và nụ cười củ nàng với tôi. Tại sao khi cầm bàn tay của người chồng, người đàn bà lại còn có thể có cái nhìn người đàn ông khác đắm đuối đến thế? Tôi rửa mặt và ra khỏi căn phòng riêng. Ngoài trời không khí mát dịu và dễ chịu hết sức. Phong cảnh đều như chào đón.
Tôi bước ra phía con đê rải đá. Lưng ngọn đồi chắn nắng làm mát cả một vùng. Bến xe đó đang bầy ra sự ồn ào. Tiếng con vật kêu như bị chọc tiết. Người tài xế mặc áo đen đang rút khăn tay lau mồ hôi. Tình cờ tôi tìm thấy một quán nước nhỏ. Quán hẹp nhưng dài. Bàn ghế chai lọ bầy rất vui mắt. Trong quán, mấy người hành khách của chuyến xe sắp chạy đang cười nói ầm ĩ. Tôi gọi ly bia uống một hơi và đến ngồi cùng bàn với mấy người tài xế của chuyến xe sau. Họ đang kể chuyện nhảm về đàn bà, nhiều câu nói rất tục. Tôi cười góp vui. Giữa câu chuyện có một người hành khách đến hỏi chuyện gì và kéo một người đi. Câu chuyện nhảm rơi hững vào sự ồn ào. Lúc về qua sân bệnh viện tôi thấy Mạc và Thảo đứng dưới mé sông. Thảo ném đá cuôi về phía tôi và dơ tay vẫy. Tôi vẫy lại. Mạc vẫn đứng yên, lặng lẽ như pho tượng. Tôi chậm chạp trở về phòng.
Buổi tối tôi ăn cơm một mình. Nhưng tôi sung sướng không ngờ. Trong bữa ăn, người ta đã đem cho tôi một đĩa rau cải soong. Người y tá giải thích.
- Bà Thảo gửi tiền chúng tôi mua cải soong để ông ăn. Cải này ở đây không có, phải nhờ mấy người tài xế xe đó họ mua dùm ngoài chợ đấy.
Tôi cảm động vô cùng và thấy lòng se lại. Buổi tối Thảo và Mạc đã cùng ăn cơm ở dưới nhà và Mạc đáp chuyến xe cuối về phố. Lúc Thảo tiễn chồng rồi đi lên khi qua hành lang tôi có thấy nhưng không gọi. Tôi tắt đèn và nằm suy nghĩ.


Cánh cửa sổ vẫn mở. Khoảng trời bên ngoài đầy những sao của một đêm trong sáng. Tôi mở cửa bước ra ngoài hành lang. Sân bệnh viện hoàn toàn yên lặng. Cả tòa nhà trông như một người tu khoác áo trắng. Giòng sông bạc trông thấy lờ mờ dưới ánh trăng. Rồi hơi thở và những tiếng ca hát nhỏ của loài côn trùng dưới cỏ.
- Ông Nguyên, ông vẫn thức đấy à?
Thảo đã đứng bên tôi từ bao giờ. Tôi chỉ thấy tia sáng lấp lánh của đôi mắt nàng và khuôn mặt thì khuất trong bóng tối.
- Tôi tưởng ông đã ngủ yên rồi.
Tôi lắc đầu:
- Xin cảm ơn cô, bữa cải soong chiều hôm nay tôi ăn ngon lành lắm. Tại sao cô lại chiều tôi như thế?
- Tôi có phải giải thích không ông Nguyên? Có lẽ là không cần thiết lắm.
Bây giờ tôi kinh ngạc không giấu được. Tại sao Thảo lại nói với tôi những lời như vậy? Tôi tìm cách để tự trả lời. Nhưng Thảo đã tiếp tục:
- Nhiều khi người ta không thể trốn sự thực mãi được dẫu sự thực ấy làm người ta đau lòng. Nhiều khi tôi cũng tỉnh dậy trong đêm mở cửa nhìn xuống vườn hoa và tự hỏi: “Có phải những bông hoa kia sớm mai sẽ héo đi không?” Nhưng sớm mai thời tiết thay đổi và hoa cỏ hồi sinh. Tôi không thể trốn sự thật được. Chỉ có sự thành thực với lòng mình mới làm cho một người tuyệt vọng còn liên lạc bám víu với cuộc đời.
- Cô cho là tôi còn liên lạc ư?
Thảo nắm lấy bàn tay tôi:
- Khi người ta càng ruồng bỏ cuộc đời thì cuộc đời càng bấu lấy người ta. Khi người ta càng coi thường sự sống thì sự sống càng xa ta mãi. - Ông Nguyên, ta có trốn được sự thật không?
Tôi cảm thấy hơi nóng của da thịt nàng đang truyền sang da thịt tôi. Tôi đứng chết như một loài vô tri. Rồi Thảo từ giã tôi trở về phòng riêng.
Ngày 21 tháng giêng. Dankia mưa.
Sáng hôm nay cơm mưa rào đã làm cho tiết xuân như dừng lại ngoài đồi. Mạc vào từ sớm vì hôm nay có kết quả về buổi chiếu điện của Thảo và tôi những hôm trước.
Bữa quà sáng của tôi vẫn là một ly sữa tươi. Người ta cho tôi mượn một tờ nhật báo và tôi lơ đãng đọc mấy tin thời sự.
Tại sao tôi không thấy hồi hộp tí gì? Và như thế là báo một điềm gì? Tôi nhìn thấy hai vợ chồng Mạc ngoài hành lang đi đi lại lại vẻ mặt chờ đợi. Mười giờ sáng người ta gọi tôi lên phòng quang tuyến X. Tôi lấy gói phim về lên văn phòng bác sĩ. Viên bác sĩ đang đợi tôi. Hắn nói:
- Ông mở hộ tôi cánh cửa sổ ra cho sáng.
- Nhưng trời mưa.
- À, tôi quên. Xin bật hộ tôi ngọn đèn số bốn.
Hắn giơ mảnh phim lên và nheo mắt nhìn.
- Ông đứng lui sang bên này.
Tôi cố để khỏi bật ra tiếng kêu. Sự sợ hãi lên đến cực điểm mà tôi không ngờ tới.
Viên bác sĩ đứng dậy:
- Không sao. Tôi được cuộc rồi. Ông chỉ còn phải nằm đây một tuần nữa là hoàn toàn bình phục.
Tôi ra đến ngoài mới biết tôi vừa đổi khác. Hai vợ chồng Mạc săn hỏi. Thảo long lanh nước mắt.
Tôi nói:
- Cám ơn. Tôi may mắn lắm.
Tôi xuống bến xe đó và định dùng bữa trưa tại đó. Tôi uống hai ly bia lớn và thấy toàn thân nóng ran. Mười một rưỡi trưa, Mạc chạy ra tìm tôi da mặt tái ngắt.
Mới nhìn hắn tôi đã biết mọi sự rồi: Thảo phải mổ.
Mạc nói không ra hơi.
- Bây giờ Thảo cần ông. Người ta không thể nào đè nén tình cảm của mình được. Tôi đã rõ cả từ lâu. Ông Nguyên, ông là người đứng đắn và đã yêu nàng, ông hãy đến để cho nàng hy vọng.
Tôi vội vã trở về bệnh viện - Mạc đi cùng với tôi. Người ta đã đưa Thảo vào phòng mổ. Chúng tôi phải đứng lại ở bên ngoài. Tôi ngồi xuống ghế và nắm lấy tay Mạc. Óc tôi rỗng tuyênh toang và tôi không có một cảm giác nào. Chúng tôi cùng yên lặng và nghe thấy hơi thở của nhau.
Hai giờ sau theo lời khuyên của bác sĩ chúng tôi phải đi dùng cơm. Tôi và Mạc đều không nuốt được ngon.
Mạc nói:
- Nếu như vừa rồi mà ông bị chết vì tai nạn đó thì cả tôi và Thảo đều ân hận suốt đời. Vì chỉ riêng tôi và Thảo là rõ nguyên cớ ông trốn đi. Thảo là người dễ cảm động nhưng biết suy nghĩ. Nàng đã yêu. Nhưng ông mới là kẻ đáng thương, ông Nguyên ạ.
- Tôi biết - và như thế không có ích gì cho tương lai, không có ích gì cho tương lai cả.
Chúng tôi ngồi đợi cho tới khi viên bác sĩ trở ra lắc đầu báo tin Thảo đã chết. Mạc chạy bổ vào phòng. Trông hắn thiểu não quá. Có lẽ tôi cũng vậy. Tôi theo Mạc để nhìn Thảo lần cuối. Hình ảnh: vẫn một đôi mắt.
Thảo nằm trắng toát trên giường, đôi mắt khép kín. Hai tay nàng buông suôi xuống gối. Viên bác sĩ vỗ nhẹ vào vai tôi và yêu cầu tôi trở về nghỉ.
Tôi bước xuống bến xe. Đám sỏi dưới chân tôi kêu lạo xạo. Mạc đi theo tôi như cái bóng. Hắn thọc hai tay vào túi quần.
Chúng tôi bước vào quán nước. Tôi gọi hai chai bia. Người ta bỗng nhao nhao vì cơn mưa bất chợt. Sự ồn ào vây lấy xung quanh tôi. Tôi ngồi yên lặng tới khi chiều tối. Mạc gục đầu xuống bàn ngủ. Tôi thấy đắng miệng và hai chân tê mỏi. Sau cùng tôi quyết định trở về bệnh viện trong trời mưa.
Phạm Nguyên Vũ
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.261 giây.