Hội chứng hậu chấn thương. Chắc chắn là như thế. Bạn quả quyết là nó. PTSD; Post Traumatic Stress Disorder. Bạn chêm cả tiếng Anh vào để thêm hiệu ứng. Có thể bạn chẩn đoán đúng. Nhưng tôi không nghĩ tôi bị tổn thương đến mức phải vướng vào mớ rối loạn sau chấn thương để đến nỗi nó được nâng lên thành hội chứng. Tôi vẫn ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc, không gặp ác mộng (lâu lâu còn dan díu với cả những chiêm bao huy hoàng), không trầm cảm, không tự cô lập, không lo âu chán đời… chỉ có một điều, những chuyện xảy đến cho tôi ấy thì đã xảy ra lâu lắm rồi, mà sao thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ đến chúng; đến từng chi tiết vụn vặt. Bởi những thứ mà tôi gánh chịu – ở thời điểm ấy, trong mắt nhiều người – là chuyện bình thường. Và qua góc nhìn Á Đông của rất nhiều người, đó là chuyện nhỏ, chẳng có gì đáng nói. Nhưng họ nói thế là bởi nó xảy ra cho người khác chứ không xảy ra với họ.
Cái gì? Bạn đổ thừa là tôi quá nhạy cảm ư? Bạn bảo nếu người Việt Nam nào trong cái nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Cộng cũng (siêu) nhạy cảm như tôi thì chắc cả nước đã phát điên hết rồi. Bạn làm tôi suy nghĩ. Lúc gần đây, bạn với tôi lao xao chuyện bên nước Việt Cộng rộn ràng những câu chuyện về các thầy, cô giáo có cách đối xử hoàn toàn không phù hợp nếu không nói là phi nhân đối với học trò, kỳ dị đến độ báo chí không còn chỗ để phê phán.
Rồi mới đây, trên internet, chắc bạn cũng như tôi, tình cờ bắt gặp một bài viết ngắn kèm theo hình một bé gái (được chú thích là) học sinh tiểu học xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, Lào Cai. Em ngồi co ro bên khung cửa, mặt sưng vù, khoảng dưới hai mắt tím bầm, ngước nhìn lên bằng đôi con mắt trĩu lo âu. Em bé tên viết tắt là BCT, em (được biết là) viết sai chính tả và bị cô giáo tên (cũng lại viết tắt) là T.T đánh. Thương tích trên mặt em làm tôi giật bắn người, bởi nếu đưa em vào cấp cứu bên Bắc Mỹ, bác sĩ sẽ ghi nhận là bệnh nhân có raccoon eyes, một dấu hiệu của chứng vỡ đáy xương sọ vô cùng nghiêm trọng. Bức hình làm tôi sững sờ. Chuyện bạo hành người khác hẳn nhiên là sai, mà hành hung trẻ em thì phải xem là nghiêm trọng. Thuở nhỏ, đi học, tôi cũng từng bị ăn đòn, từng bị quỳ, từng bị lãnh roi mây nhưng chắc chắn chưa bao giờ mặt mũi lại giống con raccoon như bé gái BCT.
Bạn bảo để chữa hội chứng hậu chấn thương, tôi phải đối đầu với biến cố ấy, phải nhìn thẳng vào mắt nó, nói chuyện với nó, bàn tán, thảo luận về nó, tìm đến cội rễ của vần đề, thì nó mới tan biến đi, hoặc nó còn đó nhưng tác hại của nó không còn. Hệt như uống thuốc giải độc để chữa chạy. Tóm lại, trong việc chữa chạy đối với những tác nhân gây tổn thương tinh thần, tôi phải “chữa” chứ đừng “chạy”. Cảm ơn lời góp ý chân thành của bạn. Và vậy thì mời bạn ngồi dựa lưng ra ghế, để mặc trí tưởng tượng phiêu du, đừng vội vã ngắt lời, trong lúc tôi làm tâm lý trị liệu cho chính tôi bằng cách nhìn lại những vết thương thời trẻ dại và sống lại những khoảng khắc âm u ấy nhé.
Chuyện kể rằng năm mẫu giáo, thằng bé tôi luôn bị ăn hiếp. Và kẻ ăn hiếp là con trai của cô Lan, cô giáo lớp tôi. Cô giáo Lan đôi khi phạt học trò nhưng không bao giờ phạt con của cô ấy dù nó cũng là học trò trong lớp. Nó chuyên môn lấy dây thun bắn đạn giấy, hoặc búng tai tôi trong lớp học, gạt chân cho tôi ngã ngoài sân chơi. Mỗi lần ngã, tôi lại vội vã lồm cồm bò ngay dậy. Cô giáo Lan trông thấy, cô chỉ lườm thằng con trai cô, và lần nào nó cũng chỉ toét miệng ra cười. Có phải cái bệnh ỷ quen lớn của người mình từ ngàn xưa đã như thế. Bao nhiêu da đầu gối bị trầy, bao nhiêu cái quần rách đầu gối, về nhà bố mẹ hỏi tôi ú ớ những câu chẳng đầu đuôi. Cả một năm trời tuổi thơ tôi bị khủng bố như thế đấy!
Lên được lớp năm, thoát được thằng ăn hiếp, tôi mừng. Tôi vào học trường đạo. Thầy giáo lớp tôi là thầy Vũ Khắc Nhuệ. Thầy Nhuệ đi tu, đã lên tới Thầy Sáu. Một buổi tối, bọn trẻ chúng tôi trốn học kinh bổn, rủ nhau làm một chuyến “dã ngoại” ngoài cánh đồng bắt chim, bắt chuột. Thày Nhuệ sai mấy anh lớn săn bắt mấy thằng nhóc con. Khi phát hiện những bóng người lố nhố sau những lùm cây, bọn trẻ con chúng tôi chạy tán loạn. Mấy anh thanh niên chân dài hơn, khỏe hơn, bắt sống được ba thằng nhóc xấu số, trong đó có tôi. Khi đứng khoanh tay trong phòng tra tấn tôi mới nhận ra hai đứa kia ăn mặc tươm tất, lại còn đi xăng đan, chỉ mình tôi là xốc xếch và trên tay còn cầm chiếc dép đứt quai. Cũng lạ, chúng nó đi xăng đan vướng víu, chạy chậm bị bắt là phải, còn tôi đi dép, chạy đến đứt quai dép mà vẫn để bị bắt thì thật là đáng trách.
Bạn cười cái gì chứ. Bạn thử nghĩ xem, vừa chạy vừa run vừa sợ mất dép thì dĩ nhiên là phải chậm. Hơn nữa đám thợ săn lại là thanh niên, bắt mấy con chuột nhắt chúng tôi là chuyện dễ dàng. Ba phạm nhân con nít bị bắt nằm xuống nền xi măng mát lạnh. Cái roi gỗ mập ú, dầy cộm và rộng bản như cây thước thợ may giáng xuống mông. Những cú đánh rát bỏng thịt da. Chúng tôi cắn răng cố không khóc. Dù cái đau, như sô nước nóng tạt lên người, rát buốt từ đỉnh đầu xuống tận gót chân. Tôi quằn quại như con lươn, lầm thầm đếm những lằn roi chát chúa. Tôi phục tôi gan dạ. Nhưng khi thấy hai thằng kia chỉ bị ba roi, còn tôi bị tới năm roi thì tôi bật khóc. Và cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu ba thằng bé cùng tuổi, cùng tạng người, cùng lớp, cùng trốn học, tại sao tôi lại bị nhiều roi hơn hai thằng bạn nhóc tì kia. Có phải tại áo quần chúng nó tươm tất hơn nên bị đòn ít hơn?
Cái điều đáng nói là bao nhiêu năm tháng sau tôi luôn nghi ngờ ý nghĩa của hai chữ Công Bằng! Bạn thấy chưa, chuyện nhỏ, người lớn làm rồi quên, nhưng trẻ con thì nhớ (nhiều khi suốt cả đời), nhất là khi bị đối xử bất công.
Lên lớp tư, tôi học thầy thầy Đinh Ngọc Tế. Tôi là dân xứ đạo, thầy giáo chúng tôi cũng là thầy Sáu. Thầy ở đại chủng viện, về thử thách ở xứ đạo chúng tôi. Chúng tôi quý mến thầy bởi biết thầy sẽ thành linh mục, bởi thấy thầy hiền lành, hát hay, đàn giỏi, vui tính và rất ân cần chỉ bảo học trò. Tất cả những ngọt ngào dễ thương ấy biến mất từ cái ngày thầy lấy xe gắn máy đưa giùm một chị áo dài trắng kia về nhà sau buổi họp hành khuya khuắt trong xứ đạo. Ít lâu sau, thầy cởi áo dòng trả lại cho chủng viện. Chị kia với thầy làm đám cưới. Và lũ trẻ chúng tôi thất vọng tràn trề. Thầy bỏ áo chùng thâm, tôi buồn, bởi tôi đã mơ ước được khoác áo chùng thâm như thầy từ thuở có trí khôn.
Bạn thấy chưa. Người lớn đáng trách biết chừng nào khi họ thản nhiên xô đổ cái ngai thờ lý tưởng và đánh vỡ cái ước mơ trân quý của đứa trẻ mà không chút bận tâm.
Rồi sao nữa hở. Bạn đừng nôn nóng. Tôi sẽ kể ra hết. Như bệnh nhân rì rầm kể cho bác sĩ tâm thần nghe hết mọi chuyện éo le, khuất tất của đời mình. Tôi kể ra để tôi có thể quên đi. Vâng, lên trung học, tôi cũng có những lần vỡ mặt trước những câu nói, những thái độ kỳ quặc của những ông thầy, bạn ạ.
Năm đệ ngũ, ông thầy dạy Anh văn lớp chúng tôi có biệt danh Định Già. Bực bội vì học trò cứ quên cách chia động từ thời quá khứ, ông chỉ cách để nhớ: “Chuyện gì đã qua thì hãy quay đít lại với nó (xin lỗi bạn nhưng tôi đang điều trị tâm lý cho chính tôi, nên tôi phải dùng đúng cái chữ ngày xưa ông thầy vẫn nói thì việc điều trị mới hiệu quả). Tức là khi dùng thì quá khứ thì đừng quên chữ DID. Did you do that? No I did not do it, vân vân.
Ừ thì đó chỉ là chuyện nhỏ. Đồng ý với bạn vì dù sao về điểm này cũng phải mang ơn thầy, bởi phương thức “quay lưng về quá khứ” cũng giúp nhiều đứa nhớ cách chia động từ tiếng Anh thì quá khứ, phải không nào?
Chuyện chỉ bùng lên khi thầy Định Già được thăng quan tiến chức thành Tổng Giám Thị. Từ đó lúc nào ông cũng lăm lăm cây roi mây trong tay. Trong lớp học, ông mắng những đứa hay “mộng ngoài cửa lớp” cái tội không chịu nhìn lên bảng, “Tao biết lúc chúng mày thấy đàn bà thì chúng mày nhìn chỗ nào rồi.” Mười hai mười ba tuổi, thú thật với bạn và nói có Trời Đất, nếu nhìn người khác phái – những đứa khác thì tôi không biết – nhưng tôi thì chỉ lúng túng nhìn những con mắt long lanh, và nếu nhìn phía sau thì chỉ bâng khuâng với những mái tóc chấm vai và đôi gót chân son trong đôi guốc mộc. Chấm hết. Biết bao lâu tôi cứ thắc mắc “cái khác” mà thầy Định Già nhắc tới là cái gì.
Bạn đừng toét miệng ra cười như thế chứ.
Bạn bảo không có gì quan trọng à. Để tôi kết luận chuyện này cho bạn nghe nhé: Ông thầy khuấy đục tâm tư thằng bé học trò mười hai mười ba tuổi, đương nhiên là ông thầy có tội. Đúng không?
Chưa hết, bạn của tôi ơi, ấn tượng sâu đặm nhất trong tôi là những cái lằn đỏ tươi, hừng hực nóng mà chiếc roi mây của ông Định Già để lại trên cổ, trên vai, trên cánh tay thằng bé học trò mười ba tuổi là tôi. Một hôm, trong giờ ra chơi, tôi ngồi trong lớp, cạnh một thằng bạn. Thằng bạn này có hoa tay, vẽ rất đẹp. Nó dùng phấn trắng vẽ trên mặt bàn học cảnh cô gái đưa đò, con thuyền lênh đênh, dòng sông lững lờ, và những đám mây bồng bềnh. Tôi ngồi cạnh, trố mặt thán phục. Mải mê ngắm tranh, không để ý chung quanh, đến lúc vun vút ngọn roi mây quất xuống người mới bừng tỉnh. Thằng bạn hoạ sĩ nhanh chân chạy mất. Tôi – biết mình vô tội nên – không tuông chạy, mà có chạy cũng không kịp. Và tôi co người như em bé ở Lào Cai viết sai chính tả, ngước nhìn gã khổng lồ say sưa cơn cuồng nộ, vun vút ngọn roi mây.
Vâng, vẫn biết là những lằn roi trên da đã lặn, cái đau buốt đã dịu theo thời gian – mấy mươi năm rồi còn gì – nhưng, những lằn roi trong tâm tư vẫn còn, vẫn rát bỏng, vẫn hừng hực nung nấu trong trí nhớ. Bạn bảo tôi phải làm gì với những lằn roi ấy?
Lên được lớp đệ tứ, bộ Giáo Dục bỏ kỳ thi trung học đệ nhất cấp, bọn học trò chúng tôi mừng hết lớn. Năm đệ tứ tôi có ông thầy hóa học mà tôi không còn nhớ tên, ông là sinh viên đại học, tất cả những bài kiểm về hóa học ông đều cho tôi từ 2 đến 3 điểm trên 10, dù bài làm đúng cách và đáp số chính xác đến đâu đi nữa. Bạn thử đoán xem vì sao. Sau này khi vào đại học, gặp lại ông ta, ông ấy mới “Thú thật hồi đó tôi cứ tưởng anh cọp bài của người khác.” Không bắt được quả tang mà chỉ “tưởng” thôi đã treo án phạt. Quả là thứ công lý dị hình! Làm sao có thể “tưởng” như thế được! Tôi bị điểm thấp cho môn hóa học suốt một năm đệ tứ mà không hiểu vì sao. Bạn thấy có oan cho tôi không?
Roi vọt hở? Từ từ đã, bạn làm gì mà nôn nóng thế. Không có đâu, lên trung học làm gì còn roi vọt. Nếu có roi vọt theo nghĩa đen thì roi vọt này cũng hơi biến dạng ít nhiều rồi. Cũng năm đệ tứ ấy, tôi học thầy Nguyễn Sĩ Thuyên, môn toán. Ông thầy này có cách trừng phạt riêng biệt: luôn đánh thật mạnh vào lưng con trai, và vỗ thật to vào mông con gái mỗi khi chúng tôi làm sai toán trên bảng. Những đứa giỏi mới bị đánh, bọn dốt chả bao giờ thầy thèm gọi lên bảng và vì vậy không bao giờ bị đánh. “Mày mà còn làm sai bài toán này à!” Ông vẫn mắng như thế. Thỉnh thoảng, sơ sót một cái dấu cộng, dấu trừ, dấu ngoặc đơn, ngoặc kép… là người sẽ giật bắn lên và lưng sẽ rát bỏng vì bàn tay cứng như thép của thầy.
Không biết các cô bạn – học sinh xuất sắc – cùng lớp tôi hồi đó cảm thấy thế nào mỗi khi làm toán sai trên bảng, bạn tôi nhỉ.
Ngày đầu niên học, thầy ngồi ở bàn giáo sư. Nhìn một lượt quanh lớp học. Khi không khí đã đóng băng vì căng thẳng chờ đợi, ông bảo: “Thường thì đầu niên học các giáo sư thường có nhiều điều để nói, tôi thì không.” Và không nhìn sổ điểm danh, ông thầy gọi (cầu may) một loạt tên học sinh lên bảng. Lan, Cúc, Mai, Huệ, Hồng, Tuyết, Nga, Hạnh, Dũng, Hùng, Phúc, Tâm, Thành, Trung, Văn. Cú thử tay nghề đầu niên học xem trình độ học sinh tới đâu. Thầy gọi cầu may nhưng bắt trúng hầu hết những cái tên quen thuộc.
Lên đệ tam, tôi chuyển trường. Và người để lại dấu vết đặm nét trong ký ức tôi là giáo sư Việt Văn Lê Phổ. Ông thầy là con bệnh kinh niên của một bệnh dịch tràn lan khắp miền Nam nước Việt thuở trước: bệnh mê truyện kiếm hiệp. “Tôi chỉ cần cho các cậu một cú Nhất Dương Chỉ là các cậu đi đời.”, “Tôi đang luyện Tịch Tà Kiếm Phổ đấy, nói cho mấy cô mấy cậu biết mà phòng thân!” Thầy hay nói đùa như thế. Tới giờ giảng văn, thầy viết cái đề luận văn trên bảng. “Các cô các cậu làm trong vòng hai tiếng đồng hồ.” Và chúng tôi lục tục lấy giấy ra làm bài. Khi những tờ giấy trắng bắt đầu nằm ngoan trước mặt lũ học trò thì thầy cũng bắt đầu mở cuốn truyện bìa dán hai ba lớp giấy bồi, loại sách chen chúc xếp hàng ở những tiệm “Cho thuê truyện”.
Thuở bé bạn cũng hay đi thuê truyện hở. Thì đó, bọn học trò chúng mình đứa nào mà không mê đọc sách. Đâu có như lũ trẻ bây giờ, tối ngày dán mắt vào mấy cái iPod, iPad, iPhone. Thôi để tôi kể tiếp. Bạn hay ngắt lời làm gián đoạn câu chuyện, không có lợi cho việc điều trị tâm lý. Không tin bạn hỏi mấy ông bà chuyên gia tâm lý mà xem.
Ừ thì kể tiếp đây. Chúng tôi biết là sách đi thuê bởi chúng tôi cũng thường tìm những cô giáo Thảo, những anh chàng Dũng, những cô Loan của Nhất Linh, những anh Vọi… của Khái Hưng trong những tiệm có đầy những sách dán cái bìa giấy bồi dầy cộm như thế. Hai giờ đồng hồ, học trò vặn óc tìm câu cú, tìm luận cứ, tìm lý lẽ để trải trên trang giấy trong lúc thầy mê mải chu du trong chốn giang hồ với những Hoàng Dược Sư, với Lục Tiểu Phụng, với Vi Tiểu Bảo, với Cô gái Đồ Long. Và những bài làm trong lớp thầy ít khi trả lại cho học trò nên chúng tôi chả biết bài luận văn mình hay dở thế nào. Sau này tôi nghĩ chắc những tờ giấy vở học trò ấy đã được rải đầy lối đi cho Tiểu Long Nữ, như những chứng tích tình yêu của thầy dành cho cô nàng (nghe nói) đẹp tuyệt trần ấy.
Năm đệ nhị, cái năm chuẩn bị thi tú tài một ấy, tôi trở về trường cũ. Ông thầy dạy môn Vạn Vật của chúng tôi là giáo sư Chu Ngọc Thủy. Ông có cái mác giảng nghiệm viên Đại Học Khoa Học Sài Gòn nên bọn tôi phục lắm. Ngày mồng một Tết. Tôi, nhờ ít nói và nói ít – các bạn cùng lớp bảo thế – nên được chỉ định đại diện lớp đi chúc Tết thầy cô. Ba đứa đến gõ cửa nhà thầy Chu Ngọc Thủy, được thầy cho vào nhà chơi.
Có chó không hả? Không có. Nếu có là tôi đã nói rồi. Bạn làm ơn im lặng cho tôi kể tiếp có được không nào! Thầy bảo vào nhà chơi. Ừ, thầy kêu vào mà. Chúng tôi rón rén đi vào. Mồng Một Tết, không khí căng thẳng hết biết luôn. Chúng tôi rụt rè ngồi đúng chỗ thầy chỉ định. Sau khi đã yên vị, hai đứa bạn nháy mắt ra hiệu, tôi bắt đầu chúc Tết thầy, tôi chúc ngắn, gọn, đúng công thức, và thêm cái câu màu mè ở cuối rằng, “Ước mong năm nay những ước mơ của thầy sẽ thành sự thật.” Ông thầy bất chợt ngắt ngang bằng giọng sang sảng, “Tao chẳng ước mơ con mẹ gì hết!” Thằng học trò mười bốn tuổi cứng họng, ngơ ngác.
Và tôi á khẩu từ giây phút ấy. Thầy lấy tiền ra lì xì ba đứa, chúng tôi ngập ngừng cầm những đồng tiền may mắn mới tinh trên tay chưa biết phải làm gì thì thầy gọi vọng ra nhà sau, “Mấy nhỏ ra các anh chị lì xì.” Một bầy trẻ ùa ra, chìa tay trước mặt ba đứa tôi. Thế là ba đứa nộp lại cho con thầy không thiếu đồng nào.
Bạn bảo đó là chuyện nhỏ. Ừ thì chuyện nhỏ, nhưng dù nhỏ mà làm vậy với những đứa trẻ mới lớn không là quá đáng lắm sao. Dĩ nhiên không là chuyện phạm pháp. Không phải là criminal activity thì cũng rude quá chừng chừng. Đấy, chêm tiếng Anh vào như vậy bạn mới tin tôi.
Thật là một ngày đầu năm xui xẻo cho ba đứa chúng tôi. Từ đó tôi đâm ra ngại ngùng những câu chúc.
Ông thầy cuối của thời trung học là ông thầy lớp đệ nhất ban A của tôi ngày xưa ở trường Lê Bảo Tịnh. Ông này mang tội mưu sát. Ông không vi phạm khi tôi còn là học trò lớp của ông mà ông vi phạm mãi sau này, khi cả thầy lẫn trò đều đua nhau bạc tóc. Ông là nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Một ngày nọ trong tờ Văn, ông dấy lên cuộc bàn cãi rằng “nàng” và “chàng” trong văn chương đã trở nên sáo ngữ, cải lương, cổ lỗ sĩ, cần phải loại bỏ. Bởi ông thầy tôi là chủ bút và cũng là nhà văn nổi tiếng nên sau đó có nhiều người sợ, không dám đưa “nàng” và “chàng” vào tác phẩm họ nữa.
Với tôi thì tùy câu chuyện, tùy môi trường, tùy đủ thứ… mà nên cho “nàng” với “chàng” góp mặt. Chuyện xảy ra trong triều đình, khi vào bái kiến hoàng đế thì bắt buộc phải muôn tâu “thánh thượng” chứ không thể dùng chữ nào khác. “Chàng” với “nàng” cũng vậy thôi. Có những chỗ gọi nhân vật là ngài, là hắn, là nó, là y, là gã, là cậu, là đương sự, là thằng ấy, là quân khốn nạn ấy… thì cũng có những chỗ bắt buộc phải là “chàng”, không thể khác đi được. Tóm lại, ông thầy dạy triết lớp 12 của tôi đã can tội mưu sát hai nhân vật “chàng” và “nàng”, cấm họ bước chân vào văn chương. Việc làm của ông thầy đã để lại hậu quả khá nghiêm trọng: khiến những tay viết yếu bóng vía cứ truy sát “chàng” với “nàng” khắp chốn. Việc làm của ông thầy nhà văn để lại trong tôi hội chứng hậu chấn thương khá nghiêm trọng; tới mức tôi cũng đâm ra dị ứng với “chàng” và “nàng”, và cũng hơi lỏng những ngón tay khi hạ bút viết hai chữ “chàng” và “nàng” lên trang bản thảo.
Chưa hết, bạn tôi ơi. Đến Canada, lại đi học, tôi lại gặp những ông thầy. Ông thầy cuối tôi gặp khi đã gần cái tuổi ba mươi là dân bản xứ. Ngày lễ Giáng Sinh, theo truyền thống tôn sư trọng đạo, tôi tặng ông thầy tấm thiệp Giáng Sinh. Trao cánh thiệp ngày hôm trước, cảm ơn và chúc tụng rối rít. Xong, hôm sau đến lớp thấy cái thiệp của mình trong thùng rác. Vẫn biết ngoài sự khác biệt về văn hóa còn sự khác biệt về cá tính mỗi người nhưng vẫn thấy ê chề, bạn đồng ý không?
Thì đó, bạn nói đúng, ai bảo màu mè, lễ nghi luộm thuộm làm gì. Thành ra đó là lần cuối cùng tôi gửi thiệp cho thiên hạ.
Bạn thở dài đấy à? Thú thật với bạn, chuyện của tôi chỉ có chừng đó mà chúng ám tôi bao nhiêu năm trời. Trước khi tạm ngưng (câu này thường thấy trong những tờ thư người ta gửi cho nhau thuở trước), xin được nhấn mạnh với bạn một điểm: các ông thầy tôi nhắc tới hôm nay là người thật, tên cũng thật luôn. Chỉ ông thầy người Canada là tôi không nêu tên (để khỏi mất công thưa kiện lôi thôi). Và những câu chuyện tôi kể hôm nay là chuyện thật. Hy vọng kể xong, lòng tôi sẽ nhẹ bẫng như cánh diều sẵn sàng đong đưa với mây trời và ve vẩy cùng những cơn gió lốc. Những chuyện mà nhiều người cho là chuyện nhỏ, bởi chúng không xảy ra với họ, nhưng ở nạn nhân, những vết sẹo còn hoài. Tôi cũng không hiểu sao mình nhớ mãi những chuyện ấy. Có thể vì những vết sẹo quá đặm nét, tôi cần giải phẫu tẩy xóa chúng. Tôi cần cuộc giải phẫu thẩm mỹ tâm hồn. Tôi nhớ hoài bởi tôi bị oan. Tôi cần giải oan cho chính tôi. Bạn thân mến. Đừng vu cáo là tôi bị PTSD. Ừ, mà cũng có thể tôi bị PTSD thật, bởi những thương tích gây ra là những vết cắt không những trên da thịt mà còn trên phiến linh hồn trẻ thơ.
Mọi sự bất công dưới bất kỳ hình thức nào đều đáng tiếc. Bạn có đồng ý với tôi không?
Bạn thử nghĩ xem, đến bao giờ ở cái nước Việt Cộng kia, em bé Lào Cai mới quên được những cú giộng đầu vô tường nháng lửa bởi bàn tay cô giáo, nếu chấn thương đáy xương sọ (raccoon eyes là dấu hiệu vỡ xương đáy sọ – basal skull fracture) không để lại những di chứng thần kinh; và đến bao giờ cũng ở cái đất nước Việt Cộng kia, em học trò bị cô giáo bắt uống nước giẻ lau bảng mới quên được cái vị đắng chát, cái mùi thum thủm của nước vắt từ cái giẻ lau? Đến bao giờ! ĐẾN BAO GIỜ?
Xin được nói thêm với bạn là trong cuộc sống, những điều tốt ít được nhắc tới hoặc vinh danh, ngược lại những điều không tốt thì luôn bị thổi phồng (điều này ai mà chả biết!) Suốt mười mấy năm lê lết ghế nhà trường mà tôi chỉ có mấy lần mang sẹo tâm hồn như thế có nghĩa là tôi đã có vô số THẦY CÔ đúng nghĩa, những người mang trọn vẹn sứ mạng của người vun trồng thế hệ tương lai. Với những bậc THẦY khả kính ấy, tôi không bao giờ dám quên.
Còn bạn, tôi nghĩ đã đến lúc bạn nên xét lại ca dao tục ngữ. Cái câu “Yêu cho roi cho vọt” mà tây cũng cũng biểu đồng tình rằng “Spare the rod and spoil the child” đã thuộc về một thời kỳ khác của lịch sử nhân loại. Chúng cần được xóa bỏ, như nhân loại đã xóa bỏ chế độ nô lệ, bạn của tôi ạ.
Khúc An