Danh sách 21 phim tranh Cành Cọ Vàng tại Cannes 2018Biểu tượng "Cành cọ vàng" dựng bên ngoài khách sạn Carlton thành phố Cannes, ngày 06/05/2018. REUTERS/Regis Duvignau
Festival Cannes 2018 sẽ chính thức khai mạc ngày 08/05/2018 tại thành phố biển miền đông nam nước Pháp. RFI giới thiệu danh sách các bộ phim tham gia tranh giải tại kỳ liên hoan điện ảnh quốc tế lần thứ 71.
● Everybody Knows của đạo diễn Asghar Farhadi (Iran) : Toàn bộ tác phẩm được quay tại Tây Ban Nha với cặp tài tử nổi tiếng Penélope Cruz vàJavier Bardem. Bộ phim này được chọn khai mạc Liên Hoan Cannes 2018 tối ngày 08/05/2018.
● En Guerre của đạo diễn Stéphane Brizé, (Pháp) : Một lần nữa Stéphane Brizé lại xoáy vào đề tài xã hội. En Guerre là cuộc đấu tranh của 1100 nhân viên một nhà máy sẵn sàng làm tất cả để cứu nhà máy sản xuất phụ tùng xe hơi bị đe dọa đóng cửa và nhất là để bảo vệ việc làm của tầng lớp công nhân. Bộ phim mang nặng màu sắc xã hội này được chiếu đúng vào lúc nước Pháp đang đối mặt với nhiều cuộc biểu tình bảo vệ phúc lợi xã hội và công việc làm.
● Le Poirier sauvage của đạo diễn Nuri Bilge Ceylan (Thổ Nhĩ Kỳ) : Từng đoạt Cành Cọ Vàng của Cannes năm 2014 với Giấc Ngủ Đông – Winter Sleep, Nuri Bilge Ceylan lần này hy vọng sẽ chinh phục ban giám khảo với Cây lê dại. Đây là câu chuyện của một người đàn ông mơ trở thành văn sĩ và mơ trở lại vùng Anatolie nơi ông đã sinh ra. Như thông lệ với Nuri Bilge Ceylan, phim của nhà đạo diễn này luôn kéo dài trong trên dưới ba tiếng đồng hồ.
● Ayka của đạo diễn Serge Dvortsevoy (Kazakhstan -Nga) : Đây là bộ phim thứ nhì của đạo diễn người Kazakhstan này. Cách nay đúng 10 năm ông từng đoạt giải Nhãn Quan Độc Đáo. Ayka là tên một thiếu nhữ người Kyrghizistan định cư và lao động trái phép tại thủ đô Matxcơva, trên hành trình đi tìm người con trai mà cô đã chối bỏ.
● Dogman của đạo diễn Matteo Garrone (Ý):Đã nhiều lần đoạt giải thưởng tại Liên Hoan Cannes, như Giải Thưởng Lớn và đạo diễn xuất sắc nhất, Matteo Garrone năm nay trở lại bờ biển biếc với Dogmann, nói về sự báo thù nhắm vào một gã võ sĩ quyền anh hết thời nhưng lại cực kỳ tàn bạo. Vòng xoáy của hận thù, của bạo lực như không có hồi kết.
● Le Livre d'image của Jean-Luc Godard (Pháp): Là một trong những tên tuổi lớn của điện ảnh thế giới vẫn được mời tham dự Cannes 2018. Cuốn sách về hình ảnh của Godard dường như là một lời mời gọi hãy suy nghĩ về thế giới Ả Rập qua muôn vàn hình ảnh tài liệu cũng như là từ những câu chuyện được dựng lên. Cho đến ngày bộ phim được trình chiếu tại cung liên hoan, ẩn số lớn nhất vẫn là sự hiện diện của Godard tại Cannes, bởi giữa ông và liên hoan nổi tiếng này luôn là một « cuộc tình đầy sóng gió ».
● Un couteau dans le cœur của đạo diễn Yann Gonzalez (Pháp và Mêhicô) : Bộ phim thứ nhì của đạo diễn Gonzalez nói về một nhà sản xuất phim con heo dành cho giới đồng tính. Nữ diễn viên thủ vao chính là cô đào người Pháp Vanessa Paradis.
● Asako I & II của đạo diễn Ryusuke Hamaguchi (Nhật Bản) : Câu chuyện xoay quanh Asako. Cô tìm thấy được một chàng trai giống người tình vừa mất tích, Baku, như đúc. Cô gái dùng mọi mánh khóe để « mồi chài » cho bằng được người đàn ông đó. Về nội tâm, Baku và « clone » của anh là hai thái cực. Phim này khiến người xem liên tưởng đến câu chuyên dân gian Việt Nam, Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt.
● Plaire, aimer et courir vite của đạo diễn Christophe Honoré (Pháp) : Đề tài được đạo diễn người Pháp này yêu thích nhất có lẽ là những mối tình đồng tính. Phim của ông trình làng tại Cannes lần này nói về mối tình giữa một chàng sinh viên và một nhà văn ở vào những năm 1990 …
● Les Filles du soleil của nữ đạo diễn Eva Husson, (Pháp) : Những Cô Con Gái của Mặt Trời là bộ phim nói về một tiểu đội nữ của người Kurdistan đương đầu với quân thánh chiến. Thủ lĩnh của tiểu đội này theo đuổi một mục tiêu : tìm lại đưa con trai duy nhất của bà đã bị quân thánh chiến cướp đi.
● Les Éternels của đạo diễn Giả Chương Kha (Trung Quốc) : Sau 5 lần được mời tranh giải, Cành Cọ Vàng 2018 liệu có về tay nhà làm phim người Trung Quốc này hay không ? Lần này họ Giả kể một câu chuyện tình của một cô ca sĩ và thủ lĩnh một băng đảng tội phạm chinh phục khán giả tại Cannes.
● Shoplifters hay Une affaire de famille của đạo diễn Hirokazu Kore Eda (Nhật Bản) : Từng đoạt Giải Thưởng của Ban Giám Khảo năm 2013 với Cha nào con nấy, Kore Eda đã 5 lần dược mời tranh Cành Cọ Vàng. Ông luôn theo đuổi một đề tài : liên hệ trong một gia đình. Shoplifters không là một ngoại lệ. Cuộc sống êm đềm của cặp vợ chồng nghèo và cô con gái nuôi đột ngột bị chao đảo vì những bí mật thầm kín từ quá khứ hiện về.
● Capharnaüm của nữ đạo diễn Nadine Labaki, (Liban) : Đã được mời đến Liên Hoan Cannes ở hạng mục La Quinzaine des réalisateurs, từng đoạt giải thưởng của công chúng tại Liên Hoan Phim Quốc Tế Toronto năm 2011, với Capharnaüm Nadine Labaki đưa khán giả trở về với câu hỏi xưa như tráo đất : « Tại Sao Cha Mẹ lại sinh ra Tôi ? »
● Burning của đạo diễn Lee Chang Dong (Hàn Quốc) : Lee Chang Dong sinh ra là để làm phim. Sau một thời gian ngắn ngủi giữ chức bộ trưởng Văn Hóa, ông trở lại với tình yêu duy nhất là điện ảnh. Burning dựng phim từ một tác phẩm của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami.
● BlacKkKlansman của đạo diễn Spike Lee (Hoa Kỳ) : Một câu chuyện có thực ngoài đời. Năm 1978, một viên cảnh sát người Mỹ da đen trà trộn vào tổ chức Ku Klux Klan. Hắn từng bức thăng tiến để trở thành chủ tịch của tổ chức kỳ thị này … Spike Lee đem một bộ phim mang tính thời sự về đất nước ông đến Cannes.
● Under the Silver Lake của đạo diễn David Robert Mitchell (Hoa Kỳ): Sam, một gã thanh niên ngoài ba mươi tuổi, yêu cô hàng xóm. Cô ta mất tích, anh lao vào cuộc điều tra … và lặn ngụp dưới tận cùng các nấc thang xã hội ở thành phố Thiên Thần, Los Angeles …
● Trois visages của đạo diễn Jafar Panahi (Iran): Chân dung ba người đàn bà tại Iran. Bị chính quyền Teheran cấm hành nghề, cấm xuất ngoại, Jafar Panahi vẫn làm phim về đất nước ông. Năm 2015 Taxi Teheran đoạt giải thưởng cao quý nhất tại Liên Hoan Phim Quốc Tế Berlin. Lần này, ban tổ chức Cannes đã chính thức yêu cầu chính phủ Pháp can thiệp để đạo diễn Panahi được xuất ngoại. Phải đợi đến ngày 12 tháng 5, khi phim của ông được chiếu ở rạp Lumière, mới biết được rằng Teheran có đáp ứng nguyện vọng của Liên Hoan Cannes hay không.
● Cold War của đạo diễn Pawel Pawlikowski (Ba Lan) : Năm 2015 Pawel Pawlikowski đoạt giải Oscar dành cho phim ngoại quốc với Ida. Lần này trong Chiến Tranh Lạnh Pawel Pawlikowski kể về câu chuyện của một phụ nữ và hai người đàn ông đi về giữa Ba Lan và Pháp trong những năm 1950-1960. Đây là một bộ phim đen trắng do tập đoàn Amazon phát hành.
● Heureux comme Lazzaro của nữ đạo diễn Alice Rohrwacher (Ý) : Một câu chuyện đầy chất thơ giữa một gã nông dân sống trong một ngôi làng hẻo lánh và tình bạn giữa Lazzaro với con trai của nữ bá tước Alfonsina de Luna… Năm 2014, Alice Rohrwacher bất ngờ đoạt giải thưởng Grand Prix của Cannes với Les Merveilles.
● L'Été của đạo diễn Kirill Serebrennikov (Nga) : Đang bị quản thúc tại gia, Kirill Serebrennikov khó có cơ hội đến Cannes. Nhân vật chính trong Mùa Hạ là Viktor Tsoï trưởng ban nhạc Kino. Liên Xô trong những năm tháng cộng sản, Viktor Tsoï là thần tượng của làng nhạc rock ở phía đông bức màn sắt.
● Yomeddine, của đạo diễn Abu Bakr Shawky (Ai Cập) : Một bộ phim cười ra nước mắt kể lại hành trình của một người đàn ông và một thằng bé mồ côi thoái khỏi trại nơi tập trung những người bị bệnh cùi. Với một con lừa gầy trơ xương, họ tìm cách trốn khỏi đất nước Ai Cập…
Theo RFI