Chân dung nhà thơ Tú Kếu trên bìa báo Khởi Hành. (Hình: Viên Linh)
Bằng hữu và độc giả thường biết Tú Kếu tên thật là Trần Đức Uyển, thực ra không phải. Tên thật ông là Nguyễn Huy Nhiên, còn Trần Đức Uyển, hay Hoàng Bình Sơn chỉ là những bút hiệu ông dùng trong khi làm những bài thơ không châm biếm.
Tú Kếu sinh năm 1937 tại Sơn Tây, dạy học trước khi bước vào làng báo. Tring làng báo Sài Gòn trước năm 1975, Tú Kếu nổi tiếng với những bài thơ trào phúng, đùa cợt, chỉ trích và đả kích các thói hư tật xấu trong xã hội, nhất là trong chính quyền. Ông chọn Bút hiệu Tú Kếu vì muốn nối theo dòng thơ Tú Xương, Tú Mỡ.
Ông lập gia đình với con gái một người bạn, và đó là gia đình đầm ấm ông sống cho tới cuối đời, ở Sài Gòn và Lâm Đồng.
Sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ, ông bị bắt đưa ra tòa, bị lên án 18 năm tù. Dĩ nhiên cũng vì những bài thơ của ông chế nhạo chế độ mới. Ở tù được trên mười năm thì Tú Kếu được thả về, có lẽ vì căn bệnh mất trí nhớ (bệnh Alzheimer) bắt đầu tác hại.
Ra khỏi tù, ông về sống ở Bao Lộc. Những ngày đầu Tháng Tư, 2002, bệnh của Tú Kếu quá trầm trọng, ông được gia đình đưa về Sài Gòn. Cái chết của Tú Kếu là một cái tang lớn cho làng thơ trào phúng Việt Nam.
Theo nhà thơ Trần Thúc Vũ, “Tú Kếu với một tâm hồn ngay thẳng, chân thực, đôn hậu và can trường. Dưới bất cứ thời buổi nào, anh luôn luôn dùng ngòi bút để chống: cường quyền, bạo lực, bất công, áp bức… cả những thói hư, tật xấu cho dù đó là ai đi chăng nữa, và ngay cả với chính mình. Anh châm chọc nhưng không tàn nhẫn, anh chỉ trích nhưng đầy yêu thương. Năm 1976, anh bị kết án 18 năm tù cũng bởi những điều như thế. Nhưng năm 1988 thì được thả. Hiện nay anh sống lặng lẽ ở Sài Gòn mà lòng u uẩn về một tương lai cho Việt Nam.”
Tôi xin trả lại cho anh sự giãi bày, với bốn bài thơ Tú Kếu sau 1975.
Sáu Phần MườiĐây là tiếng gõ
Tôi gõ cửa lương tâm loài người
Dĩ nhiên không phải những lương tâm đang ngủ
Những lương tâm còn thức sáng ngời.
Tôi sẽ nói gì với họ?
Không! Không cần, xin cứ đọc thơ tôi
Do hạn chế bởi ngôn từ thi sĩ
Tôi nói lên chưa được sáu phần mười.
Nhân QuyềnViệt Nam quyền con người
Người được quyền đi lại
Quanh quẩn trong vùng thôi
Ra ngoài bị tóm cổ
Việt Nam quyền con người
Người được quyền cư trú
Nơi chỉ định mà thôi
Ra ngoài cũng tóm cổ
Việt Nam quyền con người
Người được quyền phát biểu
Ca tụng đảng mà thôi
Ngoài ra bắt tự kiểm
Việt Nam quyền con người
Người được quyền đau khổ
Được quyền khóc trước cười
Được quyền chui xuống mộ
Vịnh Một Chính Khách Bên Tây VềThời cơ có lẽ tới rồi đây
Phúc hậu ông tôi mặt vẫn đầy
Lưu lạc mấy năm người béo lẳn,
Giang hồ dăm bận má tròn phây!
“Ái quần” số dách trong vòng… “mật”
Đoàn kết “bom nhe” dựa thế Tây!
Nghe nói quan anh tài… đỡ đẻ
Thôi đừng chính trị, hãy ra tay!
Phúng Ông KennedyÔng chết rồi, ông chết thật rồi!
Cõi đời khốn nạn lắm ông ơi!
Hòa bình thế giới qùe chân đứng,
Dân chủ năm châu hụt chỗ ngồi!
Hí hửng anh Mao lòng mở hội
Ngậm ngùi bác Kút, miệng bôi vôi!
Thương ông: hiệp chủng văn minh quá
Đen, xám, vàng, nâu… trách cụ trời!
Trách cụ trời gây loạn trước tiên,
Làm cho ông mệt mấy năm liền!
Ba thằng tư bổn càng to vốn,
Các gã lưu manh lại rộng quyền.
Khuynh hữu phất phơ cờ… cứu quốc
Cộng huề khấp khởi ghế… ăn trên!
Không gian bát ngát, ông về đất,
Nhớ chống tam vô dưới cửu tuyền!
Dưới cửu tuyền ví gặp cụ Ngô,
Giảng hòa thôi nhé, tiếng cười to!
Bắt tay thân thiện: tôi và bác,
Chào hỏi khoan dung: tớ với bồ!
Súng đạn than ôi, thời buổi loạn!
Anh hùng thảm bấy, phút sa cơ!
Ngàn trùng biển Thái xanh ngăn ngắt!
Ngơ ngác trên cây một ngọn cờ!
(Trích Khởi Hành số 67, Tháng Năm, 2002)
Từ Sài Gòn, nhà văn Nguyễn Thụy Long báo tin cho bằng hữu hải ngoại như sau: “Tôi báo cho các bạn một tin buồn: Tú Kếu chết hồi 8 giờ 30 phút sáng 25 Tháng Tư, năm 2002, tức ngày 13 Tháng Ba năm Nhâm Ngọ.” Tin cũng cho hay tang lễ nhà thơ được cử hành vào ngày 27 Tháng Tư, tức là Thứ Bảy cuối tuần.
Tú Kếu là một thi sĩ trào phúng nổi tiếng nhất của làng báo miền Nam trong hai thập niên 1960 và 1970 qua các mục thơ biếm chích thường xuyên trên các nhật báo và tuần báo mà anh đặt là Thơ Đen, Thơ Chua, Thơ Chém Treo Ngành. Một trong những mục đó là một mục thường xuyên của Khởi Hành trước 1975. Ông cũng viết trên tạp chí Ngàn Khơi, Văn Nghệ, các nhật báo Sống, Độc Lập, Sóng thần, vân vân.
Đối tượng của Tú Kếu không phải chỉ là những thói hư tật xấu của một hạng người nào đó, mà còn nhắm vào chính quyền đương thời. Do đó thơ anh thường bị kiểm duyệt đục bỏ, toàn bài hay từng câu từng chữ. Mục thơ trào phúng của anh một mặt làm báo bán chạy, mà mặt khác cũng làm báo ra chậm, vì một khi bài thơ bị đục bỏ, người ta phải dùng mục đen bôi đi, nếu ít, hay phải in lại, nếu báo lỡ in rồi. Năm 1960, số báo Tết tạp chí Ngàn Khơi bị dọa tịch thâu chỉ vì một câu thơ của ông; cả tòa soạn phải ngồi xé bỏ trang có bài thơ đó trước khi phát hành!
Viên Linh/Người Việt