Văn học sử Việt Nam ghi nhận công của các tạp chí Đông dương và Nam phong trong việc củng cố nền tảng và phát triển chữ quốc ngữ, khiến nó xứng đáng trở thành một thứ văn tự của một quốc gia có bốn ngàn năm văn hiến và xây dựng lâu đài văn học chữ quốc ngữ độc lập với văn học Trung hoa.
Nhưng nói tới công lao tài bồi chữ quốc ngữ buổi đầu phải kể tới các cây viết ở Lục tỉnh Nam kỳ vào cuối thế kỷ XIX. Họ gồm các nhà văn cũng như các học giả hoặc sáng tác tiểu thuyết hoặc viết báo đã góp những viên đá đầu tiên xây dựng nền tảng cho thứ văn tự mới như Nguyễn Trọng Quản
(1865-1911), Lê Hoằng Mưu (1879-1942), Nguyễn Chánh Sắt (1869-1947) và Gilbert Trần Chánh Chiếu (1868-1919). Tuy nhiên, công lao hãn mã giúp cho thế hệ sau có thể dùng chữ quốc ngữ xây dựng nền tân văn học phải kể hai học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1897) và Huỳnh Tịnh Của (1834-1907).
Sự nghiệp của học giả Pétrus Ký chúng tôi sẽ có dịp nói vào một dịp khác. Lần này vì muốn giới thiệu sơ lược bộ tự vị chữ quốc ngữ khai sơn phá thạch, chúng tôi xin kể vài nét sơ lược về công nghiệp của cây bút lớn họ Huỳnh.
Huỳnh Tịnh Của, còn gọi là Tịnh Trai, có tên thánh là Paulus, nên thường được gọi là Paulus Của, hay Paulus Huỳnh Tịnh Của, sinh năm 1834 tại làng Phước Thọ, Huyện Ðất Ðỏ, tỉnh Bà Rịa, nay là Phước Tuy, Nam phần, và mất năm 1907 tại Bà Rịa hưởng thọ 73 tuổi.
Paulus Huỳnh Tịnh Của tinh thông cả Hán Văn và Pháp Văn. Khi còn thanh niên, ông theo học trường công giáo ở Pulau-Penang, Mã Lai. Năm 1861, ông đuợc bổ nhiệm Ðốc phủ sứ, trông coi việc phiên dịch văn án ở Soái phủ Sài Gòn. Trong một thời gian ngắn, ông đã từng thay Trương Vĩnh Ký làm chủ bút tờ công báo quốc ngữ Gia Ðịnh Báo.
Vốn có nền cổ học uyên thâm, lại tiếp thu ảnh huởng văn hóa Pháp khá sâu sắc, Paulus Huỳnh Tịnh Của rất chú trọng tới văn chương cổ truyền và việc truyền bá học thuật Âu Tây cho người Việt. Nhắm mục đích này, Paulus Của đã dùng quốc ngữ biên soạn dịch thuật nhiều áng văn chương cổ và soạn một bộ tự vị, được coi như cuốn đầu tiên bằng chữ quốc ngữ có tên là Đại nam quốc âm tự vị.
Theo nhà khảo cứu CORDIER trong Văn tuyển tác giả Việt (Morceaux choisis d’Auteurs annamites-Hanoi: 1932) thì Huỳnh Tịnh Của sáng tác khá nhiều và tác phẩm có thể xếp thành hai loại: loại biên khảo và loại phổ biến văn hóa cũ.
Loại biên khảo gồm có:
1. Chuyện giải buồn, 2 tập, 112 truyện, in năm 1880 và 1885
2. Maximes et proverbes, in năm 1882
3. Gia lễ, in năm 1886
4. Sách bác học sơ giai, in năm 1887
5. Sách quan chế, in năm 1888
6. Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị, 2 cuốn, in năm 1895 và 1896
7. Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn, in năm 1897
8. Câu hát góp, in năm 1904.
9. Ca trù thể cách, in năm 1907
Loại bảo tồn văn hóa cổ gồm có:
1. Quan âm diễn ca, in năm 1903
2. Trần Sanh diễn ca, in năm 1905
3. Chiêu Quân cống Hồ truyện, in năm 1906
4. Bạch Viên, Tôn Các truyện, in năm 1906
5. Văn Doanh diễn ca, in năm 1906
6. Thoại Khanh, Châu Tuấn truyện, in năm 1906
7. Thơ mẹ dạy con, in năm 1907.
Trong kho tàng văn phẩm khá phong phú trên, bộ Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị được hậu thế trân trọng và cũng nhờ nó mà cái danh của học giả trường tồn và vị trí của ông trên “kỳ lân các” của lâu đài chữ quốc ngữ ở nơi tôn quý nhất.
Paulus Của soạn Đại nam quấc âm tự vịkhi nào? Có thể học giả đã cặm cụi trứ tác cuốn tự vị này khi còn giong ruổi trên hoạn lộ vì trong bài tựa, viết vào 1893 tác giả tâm sự: “nhơn khi rỗi rảnh ta cứ việc làm theo tiếng ta, chữ ta, viết đi chép lại, ngày đêm khó nhọc, hơn bốn năm trời mới thành công việc.”
Theo Thanh ba Bùi Đức Tịnh trong lời tựa lần tái bản Đại nam quấc âm tự vị năm 1998 cho biết thì: “Lúc đầu ông (Paulus Của) có ý định dịch các mục từ (đã soạn) ra tiếng Pháp nhưng sau nghe lời khuyên của A. Landes một nhà Đông phương học có học chữ Nho và từng làm Giám đốc Trường thông ngôn ở Sài Gòn từ năm 1885, ông đã nghĩ: ‘hễ có tiếng nói ắt phải có tự vị làm chuẩn thằng’. Và theo lời khuyên của A. Landes, bấy giờ là đổng lý văn phòng của toàn quyền Lanessan, ông đã làm thủ tục xin Thống đốc Nam kỳ xuất công quỹ để xuất bản bộ từ vị.”
Soạn tự vị, Paulus Của nhằm vào độc giả cuối thế kỷ XIX ở Nam Kỳ. Những độc giả này đều có vốn liếng Hán văn, và biết chữ Nôm, muốn đi sâu vào chữ quốc ngữ cần có một tài liệu tham khảo, có chữ Hán, chữ Nôm và chữ Việt.Đại nam quấc âm tự vịđã đáp ứng nhu cầu này.
Ông đã theo phương pháp nào để biên soạn tự vị? Như trang đầu của cuốn tự vị ghi rõ: “tham dụng chữ Nho có giải nghĩa, có dẫn chứng, mượn 24 chữ cái phương Tây làm chữ bộ.”
Tác giả cũng nhấn mạnh tới tác phẩm của ông là một cuốn tự vị nhắm thu thập rộng rãi và quy mô tiếng ta chứ không chú ý nhiều tới việc giảng giải điển cố.
Ông viết: “Có kẻ hỏi tự điển, tự vị khác nhau thế nào? Sao sách ta làm kêu là tự vị mà không gọi là tự điển?... Tự điển, tự vị khác nhau có một sự rộng hẹp. Tự điển phải có chú giải, mỗi chữ, mỗi tiếng đều phải dẫn điển, dẫn tích, nguyên là chữ sách nào, nguyên là lời ai nói, cả thảy đều phải có kinh truyện làm thầy; chí như tự vị cũng là sách hội biên các thứ chữ, cùng các tiếng nói, song trong ấy thích chữ một, nghĩa một, mà không dẫn điển tích gì.”
Công trình của Paulus Của khá đồ sộ, sách gồm hai tập, tập 1, từ vần A đến hết vần L, in vào năm 1895; tập 2, từ vần M đến hết vần X, in vào năm 1896.
Theo ấn bản mới nhất in vào năm 1998, cả hai tập là 1210 trang, tập 1 gồm 608 trang, tập 2 gồm 602 trang.
Giá trị của Đại Nam Quấc âm tự vị
Như đã trình bày trên, bộ tự vị tiếng Việt đầu tiên này được biên soạn theo phương pháp khoa học:
- Dùng 24 chữ cái của tiếng Pháp làm tiêu chuẩn tra cứu. Cũng nên nhớ khi xưa tự điển chữ Hán như Khang Hy tự điển dùng bộ thủ để tra chữ rất là phức tạp.
- Mỗi chữ nếu là tiếng ta thì kèm chữ “Nôm” phía trước phần giải thích bằng chữ quốc ngữ. Còn nếu có gốc “Hán Việt” thì ghi thêm chữ Hán và cả những thành ngữ Hán Việt quen thuộc.
Tác giả là người học rộng, hiểu nhiều, lại dày công nghiên cứu ngôn ngữ Việt nên Đại nam quấc âm tự vịlà:
- Một kho tàng tiếng Việt, gồm rất nhiều đơn tự, rất nhiều tiếng miền Nam, nhiều cách diễn tả thuần Việt mà các tự vị, tự điển xuất hiện sau này kể cả Tự điển tiếng Việt của hội Khai trí tiến đức (1931) và Tự điển tiếng Việt (nhóm Hoàng Phê 1995) không sánh bằng.
- Cách giải thích đơn giản và khá chính xác dùng làm nền tảng cho nhiều cuốn tự điển sau này.
- Thu thập được nhiều tiếng địa phương hơn hẳn các bộ tự điển sau nó.
- Bồi bổ kiến thức văn hóa dân tộc một cách hữu hiệu nhất và lý thú nhất.
Một thí dụ lấy trong Đại nam quấc âm tự vị để chứng tỏ những khẳng định trên:
Tra âm “cá” trang 85 của tự vị thì thấy tác giả trình bày như sau:
Trước hết “cá” ghi bằng chữ “Nôm” ghép chữ “ngư” (chỉ loài cá) với chữ Hán Việt “cá” để ghi âm.
Sau đó tác giả giải thích rành rọt các loại cá: cá mú, cá sông, cá sót, cá dứa, cá trèn, cá phèn, cá chốt, cá lòng tong, cá lăng, cá ngát, cá úc, cá biển, cá bẹ, cá chim, cá rựa, cá thu, cá gún, cá mòi, cá ngừ, cá chét, cá đồng, cá lóc, cá trâu, cá trê, cá rô, cá sặc, cá nàng hai, cá khô, cá mặn, cá tươi, cá rồng rồng…
Nhân chữ “cá”, tác giả giảng các thành ngữ liên quan đến chữ “cá” như: cá chậu chim lồng, thơ cá, tin cá, nậu hàng tôm hàng cá, bặt tin nhàn cá, bắt cá hai tay…
Để thuận tiện cho người tra cứu của ở cả ba miền nước Việt, tác giả quan tâm tới tình trạng đa dạng trong cách phát âm một số tiếng Việt trong buổi đầu sử dụng chữ quốc ngữ để ghi lại. Đó là lý do khiến các từ “chánh” và “chính”, “nhất” và “nhứt”, “phúc” và “phước”, “thật”, “thiệt” và “thực”, mỗi từ đều được ghi là một mục từ và giảng giải riêng.
Tuy nhiên, Đại nam quấc âm tự vịxuất hiện trước đây hơn một thế kỳ khi quy tắc chính tả thống nhất của Tiếng Việt chưa hình thành nên có thể gặp nhiều từ viết theo lối cổ, thí dụ: Quốc có thể ghi là Quấc, Huỳnh ghi là Huình, Leng keng ghi là Len ken. Ngoài ra, có nhiều từ cổ ngày nay không dùng nữa thí dụ: húm chỉ âm hộ; quân chỉ đơn vị đo lường; cắt măm, chặt măm chỉ chặt nát ra; ngoai chỉ thắt vặn cho săn…
Thế hệ sau nghiên cứu chữ quốc ngữ và thưởng thức danh văn miền nam như thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Tôn Thọ Tường, Bùi Hữu Nghĩa, Phan văn Trị, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, Hồ Hữu Tường… không thể không có Đại nam quấc âm tự vị như sách quan trọng trong việc tham khảo và tra cứu nghĩa từ và cách diễn tả chân chất nhưng đầy hình tượng của đồng bào miền Ánh sáng. Còn những ai muốn hiểu gốc chữ (etymology) Việt và muốn học chữ Nôm, chữ Hán cũng cần tìm Đại nam quấc âm tự vị như sách gối đầu giường.
Hoàng Yên Lưu
Theo Thoibao