Phiên tòa xét xử Luật sư Lê Quốc Quân về tội “trốn thuế” sẽ diễn ra vào ngày 9/7 tới đây và ông đối mặt với mức án 7 năm tù.Chủ tịch Trung tâm Công lý và Nhân quyền Robert F. Kennedy (RFK Center) gửi thư cho Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu bảo vệ quyền chính đáng cho luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân đang bị giam cầm.
Lê Quốc Quyết, em trai luật sư Lê Quốc Quân.Bức thư đề ngày 13/6 của bà Kerry Kennedy, cháu gái cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, bày tỏ quan ngại về tình trạng của nhà hoạt động Lê Quốc Quân và kêu gọi Việt Nam bảo đảm ông không bị ngược đãi, cho phép ông được tiếp xúc với người nhà cũng như được chăm sóc sức khỏe cần thiết, theo đúng các chuẩn mực nhân quyền trong Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị của công dân mà Việt Nam đã tham gia ký kết vào tháng 9 năm 1982.
Ông Lê Quốc Quân, một luật sư nhân quyền và là một blogger được nhiều người biết đến qua các bài viết cổ xúy dân chủ-đa đảng và phản đối Trung Quốc xâm lược Biển Đông.
Ông Quân bị bắt từ tháng 12 năm ngoái sau khi bị một số kẻ lạ mặt hành hung mà ông nghi là có sự tiếp tay của công an.
Luật sư Trần Thu Nam, đại diện pháp lý của ông Lê Quốc Quân.Phiên tòa xét xử ông về tội danh “trốn thuế” sẽ diễn ra vào ngày 9/7 tới đây và ông đang đối mặt với mức án cao nhất là 7 năm tù.
Thư của Trung tâm Công lý Nhân quyền Robert Kennedy nhắc nhở giới lãnh đạo Việt Nam về các nghĩa vụ đã cam kết với quốc tế, đồng thời tố cáo Hà Nội vi phạm nhân quyền trong vụ bắt giam luật sư Lê Quốc Quân.
Trung tâm bảo vệ nhân quyền này nói dù ông Quân bị bắt vì cáo buộc tội “trốn thuế”, nhưng họ e rằng nguyên do chính của việc bắt giữ là vì các hoạt động chính đáng của luật sư Quân cổ xúy cho nhân quyền.
Thư nêu rõ trước khi bị bắt, ông Quân là tác giả của rất nhiều bài viết về quyền tự do tôn giáo, tự do dân sự, và đa nguyên chính trị.
Theo trung tâm RFK, cũng chính vì các hoạt động này mà nhà hoạt động Lê Quốc Quân thường xuyên bị nhà cầm quyền Việt Nam sách nhiễu và bắt giữ nhiều lần.
Giám đốc Cơ quan NED Carl Gershman đã gửi thư cho Thủ tướng Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ bắt giữ luật sư Lê Quốc Quân.RFK nói giam giữ luật sư Quân vì các hoạt động ôn hòa của ông đã là vi phạm nhân quyền theo Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, mà hơn thế nữa, cầm tù ông vì các hoạt động đấu tranh cho nhân quyền chứng tỏ Việt Nam cũng không tuân thủ các nghĩa vụ cam kết trong Tuyên ngôn Liên hiệp quốc về Các nhà bảo vệ nhân quyền.
Người nhà luật sư Quân nói kể từ lúc ông bị bắt tới nay gần nửa năm, thân nhân vẫn chưa được phép thăm gặp.
Ông Lê Quốc Quyết, em trai luật sư Quân, cho VOA Việt ngữ biết thêm:
“Qua luật sư, gia đình được biết tinh thần của anh Quân rất mạnh mẽ. Anh nhắn ra ngoài rằng đây là một âm mưu chính trị chống lại anh. Trong các hồ sơ làm việc, anh đều thể hiện đó là một âm mưu họ chống lại anh khi bắt anh về tội ‘trốn thuế’, một điều hoàn toàn không có cơ sở. Cơ bản thì tinh thần anh tốt. Tuy nhiên, anh liên tục kêu là thiếu nước sạch. Họ phân biệt đối xử với anh Quân qua việc hạn chế cho người nhà gửi đồ. Mỗi lần đi gửi đồ cho anh Quân, Quyết thấy thân nhân các tù nhân khác được gửi bao nhiêu cũng được, tới 20 chai nước vẫn được. Còn trường hợp anh Quân, mỗi lần gia đình đi gửi họ cho phép tối đa chỉ gửi được 10 chai nước suối, không đủ uống.”
Luật sư Trần Thu Nam, một trong các đại diện pháp lý của ông Quân tại phiên sơ thẩm sắp tới, nói việc cản trở người nhà thăm gặp ông Quân là một trong những vi phạm trong quá trình giam giữ, tố tụng đáng chú ý:
“Đối với một số tội liên quan đến an ninh quốc gia, việc bị can được gặp người nhà bị hạn chế vì người ta sợ tiết lộ thông tin. Nhưng đây là vụ án liên quan đến kinh tế, tội ‘trốn thuế’, thì việc hạn chế cho gặp người nhà là một điều khó hiểu. Tôi cho rằng có một ẩn ý gì trong đó cho nên người ta không cho (ông Quân) gặp người nhà. Việc này vi phạm quyền của gia đình bị can, bị cáo và quyền của bị can, bị cáo trong việc gặp gỡ.”
Luật sư Lê Quốc Quân là một tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ các nhà đấu tranh dân chủ trong nước, bảo vệ các giáo dân Thái Hà trong vụ chính quyền cưỡng chế đất đai của giáo hội, cũng như tư vấn pháp lý miễn phí cho các công nhân nghèo và dân oan khiếu kiện đất đai. Ông từng tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc hay các buổi cầu nguyện tập thể kêu gọi công lý và hòa bình. Ông cũng từng tham gia kiến nghị dừng dự án khai thác Bauxit tại Tây nguyên và ứng cử đại biểu quốc hội, nhưng bị loại.
Thành viên điều hành của Ủy ban Công lý Hòa bình, Giáo phận Vinh bị bắt lần đầu tiên vào năm 2007 ngay khi về nước sau xuất học bổng của Cơ quan Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ NED của Hoa Kỳ. Lần đó, ông được phóng thích sau 100 ngày giam giữ trước áp lực của quốc tế trong đó sự can thiệp của ứng cử viên Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông John McCain và cựu Ngoại trưởng Madeline Albright.
Giám đốc Cơ quan NED, ông Carl Gershman, đầu năm nay đã gửi thư cho Thủ tướng Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ bắt giữ luật sư Quân lần này với tội danh “trốn thuế”.
Trong cuộc trao đổi sau đó với VOA Việt ngữ, ông Carl Gershman nhấn mạnh:
“Chúng tôi muốn chuyển tải thông điệp rằng chúng tôi hết sức đề cao tầm quan trọng của quyền tự do bày tỏ quan điểm. Nếu một nhân vật như luật sư Lê Quốc Quân bị bắt vì đã thực thi điều mà chúng tôi hiểu là quyền của công dân được bảo đảm trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền thì Việt Nam sẽ cảm nhận những hậu quả từ Hoa Kỳ. Nó sẽ ảnh hưởng danh tiếng của Việt Nam và ảnh hưởng tới quan hệ Việt-Mỹ. Có những nhân vật trong những vị trí quan trọng của hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ muốn có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam nhưng đồng thời cũng hết sức quan tâm đến các vấn đề về nhân quyền và quyền tự do bày tỏ quan điểm. Việc làm của Việt Nam không thể che giấu được trong bóng tối, nó sẽ ảnh hưởng tới các mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.”
Một liên minh trên chục tổ chức nhân quyền từ Anh, Pháp, Mỹ, và Đông Nam Á đã yêu cầu các Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc can thiệp khẩn cấp với nhà chức trách Việt Nam về vụ việc của ông Quân.
Mới đây, 12 tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế vừa gửi thư cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, đề nghị ông nêu trường hợp của luật sư Lê Quốc Quân với lãnh đạo Việt Nam nhân chuyến công du sang Châu Á để dự hội nghị ASEAN vào cuối tháng này.
Trước trường hợp của luật sư Quân, Việt Nam đã từng áp dụng tội danh “trốn thuế” với blogger Điếu Cày. Blogger được quốc tế biết đến qua các hoạt động chống Trung Quốc và kêu gọi dân chủ tại Việt Nam bị lãnh 30 tháng tù giam hồi năm 2008 về tội “trốn thuế” trước khi bị kêu án thêm 12 năm tù nữa về tội “tuyên truyền chống nhà nước” hồi năm ngoái
Source: VOA