Cảnh biểu tình ngày 10/06/2018 do chính Will Nguyen chụp và đăng trên twitter. Ảnh chụp màn hình Capture d'ecran
Hôm nay, 19/07/2018, tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch ( HRWW ) ra thông cáo yêu cầu chính quyền Hà Nội hủy bỏ các cáo buộc và trả tự do cho công dân Mỹ gốc Việt William Nguyễn, cũng như cho những người Việt Nam bị bắt giữ vào ngày 10/06 chỉ vì họ đã tham gia các cuộc biểu tình tại Sài Gòn phản đối luật đặc khu và luật an ninh mạng
William Nguyễn sẽ ra tòa vào ngày mai, 20/07 với tội danh « gây rối trật tự công cộng », chiếu theo điều 318 bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Một tuần sau khi William Nguyễn bị bắt, đài truyền hình Nhà nước đã phát một đoạn băng ghi hình người này thú nhận đã vi phạm pháp luật Việt Nam và hứa sẽ không tham gia các hoạt động chống chính quyền. Human Rights Watch cho biết « rất quan ngại rằng lời tuyên bố trên truyền thông của William Nguyễn có thể là do bị ép buộc ».
Trong bản thông cáo, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Human Rights Watch, viết rằng: « William Nguyễn và những người khác phải đối mặt với một phiên xử không công bằng và mức án nặng nề trước những tòa án do đảng Cộng Sản kiểm soát chỉ vì đã thực thi quyền tập hợp ôn hòa và tự do ngôn luận ». Ông Robertson yêu cầu chính quyền Việt Nam « lập tức hủy bỏ các cáo buộc hình sự, trả tự do cho William Nguyễn và những người khác, đồng thời và tôn trọng các quyền cơ bản mà Việt Nam đã cam kết bảo đảm ».
Human Rights Watch nhắc lại là Việt Nam vẫn chưa có một luật về biểu tình, cho nên chính quyền dùng các điều luật khác để truy tố những người biểu tình ôn hòa. Chính quyền Hà Nội mới đây đã đình bản ba tháng đối với trang mạng Tuổi Trẻ Online vì tờ báo này đã nêu lên sự cần thiết của một luật về biểu tình trong bài báo với tựa « Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu Tình » đăng ngày 19/6/2018.
Tổ chức Phóng viên không biên giới của Pháp hôm nay cũng vừa ra thông cáo lên án vụ đình bản Tuổi Trẻ Online với lý do « thông tin sai sự thật », là một sự « vi phạm trắng trợn quyền tự do báo chí », đồng thời bày tỏ quan ngại khi thấy ngay cả báo chí thân chính quyền nay cũng bị đàn áp.
Theo RFI