'Chúng tôi sẽ nhớ mãi về 'Thằng Hèn Vĩ Đại'Nhạc sỹ Tô Hải của nhạc phẩm 'Nụ cười Sơn cước' được biết đến nhiều sau tác phẩm phản tỉnh của ông 'Hồi ký một thằng hèn'
Tin cho hay, nhạc sỹ lão thành Tô Hải, nhà bất đồng chính kiến được biết đến nhiều quá cuốn sách 'Hồi ký của một thằng hèn' qua đời tại Sài Gòn hôm 11/8/2018 sau một thời gian dài lâm bệnh, hưởng thọ 91 tuổi.
Nhạc sỹ Tô Hải tên đầy đủ là Tô Đình Hải, sinh năm 1927, trước đó từng được biết đến là một nhạc sỹ đa phong cách, có nhiều sáng tác thuộc nhiều thể loại nhạc từ lãng mạn, tới nhạc giao hưởng, nhạc phim, nhạc k v.v..., nhưng nổi bật một thời là thể loại 'nhạc đỏ, nhạc cách mạng'.
Ông đã gây chú ý khi bắt đầu viết hồi ký và sau đó là viết blog liên tục trên dưới hai chục năm trở lại đây, mà tác phẩm được nhiều người biết đến nhất là cuốn 'Hồi ký của một thằng hèn', trong đó, ông bộc lộ thái độ được cho là phản tỉnh, chỉ trích chính 'lựa chọn sai đường' của bản thân, nhận mình là một 'thằng hèn', 'một kẻ cơ hội', ca ngợi 'đảng và chế độ' để sống sót.
Từ Texas, Hoa Kỳ, gửi cho BBC Tiếng Việt những dòng cảm tưởng vĩnh biệt nhạc sĩ Tô Hải, gọi nhà bất đồng chính kiến vừa ra đi là 'con người trung trực', nhà thơ Hoàng Hưng viết:
"Tôi có quen biết nhạc sĩ Tô Hải và theo dõi các bước đường sáng tác âm nhạc cũng như chuyển biến tư tưởng của ông. Ông là một nhân vật khá tiểu biểu cho những trí thức, văn nghệ sĩ trong giới "tiểu tư sản thành thị" có lòng yêu nước, trung thực và tự trọng trong lịch sử VN hiện đại.
"Do yêu nước mà hăm hở đi theo Việt Minh, vì chỉ biết Việt Minh đánh Tây giành độc lập, rồi tiếp tục hăng hái phục vụ công cuộc "đấu tranh giải phóng miền Nam" cũng vì bị bưng bít thông tin, cho miền Bắc là chính nghĩa vì độc lập thống nhất quốc gia.
"Các ca khúc của ông, từ một "Nụ cười sơn cước" lãng mạn trước 1945 đến những bài kháng chiến vui tếu "trường lục quân đang cần lính đanh Tây", "nhà sư giết giặc"… và đỉnh cao là "Tiếng hát người chiến sĩ biên phòng", thể hiện bước chuyển lớn từ anh chàng "tạch tạch xè" mơ màng mây gió qua người chiến sĩ "lạc quan cách mạng" vô tư lự.
"Cả đến sau Đổi mới những năm 1980, 1990, mặc dù bản thân là một nhạc sĩ hiếm hoi thông thạo ngoại ngữ, biết nhiều thông tin thế giới, ông vẫn viết hàng loạt bài chê trách nền âm nhạc thị trường thoát khỏi truyền thống "yêu nước, cách mạng".
'Bước chuyển đột ngột' Gọi những chuyển biến về tư tưởng của nhạc sỹ Tô Hải là 'bước chuyển đột ngột', nhà thơ Hoàng Hưng, thành viên sáng lập Ban vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam và thành viên sáng lập Tạp chí văn nghệ mạng Văn Việt, viết tiếp qua bút đàm gửi BBC Tiếng Việt cùng ngày
"Nhưng đến cuối đời, trước thực tế đất nước và nhờ Internet, ông đã có bước chuyển đột ngột về tư tưởng. Nó đã âm thầm trong nhiều năm, và bùng ra công khai khi ông từ bỏ đảng cộng sản và công bố cuốn "Hồi ký của một thằng hèn" mà ông chủ động gửi in ở Mỹ năm 2007. Đó là những hành động thật dũng cảm vào thời điểm ấy.
"Ông đã mở con đường công khai từ bỏ đảng cho nhiều người, mở đường công bố bản thảo ở nước ngoài cho nhiều cây bút "phản tỉnh", như Trần Đĩnh, Lê Phú Khải… Và từ đó, cái tên "nhát sĩ" Tô Hải đã nổi bật trên không gian mạng với hàng loạt bài viết sắc bén, có lửa, có thép, tố cáo, phê phán, phản biện rất kịp thời và hấp dẫn bởi lối viết có kiến thức, có tâm huyết, có trải nghiệm bản thân.
"Cũng không ít người theo Cộng sản rồi từ bỏ, nhưng Tô Hải ở trong số ít người không bị "phía bên kia" moi móc chê trách quá khứ. Một lý do là ở thái độ quyết liệt, rõ ràng, tự nhận sai lầm một cách dứt khoát, không biện bạch.
"Thái độ mà ông minh bạch ngay trong lời tựa cuốn hồi ký: "Tôi cũng mong sao mỗi người trong các văn nghệ sĩ sắp giã từ cõi đời nhầy nhụa này hãy để lại một "bản di chúc" nói lên Sự Thật, dù chỉ là 1/1000 Sự Thật, để tạ tội với đồng bào, về những gì mình đã vì miếng cơm manh áo, vì yếu hèn mà phải cúi đầu làm thân trâu ngựa".
"Dũng cảm với chính mình là khó nhất, và cần có trước tiên để có thể dũng cảm đấu tranh với bất công, sai trái trong đời!
"Trường hợp Tô Hải khiến tôi vững tin và hy vọng: ngày càng nhiều người trong hàng ngũ Cộng sản Việt Nam "giác ngộ" sự thật, dũng cảm với chính mình để dũng cảm tham gia chuyển hoá đất nước, xã hội theo con đường văn minh tiến bộ.
"Kính trọng nhạc sĩ Tô Hải. Vĩnh biệt ông. Tin là ông đã nhắm mắt an lành như một con người trung trực, không "ăn gian" cuộc đời!"
'Vận nước, không ngồi yên' Từ Sài Gòn, trong một bài viết gửi cho BBC Tiếng Việt, nhà văn Lê Phú Khải, chia sẻ về nhạc sỹ Tô Hải:
"Công bằng mà nói, với những huân chương mà ông đã được nhận, với giải thưởng về Văn học nghệ thuật đợt 1, ông có thể ngồi rung đùi mà nhận bổng lộc, đến các hộị nghị, kỷ niệm này nọ mà ngồi ghế danh dự trong làng nhạc sỹ Việt nam mà nhận bao thư. Và … ngậm miệng ăn tiền dài dài … như các nghệ sỹ lão thành khác!
"Nhưng vận nước không để ông ngồi yên. Ông nghĩ đến con cháu, nghĩ đến thế hệ mai sau sẽ sống ra sao nếu Trung Quốc 'gặm dần' đất nước mà ông bà đã tốn bao nhiêu xương máu để gìn giữ nó đến hôm nay.
"Ông tâm sự: Từ ngày tôi viết blog, mấy thằng nhạc sỹ xưa kia nó vô Sài Gòn là nhào đến nhà tôi… Vậy mà khi thấy tôi viết trên mạng, nó lỉnh, nó sợ liên lụy, giới nhà văn của ông còn đỡ chứ giới nhạc cùng thời với tôi chúng nó hèn quá! Tôi an ủi ông: Những kẻ ngậm miệng ăn tiền ấy có gì đáng nói, bù lại, hiện anh có hàng vạn bạn đọc trên thế giới, đó chẳng phải là đáng vui hay sao?
"Là người bất đồng chính kiến nên công an đã đến "hỏi thăm" cái xe bán bánh mỳ của vợ ông ở đầu phố, công an và chính quyền phường đã đến tận nhà "khuyên giải" ông không viết blog nữa!
"Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến năm 1991, tại hội trường Matxcơva, tôi đứng giữa những người già, rất già, râu tóc bạc phơ đang cầm biểu ngữ đứng biểu tình trong tuyết giá…
"Một người Việt Nam nói với tôi lúc đó: Những người già như thế này đi biểu tình không phải như sinh viên Nam Triều Tiên, Singapore đi biểu tình đòi hỏi một cái gì cụ thể cho ngày hôm sau đâu. Mà họ vì trách nhiệm của lương tâm, vì một tương lai, vì một cái gì cao cả hơn đối với đất nước.
"Những gì mà nhạc sỹ Tô Hải đã và đang làm chính vì "những điều cao cả hơn đối với đất nước" Việt Nam yêu quý của ông.
"Hôm nay, người nhạc sỹ đã viết hợp xướng giao hưởng "Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy"… đã ra đi.
"Ông có thể ngậm cười nơi chín suối vì cái ngày 16/12/2007 ở tuổi 80, ông đã chống ba-toong đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam, thì hôm nay ở tuổi 91, ông có thể yên lòng vì hàng chục nghìn đồng bào đã xuống đường theo gót ông năm xưa trên khắp miền đất nước, hô vang những khẩu hiệu yêu nước…"
"Quê hương yêu dấu bao người chờ mong" trong bài " Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy" của ông vẫn còn đó… để tiển ông về nơi an nghỉ," nhà báo Lê Phú Khải, tác giả của cuốn hồi ký 'Lời Ai Điếu' viết.
'Bi kịch lớn nhất' Từ Paris, nhà báo tự do, cựu đạo diễn truyền hình Trần Tiến Đức viết cho BBC:
"Thời kháng chiến 9 năm, nay người ta còn gọi là Chiến tranh Đông dương lần thứ nhất, trong rừng Việt Bắc, tôi thường được nghe những ca khúc trữ tình rất hay như Suối Mơ, Thiên Thai, Trương Chi, Buồn tàn thu, Đêm đông, Tiếng hát quay tơ, Anh đến thăm em một chiều mưa; và cả bài Nụ cười Sơn cước của nhạc sỹ Tô Hải.
"Sau này ông còn là tác giả của Tổ khúc "Tiếng hát người chiến sĩ biên thuỳ" - một tác phẩm đồ sộ của nền âm nhạc Việt nam, đánh dấu một bước trưởng thành trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sỹ Tô Hải.
"Rất tiếc là sau này tôi không được nghe những sáng tác mới của ông. Mãi sau này qua cuốn "Nhật ký một thằng hèn" tôi mới được hiểu thêm về ông, về con người ông.
"Đúng là ông và nhiều văn nghệ sĩ cùng thời với ông phải chịu sống hèn để có thể tồn tại, phải viết những gì mình không nghĩ, phải nói những gì mình không tin. Tôi nghĩ rằng đó chính là bi kịch lớn nhất của họ.
"Nhưng khác với nhiều người, nhạc sĩ Tô Hải dám nhận mình là hèn, và viết lên những gì ông cho là hèn. Tôi nghĩ rằng phải dũng cảm như thế nào mới dám công khai nhận mình là hèn.
"Tôi thì nghĩ rằng cái thể chế này đã bắt ông và nhiều đồng nghiệp phải sống hèn. Nhưng với những gì ông đã làm thì nhạc sĩ Tô Hải đã chết như một người anh hùng, một người tử tế rất đáng kính trọng
"Từ Paris, xin thắp một nén nhang cầu mong cho ông được hưởng mọi niềm sung sướng ở cõi vĩnh hằng!," nhà báo Trần Tiến Đức chia sẻ.
Từ Sài Gòn, nhà hoạt động xã hội dân sự, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung viết cho BBC:
"Tôi biết cụ Tô Hải ngay từ những ngày đầu tiên từ Pháp về Việt Nam vào năm 2007 qua sự giới thiệu của anh Nguyễn Văn Hải (tức blogger Điếu Cày). Rồi sau khi tôi ra tù vào ngày 12/4/2014, cụ Tô Hải cũng lại là một trong những người đầu tiên đến thăm tôi, dù lúc này cụ đã phải ngồi xe lăn.
"Thỉnh thoảng tôi lại đi qua chung cư Rạch Miễu thăm cụ và cô Lâm Ái. Cụ kể chuyện cho tôi rất nhiều về thời thanh niên theo đảng cộng sản của cụ. Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất đối với tôi là cụ Tô Hải thực sự là một trí thức.
"Khi nhận ra sự thực về đảng cộng sản không phải là một đảng đấu tranh cho tự do của người dân Việt Nam mà đã biến chất thành một đảng toàn trị kìm hãm tự do, cụ đã quyết liệt phủ nhận quá khứ của mình, thậm chí tự gọi mình là "một thằng hèn".
'Người yêu nước chân chính' Và Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung chia sẻ thêm về người nhạc sỹ lão thành vừa qua đời ở Sài Gòn:
"Tôi còn nhớ rõ cụ Tô Hải tuyên bố với tôi là những sáng tác của cụ để phục vụ cho sự tuyên truyền của đảng cộng sản nhằm 'lừa mị nhân dân' đều đáng vứt vào sọt rác. Những lần gặp cụ, dù sức yếu, nhưng tôi thấy cụ luôn cố gắng viết phê phán chế độ độc tài và ủng hộ dân chủ.
"Cụ cũng thúc giục tôi phải viết nhiều và hành động. Tôi thật sự kính trọng cụ. Cụ Tô Hải là một người yêu nước chân chính. Và tôi nghĩ đó là một điều tuyệt vời nhất mà cụ muốn nghe tôi nói về cụ. Xin vĩnh biệt cụ và cầu mong cụ yên nghỉ!"
Một nhà hoạt động xã hội dân sự khác cũng từng gặp mặt cố nhạc sỹ Tô Hải lúc sinh thời, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng chia sẻ với BBC Tiếng Việt:
"Tôi gặp cụ Tô Hải lần đầu tiên vào đầu năm 2012. Đó là thời điểm khi tôi vừa mới trải qua cả một mùa hè biểu tình chống Trung Quốc rực lửa năm 2011 ở Hà Nội. Tuy chưa từng gặp nhau, nhưng tôi nhớ như in cuộc gặp ấy cụ đã ôm chầm lấy tôi như một đứa con đi xa trở về.
"Có chuyện đó là bởi vì tuy tôi là thế hệ trẻ, nhưng đã biết cụ rất lâu qua các bài viết trên Blog, Facebook... còn cụ thì biết đến tôi vì những tấm hình biểu tình nóng hổi tôi chụp hồi đó. Cụ Tô Hải trong mắt anh em đấu tranh trẻ ở Việt Nam là một tượng đài vĩ đại.
"Không chỉ là những bức hình, những đoạn phim ghi lại cảnh một ông già bé nhỏ kiên cường chống gậy đi biểu tình giữa đường phố, cụ Tô Hải đã đi vào lòng người trẻ chúng tôi bằng những bài viết sắc sảo lật mặt chế độ cộng sản trên trang blog của cụ, bằng cuốn "Hồi ký của một thằng hèn" chấn động dư luận một thời.
"Hôm nay, nhạc sỹ Tô Hải, người tự nhận là MỘT THẰNG HÈN đã ra đi rời bỏ thế gian, nhưng với tôi hình ảnh cụ sẽ còn sống mãi. Chính cụ là một trong những người đã trực tiếp tác động làm lớp trẻ chúng tôi sống thôi hèn, dám đứng lên xuống đường đòi hỏi những điều thuộc về dân tộc này.
"Xin vĩnh biệt cụ, MỘT THẰNG HÈN VĨ ĐẠI!"
Ngày 11/8/2018 chứng kiến sự ra đi của hai nhà bất đồng chính kiến của Việt Nam cùng hưởng thọ 91 tuổi, đó là nhạc sỹ Tô Hải ở trong nước và nhà báo Bùi Tín ở Pháp, từ Leeds, Anh Quốc, cựu đạo diễn truy hình, nhà báo tự do và blogger Song Chi chia sẻ cảm tưởng với BBC:
"Trong một ngày hai tin buồn: nhà báo Bùi Tín qua đời ở Paris và nhạc sĩ Tô Hải ra đi tại Việt Nam. Cả hai đều là những người sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong lòng chế độ cộng sản, là người có công với chế độ, nhưng đều nhận ra bản chất thực sự của đảng và nhà nước cộng sản VN và cái chủ nghĩa, cái mô hình thể chế chính trị sai lầm này, nên đã thức tỉnh và trở thành những tiếng nói mạnh mẽ tố cáo chế độ."
'Người nhạc sỹ của dân'
Cựu đạo diễn truyền hình nhân dịp này nói thêm về tính tương đồng giữa hai nhà bất đồng chính kiến vừa qua đời:
"Nhờ mọi người chia sẻ trên facebook mà tôi mới biết cả hai ông cùng sinh năm 1927, cùng có nhiều điểm chung như đã nói ở trên và bây giờ, lại cùng ra đi một ngày.
"Không như với cố nhà báo Bùi Tín, tôi chưa có may mắn gặp được cố nhạc sĩ Tô Hải ngoài đời, nhưng vẫn thường xuyên theo dõi những tin tức, bài viết, cũng như đã đọc cuốn "Hồi ký của một thằng hèn" của ông.
"Cuốn hồi ký thu hút người đọc không phải ở khía cạnh văn chương, nhạc sĩ Tô Hải không phải là một nhà văn, nhưng ở giá trị của những hồi ức, những tâm tư, suy nghĩ của một con người nhận ra sự mông muội, ngây thơ, sai lầm của mình, rằng con đường mình đang đi và cùa hàng chục triệu người đang đi này là sai lầm, là phản tiến bộ, là tội ác.
"Giữa những tháng năm mà đa phần giới làm báo, làm văn hóa văn nghệ còn chưa nhận ra sự thật hoặc sử dụng ngòi bút, cây cọ, tiếng hát…để bợ đỡ nhà cầm quyền, tiếp tục tuyên truyền dối trá, bóp méo sự thật để được đảng và nhà nước cộng sản tin dùng, được hưởng mọi bổng lộc (và cho đến tận bây giờ vẫn có những người như vậy) thì nhạc sĩ Tô Hải đã sớm thức tỉnh. "
"Sự nhạy cảm của một văn nghệ sĩ, nhạc sĩ càng khiến cho nỗi đau, sự day dứt trong lòng ông thêm nặng nề. Có thể cảm được nỗi đau đó qua từng trang viết trong cuốn "Hồi ký của một thằng hèn".
"Cũng có những người thuộc giới trí thức, văn nghệ sĩ cộng sản nhận ra và thức tỉnh, nhưng không phải ai cũng thức tỉnh một cách dứt khoát, quyết liệt và can đảm thừa nhận sự lầm lạc của mình như nhạc sĩ Tô Hải. Hay nhà báo Bùi Tín.
"Để rồi kể từ đó ông trở thành người nhạc sĩ của nhân dân, cùng xuống đường tham gia biểu tình chống Trung quốc với thanh niên, sinh viên, tuổi cao nhưng vẫn là một blogger "trẻ" từ trong tâm, hăng say viết và được bao nhiêu người trẻ tuổi yêu mến, ngược lại cũng nhận không ít phiền hà, sách nhiễu từ phía nhà cầm quyền.
"Cuộc đời vốn ngắn ngủi và mỗi chúng ta chỉ sống có một đời. Có những người khi sống hưởng mọi bổng lộc phú quý, quyền lực hay danh tiếng, thậm chí được tung hô như thánh sống. Có những "nhà báo", người làm nhạc… được xưng tụng, tác phẩm được nhà cầm quyền đưa vào sách giáo khoa tuyên truyền suốt bao nhiêu năm."
"Nhưng chẳng bao lâu khi họ chưa kịp nằm xuống thì những gì họ đã viết không ai còn nhớ tới, dư luận khinh ghét và một ngày nào đó khi lịch sử được viết lại một cách rõ ràng, minh bạch thì con người cũng như tác phẩm của họ sẽ bị đánh giá lại một cách công bằng. Không ai có thể rũ bỏ được những gì mình đã làm, đã viết, nhất là trong thời đại này.
'Đến hơi thở cuối cùng' Và cựu đạo diễn Song Chi viết thêm: "Cố nhà báo Bùi Tín hay cố nhạc sĩ Tô Hải đã đã sống những cuộc đời không uổng phí khi dùng chính số phận của mình, và sử dụng vốn sống, kinh nghiệm, kiến thức, ngôn ngữ… để nói lên sự thật, tố cáo chế độ, góp phần thức tỉnh giới trẻ.
"Cho dù chưa kịp nhìn thấy ngày đất nước Việt Nam thực sự có dân chủ, nhân dân Việt Nam thực sự có tự do, nhưng tin rằng hai ông sẽ thanh thản ra đi. Việc của các ông đang và sẽ có những người khác nối tiếp," nhà báo, đạo diễn Song Chi viết.
Cũng hôm 11/8, từ Berlin, CHLB Đức, nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo chia sẻ với BBC Tiếng Việt trong một ngày chứng kiến sự ra đi của hai nhà bất đồng chính kiến, bà viết:
"Bùi Tín, Tô Hải, dù các ông sống hay chết ở đâu, dẫu có bị giày xéo thế nào thì, bằng sự thức tỉnh của họ, bằng lương tâm và trách nhiệm của họ đối với đồng bào Việt Nam mà họ đã làm, cố hết sức mình, vượt cả bệnh tật và tuổi tác, sẽ không một sự bôi nhọ nào xúc phạm đến họ được.
"Hai con người ấy, vì đã hành động theo lương tri, bằng những tác phẩm của họ, sẽ còn trường tồn với thời gian và càng ngày sẽ càng có nhiều người Việt Nam thương yêu và tạ ơn họ.
"Con người rút ruột nhả những dòng tơ dâng cho đời ấy đã dùng cảm chiến đấu với nỗi sợ hãi và viết cho đến những năm tháng bệnh tật cuối đời, dù phải nằm trên giường mà viết và viết giữa những cơn đau.
"Đáng kính thay, con người đã dám thừa nhận cái hèn của mình và lên tiếng vì "Tôi đã hết hèn, Không thể chết trong im lặng, Cuộc đời tủi nhục của tên bồi bút, 5 năm đóng kịch và dối trá..."(Tên một số chương trong "Hồi ký một thằng Hèn- Tô Hải).
"Hôm nay, ngày lớn ngày chia phôi. Người Việt Nam yêu nước, yêu sự thật và công lý sẽ còn nhớ mãi đến nhà báo- nhà văn Bùi Tín và nhạc sĩ Tô Hải trong những giai điệu đẹp.
"Nỗi tiếc thương thật lớn. Nhưng giai điệu dịu dàng và ủi an. Vì họ đã đến cuộc đời này, đã sống hết thiên mệnh và đã chiến đấu cho sự thật đến hơi thở cuối cùng.
"Cỏ cây hoa lá, thương nhớ mãi người đi/và dâng sầu lên mi mắt người về.../Ai về sau dãy núi Kim Bôi, /nhắn rằng tim tôi chưa phai mờ...
"Người ơi, tôi đã rút tơ lòng/Dệt mấy cung yêu thương/Gửi lòng trong trắng/Của mấy bông hoa rừng/Đời đời không tàn với khúc nhạc lòng tôi," như những gì Tô Hải đã viết trong "Nụ cười sơn cước", ca khúc trữ tình tuyệt vời mà ông để lại cho muôn đời sau.
Theo BBC