Tóm Lược: Bạo động (BĐ) hay bất bạo động (BBĐ) thường là đề tài quan trọng trong một cuộc đấu tranh. Đa số những khảo cứu, tài liệu, ý kiến đều cổ võ phương pháp BBĐ. Thống kê về lịch sử và các cuộc đấu tranh trong thế kỷ thứ 20 và 21 đều cho thấy xác suất thành công của phương thức BBĐ rất cao so với BĐ. Tương tự, các lý thuyết Cơ-đốc giáo và Phật giáo đều chủ trương BBĐ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa BBĐ có giá trị tuyệt đối trong mọi trường hợp, trong mọi không gian và thời gian. Có những trường hợp đặc biệt và ngoại lệ cho phép dùng bạo lực. Ngay cả Mahatma Gandhi, vị lãnh tụ phong trào BBĐ tại Ấn độ thế kỷ thứ 20 và Nelson Mandela tại Nam Phi đều chấp nhận BĐ cần thiết cho vài trường hợp. Đặc biệt, Cơ-đốc giáo khuyến khích dùng bạo lực để trừng phạt kẻ ác và bảo vệ người hiền lành. Phật giáo cũng chấp nhận bạo lực khi đối phó với kẻ tàn ác, miễn là được thực hiện trong lòng từ bi và cảm thông. Do đó, trong cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ, người dân Việt Nam nên cân nhắc tình huống một cách kỹ lưỡng và nên lựa chọn phương pháp hữu hiệu nhất phù hợp với tình huống, khả năng và niềm tin của mình, và không nên khăng khăng theo một quy luật tuyệt đối nào.
Trong các cuộc tranh đấu hoặc cách mạng, chùng ta thường nghe hai từ ngữ: bạo động (BĐ) và bất bạo động (BBĐ). Chúng ta hãy tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam nên theo phương pháp bạo động hay bất bạo động?"
Trong bài trước -
"Những ý nghĩa chính đáng trong tôn giáo và triết học về chính quyền và cuộc đấu tranh" , tôi trình bày những lý do chính đáng trong tôn giáo và lý thuyết về chính quyền cổ võ cho việc lật đổ chính quyền khi chính quyền đi ngược lại nguyện vọng người dân và đàn áp người dân một cách tàn bạo. Bài này sẽ trình bày những khía cạnh tổng quát về BĐ và BBĐ nhưng sẽ không đi sâu vào những đề tài đã được biết đến nhiều như sự thành công của BBĐ và việc tôn giáo chủ trương hòa bình và BBĐ. Bài này sẽ chú trọng đến những khía cạnh ít được biết đến về phương thức BĐ trong những trường hợp cần thiết. Mục đích là truyền bá thông tin để giúp những độc giả không có phương tiện tiếp cận tài liệu sách vở do nhiều học giả trên thế giới, phát huy ý tưởng cân bằng về những lý thuyết về BĐ và BBĐ.
Đã có nhiều tài liệu, sách vở, và nghiên cứu về sự hữu hiệu của các phương pháp trong các cuộc đấu tranh hoặc cách mạng. Một cách tổng quát, đa số các nghiên cứu cổ võ BBĐ là phương pháp hữu hiệu hơn BĐ. Tuy nhiên, như trong mọi nghiên cứu, chúng ta không nên vội vã tổng quát hóa cho mọi trường hợp, và cần phải phân tách các nét đặc thù của mỗi trường hợp và áp dụng thích ứng.
A. Lý thuyết về BĐ và BBĐ qua các cuộc cách mạng hoặc nổi dậy: Trong bài trước (Cao-Đắc 2018), tôi trình bày những lý thuyết về chính quyền của nhiều vị triết gia Đông Tây từ ngàn xưa cho tới thời cận đại. Hầu hết trong các lý thuyết này (ngoại trừ tôn giáo), việc lựa chọn phương thức BĐ hay BBĐ không là việc chính vì phương thức BĐ dường như là việc đương nhiên. Vào thời xưa và ngay cả cho tới thế kỷ 18, chính quyền thường không có độc quyền trong việc phát triển kỹ thuật chiến tranh, thiết bị, và võ khí. Người dân có thể trang bị võ khí, gươm giáo hoặc súng đạn, như quân đội cùa chính quyền. Quan trọng hơn, khái niệm về tự do ngôn luận và tinh thần dân chủ chưa được thịnh hành. Do dó, khi người dân bất mãn với chế độ, họ thường nổi dậy và dùng biện pháp BĐ chống lại chính quyền. Tuy có vài phong trào BBĐ, những phong trào này ít được biết đến. Từ thế kỷ thứ 19, lý thuyết về cơ cấu chính quyền dân chủ và các quyền người dân (thí dụ tự do ngôn luận, biểu tình) được phát huy rộng rãi. Do đó, qua giai đoạn chuyển tiếp ở thế kỳ 19, chúng ta bắt đầu thấy nổi lên phong trào đấu tranh BBĐ bắt đầu từ thế kỷ thứ 20 và bùng lên mạnh mẽ trong thế kỷ thứ 21.
Chenoweth và Stephan (2013, 6-7) nghiên cứu 323 chiến dịch hoặc phong trào BĐ và BBĐ từ năm 1900 tới năm 2006 trên khắp thế giới với hơn 100 vụ BBĐ. Dưới mục tiêu thay đổi chế độ, có 111 phong trào BĐ và 81 phong trào BBĐ. Xác suất thành công cùa các phong trào này là 27% (BĐ) và 59% (BBĐ) (tlđd., 73). Tuy có một vài sai lầm trong việc phân loại, cuộc nghiên cứu có nhiều lý luận hợp lý. Thí dụ, họ lý luận rằng các chiến dịch BBĐ thành công hơn trong việc huy động người tham gia nhiều hơn và đa dạng hơn các chiến dịch BĐ (tlđd., 61). Tuy nhiên, nghiên cứu của Chenoweth và Stephan không xác định chắc chắn rằng phong trào BBĐ luôn luôn thành công hoặc phong trào BĐ luôn luôn thất bại. Cho dù các phân loại BBĐ và BĐ của họ chính xác, kết luận của họ chỉ đưa ra những con số định lượng tổng quát và không trình bày đầy đủ các khía cạnh định chất và đặc thù. Thống kê giúp hướng dẫn cách làm việc hoặc suy nghĩ, nhưng không có giá trị tuyệt đối. Xác suất thành công về một việc nào đó giúp chúng ta chuẩn bị nhưng không nhất thiết là quyết định tối hậu cho một lựa chọn. Nếu không, sẽ không có lý thuyết khuyến khích chấp nhận rủi ro cho một mục tiêu nào đó.
Trong suốt thế kỷ thứ 20 và 21, có nhiều cuộc đấu tranh BBĐ xẩy ra trên thế giới với các mức độ thành công khác nhau (Ackerman và Duvall 2001, 3-4; Wikipedia 2018). Từ cuộc bất tuân dân sự của Mahatma Gandhi chống lại người Anh (1930-1931), cuộc tẩy chay và tuần hành lật đổ chính sách kỳ thị màu da do Martin Luther King, Jr. tổ chức tại miền Nam Hoa Kỳ từ 1954 – 1968, cho tới việc thành lập công đoàn Solidarity do Lech Wałęsa tại Ba Lan năm 1980 chống lại chính quyền cộng sản, phong trào BBĐ chống lại chính sách phân biệt chủng tộc do các lãnh tụ tôn giáo tại Nam Phi hợp tác giúp Nelson Mandela được ra khỏi tù năm 1990 và được bầu Tổng thống Nam Phi năm 1994, những cuộc đấu tranh này đạt thành công và cho thấy sức mạnh của người dân. Gần đây, phong trào Otpor! tại Serbia đưa đến việc lật đổ chính phủ Slobodan Milošević năm 2000, các cuộc cách mạng màu (thí dụ, tại Ukraine năm 2004-2005, Tunisia năm 2011, Ai Cập năm 2011) lật đổ chính quyền và các cuộc biểu tình (thí dụ tại Nam Hàn năm 2016-2017 dẫn đến việc Tổng thống Park Geun-hye bị buộc tội tham nhũng) càng xác định sức mạnh to tát của người dân. Tuy nhiên, có nhiều cuộc đấu tranh BBĐ thất bại. Thí dụ như cuộc cách mạng cà sa ở Miến điện năm 2007 và cuộc cách mạng dù tại Hồng Kông năm 2014.
Ngược lại, nhiều cuộc đấu tranh BĐ dẫn đến thất bại. Đa số những cuộc đấu tranh này là do nhóm vũ trang chống lại chính quyền và thường tạo ra cuộc nội chiến. Thí dụ, nhóm Tamil Tigers tại Sri Lanka (1983-2009) và nhóm ly khai ETA tại Vùng Basque ở Tây Ban Nha (1959-2018). Họ không tài nào sánh nổi vũ lực của chính phủ mà họ chống đối (Ackerman và Duvall 2001, 466). Ngay cả khi BĐ có vẻ chắc chắn tạo nên sự thay đổi, hành động BBĐ có thể có hiệu quả bằng hoặc hơn (tlđd.) Ngoài ra, cho dù BĐ thành công trong việc thay đổi quyền lực, văn hóa BĐ có thể hủy hoại cơ hội đạt được một trật tự chính trị bền vững (tlđd., 468).
Nhược điểm của đấu tranh BĐ là kẻ cầm quyền có ưu thế trong việc dùng bạo lực, và người dân trước sau gì cũng thua (Engler và Engler 2017, 237). Tuy nhiên, việc đó chỉ đúng nếu người dân tự trang bị võ khí và đối đầu chính quyền trực tiếp. Ngoài ra, khi cuộc đấu tranh lan tràn và biến thành một cuộc nội chiến thì chưa chắc phần thắng sẽ về ai.
Có nhiều trường hợp khi nhóm đấu tranh không khởi động bạo lực, nhưng chính quyền tìm cách kích động họ để có cớ đàn áp bằng bạo lực. Thí dụ, chính quyền phái nhân viên xâm nhập trà trộn vào hàng ngũ nhóm đấu tranh để khiêu khích cho việc bạo động (Engler và Engler 2017, 241). Tuy nhiên, việc gì cũng có hai chiều. Nếu phe chính quyền sai người len lỏi vào hàng ngũ người dân, kích động bạo lực để kiếm cớ dùng bạo lực đàn áp, thì người dân có thể phản ứng mạnh bạo trước việc dùng bạo lực đó. Một khía cạnh quan trọng về việc dùng bạo lực cho cả hai phe là tính chất không tiên đoán được của việc dùng bạo lực (Dalai Lama 1998, 105). Cả hai phe đều phải thận trọng trong việc dùng bạo lực đối với phe kia. Nhiều khi chính quyền tưởng người dân sợ bạo lực và sẽ nằm yên như những con cừu non, nhưng khi người dân phản ứng bằng bạo lực với cường độ và số lượng vượt quá mức dự trù, cảnh sát, công an, quân đội sẽ bị bất ngờ, và dễ bị hoảng kinh bỏ chạy. Một khi việc đó xảy ra, sẽ không còn gì có thể cản trở sức mạnh người dân. Sự thành công của các phong trào đấu tranh gần đây cho thấy việc đó.
Nghiên cứu về các phong trào hoặc lý thuyết về BĐ và BBĐ để tìm ra giải pháp cho một cuộc đấu tranh dường như là một việc cực kỳ khó khăn vì tính chất đa dạng và đặc thù của mỗi phong trào. Tuy nhiên, chúng ta có thể học hỏi và rút tỉa những kinh nghiệm hoặc bài học quý giá từ các lý thuyết hoặc các nhân vật nổi tiếng. Sau đây là phần thảo luận về ba nhân vật và đường lối của họ có ảnh hưởng lớn trong phong trào đấu tranh: Gene Sharp đề xướng BBĐ hầu như tuyệt đối, Mahatma Gandhi chủ trương BBĐ tích cực nhưng với BĐ cho trường hợp ngoại lệ, và Nelson Mandela cổ võ BĐ là biện pháp hữu hiệu khi mọi biện pháp BBĐ không đem lại kết quả.
1. Gene Sharp đề xướng phương thức BBĐ hầu như tuyệt đối: Gene Sharp, học giả Hoa Kỳ nổi tiếng về đấu tranh BBĐ, là tác giả nhiều sách về đấu tranh BBĐ. Sharp (2005) tin rằng kỹ thuật BBĐ là sự lựa chọn tối thượng trong các cuộc đấu tranh. Đấu tranh BBĐ đôi khi pha lẫn chút BĐ, nhưng hấu hết rất ít hoặc không có BĐ (tlđd.,14-15).
Sharp lập ra 198 phương pháp cách làm việc BBĐ (Sharp 1973a; Sharp 2005, 51-65; Engler và Engler 2017, 14). Theo Sharp (1973b; 2005, 41-43), có ba loại hoạt động chính: Loại thứ nhất là biểu tình và thuyết minh bất bạo động (thí dụ như viết tuyên bố, kiến nghị, rải truyền đơn, biểu tình, đeo các biểu tượng, ca hát, đồng hành, im lặng, và quay lưng). Loại thứ hai là bất hợp tác dưới ba hình thức: xã hội (thí dụ như tẩy chay, sinh viên học sinh bãi khóa, ở nhà không đi làm), kinh tế (thí dụ như lao động đình công, rút tiền ra nhà băng, đóng cửa kinh tế), và chính trị (thí dụ như tẩy chay bầu cử, bất tuân dân sự, cố tình chậm trễ). Loại thứ ba là can thiệp bất bạo động làm đình trệ hoặc rối loạn các hoạt động bình thường của chính sách (thí dụ như tuyệt thực, ngồi án ngữ, chiếm đóng bất bạo động, giữ tài sản, làm quá tải các hệ thống hành chánh). Mức độ thành công hoặc tác dụng của các phương pháp này thay đổi nhiều tùy trường hợp. Điểm quan trọng không phải là những phương pháp này sẽ dẫn đến việc sụp đổ tức khắc của chế độ hoặc phe cầm quyền, mà chúng sẽ cấu tạo nền tảng vững chắc cho cuộc tranh đấu và làm tiêu hủy dần dần cơ cấu và tinh thần của phe đàn áp (Sharp 1973b, 118).
Srđa Popović, lãnh tụ phong trào sinh viên Otpor!, dựa vào lý thuyết của Sharp và đề xướng nhiều kỹ thuật và đường lối hoạt động BBĐ. Một cách quan trọng là không nhắm thẳng vào nhóm cầm quyền, mà nhắm vào những cột trụ nâng đỡ (pillars of support) của chính quyền (Popović và Miller 2015, 93). Theo lý thuyết này, bất cứ chế độ nào cũng được giữ vững bằng vài cột trụ. Do đó, chỉ cần tạo áp lực lên một hay nhiều cột trụ này là cả hệ thống sẽ sụp đổ (tlđd.). Thí dụ, khi một công ty ngoại quốc to lớn phải đóng cửa, việc đó có thể tạo ảnh hưởng dây chuyền, và phá hủy cột trụ kinh tế địa phương hay toàn quốc (tlđd., 91-95).
2. Mahatma Gandhi, tuy là người chủ trương BBĐ, chấp nhận dùng BĐ nếu không còn cách nào hơn: Mahatma Gandhi (1869-1948) vị lãnh tụ phong trào độc lập Ấn độ chống lại giới cai trị Anh vào đầu thế kỷ 20, cổ võ chống đối bằng BBĐ. Ông từng tuyên bố, "Bất bạo động là lực duy nhất trên đời" (Merton 2007, 37). Đối với Gandhi, "bất bạo động là luật tối thượng" và "không có chuyện bị thua trong bất bạo động" (tlđd.). Theo ông, cách mạng BBĐ không phải là chương trình nắm quyền mà là chương trình biến đổi những mối liên hệ, chấm dứt bằng một sự chuyển nhượng quyền lực ôn hòa (tlđd., 40). "Nguyên tắc đầu tiên của hành động bất bạo động là không hợp tác với bất cứ cái gì có tính cách hạ nhục" (tlđd, 42). Ngoài ra, Gandhi dường như chịu ảnh hưởng của tôn giáo trong triết lý đấu tranh của ông. "Gandhi cũng coi BBĐ là sự vâng lời Đức Chúa Trời vô điều kiện" (Trocmé, 159).
Tuy nhiên, không phải lúc nào Gandhi cũng cổ võ BBĐ. Theo Gandhi, "nếu không còn cách nào hơn, những người không thể thực hành tận tụy bất bạo động nên bảo vệ quyền lợi của họ và công lý bằng bạo lực" (Merton 2007, 49). Thực ra, Gandhi khuyến khích dùng bạo lực chống lại kẻ đàn áp khi cần. Ông tuyên bố (tlđd, 50), "Người nào mà không thể bảo vệ chính mình hoặc người thân thương mình hoặc danh dự của họ bằng cách đối diện cái chết một cách bất bạo động thì có thể và phải làm việc đó bằng cách đối phó với kẻ đàn áp bằng bạo động."
3. Nelson Mandela, ngay sau khi ra tù, vẫn cổ võ BĐ khi chính quyền đàn áp dân: Nelson Mandela (1918 - 2013), Tổng thống Nam Phi và là người lãnh giải Nobel hoà bình năm 1993 cùng với Frederik Willem de Klerk, từng chủ trương BĐ chống lại chính quyền. Cùng với hai người khác, ông thành lập tổ chức Umkhonto we Sizwe (The Spear of the Nation, Ngọn giáo quốc gia), viết tắt là MK vào năm 1961 trong lúc ông là thành viên Hội đoàn quốc gia Phi châu (African National Congress, ANC) chống lại chính sách kỳ thị màu da (apartheid).
Ông hô hào tiến hành những hành động bạo lực chống lại chính quyền. Trong 4 cách bạo lực: phá hoại (sabotage), chiến tranh du kích (guerrilla warfare), khủng bố (terrorism), và cách mạng công khai (open revolution), Mandela và tổ chức MK chọn phá hoại vì cách đó gây hại ít nhất cho người ta (Mandela 1995, 336). Theo ông, "Chúng tôi đột kích vào các cơ sở quân đội, nhà máy điện, các đường liên lạc điện thoại và giao thông; những mục tiêu không những làm đình trệ hoạt động chính quyền, mà còn khiến những kẻ ủng hộ Đảng Quốc gia khiếp đảm, đầu tư ngoại quốc sợ hãi, và làm suy yếu nền kinh tế" (tlđd.). Ông và các người đồng chí hướng chỉ muốn mang chính quyền tới bàn thương lượng. Ông ra chỉ thị nghiêm ngặt là không được gây ra việc làm chết người. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng "nếu phá hoại không dẫn đến kết quả mong muốn, chúng tôi chuẩn bị bước qua giai đoạn kế tiếp: chiến tranh du kích và khủng bố" (tlđd.).
Vì những hoạt động phá hoại, Mandela và một số người khác bị bắt và xử tòa vào năm 1964. Mandela sau đó lãnh án tù chung thân, bắt đầu từ năm 1964. Ông được thả ra năm 1990 và được bầu làm Tổng thống năm 1994.
Ngay sau khi ra tù, Mandela vẫn không thay đổi ý kiến về việc dùng bạo lực chống chính quyền. Ông tuyên bố, "Khi một chính quyền quyết định cấm các tổ chức chính trị của những người bị đàn áp, tăng cường đàn áp, và không cho phép bất kỳ họat động chính trị tự do nào, cho dù ôn hòa và bất bạo động cách mấy, thi người dân không còn cách nào hơn là viện đến bạo lực" (Mandela 1990).
Đoạn phim trên YouTube về diễn văn của Nelson Mandela về bạo động:
VIDEO B. Lý thuyết về BĐ và BBĐ trong tôn giáo: Tôn giáo liên hệ đến chính trị khá nhiều, kể cả việc tạo niềm tin cho cuộc đấu tranh chống bạo quyền hoặc bất công, tạo áp lực trên chính quyền, và các hoạt động khủng bố trên các quốc gia. Nhiều phe dùng khủng bố là phương tiện để đạt mục đích nào đó. Những kẻ khủng bố dùng tôn giáo, thường với các yếu tố xã hội, chính trị và các yếu tố khác, để bào chữa hành động của họ (Juergensmeyer 2017, 4-5).
Một cách tổng quát, hầu như không tôn giáo nào khuyến khích phương pháp BĐ trong cuộc đấu tranh. Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ khi BĐ là biện pháp hữu hiệu như sẽ được trình bày sau.
Tôn giáo cũng tham gia trực tiếp vào các cuộc đấu tranh hoặc các phong trào đòi hỏi tự do dân chủ. Cuộc cách mạng cà sa (Saffron Revolution) tại Miến điện kéo dài hơn hai tháng từ 15 tháng 8 năm 2007 cho tới cuối tháng 10, là một thí dụ điển hình (Xem, Burma Campaign UK). Vào cao điểm trong 2 tháng, có đến 100 ngàn tăng sĩ và dân trong mọi thành phần biểu tình tại thủ đô và các cuộc biểu tình chống đối lan tràn khắp nơi. Cuộc cách mạng cà sa tuy không đạt được mục tiêu cho tự do dân chủ ngay sau đó, nhưng là một bước tiến quan trọng cho Miến điện tiến tới nền dân chủ vào năm 2015 qua sự thành công của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc tổng tuyển cử (RFA 2017).
Như trong bài trước, bài này sẽ chú trọng đến hai tôn giáo chính yếu tại Việt Nam: Cơ-đốc giáo và Phật giáo.
1. BĐ và BBĐ trong Cơ-đốc giáo: Như mọi tôn giáo, Cơ-đốc giáo chính yếu chủ trương BBĐ và đem tình thương yêu đến mọi người. Chúa Giêsu kêu gọi chống đối bất bạo động chủ động (active nonviolent resistance) (Borg 2008, 229). Chỉ trích công khai giới quyền lực là một hình thức chống đối bất bạo động (tlđd., 247). BBĐ không có nghĩa là thụ động, vì như thế là khuyến khích tà ác. BBĐ phải chủ động, thách thức tà ác, và không thối lui (Trocmé 2003, 153). "BBĐ của Cơ-đốc giáo mọc rễ từ lòng yêu thương" (tlđd, 160).
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Cơ-đốc giáo bỏ qua các biện pháp BĐ. Thực ra, một vấn đề gây nhiều tranh cãi và khiến nhiều người theo Cơ-đốc giáo nhức đầu và hoang mang là sự mâu thuẫn giữa các diễn giải về bạo lực và tình yêu nhân loại trong Kinh Thánh, nhất là những hình ảnh và lời lẽ tàn bạo trong Cựu Ước và những khuyên dạy yêu thương trong Tân Ước. Đã có biết bao nhiêu sách vở, nghiên cứu, phân tích, diễn giải, và tranh luận về vấn đề này nhưng vấn đề vẫn chưa ngã ngũ. "Một mặt, Chúa Giêsu dạy chúng ta thương yêu kẻ thù và cầu nguyện những kẻ đối xử tàn bạo với chúng ta (Matthew 5:44). Mặt khác, chúng ta đọc luật của Moses về Đức Chúa Trời trong Cựu Ước ra lệnh cho các con Ngài 'không thương tiếc chúng' (Deut 7:2) và 'giết mọi sinh vật' (Deut 20:16)" (Flood 2014, 1). Vài học giả cho rằng Chúa Giêsu có nhiều mâu thuẫn, lúc thì kêu gọi hòa bình vô điều kiện, lúc thì cổ võ bạo động và tranh chấp (Aslan 2014, xxiv).
Có ba cách chính giải quyết vấn đề này trong việc truyền bá hoặc học hỏi Kinh Thánh. Cách thứ nhất là không chấp nhận Cựu Ước là Kinh thánh của Cơ-đốc giáo, không đề cập đến những việc bạo lực trong Cựu Ước, hoặc chỉ nhắc đến Cựu Ước sơ sài và tránh né những khía cạnh bạo lực. Cách thứ nhì là cố giải thích những bạo lực trong Cựu Ước dưới ý nghĩa trong Tân Ước. Cách thứ ba là giải thích Cựu Ước dựa vào chứng cớ lịch sử và các đoạn văn khác trong Cựu Ước, làm giảm bớt tính chất tàn bạo của Cựu Ước. Cả ba cách này dường như không hoàn toàn thoả đáng. và tranh cãi vẫn còn tiếp tục. Trong bài này, tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết đề tài này, vì đề tài quá bao la và nó chỉ có liên hệ một phần nhỏ với ý chính của bài.
Trong Cựu Ước, Yahweh là Đức Chúa Trời. Nhiều học giả đưa ra những lý thuyết giải thích việc dùng bạo lực trong Cựu Ước. Thí dụ, những hành động bạo lực trong Cựu Ước là do ác quỷ Satan (Flood 2014, 93), do Đức Chúa Trời dùng cách "dĩ độc trị độc" (Boyd 2017, 144-146), hoặc do kỹ thuật giảng dạy theo lối thiên khải đạo đức tăng dần (Fleischer 2017, 9). Cho dù dưới lý thuyết nào, các giải thích đều đồng ý việc Đức Chúa Trời dùng bạo lực chống lại kẻ tàn ác, vì lý do hòa bình, hoặc để bảo vệ người dân yếu đuối. "Khi Đức Chúa Trời trong Cựu Ước hành động bạo lực Ngài hành động vì có lý do, và Ngài thường hành động để thúc đẩy hòa bình" (Lamb 2011, 94). "Yahweh sẵn sàng trừng phạt nặng nề con người và ngay cả quốc gia để bảo vệ kẻ yếu đuối và bảo tồn sinh mạng" (Lamb 2011, 99, 177). "Yahweh dùng bạo lực chỉ để trừng phạt kẻ gian tà hoặc để bảo vệ người yếu đuối" (Lamb 2011, 112). Ngay cả luật trả đũa "mắt đổi mắt, răng đổi răng" (luật mà Chúa Giê-su sửa đổi thành "đưa má kia cho họ tát" trong Bài Giảng Trên Núi) là phương tiện hữu hiệu làm giảm bớt tội bạo hành và cổ võ hòa bình trong con người (Lamb 2011, 106).
Không những thế, nhiều học giả liên kết Yahweh trong Cựu Ước với Chúa Giê-su trong Tân Ước. "Yahweh và Chúa Giê-su, tuy có cá tính riêng biệt, đều là Đức Chúa Trời và thiết thực là một. Và quan trọng hơn, cả hai đều được mô tả bằng tình yêu thương" (Lamb 2011, 178). Sự liên kết này có thể giải thích những dấu vết bạo lực trong Tân Ước, và biểu lộ phần nào qua hành động và lời giảng của Chúa Giê-su. "Chính Chúa Giê-su cũng thỉnh thoảng chấp nhận, tha thứ, và kích động bạo lực" (Desjardins 1997, 73). Những nét bạo lực này không có mức độ tàn bạo như trong Cựu Ước nhưng cũng có những khía cạnh phản ứng mạnh mẽ qua phương tiện vật chất.
Theo vài học giả, Tân Ước cổ võ cả BĐ lẫn BBĐ. Xem, thí dụ như, Desjardins 1997, 121. Một mặt, Tân Ước cổ võ hòa bình và thông điệp hòa bình được phân phối rộng rãi (Desjardins 1997, 60). Mặt khác, Tân Ước cũng cổ võ bạo lực (Desjardins 1997, 62). "Xuyên suốt Tân Ước, Chúa Giê-su và những người theo Ngài có thể thấy là chấp nhận, tha thứ, và ngay cả kích động bạo lực" (Desjardins 1997, 66). Tân Ước đồng ý việc dùng bạo lực chống lại bạo lực trong tình trạng hai phe đối đầu nhau. "Đức Chúa Trời còn phản ứng các lực tà ác với bạo lực cực kỳ" (Desjardins 1997, 72). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người dân khi bị thất thế, thí dụ bị dưới sự khống chế của chính quyền, dùng bạo lực chống lại chính quyền, theo "Bài Giảng Trên Núi" của Chúa Giê-su (Xem, thí dụ như, Cao-Đắc 2018).
Chúa Giê-su không hề dạy không chống lại kẻ ác, và còn nhấn mạnh việc dùng bạo lực là việc cần thiết để tiêu diệt kẻ ác. C.S. Lewis (2001, 64-90), một học giả gốc Ái Nhĩ Lan nổi tiếng, trong bài luận văn nhan đề "Tại sao tôi không phải là người theo chủ nghĩa hòa bình,” lập luận rằng các diễn giải về Kinh Thánh không thuyết phục ông trở thành người theo chủ nghĩa hòa bình (2001, 88). Bạo lực được dùng để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi người và duy trì công lý. "Quan điểm trong Tân Ước là bạo lực đội khi cần thiết để tạo nên những thay đổi tốt đẹp" (Desjardins 1997, 70). "Qua khắp Tân Ước, bạo lực của Đức Chúa Trời được coi là cần thiết để cho con người tốt hơn, cho họ được đến gần thánh thiện hơn, để thưởng họ công bằng khi họ chết, và để dẹp bỏ thế giới tà độc" (Desjardins 1997, 72). Đức Chúa Trời có tác động bạo lực, gieo rắc cơn giận dữ cùa Ngài lên những kẻ bất lương (Gager và Gibson 2005, 17). "Phúc âm [Matthew] cũng xác nhận rằng sự bạo lực nào đó, nghĩa là bạo lực của Đức Chúa Trời, vị lãnh tụ tối cao là Thượng Đế của đất trời ([Matthew] 11:25), và Chúa Giê-su đại diện Đức Chúa Trời, thì hợp lý và cần thiết" (Carter 2005, 102).
Bằng chứng rõ rệt nhất về việc dùng bạo lực trong Tân Ước là câu chuyện Chúa Giê-su tẩy uế đền thờ (Desjardins 1997, 75-76; Juergensmeyer 2017, 34). Trong bài trước (Cao-Đắc 2018), tôi thảo luận việc này, và do đó sẽ không ghi lại những chi tiết ở đây, nhưng chỉ nhắc đến để cho thấy một thí dụ về phản ứng mạnh bạo chống lại sự gian tà. "Chúa Giê-su quả thực nóng giận trong việc 'tẩy uế' đền thờ" (Lamb 2011, 43). Có người tin rằng việc xảy ra tại đền thờ cho thấy Chúa Giê-su chủ trương BBĐ và là một hành động có tính toán (Friesen 2010, 86; Desjardins 1997, 76). Tuy nhiên, cho dù hành động tẩy uế đền thờ là do một kế hoạch nào đó, người dân không biết đến kế hoạch đó (và Chúa Giê-su cũng không tiết lộ) mà chỉ thấy Chúa Giê-su dùng vũ lực (tuy không mạnh bạo như dùng vũ khí gây thương tích) và bộc lộ cơn giận dữ.
Ngoài ra, Chúa Giê-su giảng dạy dùng bạo lực qua các dụ ngôn (parables). Trong các dụ ngôn, bạo lực được coi là cách đối phó hoặc trừng phạt những kẻ hung dữ hoặc có tội. Thí dụ, "[c]ác thiên sứ sẽ ném [những kẻ ác] vào lò lửa hực" (Matthew 13:40-43; Matthew 13:47-50); "các ngươi đã bị kết án vào lửa đời đời, là hình phạt dành sẵn cho Kẻ Quỷ Quyệt và các ác thần theo hắn... Và những kẻ này sẽ chịu hình phạt là sự chết vĩnh viễn, còn người công chính thì nhận được sự sống vĩnh cửu" (Matthew 25:31-46); "Ai rơi trên đá ấy sẽ tan xương nát thịt, và đá ấy rơi trúng ai thì sẽ đè nát người đó" (Matthew 21:33-46).
Có nhiều lý lẽ giải thích các quan điểm hòa bình và bạo lực trong Tân Ước. Một nhận xét rằng hai phe cổ võ hòa bình và cổ võ bạo lực thực ra hỗ trợ nhau chứ không phải mâu thuẫn nhau (Desjardins 1997, 112). Tuy nhiên, cho dù có những lý do giải thích việc dùng bạo lực, Kinh Thánh cho thấy BĐ là phương thức cần thiết chống lại kẻ ác khi mọi biện pháp hòa bình thất bại. Cựu Ước "được viết để kể chuyện về những gì Đức Chúa Trời đã làm, đang làm và sẽ làm đối với kẻ ác độc" (Wright 2006, 45).
Sửa bởi người viết 31/08/2018 lúc 09:33:29(UTC)
| Lý do: Chưa rõ