Lịch sử cận đại Việt Nam từ khi chế độ Quân chủ sụp đổ đến nay có nhiều lãnh tụ như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Trọng Kim, Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm vân vân; tuy nhiên chỉ có 2 ông Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm có ảnh hưởng nhiều nhất đến số phận dân tộc: ông Hồ Chí Minh lập ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; ông Ngô Đình Diệm lập ra nước Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng ông Ngô Đình Diệm chấm dứt sự nghiệp năm 1963, còn ông Hồ Chí Minh kéo dài đến 1969 và ảnh hưởng đến đất nước tận ngày nay.
Ở Singapore, ông Lý Quang Diệu không những là vị lãnh tụ vĩ đại nhất của đất nước ông mà còn là của cả châu Á.
Đặt hai ông ấy cạnh nhau không chỉ vì sự ảnh hưởng lớn lao nhất đối với số phận đất nước mỗi người mà còn vì hoàn cảnh hai nước VN và Singapore rất giống nhau, nhưng sự lựa chọn của hai lãnh tụ ấy lại đối lập nhau; dẫn đến số phận hai đất nước, hai dân tộc một trời một vực.
Bài viết này dựa trên các tài liệu được phổ biến trên internet, quan trọng nhất là bài “Lý Quang Diệu và chính sách ngăn ngừa CS tại Singapore” của tác giả Trần Trung Đạo.
Hoàn cảnh đất nước Singapore rất giống Việt Nam: - Singapore là thuộc địa của Anh, thế chiến thứ 2 Nhật đến, cuối thế chiến Nhật rút lui.
Việt Nam là thuộc địa của Pháp, thế chiến thứ 2 Nhật đến, cuối thế chiến Nhật rút lui.
- Cả hai nước đều có đảng Cộng sản hoạt động mạnh: Năm 1939, đảng Cộng sản Mã Lai có khoảng 40 ngàn đảng viên mà một nửa số đó hoạt động tại Singapore.
Đảng Cộng sản Việt Nam có tiềm lực quân sự mạnh nhất trong số các lực lượng người Việt chống Pháp.
- Nhật bại trận rút khỏi Singapore; Đồng minh chưa đến, Đảng Cộng sản tịch thu vũ khí do Nhật để lại, tuyển dụng đảng viên, mưu toan giành chính quyền.
Ở Việt Nam, Nhật bại trận bị giải giáp, rút khỏi Việt Nam; đảng Cộng sản cướp chính quyền của chính phủ Trần Trọng Kim.
- Anh trở lại Singapore, buộc đảng Cộng sản giải tán nhưng đảng Cộng sản kịp giấu đi nhiều vũ khí.
Ở Việt Nam Pháp theo Anh trở lại; chiến tranh tái phát giữa Pháp và đảng Cộng sản.
- Chin Peng, 27 tuổi, một lãnh đạo Cộng sản Mã Lai gốc Hoa lên nắm chức Tổng bí thư đảng, chuyển sang đấu tranh bạo động, bao gồm ám sát và khủng bố.
Ở Việt Nam, ông Hồ Chí Minh ký hiệp định đưa Pháp trở ra miền Bắc, với sự trợ giúp của Pháp, đánh phá các đảng phái Quốc gia.
- Mượn chiêu bài chống thực dân Anh, lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để đạt mục đích tối hậu là thiết lập chế độ Cộng sản trên phạm vi cả nước, đảng Cộng sản thành lập một tổ chức ngoại vi có tên “Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Mã Lai”.
Ở Việt Nam, mượn chiêu bài chống Mỹ cứu nước, đảng Cộng sản cho thành lập “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam”.
Trái với ông Hồ Chí Minh (và giống phần nào ông Ngô Đình Diệm), ông Lý Quang Diệu loại trừ Cộng sản.- Ông Lý Quang Diệu cắt nguồn tiếp tế của Cộng sản bằng cách đưa dân về các “Khu tân lập” được bảo vệ an ninh chặt chẽ.
Ở Việt Nam, tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm cho lập các “Ấp chiến lược” để tách Cộng sản khỏi dân
- Anh trao trả độc lập hoàn toàn cho Mã Lai ngày 31 tháng 8 năm 1957 nhưng vẫn tiếp tục bảo hộ Singapore.
Ở Việt Nam, Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam với điều kiện Việt Nam nằm trong Liên Hiệp Pháp
Năm 1950, sau khi học xong ngành luật tại Fitzwilliam College, Cambridge, Anh, luật sư 27 tuổi Lý Quang Diệu về nước, cùng với Fong Swee Suan và Lim Chin Siong thành lập Đảng Hành động Nhân dân (People Action Party, gọi tắt là PAP) vào ngày 21 tháng 11, 1954. Mục đích chính của PAP là bảo đảm an ninh quốc gia mà không phải sử dụng bạo lực.
Ở Việt Nam, đảng Cộng sản vu cáo ông Ngô Đình Diệm là do đế quốc Mỹ đưa về trong khi sự thực là ông chỉ sang Hoa Kỳ để vận động sự ủng hộ của chính giới Mỹ. Mục đích của các đảng phái quốc gia là giành độc lập cho đất nước mà không sử dụng bạo lực.
Trong cuộc bầu cử năm 1959, PAP thắng lớn. Singapore thành quốc gia tự trị trong khuôn khổ Commonwealth và Lý Quang Diệu là Thủ tướng đầu tiên bên cạnh Thống đốc Sir William Allmond Codrington Goode là Quốc trưởng. Theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý 1962, Singapore sáp nhập vào Liên Bang Mã Lai.
Lý Quang Diệu khẳng định không cần chủ nghĩa Cộng sản để giành độc lập và không thể xây dựng Singapore thành một nước cường thịnh dưới chế độ Cộng sản.
Ở Việt Nam, ông Hồ Chí Minh cho rằng đi theo Chủ nghĩa Cộng sản là con đường duy nhất giải phóng đất nước.
Biết Fong Swee Suan và Lim Chin Siong có lập trường tả khuynh, chủ trương Cộng sản hóa Mã Lai bao gồm cả Singapore, nhận ra rất đông lãnh đạo và đảng viên PAP bị ảnh hưởng Cộng sản, Lý Quang Diệu dựa vào Sắc luật An ninh Quốc nội (Internal Security Act) bỏ tù Lim Chin Siong và cất chức Bộ trưởng Bộ Lao Động của Fong Swee Suan.
Ở Việt Nam, ông Hồ Chí Minh chủ trương loại bỏ các đảng phái không Cộng sản, kể cả Cộng sản đệ tứ.
Sau khi loại bỏ các thành phần Cộng sản và tả khuynh trong hàng ngũ lãnh đạo PAP, ổn định chính trị quốc nội, Lý Quang Diệu bất chấp ý kiến phản đối, thực hiện hàng loạt các chính sách kinh tế trong nước và mở rộng các quan hệ quốc tế.
Ông Lý Quang Diệu chống Cộng sản, từ chối sử dụng tiếng Hoa, từ chối công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ông Hồ Chí Minh mang chủ nghĩa Cộng sản vào Việt Nam, mời cố vấn Trung quốc đến Việt Nam để thực hiện cải cách ruộng đất giết dân Việt, nhận vũ khí của Liên Xô, Trung quốc để tiến hành chiến tranh đánh chiếm Việt Nam Cộng Hòa.
Một số học giả Trung Cộng như Lu Qi gọi Lý Quang Diệu là hanjian (Hán gian)
Ông Hồ Chí Minh gọi ông Trần Trọng Kim, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu- những lãnh tụ chống Cộng sản là bù nhìn, Việt gian.
Cả ông Hồ Chí Minh lẫn Lý Quang Diệu đều có tài lãnh đạo, đều quyết đoán. (Trong khi ông LQD là người thẳng thắn, ông HCM rất xảo trá; nhưng đó là chuyện khác)
Những lời ca ngợiSự ra đi của một lãnh tụ là lúc người ta nhìn lại thành quả sự nghiệp phụng sự đất nước của vị ấy.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới chia buồn và ca ngợi ông Lý Quang Diệu hết lời sau khi ông qua đời:
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon: "Ngài Lý Quang Diệu là một nhân vật huyền thoại ở châu Á..”
Tổng thống Hoa Kỳ Obama: "Lý Quang Diệu là một nhân vật thực sự phi thường trong lịch sử, là một trong những nhà chiến lược vĩ đại về các vấn đề châu Á".
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: “Lý Quang Diệu là một nhà lãnh đạo vĩ đại của châu Á”
Thủ tướng Úc Tony Abbott: “Lý Quang Diệu là một người khổng lồ trong khu vực.”
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi" “Lý Quang Diệu là một con sư tử giữa các nhà lãnh đạo".
Thủ tướng Anh David Cameron: "Lý Quang Diệu là một nhà lãnh đạo vĩ đại, một chính trị gia khổng lồ”.
Cựu thủ tướng Anh “bà đầm thép” Thatcher: "Lịch sử thế giới sẽ ghi nhận ông là một trong những chính khách lỗi lạc nhất của thế giới hiện đại".
Joseph Chinyong Liow, thuộc Viện Nghiên Cứu Brookings, phân tích trong bài bình luận “Lý Quang Diệu, con người và giấc mơ” cho rằng chính lý tưởng và tầm nhìn đã giúp Lý Quang Diệu đưa Singapore từ một quốc gia bị trị, phân hóa chính trị, Cộng sản hoành hành, xung đột chủng tộc, thiếu thốn tài nguyên thiên thiên trở thành một nước hiện đại, được nhân loại khắp năm châu kính nể.
Khi ông Hồ Chí Minh qua đời, ông được ca ngợi:
(Trích “THẾ GIỚI VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH Theo
http://www.ditichhochiminhphuchutich.gov.vn)
“Nghị lực phi thường, ý chí sắt đá, lòng dũng cảm vô song của đồng chí Hồ Chí Minh cùng với sự giản dị và lòng nhân đạo của Người đã làm cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Liên Xô, những người cộng sản và những người tiến bộ trên thế giới kính trọng và yêu mến Người sâu sắc”.
(Đảng và Nhà nước Liên Xô)
"Chủ tịch Hồ Chí Minh mất đi, nhưng phẩm chất cách mạng cao cả và tinh thần chiến đấu không sợ cường bạo của đồng chí vẫn sống mãi trong lòng nhân dân cách mạng các nước trên thế giới”.
(Đảng Cộng sản Trung Quốc)
“Cuộc đấu tranh cách mạng và đời sống mà Người cống hiến cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, cho chiến thắng của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, xứng đáng được sự kính trọng và lòng biết ơn của tất cả những người cách mạng trên thế giới”.
(Chính phủ cách mạng Cuba)
"Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và sẽ là tượng trưng trong sáng của chủ nghĩa yêu nước trong thời đại hiện nay”.
(Quốc trưởng Campuchia)
“Tên tuổi của đồng chí Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi gắn bó với những hành động cao cả nhất và những ước mơ cao quý nhất của nhân loại nhằm thực hiện một khối cộng đồng anh em thực sự của nhân dân các nước được hưởng quyền bình đẳng và được thoả mãn đầy đủ về những nhu cầu vật chất và tinh thần của mình...”
(Đảng Cộng sản Mỹ).
Kết quả 2 lựa chọn khác nhau là 2 di sản trái ngược.Ông Lý Quang Diệu, thủ tướng Singapore đã qua đời ngày 23 tháng 3 năm 2015
Ông ra đi để lại một nước Singapore giàu mạnh; Ông đã đưa đất nước Singapore với dân số 5.5 triệu, không tài nguyên, từ thế giới hạng ba lên thế giới hạng nhất; theo đó Singapore hạng nhất thế giới về dễ dàng làm thương mại, hạng ba trên thế giới về quốc gia cạnh tranh nhất, hạng nhất về bảo vệ tài sản trí tuệ, lợi tức đầu người cao thứ ba thế giới, tỉ lệ tử vong thiếu nhi thấp nhất thế giới; quốc gia trong sạch nhất thế giới.
Lời khen ngợi dành cho ông Lý Quang Diệu quả thật rất xứng đáng.
Ông Hồ Chí Minh qua đời ngày 2-9-1969, chỉ một năm sau phát lệnh “tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 (1) gây ra cảnh tang thương đổ vỡ ở miền Nam khiến trên 60.000 binh sĩ 2 miền hy sinh, trên 14.300 thường dân thiệt mạng, gần 85.000 nhà hư hại từ 50% đến 100%, trên 30.000 nhà hư hại đến 50% (2)
Ông Hồ Chí Minh chết đi để lại một Việt Nam tan nát vì chiến tranh. Người ta có thể nói sự nghiệp của ông còn dở dang vì ông đã bày tỏ đến khi hòa bình sẽ “xây dựng đất nước đàng hoàng to đẹp hơn”; tuy nhiên, khi còn sinh thời ông đã làm gì cho nước VNDCCH mà ông đã thành lập? Cuộc cải cách ruộng đất?- Lợi ích của nó mang lại khó mà bù đắp tổn thất nó gây ra. Phúc lợi, cuộc sống của dân chúng? -Hầu như không đáng kể vì nhu yếu phẩm, lương thực dân phải xếp hàng mua bằng tem phiếu.
Sau đó các học trò của ông thực hiện thành công giấc mơ của ông, “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”, thống nhất đất nước dưới chế độ Cộng sản, đưa đất nước vào 2 cuộc chiến tranh khác với Cam Bốt năm 1978, với Trung quốc năm 1979. Trong nước đảng và nhà nước CS xóa bỏ quyền tư hữu, xóa bỏ kinh tế thị trường; chủ trương kinh tế tập thể khiến nhân dân lâm cảnh nghèo đói, thiếu lương thực; chính trị độc đảng, bóp nghẹt tự do tư tưởng, báo chí, lập hội, tôn giáo, cư trú; đàn áp văn nghệ sĩ, trí thức và những người tranh đấu cho dân chủ nhân quyền; xây dựng “đạo đức cách mạng” khiến đạo đức xuống tận đáy; đưa đất nước lệ thuộc sâu vào Trung quốc về chính trị lẫn kinh tế.
Lời khen ngợi dành cho ông HCM chỉ nhằm mục tiêu ngoại giao nếu không muốn nói là vô nghĩa, mỉa mai. Vì di sản của ông thật tệ hại.
Thảo Dân
__________________
Chú thích:(1) Ông HCM phát lệnh tấn công qua thư chúc Tết Mậu Thân 1989 trên đài phát thanh: “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua, Thắng lợi tin vui khắp nước nhà, Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ, Tiến lên! Toàn thằng ắt về ta”
(2) Tổng kết cuộc chiến Mậu Thân (1968) của Trần Gia Phụng.