Chiếc giày của Nguyễn Thùy Dương, Jamal Khashoggi trong tương quan giữa ý thức hệ và định chế chính trị
Trong hạ tuần tháng 10 năm 2018, người Việt trong nước lẫn hải ngoại nghe nhiều nhất 2 tin sau đây.
Một là tin một người phụ nữ Việt Nam trẻ tên Nguyễn Thùy Dương, cư dân tại Thủ Thiêm ném chiếc giày cô mang vào mặt bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, một trong những nhà lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN, đương kim dân biểu quốc hội và chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân TP Hồ Chí Minh, Thành Phố Trực Thuộc Trng Ương Lớn Nhất Việt Nam, gây chấn động cả nước.
Hai là tin chấn động toàn thế giới khi Ông Jamal Khashoggi, một phóng viên gốc Saudi Arabia của tờ Washington Post, khi vào tòa lãnh sự Vương Quốc này tại Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), bị thủ tiêu mất xác. Nhiều cáo buộc cho rằng vì ông có lập trường chống lại Thái Tử Mohammad Bin Salman (MBS) nên bị 15 sát thủ phái từ Saudi Arabia bay đến tòa lãnh sự tại Turkey, giết, phanh thây ra từng mảnh, đóng thùng và đưa chui ra khỏi tòa lãnh sự cũng như lãnh thổ Turkey.
Tin thứ nhất tuy gây chấn động toàn quốc, nhưng trong bản chất chỉ là một hiện tượng hầu như bất bạo động của một người dân phẩn nộ trước cường quyền và chỉ bị phạt hành chánh. Tin thứ nhì là một vụ sát nhân đầy máu lạnh, gây ghê tởm cho toàn nhân loại, do một cường quyền gia hại một công dân.
Như thế tại sao có thể có bất cứ một tương quan gì giữa 2 hiện tượng trên?
Muốn trả lời câu hỏi trên, chúng ta phải ý thức rằng cả 2 nhà cầm quyền CSVN và Vương Triều Saudi Arabia là những chế độ cai trị độc tài tuyệt đối.
Khi nói đến các chế độ độc tài trong lịch sử đương đại, chúng ta phải nói đến các mô hình nhà nước sau đây:
1. Độc tài quân phiệt (Thái Lan và Miến Điện)
2. Độc tài công an trị (Liên Bang Nga)
3. Độc tài cá nhân chủ nghĩa (Đức Quốc Xã)
4. Độc tài quân chủ tuyệt đối (Brunei, United Arab Emirates)
5. Độc tài ý thức hệ (Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn và Cuba)
6. Độc tài giáo phiệt (Saudi Arabia, Iran)
Tuy phân loại như thế nhưng phần lớn các loại độc tài thông thường hỗn hợp nhiều yếu tố khác nhau. Chẳng hạn chế độ Đức Quốc xã của Hitler tuy trong bản chất là độc tài cá nhân chủ nghĩa (căn cứ trên cà tính và nhân cách siêu việt của lãnh tụ) nhưng vẫn có nền tảng trên ý thức hệ Quốc Xã.
Chế độ CSVN và vương triều Saudi Arabia trên nguyên tắc phát xuất từ ý thức hệ Mác Lê (Việt Nam) và ý thức hệ Hồi Giáo Sunni (Saudi Arabia), nhưng cà hai vẫn sử dụng công an trị để củng cố ngôi vị của mình.
Độc tài tuy rất nguy hiểm cho nhân loại, nhưng mọi hình thức độc tài trên thế giới đều đang đi vào giai đoạn thoái trào. Thật vậy, độc tài quân phiệt tại Thái Lan và Miến Điện, cũng như công an trị tại Nga hầu như đã trở thành những chế độ dân chủ trong giai đoạn chuyển tiếp và các quốc gia quân chủ tuyệt đối cũng đang tiếp xúc và chuyển mình theo khái niệm quân chủ lập hiến như vương quốc Kuwait.
Tuy nhiên 2 mô hình bảo thủ nhất và nguy hiểm nhất vẫn là Độc tài ý thức hệ và độc tài giáo phiệt, trong đó, độc tài giáo phiệt nguy hiểm hơn một bậc.
Lý do là vì độc tài ý thức hệ trong bản chất đòi hỏi sự trung thành của công dân và hứa hẹn một thiên đàng như thiên đàng xã hội chủ nghĩa ngay tại hạ giới. Trong khi đó, giáo phiệt Hồi Giáo chẳng hạn đòi hỏi sự trung thành của công dân và hứa một thiên đàng hoa lệ sau khi họ chết đi.
Thiên đường xã hội chủ nghĩa của các đảng CS rất dễ bị chứng minh là không tưởng và dối trá vì dù người dân ít học nhất, chỉ cần thông minh bình thường là có thể nhìn thực trạng hiện tiền và ý thức được.
Trong khi đó, thiên đàng Hồi Giáo thì phải chờ sau cái chết mới kiểm chứng được và mấy ai đã chết mà còn trở về dương thế để chứng minh đúng hay sai.
Các chế độ độc tài Giáo Phiệt nguy hiểm hơn một bậc là vì thế.
Tuy mực độ hiểm nguy cho các dân tộc khác nhau, nhưng tiến trình xây dựng độc tài của 2 mô hình đã theo một quy luật chung. Đó là cả 2 đều xử dụng hệ thống tư tưởng của họ (ý thức hệ Mác Lê hoặc giáo điều Hồi giáo) như cứu cánh và xây dựng một định chế chính trị (Đảng CSVN hoặc Vương triều Saud) như phương tiện để đạt đến cứu cánh đó.
Tuy nhiên lịch sử đã chứng minh rằng tương quan giữa hệ thống tư tưởng cứu cánh (Ý thức hệ Mác Lê hoặc Giáo điều Hồi Giáo) và định chế phương tiện (Đảng CSVN hoặc Vương Triều Saud) đã hoàn toàn đảo ngược trong hoàn cảnh Việt Nam và các quốc gia cộng sản khác.
Lý do là vì tuy không ai có khả năng chứng minh rằng thiên đường Hồi Giáo được hứa hẹn là sai lầm, nhưng toàn dân các nước cộng sản đã nhìn thấy hiển nhiên là thiên đường xã hội chủ nghĩa là dối trá và hoàn toàn không tưởng.
Lập luận cố hữu của các chế độ độc tài là “Cứu cánh biện minh cho phương tiện” có thể được phân tích từ 2 góc cạnh khác nhau.
Thứ nhất là lập luận này biện minh cho những chính sách tàn ác khôn tiền khoáng hậu và những vi phạm nhân quyền tệ hại nhất nhân loại tại các quốc gia Hồi Giáo cà xưa lẫn nay, tại Liên Xô thời Stalin, Trung Quốc thời Mao Trạch Đông, Bắc Hàn Trong quá khứ lẫn hiện tại và tại Việt Nam khi đảng CSVN giết Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ và trong cuộc cải cách ruộng đất.
Tuy nhiên khía cạnh thứ 2 của lập luận này cũng có nghĩa là, trên nguyên tắc, một khi cứu cánh (tức ý thức hệ Mác Lê và thiên đường xã hội chủ nghĩa) đã bị chứng minh là sai lầm và không tưởng, thì đảng CSVN như là một định chế có tính phương tiện, cũng theo logic đó, phải triệt tiêu.
Tuy nhiên, như một định chế tham quyền cố vị, đảng CSVN không những không tự giải thể, mà còn minh thị đảo ngược tương quan cứu cánh và phương tiện cố hữu giữa ý thức hệ Mác Lê và Đảng, để từ đó Đảng CSVN trở thành cứu cánh và Ý thức hệ Mác Lê, vốn đã tả tơi và bị nhân loại khinh bỉ, trở thành phương tiện để biện minh cho sự sống còn của đảng như một định chế.
Tương quan vô cùng quan trọng giữa chiếc giày của Nguyễn Thùy Dương bay về hướng Nguyễn Thị Quyết Tâm và sự phanh thây của nhà báo Jamal Khashoggi là 2 hiện tượng nằm vào 2 giai đoạn khác nhau của tương quan cứu cánh và phương tiện giữa hệ thống tư tưởng và định chế chính trị.
Sự phanh thây của Jamal Khashoggi đẫm máu và tàn khốc vì còn nằm trong giai đoạn Giáo điều- Ý thức Hệ còn là cứu cánh và định chế còn là phương tiện, và 15 tay sát thủ này là những tín đồ Hồi Giáo Sunni, trong niềm tin thánh chiến bảo vệ Giáo Điều Sunni trong cuộc chiến một mất một còn với giáo điều Shiite của chế độ giáo phiệt Iran.
Trong khi đó, chiếc giày của Nguyễn Thùy Dương bay ra trong khung cảnh một đảng CSVN không còn là một định chế làm phương tiện để xây dựng xã hội chủ nghĩa theo ý thức hệ Mác Lê nữa, mà đảng bây giờ tự nó đã biến thành cứu cánh.
Ý thức hệ Mác Lê và xã hội chủ nghĩa đã chết trong lòng của nhân dân Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba. Những khua môi múa mép về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, pháp chế xã hội chủ nghĩa …đều là giả dối và lừa gạt.
Nhân dân Việt Nam biết điều này và chiếc giày của Nguyễn Thùy Dương nói lên đơn giản sự khinh bỉ tột cùng của họ đối với Nguyễn Thị Quyết Tâm, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Trọng và toàn bộ guồng máy đảng.
Nên nhớ tương quan giữa 2 giai đoạn:
1. Hệ thống tư tưởng (ý thức hệ hoặc giáo điều Hồi Giáo) là cứu cánh và định chế chính trị (đảng CSVN hoặc Vương Triều Saud) là phương tiện
2. Hệ thống tư tưởng (ý thức hệ hoặc giáo điều Hồi Giáo) bị đọa xuống trở thành phương tiện và định chế chính trị (đảng CSVN hoặc Vương Triều Saud) được nâng cấp vươn lên trở thành cứu cánh
Là một tương quan trong đó, giai đoạn 2 đại diện cho sư tha hóa và thoái trào.
Sự phanh thây của nhà báo Jamal Khashoggi tuy tàn ác, đẫm máu và gây phẫn nộ trên toàn thế giới, nhưng xảy ra vào giai đoạn 1 trong tương quan trên, nên sẽ không đủ sức để lật đổ vươn triều Saud.
Ngược lại, chiếc giày của Nguyễn Thùy Dương, tuy nhẹ hều và bất bạo động nhưng hàm chứa sự khinh bỉ tột cùng của nhân dân, vì xảy ra trong giai đoạn 2 trong tương quan trên, nên sẽ làm lay chuyển tận gốc rễ đảng CSVN như một định chế thối nát rã rời và âm vang của nó sẽ làm sụp đổ chế độ.
Giai đoạn thoái trào này là tiền đề cho sự diệt vong tất nhiên của đảng CSVN và mở đầu cho công cuộc xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính cho dân tộc.
Luật Sư Đào Tăng Dực