Lời nhà xuất bảnNhư nhà văn Bùi Bích Hà từng nói, “Tôi viết đủ mọi chuyện, khi ngẫu hứng. Viết như nói, như thở, như xúc động, như chào hỏi, như từ giã, không có nguyên tắc gì cả. Viết như trang trải, chia xẻ cùng người (ai? ở đâu ?) một thứ ‘gởi hương cho gió’. Viết như một an ủi, tháo gỡ với bản thân (để sống còn).”
Quả thật, lần giở lại từng trang, từng bài mà nhà văn gốc Huế từng tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm khoa Pháp Văn này ghi lại, người đọc có thể bắt gặp đủ cung bậc, đủ khuôn hình của đời sống. Từ nỗi cảm khái trước một bài thơ, cái giật mình trước sự “bận quá” của dòng đời, cảm giác dịu vợi khi nhìn tô canh dưa hường, niềm xao xuyến trước chiều Ba Mươi Tết, phút chạnh lòng khi đưa tiễn người về bên kia thế giới, đến những điều lớn lao hơn nhưng vẫn gắn chặt với thân phận con người như dư âm của chiến tranh, bàn về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, sức mạnh cộng đồng… tất cả đều được ghi lại qua cảm nhận, nghĩ suy của một nhà văn luôn buộc chặt tâm não mình với cuộc sống.
Nói như nhà thơ Du Tử Lê, “nhan sắc văn chương Bùi Bích Hà không cần tới lớp phấn son lòe loẹt. Thế giới văn xuôi Bùi Bích Hà không cần tới những mánh khóe mang tính ảo thuật. Tính điềm đạm, lắng, sắc xuống những đáy tầng tâm thức nhân sinh là nét đặc thù đầu tiên, của tấm căn cước nhà văn mang tên Bùi Bích Hà.”
Đọc Bùi Bích Hà, người ta tìm thấy những điều dung dị nhất diễn ra quanh mình như ngõ trước vườn sau, như chùm hoa ti gôn, như một bữa cơm chay. Đọc Bùi Bích Hà, người ta còn tìm thấy niềm suy tư trước những mùa thu đi, trước những bông hồng có gai, những cái chết oan uổng, đến cả vấn đề nữ quyền, chuyện gà trống nuôi con, thiên chức làm cha mẹ, để rồi sau đó không còn khổ đau, không còn muốn nhớ, cứ là ước mơ thôi, vì nào ai “biết tới đâu.”
“Quả thật có biết bao trường hợp người ta sống bên nhau, tưởng đã quan tâm đến nhau, thương yêu nhau, hy sinh cho nhau, và quan trọng hơn cả, hiểu nhau đủ, thực tế khi xảy ra biến cố, nhìn lại, thấy tất cả sự tin chắc nói trên chỉ là ‘tưởng tượng’ theo cái cách và ở mức độ để chính bản thân một người trong cuộc được an tâm thôi! Đã mấy ai giữa giòng đời bon chen, huyễn tưởng, có lúc nhìn sâu vào mắt người bên cạnh, thấy ra được điều gì trong đôi mắt ấy và để sự thinh lặng làm tan chảy vào nhau tất cả yêu thương trong trái tim cần thanh tẩy của mình?”
Tất cả những nét đặc sắc trên từ văn phong, bút pháp của nhà văn Bùi Bích Hà được góp lại tròn trịa trong bộ sách Đèn Khuya (Tập 1 và 2) mà Nhà Xuất Bản Người Việt xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.
Sách có bán tại các tiệm sách địa phương, tại tòa soạn Nhật Báo Người Việt hoặc trên online www.nguoivietshop.com