Do bị lãnh đạo bởi một băng đảng chỉ giỏi nghề tráo trở và giết người, nhưng lại bết bát trong điều hành và xây dựng nền kinh tế quốc dân, cũng như với tệ nạn tham nhũng lan tràn và vì lòng tham không đáy vơ cùng, vét tận của mọi tầng lớp đảng viên cộng sản, nên Việt Nam hiện nay về tổng thể đã mỗi lúc càng chìm đắm sâu thêm vào khủng hoảng.
Các trụ cột bệ phóng cho sự phát triển hài hòa và các tiêu chí nền tảng cần có để bảo đảm sức khỏe cho một nền kinh tế lành mạnh, đều đã tan hoang sau gần 65 năm đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện và triệt để của đảng cộng sản Việt Nam. Rừng hết, biển chết, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt và thảm trạng ô nhiễm môi trường nặng nề xuất hiện mọi nơi, mọi chổ. Viện trợ không hoàn lại, hay cho vay ưu đãi phát triển chính thức ODA đã không còn từ năm 2014. Nợ công vượt mức báo động, đã bằng 210% GDP từ năm 2016, cũng như chẳng còn ai cho vay và phát hành công trái quốc tế cũng chẳng có mấy ai mua. Ngân sách cạn kiệt, luôn luôn bội chi với nhịp độ năm sau nhiều hơn năm trước, phần vì gánh nặng phải trả lãi, trả nợ gốc 31% và phần phải nuôi báo cô bộ máy song trùng đảng, nhà nước hết 83%.
Trong khi đó, đồng lúc với các bầu sữa hào phóng quốc tế bị khóa lại, hàng đợt tai họa và áp lực cứ tiếp tục bủa vây và dồn tới, đè nặng lên nền kinh tế èo uột dưới sự lèo lái của các đỉnh cao trí tuệ, đang chực chờ sụp đổ như chỉ mành treo chuông.
Đối với quan thầy Trung Cộng, không những bị lệ thuộc nặng nề về vốn và là bãi rác tiếp nhận mọi kỹ thuật công nghệ lạc hậu, Việt Nam còn luôn phải nhập siêu hàng năm gần 35 tỷ USD và nếu tính gộp luôn hàng tiểu ngạch, hàng buôn lậu thượng vàng hạ cám qua biên giới, thì mức thâm thủng ước tính khả tín nhất cũng hơn 50 tỷ USD mỗi năm.
Đối với Hoa Kỳ là thị trường béo bở để hy vọng cân đối được với phần phải triều cống cho Bắc Kinh, nhất là sau năm 2000 khi Vietnam đã ký được với chính phủ Obama hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ BTA (Bilateral Trade Agreement) và được đãi ngộ quy chế tối huệ quốc MFN (Most Favoured Nation) với khả năng xuất siêu hàng năm hơn 30 tỷ USD, thì giờ đây Hà Nội đang bị động và vất vả khi bị Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ, ông Donald Trump sỗ sàng cáo buộc Việt Nam là một trong 16 quốc gia gây hại đến nền kinh tế Hoa Kỳ, cụ thể là đòi hỏi phải có ngay thiện chí san bằng thâm hụt thương mại song phương xuống mức cho phép chỉ còn được 8 tỷ USD mỗi năm. Bên cạnh đó tấm phao TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement), từng là kỳ vọng giúp Việt Nam trở thành kẻ được hưởng lợi lớn nhất, cũng tan vỡ từ tháng 1/2017.
Hà Nội chỉ còn một hiệp định thương mại duy nhất là EVFTA (EU - Vietnam Free Trade Agreement) mới có khả năng giúp vá víu phần nào nền kinh tế bệ rạc, dựa trên nguồn xuất siêu khoảng 25 tỷ USD hàng năm sang thị trường Châu Âu.
Không những không bị hăm dọa, hay đòi hỏi phải san bằng tỷ số xuất - nhập cảng như Hoa Kỳ, Việt Nam còn hy vọng một khi EVFTA được ký kết thì sẽ trở thành quốc gia sau Singapore thuộc ASEAN có hiệp định thương mại tự do với EU, qua đó sẽ được loại bỏ đến 99% sắc thuế xuất cảng tới 28 quốc gia thuộc Liên Âu, cũng như sẽ được hưởng lợi lớn nhất, như tăng 35% về xuất cảng, 15% về GDP và 13% về lương bổng cho người lao động.
Tuy nhiên, kể từ khi khởi sự vòng đàm phán đầu tiên vào tháng 6/2012, đến khi hoàn tất đàm phán vào tháng 12/2015 và kết thúc giai đoạn rà soát pháp lý trong tháng 6/2018, các bên hữu quan rõ ràng đã tiêu tốn một khoảng thời gian dài hơn mức cần thiết rất nhiều. Có nhiều lý do có thể nại ra về sự trì trệ của EVFTA, như thẻ vàng khai thác hải sản IUU, các hành vi tiếp tay và gian lận thương mại, như đánh tráo nhãn mác, hoàn tất sản phẩm công đoạn cuối để "giúp" tuồn hàng hóa Trung Cộng vào thị trường EU, cùng những vi phạm nhân quyền trầm trọng của Hà Nội, đang có khuynh hướng ngày càng gia tăng thô bạo hơn và rộng khắp hơn.
Tháng 11/2017, phó thủ tướng Hà Nội là Vương Đình Huệ đã van nài EU rút lại thẻ vàng cho ngành khai thác hải sản và "không nên" đưa nhân quyền vào nội dung EVFTA, bởi Việt Nam luôn phối hợp với quốc tế, để bảo vệ tốt hơn quyền con người!?
Tháng 2/2018, các nguồn tin chính thức của Liên Âu cho biết để thông qua EVFTA, Hà Nội phải dứt khoát phê chuẩn ba công ước căn bản của Tổ chức Lao động Quốc tế Liên Hiệp Quốc ILO (International Labour Organization) gồm công ước số 87 về quyền tự do lập hội và bảo vệ quyền tổ chức (Freedom of Association and Protection of the Right to Organise), công ước số 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể (Right to Organise and Collective Bargaining) và công ước 105 về bãi bỏ cưỡng bức lao động (Abolition of Forced Labour). Liên Âu nhấn mạnh Hà Nội cần phải minh thị rõ ràng hơn về việc phải tôn trọng các quyền con người và quyền của người lao động, như nghị sĩ Bernd Lange, chủ tịch hội đồng thương mại nghị viện Châu Âu tuyên bố nếu không có tiến bộ về nhân quyền, đặc biệt là về quyền lao động thì EVFTA sẽ không được quốc hội Châu Âu phê chuẩn.
Tháng 5/2018, đoàn thanh tra thuộc tổng cục hàng hải và thủy sản của Liên Âu DG-MARE (Directorate General for Maritime Affairs and Fisheries) sau khi thanh sát thực tế tại Việt Nam, đã quyết định kéo dài thời hạn thẻ vàng IUU Fishing cho ngành khai thác hải sản Việt Nam thêm 6 tháng, đến tháng 1/2019 mới quay lại tái thanh tra và xem xét.
Tháng 9/2018, có 32 nghị sĩ quốc hội Châu Âu, thuộc 5 đảng chính trị lớn nhất EU, đồng ý ký tên vào một thư ngỏ, gởi đến Trưởng đại diện EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini, cùng Cao ủy thương mại EU là Cecilia Malmstrom, khuyến nghị EU phải nêu rõ một số chuẩn mực về nhân quyền mà Hà Nội cần phải tuân thủ trước khi đệ trình EVFTA lên nghị viện Liên Âu phê chuẩn, bởi "Hiện trạng nhân quyền tại Việt Nam đã làm nẩy sinh một sự lo ngại lớn và gây hoài nghi về thực tâm khi chính phủ Việt Nam cam kết tôn trọng trong lảnh vực nhân quyền. Đó là biểu thị qua các điều luật an ninh quốc gia mơ hồ, luôn được áp dụng rộng rãi để đàn áp đối kháng ôn hòa, bỏ tù nhiều nhà hoạt động nhân quyền. Tất cả phương tiện truyền thông trong nước đều thuộc về hay do chính quyền kiểm soát, internet bị kiểm duyệt gắt gao và các cá nhân bày tỏ bất đồng trên diễn đàn thông tin ảo đều sẽ bị trừng phạt một cách bất chấp mọi luật lệ căn bản.
Khi đảng cộng sản Việt Nam nắm quyền cai trị đất nước từ năm 1954 đến nay, nó chưa hề cho phép người dân có được quyền bầu cử trong tự do và công bằng, hệ thống tư pháp luôn nằm trọn trong tay giới cầm quyền và các hoạt động của xã hội dân sự, các nhóm tôn giáo, cũng như các tổ chức công đoàn độc lập đều không được phép hoạt động..." ( Ramon Tremosa, Joint Letter, 9/2018 ).
Cụ thể thư ngỏ đòi hỏi Hà Nội phải hủy bỏ một số điều trong bộ luật hình sự, luật tố tụng hình sự và cải sửa hai bộ luật này, cũng như các luật an ninh mạng, luật tín ngưỡng và tôn giáo, cho phù hợp với công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị ICCPR (International Covenant on Civil and Political Rights) mà Việt Nam đã ký kết năm 1982. Hà Nội phải phê chuẩn các công ước 87, 98, 105, phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm đang bị cầm tù, hay đang bị chế tài, quản thúc, chỉ vì họ đã thực thi các quyền làm người căn bản của họ và phải công nhận ngay lập tức các công đoàn độc lập. Nếu Hà Nội không thực tâm nỗ lực giải quyết các vấn đề nhân quyền cấp bách này, cũng như không thực hiện các cải sửa cụ thể trong cam kết tôn trọng nhân quyền trước khi quốc hội Liên Âu bỏ phiếu, thì sẽ rất khó khăn để chúng tôi (32 nghị sĩ ký tên) chấp thuận hiệp định này.
Do đó, ủy ban đặc trách thương mại quốc tế thuộc nghị viện EU là INTA (International Trademark Association) đã mở phiên điều trần "Các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa EU - Việt Nam: Lợi ích và Giá trị" được tổ chức ngày 10/10/2018 tại thủ đô Brussels, Bỉ. Phiên điều trần đặt dưới sự đồng thuyết trình của phó tổng giám đốc chuyên trách thương mại EU là Helena Konig, thứ trưởng bộ công thương Hà Nội là Trần Quốc Khánh, cùng phần thảo luận của một số khách mời có liên quan như đại diện phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam (có lực lượng tham dự hùng hậu và ủng hộ ký kết hiệp định mạnh mẽ nhất), đại diện tổ chức lao động quốc tế ILO, đại diện chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc, đại diện tổ chức vận động hành lang Business Europe và tiến sĩ Nguyễn Quang A, được coi là một chuyên gia nhân quyền đến từ Việt Nam.
Ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công Thương CSVN,
tại phiên điều trần tại Nghị Viện Châu Âu về EVFTA.
Trong vai trò thuyết trình viên đại diện cho chính phủ Hà Nội, Trần Quốc Khánh với kinh nghiệm lọc lõi, nhiều năm làm trưởng đoàn đàm phán về hội nhập kinh tế thương mại quốc tế từ hồi còn mồ ma TPP, cũng chỉ làm nhiệm vụ của một thứ "loa phường", đọc thuộc lòng các câu thiệu, như Việt Nam đang hòa nhập với thế giới, đã tham gia nhiều công ước quốc tế, có ký kết quan hệ thương mại với nhiều quốc gia... như một con vẹt. Khánh cũng khẳng định Việt Nam và EU là đối tác lớn của nhau, EU đã giúp Việt Nam phát triển, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và trâng tráo cho rằng với EVFTA, nếu được phê chuẩn, càng giúp Việt Nam làm được tốt hơn, nhiều hơn nữa trong các lãnh vực này (?).
Do không thể trình ra được bất kỳ một thành tích cụ thể nào về nhân quyền, Khánh một mặt ra sức hứa lèo theo đúng truyền thống cộng sản rằng bộ luật lao động sửa đổi cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, đang được chuyển qua cho quốc hội cộng sản xem xét, cũng như các điều luật 87, 98, 105 của ILO cũng đang được Hà Nội dự định sẽ phê chuẩn trong tháng 11/2019. Mặt khác, Khánh "đánh bài lờ" trước các chất vấn về nhân quyền của cử tọa và giảo quyệt cho rằng cộng sản Việt Nam không hề cam kết bất cứ điều gì (thế giới đã hiểu lầm hay y không thể nhớ có cam kết gì) về nhân quyền, khi đàm phán xin gia nhập tổ chức WTO, bởi WTO không tập trung vào nhân quyền. Để làm giảm áp lực truy vấn nhân quyền, y chối bỏ trách nhiệm tham gia, lưu manh khẳng định nhân quyền nằm ngoài lãnh vực chuyên môn của y là một chuyên viên kinh tế, để điếm đàng kết luận y tin rằng những viên chức liên quan của cộng sản Việt Nam và EU, sẽ là người kể được những câu chuyện tuyệt vời về kết quả hợp tác (kinh tế), thông qua các hiệp định đối tác của chúng ta và tại các diễn đàn (kinh tế) khác.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A
Trong phần báo cáo, nhận định của mình, bên cạnh việc thừa nhận tình hình nhân quyền Việt Nam là xấu và đang ngày càng xấu đi, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng ưu tiên vẫn là EVFTA cần phải được chuẩn thuận trước, bởi vì hiệp định có được thông qua, thì lúc đó mới có một cơ chế để tiến hành những đòi hỏi về cải cách nhân quyền.
"Việc phát triển kinh tế sẽ thúc đẩy cho những điều kiện cấu trúc xã hội và những điều kiện ấy sẽ tạo ra các điều kiện thuận lợi cho việc cải thiện nhân quyền và dân chủ hóa. Những kinh nghiệm lịch sử của thế giới cho thấy rằng một đất nước hội nhập càng sâu vào với thế giới thì áp lực của quốc tế càng có hiệu quả." (Nguyễn Quang A).
Khác hẳn với nghị sĩ Maria Arena thuộc đảng Xã Hội của Vương quốc Bỉ đã thẳng thừng phản bác những hứa hẹn của Trần Quốc Khánh: "Chúng ta có thể chờ thêm 6 tháng nữa, để Việt Nam thực hiện lời hứa, nhưng không chỉ là lời hứa suông, mà là sự bảo đảm trước khi nghị viện Châu Âu phê chuẩn hiệp định này. Nghị viện Châu Âu cần Việt Nam có những chỉ dấu tích cực, thay vì là những lời hứa. Chúng tôi có thể cho thêm thời gian và thời gian đó phải được Việt Nam xử dụng vào các hành động cho thấy được có sự nỗ lực của họ".
Để kết thúc ý kiến của mình, tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra ba khuyến nghị các bên cần áp dụng ngay sau khi hiệp định EVFTA được ký kết xong. Thứ nhất EU phải thúc giục Hà Nội phê chuẩn ba công ước của ILO. Thứ hai EU phải mở ra khu vực dành riêng cho những tổ chức xã hội dân sự (kể cả các xã hội dân sự độc lập không có ghi danh), để tham gia vào quá trình giám sát việc thực hiện EVFTA về phía Việt Nam. Thứ ba EU phải chiếu theo các điều khoản trong hiệp định khung ký năm 2012 giữa EU và Việt Nam về đối tác và hợp tác toàn diện PCA (Partnership and Cooperation Agreement) để chế tài khi Việt Nam có sự vi phạm và xử dụng như là một công cụ hữu hình để "ép" Việt Nam phải thực hiện tốt hiệp định EVFTA.
Theo nghị sĩ Jude Kirton-Darling, thuộc đảng Lao Động Anh và là ủy viên trong ủy ban INTA, có lẽ tiến sĩ Nguyễn Quang A đã bị chính quyền Việt Nam ngăn trở trước khi đi và phải trở về lại Việt Nam sau phiên điều trần, nên đã không thể bày tỏ ý kiến một cách tự do, cũng như đã không thể trình bày hết các điều dự định nói trước các dân biểu nghị viện Liên Âu nên cuối cùng cũng chỉ đưa ra các bằng chứng rất chừng mực và tránh những chỉ trích gay gắt, khiến thành phần ủng hộ nên ký kết hiệp định trước chắc chắn cảm thấy mình có lý, vì không thấy có một sự lên án mạnh mẽ nào khác về hồ sơ nhân quyền của chế độ Việt Nam trong phiên điều trần (Jude Kirton-Darling, The EU doesn’t have to settle for a bad deal with Vietnam, 23/10/2018 ).
Tóm lại, EVFTA đang là cứu cánh cuối cùng cho chế độ Hà Nội bấu víu, để hy vọng chống đỡ lại viễn cảnh kinh tế sụp đổ quá cận kề, nhưng mặt khác đảng cộng sản cũng đang tiếp tục lỳ lợm trước các đòi hỏi của EU về yêu cầu phải cải thiện nhân quyền, bởi mục tiêu cần phải nắm chắc quyền lực và các đặc quyền hầu giữ chặt độc quyền cai trị của đảng. Có ba mốc thời gian là tháng 10/2018, tháng 11/2018 và tháng 3/2019, để quyết định số phận EVFTA có được hai bên ký kết không, và có được nghị viện Châu Âu (European Parliament - EP) đương nhiệm chuẩn thuận trước kỳ bầu cử nghị viện mới vào tháng 5/2019 hay không? Nếu không, tương lai EVFTA sẽ rất mù mịt, bởi không một ai biết được quan điểm của EP mới sẽ như thế nào.
Ngày 17/10/2018, ủy ban Châu Âu phổ biến một thông cáo cho biết hiệp định EVFTA đã được đệ trình lên hội đồng Châu Âu xem xét việc ký kết và sau đó sẽ chuyển qua cho nghị viện Châu Âu biểu quyết. Thông cáo nói rằng hai bên Việt Nam và EU đã đồng ý bảo đảm việc sẽ thực thi đầy đủ các quyền của người lao động theo nguyên tắc của ILO và sự hợp tác về nhân quyền, qua đó cho phép Châu Âu có được các biện pháp cần thiết (thậm chí ngưng thực thi hiệp định) một khi có các trường hợp vi phạm nhân quyền của Việt Nam. Theo Cao ủy thương mại Cecilia Malmstrom, tuy Việt Nam đang có những vấn đề nghiêm trọng về nhân quyền, nhưng có các ý kiến từ những đại diện EU cho rằng Việt Nam không nhất thiết phải thông qua ngay ba công ước của ILO, mà chỉ yêu cầu Việt Nam cam kết sẽ thực hiện ký kết trong tương lai và EVFTA sẽ là một công cụ sẽ giúp thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam.
Trong cuộc đấu tranh cho quyền lợi của chính mình, tất nhiên dù không thể nào mạnh miệng "...đối với một nước mà các quyền tự do cơ bản như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo của người dân thường bị bác bỏ và các nhà đối lập chính trị bị đàn áp một cách có hệ thống thì một thỏa thuận chỉ thiên về thương mại của EU thật sự là không đủ... Một số người biện giải cho rằng EU nên hành xử kiềm chế, dè dặt, không đòi hỏi Việt Nam quá nhiều về nhân quyền, vì như thế có thể đẩy Hà Nội rơi vào quỹ đạo của Bắc Kinh? Lý luận này không đúng, thực tế Việt Nam đã từng chấp nhận nhiều cải cách luật cụ thể hơn, để được gia nhập vào thương ước TPP – một hiệp định thương mại có liên quan đến Hoa Kỳ vào năm 2016. Chúng ta không thể đồng ý với một hiệp định (EVFTA) tồi tệ, ví dụ về TPP cho thấy rằng chúng ta có thể đòi hỏi những cam kết có ý nghĩa từ phía nhà cầm quyền Việt Nam. Chúng ta chỉ cần đòi hỏi những cam kết đó và nói rõ rằng chúng ta sẽ không phê chuẩn hiệp định thương mại, nếu không có các đáp ứng thỏa đáng về các yêu cầu của chúng ta. Yêu cầu rằng vấn đề nhân quyền phải được tôn trọng và phải luôn là ưu tiên trong lịch trình nghị sự của chúng ta..." (Jude Kirton-Darling, bđd), nhưng đáng tiếc, người dân Việt Nam cũng không thể nào được góp phần hữu hiệu hơn, khi cần tranh thủ ưu thế cây gậy và củ carotte mà EVFTA có thể mang lại.
Dù trong tình hình đảng cộng sản Việt Nam hiện nay đang gia tăng đàn áp giới đấu tranh trong nước rất tàn bạo, như tuyên án nhà hoạt động dân chủ và môi trường Lê Đình Lượng đến 20 năm tù giam, kết hợp với xảo thuật trao đổi tù nhân lương tâm lấy lợi thế thương mại, như trường hợp trục xuất Luật sư Nguyễn Văn Đài sang Đức và Blogger Mẹ Nấm sang Hoa Kỳ, nhưng vì quyền lợi thương mại, việc EU chấp nhận đặt cái cày trước con trâu, hay nắm dao đằng lưỡi, là điều chắc chắn rất dễ xảy ra. Do đó, sau khi EVFTA được thông qua rồi, việc đảng cộng sản Việt Nam sẽ tìm mọi cách lươn lẹo khi thực hiện hiệp định và tình hình nhân quyền Việt Nam vẫn "vũ như cẩn" e cũng không phải là điều khó đoán trước.
13 – 25/10/2018.
Hoàng Tất Thắng