VI. Nhiệm Vụ Chính Đảng
Ở nước độc đảng như Cộng Sản hay Hồi Giáo… đảng viên ứng cử được chọn vào ghế trong chính quyền để giữ các chức vị quan trọng hầu nhằm bảo vệ quyền lợi của chế độ độc tài đảng trị. Đương nhiên bầu cử của họ là phải thắng với tỷ lệ 100%, hoặc 90%... vì đảng cử dân bầu và không có đối thủ cạnh tranh. Nhưng ở nước có lưỡng đảng hay đa đảng, mỗi đảng tranh cử tại nhiều địa phương với nhiều chức vụ khác nhau. Cử tri sẽ chọn ứng cử viên tranh cử, và người có nhiều phiếu thì đắc cử.
Vào thời mới lập quốc ở Hoa Kỳ, các lãnh tụ chọn người vào ghế chính quyền bằng những phiên họp của các ủy viên gọi là Caucus. Nhưng hình thức này trở thành không phù hợp lòng dân, vì có nhiều ứng cử viên của các đảng phái khác bị thất lợi trong cuộc xây dựng và phát triển công quyền. Hơn nữa, một người hay một nhóm nhỏ cũng có thể kiểm soát Caucus để đạt đến mục đích cá nhân. Vì thế từ năm 1840 tới nay thể thức đại hội chọn ứng cử viên đã trở thành phổ quát. Theo thể thức này, đảng viên sẽ chọn ứng viên đại diện cho mình qua kỳ đại hội. Nhưng rồi lãnh tụ đảng và guồng máy đảng đã kiểm soát được đại hội. Nhiều đại biểu bầu phiếu lại thực hiện theo chỉ thị, hoặc được mua chuộc. Đại hội tới nay vẫn còn tổ chức tại một số tiểu bang Hoa Kỳ để chọn ứng viên cấp tiểu bang, cấp địa phương, hoặc thảo luận những công tác nội bộ.
Hai đảng chính trị quan trọng là Dân Chủ và Cộng Hòa tổ chức những đại hội toàn đảng mỗi bốn năm một lần, để chọn ứng viên tổng thống và phó tổng thống. Bắt đầu những thập niên 1900 nhiều tiểu bang đã thay thế đại hội đảng bằng phiếu sơ cấp để chọn ứng cử viên, cũng như muốn tránh sự kiểm soát của đảng vào các ứng cử viên. Bởi thế các tiểu bang ở Hoa Kỳ ngày nay tổ chức công khai hay nội bộ bầu cử sơ cấp. Trong cuộc bầu cử công khai, mỗi cử tri nhận phiếu ứng cử viên của các đảng. Tại thùng phiếu, cử tri chọn phiếu của ứng cử viên mà mình đã tuyển. Và trong cuộc bầu cử nội bộ, cử tri thường chỉ chọn phiếu ứng cử viên của đảng mình.
1. Tập quyền - tản quyền
Những nước có hệ thống tập quyền như Anh, Pháp, Ý… thì chính phủ trung ương nắm giữ nhiều quyền hành kể cả quyền kiểm soát các địa phương. Nhưng những nước có hệ thống liên bang như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi… thì quyền hành được phân ra giữa trung ương, và tiểu bang, hay tỉnh bang.
Những nước có thể chế trung ương tập quyền, các đảng chính trị tập trung để được quyền kiểm soát, tổ chức chính quyền trung ương, và các chính đảng cũng tổ chức và hoạt động theo cấp độ này. Và những nước có thể chế chính trị tản quyền, thì các chính đảng cũng phải hoạt động và tổ chức sao cho phù hợp với thể chế như tổng thống hay đại nghị.
2. Thể Chế Tổng Thống
Hiến Pháp Hoa Kỳ ấn định sự phân quyền giữa hành pháp, lập pháp, và tư pháp. Tổng thống không phải là đại biểu quốc hội, và cũng không phải là người của nội các, mà tổng thống được chọn qua cuộc phổ thông đầu phiếu. Trong Quốc Hội, thượng viện với các thượng nghị sĩ là tiếng nói của người dân, và hạ viện với các dân biểu là tiếng nói của chính quyền.
3. Thể Chế Đại Nghị
Thể chế dân chủ đại nghị như Anh Quốc thì người lãnh đạo là thủ tướng. Thủ tướng phải là đại biểu quốc hội và thường là lãnh tụ của đảng có đa số ghế tại hạ viện. Thủ tướng chọn thành phần nội các là những lãnh tụ các cấp của đảng có đa số ghế tại quốc hội. Anh Quốc là nước mà thủ tướng và chính phủ là những người có cả quyền lập pháp và hành pháp. Họ là nhân viên của lập pháp và chịu trách nhiệm việc thi hành luật. Nếu chương trình của thủ tướng không được quốc hội chấp thuận thì đảng đối lập yêu cầu tổ chức tuyển cử. Và dân bỏ phiếu lưu giữ chính phủ, hoặc là cho phép đảng đối lập có cơ hội thành lập tân chính phủ.
Mỗi đảng ở thượng viện và hạ viện đều chọn lãnh tụ tại mỗi viện (floor leader) và phụ tá (whip). Lãnh tụ đảng tại mỗi viện hướng dẫn đảng viên trong việc thảo luận và đề nghị dự luật. Người phụ tá giúp cho lãnh tụ biết ý kiến của đảng viên trong các vấn đề.
4. Đối Lập
Những nước dân chủ thì đảng hoặc những đảng thất cử có nhiệm vụ phê bình các chương trình, các kế hoạch của đảng cầm quyền. Ở Pháp, Ý, và những nước có nhiều đảng, thì các đảng đối lập có nhiều quan điểm chính trị khác biệt nhau, từ quân chủ cho chí cộng sản. Nước lưỡng đảng thì đảng đối lập được thống nhất. Nhưng Quốc Hội Hoa Kỳ cũng ít khi xảy ra như thế, vì một số thành viên đảng lại ủng hộ chương trình của chính phủ dù trái với chủ trương đường lối của lãnh tụ đảng họ.
5. Gây quỹ
Chiến dịch vận động gây qũy tranh cử rất quan trọng đối với các nước dân chủ. Chiến dịch rất tốn kém nhưng các đảng phải chi tiêu để được đắc cử. Chính đảng của Hoa Kỳ phải chi tiêu cho chiến dịch tranh cử tất nhiên nhiều hơn ở các quốc gia khác, một phần vì chiến dịch dài, và tốn kém hàng triệu Mỹ kim cho cuộc vận động tranh cử thượng nghị sĩ, và nhiều triệu cho cuộc vận động tranh cử tổng thống.
B. Chính Đảng Việt Nam
Qua phần trình bày đại cương đảng chính trị của những quốc gia Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi, Anh Quốc… chúng ta thấy rằng, chính đảng được nhiều đoàn thể và hiệp hội kết hợp để tạo thành tụ lực và làm nên sức sống của tổ chức đảng (Party Organization) trên tiến trình đấu tranh chính trị. Các đoàn thể hiệp hội tuy có mục tiêu chính trị, nhưng khả năng hoạt động của mỗi tổ chức lớn, nhỏ lại khác biệt. Các tổ chức này có thể ủng hộ một chính sách, hay ảnh hưởng bởi đường hướng hoạt động của một chính đảng nhưng lại hoạt động đơn thuần về một phương diện xã hội, tôn giáo, văn hóa, giáo dục hoặc kinh tế… Và cũng từ đó chính sách của một chính đảng đề ra để thực hiện công cuộc tổ chức chính là con người. Việc kiểm soát con người và kiểm soát công tác trở thành mấu chốt quyết định thành công hay thất bại trong hoạt động của một chính đảng.
Vì thế, việc giải quyết đúng đắn về một hệ thống tổ chức chính trị, tức là chúng ta giải đáp thông suốt những vấn đề của con người:
- Phải làm gì?
- Có bao nhiêu việc?
- Cần biết cái gì?
- Tuân theo qui định gì?
- Trực thuộc ai?
- Có trách nhiệm và quyền hạn đến đâu?
- Liên hệ với người và đại phận khác như thế nào?
- Do ai bổ nhiệm, hay bãi miễn?
Ngày xưa, khi nhóm người bất bình với chính quyền thì họ tập hợp nhau lại để mưu tính việc tuyển quân mộ lính mà khởi nghĩa, mà thực thi lý tưởng, nguyện vọng của mình. Nhưng ngày nay, để tránh chiến tranh, người thanh niên muốn thực hiện lý tưởng phục vụ quốc gia dân tộc thì cần tham gia hay thành lập chính đảng, từ đó tìm cách đại diện cho dân, ứng cử vào quốc hội, và đấu tranh nghị trường.
Ngày trước chính trị gia xuất thân là những trí thức đào tạo trong triều đình, tu viện, hay môn phái võ thuật. Thế nhưng qua tiến trình phát triển xã hội, người trí thức thời nay được đào tạo trong trường đại học của ngành giáo dục trở thành những chuyên viên, và những người này họp nhau thành hội thành đảng. Bởi vì những lời kêu gọi hay đòi hỏi nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí hay tự do tín ngưỡng… đều vô hiệu khi không có Lưỡng Đảng trong một thể chế tự do chính trị. Và chỉ khi chúng ta có đảng thứ hai đủ mạnh, có khả năng tranh đấu chính trị với đảng cầm quyền thì lúc đó người dân mới thực sự có tự do dân chủ và nhân quyền.
Xây dựng một chính đảng, trước hết chúng ta cần đề cập đến việc thành lập và phát triển đơn vị tổ chức địa phương nơi mình đang cư ngụ, thường gọi Quận Bộ (District) vì là nơi liên quan mật thiết chính đảng với đại chúng, nghe ý dân và đáp ứng nguyện vọng của dân. Quận bộ là cơ quan lãnh đạo đảng bộ để hướng dẫn dân chúng sinh hoạt chính trị, thành lập những Hội Đoàn và Câu Lạc Bộ để thu hút thanh niên nam nữ vào hoạt động chính trị. Quận bộ cũng là trường huấn luyện và đào tạo cán bộ đảng viên, thông thường các nhân tài của đảng sản sinh từ quận bộ rồi trưởng thành trong công tác lãnh đạo và quản trị tổ chức.
Cán bộ đảng viên là người tự nguyện nhận lãnh và hoàn thành công tác tổ chức tại quận bộ sao cho phù hợp trình độ nhận thức, khả năng chuyên môn, và sở trường của chính mình. Cán bộ đảng viên là người:
- Biết điều mình nói, muốn nói, và việc mình làm trong tổ chức một cách rõ ràng mạch lạc.
- Hiểu điều mình trình bày một cách sâu sắc, và tin tưởng vững vàng vào sự nghiên cứu (research), sự hiểu biết của chính mình.
- Thực hiện điều hiểu biết nói trên.
- Sống thực với điều hiểu biết của mình, chứ không lý thuyết suông.
- Ứng dụng điều hiểu biết của mình vào cuộc sống bản thân và xã hội.
C. Đảng Chính Trị Việt
Nhìn lại đảng phái chính trị của người Việt Nam phải thừa nhận rằng dân tộc ta chưa có một đảng chính trị đúng nghĩa để “sinh hoạt tự do dân chủ.” Trước hết vì thiếu triết lý dân tộc, thiếu nguyên lý tổng hợp, thiếu tôn chỉ hay hệ thống tư tưởng chỉ đạo một cách “sống động hiện thực”… Hơn nữa, tôn chỉ hay chủ thuyết lại cần phải giải thích rộng rãi… cho nên đã tự gò bó, mâu thuẫn quyền lợi, kình chống lẫn nhau trong nội bộ đảng. Và từ đó các chính đảng đã không theo kịp trào lưu tiến hóa chung của nhân loại.
1. Trong Quá Khứ:
Chiến tranh Việt Nam bắt đầu từ tiếng súng xâm lăng của quân đội Pháp tại cửa biển Đà Nẵng vào năm 1847, và tại Cần Giờ vào năm 1858. Vì xâm chiếm thuộc địa và tìm thị trường tiêu thụ của nước kỹ nghệ phương Tây, đã làm cho triều đình và dân chúng Việt Nam vùng dậy để tổ chức phong trào chống Pháp.
Lịch sử Việt Nam từ thập niên 1868, khi sáu tỉnh Nam Phần thất thủ và Kinh lược Phan Thanh Giản tử tiết, khiến cho hùng khí của sĩ phu và dân chúng miền Nam bừng lên. Các danh tướng Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực… đã khởi nghĩa với nhiều mặt trận lẫy lừng chống Pháp, nhưng thế giặc qúa mạnh, và nhiều quân dân Việt anh dũng hy sinh. Sau khi chiếm xong sáu tỉnh miền Nam, Pháp lại bắt đầu tấn công Bắc Phần. Thành Hà Nội đã hai lần thất thủ, Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu không chịu đầu hàng và tuẫn tiết. Tới đầu năm 1874 thì hịch Văn Thân của phong trào sĩ phu Việt Nam chống Pháp chính thức công bố rộng lớn khắp nước.
Năm 1884 khi triều đình Huế buộc ký hiệp ước với Pháp, Bắc Kỳ và Trung Kỳ trở thành hai xứ bảo hộ, nhưng Tôn Thất Thuyết là trụ cột triều đình cương quyết không đầu hàng. Đêm rạng ngày 22 tháng 5 năm 1885 khởi binh đánh Pháp ở Huế, nhưng kinh thành bị thất thủ Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chạy ra Cam Lộ. Ngay sau đó Chiếu Cần Vương truyền ra thì toàn dân đã nhiệt liệt đồng tình hưởng ứng, và nhiều tổ chức vũ trang đánh Pháp nổi lên khắp nơi. Hầu hết đều có sĩ phu đứng ra tổ chức cho Phong Trào Cần Vương mang tinh thần trung quân ái quốc.
Vào đầu thế kỷ 20 những luồng tư tưởng cách mạng hooặc danh xưng cách mạng của thế giới du nhập vào Trung Quốc, rồi từ đó mà lan qua Việt Nam. Bởi thế chúng ta thấy các tổ chức chống Pháp thường có danh xưng “cách mạng,” hoặc trong câu thơ “… Để tôi cách mạng đến thành công” của Hồ Chí Minh… thì cách mạng như một cái mode của thời đại, nếu không đặt vào danh xưng, thì cũng phải có “cách mạng” trong cương lĩnh.
Từ các đảng phái chính trị “cách mạng” các người tổ chức lại đặt nặng vấn đề “chủ thuyếtvàchủ nghĩa.” Có lẽ ở vào thời điểm này, thì chủ thuyết Mác – Lê đã lan tràn rộng khắp vì nhằm lúc xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế của thế giới, và người Cộng Sản có cơ hội tuyên truyền.
Cùng thời với chủ thuyết và tổ chức Cộng Sản, các nhà lập thuyết/ lập đảng của Việt Nam cũng đặt những nền tảng tư tưởng và chủ thuyết cho tổ chức “cách mạng” của mình. Ví dụ: Lý Đông A với thuyết Duy Dân, Trương Tử Anh với thuyết Dân Tộc Sinh Tồn, một số đảng khác lại áp dụng thuyết Tam Dân Chủ Nghĩa của Tôn Dật Tiên người Trung Hoa, và Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ sáng lập tôn giáo Hòa Hảo thì ứng dụng thuyết Tứ Ân Hiếu Nghĩa của Phật Thày Tây An…. và còn nhiều tổ chức với nhiều chủ thuyết khác biệt nhau. Nhưng có một điểm cần chú ý, đó là nền triết lý thâm thúy và siêu việt của Tổ Tiên dòng giống Tiên Rồng, linh huấn ngàn đời dân tộc ta thì lại không có mấy ai biết tới, không có cuộc cách mạng dân tộc đúng nghĩa để tạo cho nước thịnh dân an… vì từ ngày giặc chiếm nước tới nay chỉ toàn thuyết duy vật duy lợi làm tha hóa con người và xã hội Việt Nam mà thôi!
Chúng ta biết rằng sau Đệ Nhất Thế Chiến (1914 – 1918) phong trào chống đế quốc ở các nước thuộc địa hay bán thuộc địa đã nổi lên. Tư bản chủ nghĩa từ năm 1922 đến 1929 cũng phát triển vững ổn, dù rằng có cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1930, nhưng không đánh đổ được hệ thống tư bản, ở chính quốc cũng như thuộc địa, các tổ chức cách mạng còn non kém và chưa đủ sức phản kháng với thế lực thống trị lớn mạnh nhiều lần. Hậu quả của xã hội thời ấy là thành phần tiểu tư sản và tư sản ra đời, về kinh tế thì họ rủ nhau lập công ty, nghiệp đoàn công nông thương cục… để cạnh tranh với thực dân Pháp; về chính trị thì họ thành lập các hội đoàn, tổ chức chính trị và đi tới thành lập đảng phái sau này.
Xét về phương diện tổ chức, chúng ta thừa nhận rằng các phong trào chống Pháp của người Việt vào đầu thế kỷ 20 chỉ có tính ái quốc, đang khi cơ cấu tổ chức lỏng lẻo chưa hoàn chỉnh vì thiếu kỹ thuật, thiếu huấn luyện, thiếu tài liệu. Các chính đảng thời đó cũng mở rộng ra toàn quốc nhưng tổ chức và cán bộ chỉ hiện diện ở nơi thành thị, trong khi thôn quê thì vắng bóng. Hầu hết các tổ chức có tính tự phát chớ không chuyên môn, không điều hành, không lãnh đạo chung. Người dân tham gia đấu tranh cũng chỉ vì lòng nhiệt tình nhiệt huyết chớ không rõ đường hướng chính sách là gì, làm gì. Trong giờ phút định đoạt vận mệnh thịnh/ suy của dân nước thì mọi người lại chỉ biết say sưa với lý tưởng cách mạng của Tây phương, đang khi cơ cấu tổ chức làng/ nước có thể so sánh tương tợ như cơ cấu tổ chức tiểu bang/ liên bang… vậy mà phá bỏ. Hơn nữa lại thiếu một hệ thống tư tưởng sống động và hiện thực, chỉ đạo và định hướng trong công cuộc cứu nước của dân tộc Việt Nam. Bởi thế các phong trào đã thiếu tổ chức, thiếu cán bộ, chính sách thì mọi sự chỉ là vọng động và thất bại.
Vào khoàng năm 1924 – 1926 Nam Kỳ xuất hiện hai tổ chức đảng chính trị, dù phôi thai nhưng đáng kể là các Đảng Lập Hiến, Đảng Thanh Niên trước khi có Việt Nam Quốc Dân Đảng, và Đông Dương Cộng Sản Đảng, như người viết trình bày phần trên.
Đảng Lập Hiến có thành viên gồm trí thức, kỹ nghệ, thương gia… một số đảng viên lại có quốc tịch Pháp và có chức vụ trong Hội Đồng Thuộc Địa, Phòng Thương Mại, Phòng Canh Nông… nhưng đảng này lại chưa có hệ thống tổ chức quy củ và thuộc quyền lãnh đạo là Bùi Quang Chiêu. Lúc đầu đảng cũng tạo được nhiều uy tín trong dân, nhưng sau khi thỏa hiệp với Pháp qua chủ trương “Pháp Việt Đề Huề” thì đảng này đã bị mất uy tín trong dân và đi vào lãng quên khi bị Đảng Thanh Niên tố cáo Đảng Lập Hiến là công cụ của thực dân xâm lược.
Đảng Thanh Niên gồm thành phần tiểu tư sản và tư sản ở Nam Kỳ, một số thanh niên trí thức hấp thụ những tư tưởng học thuật mới, căm hờn chính sách bóc lột của thực dân nên họ vùng dậy. Họ tham gia phong trào đòi quyền tự do dân chủ với một khí thế mới, và lập Đảng Thanh Niên tại khách sạn Nam Kỳ vào tháng 3 năm 1926, gồm có Vương Quang Nhường, Nguyễn Trọng Hy, Lê Thế Vĩnh… ngoài chủ trương chống Pháp, đảng còn chống bọn đồng lõa là Đảng Lập Hiến.
Ngày 24 tháng 3 năm 1926 Đảng Thanh Niên vừa cổ võ đồng bào đi đón Bùi Quang Chiêu vừa vận động chính trị ở Pháp về, thì chỉ vài ngày sau đảng này lại công kích tố cáo Đảng Lập Hiến là trở cờ trong vai trò “Vạn tuế Pháp Việt đề huề.” Đồng thời Đảng Thanh Niên còn phát hành cuốn sách với nội dung để lột mặt nạ bọn chính khách đầu cơ, bắt cá hai tay, vừa đi với dân lại vừa đi với giặc.
Ngày giỗ đầu của Phan Chu Trinh tự Tây Hồ vào năm 1927, thì lưỡng đảng: Đảng Thanh Niên và Đảng Lập Hiến lại tổ chức lễ giỗ riêng rẽ rồi đả kích lẫn nhau. Thời gian sau, Đảng Thanh Niên lại rơi vào tình trạng như Đảng Lập Hiến vì không chủ nghĩa, không chương trình, không đường lối… mà chỉ mang tính cách bao thầu biến cố lịch sử để thúc đẩy lòng yêu nước mà chống Pháp. Ngoài ra có số thành viên đã lợi dụng đảng để trục lợi và đảng đánh mất uy tín với dân. Sau cùng có số đảng viên Thanh Niên bị tố cáo về tội “lập hội kín âm mưu lật đổ chính phủ và phá rối trị an,” và bị nhà cầm quyền bắt giam. Tổ chức tan rã.
Năm 1939, Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, Pháp thua Đức, và Đông Dương bị Nhật chiếm đóng. Việt Nam Quốc Dân Đảng tan vỡ từ năm 1931, nay được tái lập do những nhân vật từ Trung Hoa trở về như Nguyễn Hải Thần (có tổ chức riêng là Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội,) Nguyễn Tường Tam (có đảng riêng là Đại Việt Dân Chính,) và do Vũ Hồng Khanh cầm quyền. Sau đó các đảng trên lại sát nhập vào Việt Nam Quốc Dân Đảng, và bầu Nguyễn Hải Thần làm lãnh tụ. Trong thời gian này, Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng hoạt động mạnh mẽ, và có mặt ở Trung Kỳ và Nam Kỳ, nhưng vì giao thông cách trở nên chỉ hoạt động mạnh ở Bắc Kỳ mà thôi.
2. Trong Hiện Tại:
Đảng chính trị mà chúng ta mong muốn sớm có hôm nay, thì đảng đó không nên đóng khung trong một tôn chỉ hay chủ thuyết, mà cần ứng dụng bằng những chính sách chính trị thực tế, và tránh nạn giáo điều. Muốn được như thế, chúng ta kết hợp sao cho hài hòa giữa hai hệ thống tư tưởng của dân tộc và nhân loại, rút tỉa tinh hoa văn hóa Tiên Rồng đưa vào quốc sách chính trị thì Việt Nam mới có cơ may thành công.
Chúng ta biết rằng, trong thể chế chính trị Tự Do Dân Chủ phải có hai đơn vị bình đẳng trong một cơ cấu sinh hoạt, cầm quyền và đối lập. Từ đó, chúng ta có quyền chọn lựa những ứng cử viên đại diện cho mình vào chính quyền để hoạt động xây dựng, kiến thiết quốc gia. Và những ai muốn “gánh vác sơn hà,” thì họ mới có cơ hội để tự do thực hiện những điều kiện như sau:
1. Chọn đảng chính trị để gia nhập.
2. Chọn đơn vị địa phương thích hợp để cho mình sinh hoạt.
3. Đệ đơn xin ứng cử.
4. Tiến thân trong đảng và tiến lên trong những đơn vị bầu cử từ địa phương tới những cấp lớn hơn, hay trung ương.
5. Đắc cử thành lãnh tụ khối dân cử của đảng.
6. Và vận động tranh cử để đảng có đa số phiếu trong quốc hội, rồi từ đó mà có chính quyền và giữ chính quyền.
Động lực thúc đẩy các người thanh niên hăng hái gia nhập đảng chính trị là do khả năng. Vì khi thanh niên có khả năng chính trị thì họ mới chu toàn được nhiệm vụ, và khi có nhiệm vụ thì ắt sinh ra quyền lợi. Quyền lợi chính trị lại là phương tiện để giúp người thanh niên đó thực hiện lý tưởng, hoài bão giúp dân cứu nước mà mình hằng tâm mưu cầu. Phải có phương pháp tổ chức thực tiễn theo đà phát triển của xã hội như phân công phân nhiệm… thì đảng chính trị mới gặt hái được thành qủa và xã hội mới tránh được nạn công thần.
Bằng ngược lại, đảng độc tài trong các nước chậm tiến thì thường đặt tình cảm làm động lực thúc đẩy cho tổ chức… rồi mới xét tính đến quyền lợi, lý tưởng, và khả năng của thành viên. Bởi thế, quyền lực thường bị rơi vào tay những kẻ bất tài vô đức, mặc tình thao túng chính trị… làm băng hoại xã hội, đưa dân nước lâm cảnh nghèo đói bần cùng.
Ngày nay, dân tộc ta muốn tồn tại, muốn sống còn thì Chính Sách Dựng Đảng là điều kiện tiên quyết. Vì chỉ có đảng chính trị mới là cơ cấu tổ chức chặt chẽ trong công cuộc dựng nước, dựng người. Đảng chính trị phải có đủ quyền lực đối lập, tức là phải là tổ chức của dân và do dân. Đảng phải có cán bộ nòng cốt hoạt động trong dân, tổ chức dân và lãnh đạo dân; bằng không thì chỉ là “đảng cuội,” và hao tiền tốn của bằng việc làm vô tích sự. Đảng chính trị cũng không thể bỗng nhiên mà có, và lại càng không thể có do ngoại nhân tạo ra mà thành. Nói khác đi đảng chính trị chỉ có khi có những người cưu mang tâm huyết của Tổ Tiên Việt để thực thi đại cuộc Cách Mạng Tiên Rồng.
Đảng chính trị đặt căn cứ trên nền tảng triết thuyết dân tộc. Từ cơ sở tư tưởng đó, chúng ta phát huy và xác định phương hướng, mục đích, mục tiêu, và nhiệm vụ hoạt động trong từng thời kỳ bao gồm từ việc tổ chức kín, tổ chức bán công khai, hoặc tổ chức công khai. Về mặt công tác hoạt động, đảng chính trị phân công phân nhiệm một cách cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên, sao cho công tác vừa song hành với chương trình hợp đồng, đồng bộ của tổ chức, và lại vừa phù hợp với khả năng nhiệm vụ của mỗi người.
Đảng chính trị không phải là tổng hợp tài năng cá nhân, mà là một tập thể sinh hoạt có tổ chức, có hệ thống, có nguyên tắc, có quy luật phát triển riêng của hệ tư tưởng chỉ đạo và định hướng – theo Hệ Tiên Rồng và tổ chức Hoa Tiên Rồng. Sức mạnh của đảng không phải cấp số cộng mà là cấp số nhân, và tình cảm tập thể cũng là cấp số nhân. Sức mạnh cũng như tình cảm tập thể thường đưa những người cán bộ đảng viên hoạt động trở thành danh tiếng. Giải quyết đúng đắn hệ thống tổ chức, tức là chúng ta giải quyết vấn đề cán bộ, và xin nhớ rằng, đảng chỉ vững mạnh nếu có lãnh đạo thừa kế.
Tóm lại, đảng chính trị phải tùy thuộc thực tế hiện hữu mà chúng ta tổ chức sao cho linh động, biến hóa toàn vẹn và hữu hiệu.
Phạm Văn Bản
WWU Polictial Science
___________________
Ghi chú:
(1*) Rossiter, Clinton, Parties and politics in America, Ithaca, N.Y., Cornell University Press, 1960.
(2*) John Dewey, Democracy and Education: An Introduction to the Philosophy of Education, New York, Macmillan, 1916, 1944.
(3*) Chính đảng Gia Nã Đại:
• Canada's New Democratic Party/Nouveau Parti démocratique du Canada, NDP/NPD
• Liberal Party of Canada/Parti Libéral du Canada, LPC/PLC
• Conservative Party of Canada/Parti conservateur du Canada
• Bloc Québécois, BQ
• Animal Alliance Environment Voters Party of Canada, AAEV
• Canadian Action Party/Parti Action Canadienne, CAP/PAC
• Christian Heritage Party of Canada/Parti de l'Héritage Chrétien du Canada, CHP/PHC
• Communist Party of Canada/Parti communiste du Canada, CPP/PCC
• Communist Party of Canada (Marxist-Leninist)/ Parti communiste du Canada (marxiste-léniniste), CPP(M-L)/PCC(M-L)
• First Peoples National Party of Canada, FPNP
• Freedom Party of Canada/Parti de la Liberté du Canada, FP/PL
• Green Party of Canada/Parti vert du Canada, GPC/PVC
• Grey Party of Canada
• Libertarian Party/Parti Libertarien
• Marijuana Party/Parti Marijuana, MJP/PMJ
• Parti Populaire des Putes, PPP
• Progressive Canadian Party/Parti Progressiste-Canadien, PC Party/Parti PC
• Rhinoceros Party of Canada
• Western Block Party, WBP
• Western Canada Concept, WCC
Tuy nhiên, hai trong 4 đảng lớn là đảng Tự do (Liberal Party of Canada) và đảng Bảo thủ (Conservative Party of Canada) thường nắm chính quyền liên bang. Tại quốc hội Canada hiện nay có dân biểu của hai đảng vừa kể và của các đảng Tân Dân chủ (Canada's New Democratic Party), Khối Québecois (Bloc Québécois, BQ) và 1 dân biểu độc lập. Tại mười tỉnh bang (province) và ba lãnh địa (territory), chính phủ cũng thường do đảng lớn nắm quyền British Columbia, Ontario, Quebec: đảng Tự do; Alberta, New Brunswick, Nova Scotia, New Foundland, Prince Edward Island: đảng Bảo thủ; Manitoba, Saskatchewan: đảng Tân Dân chủ.