Người ủng hộ ứng viên cực hữu Brazil Jair Bolsonaro ngày 28/10/2018 tại São Paulo. REUTERS/Amanda Perobelli
Thêm một chính trị gia « phản hệ thống », Bolsonaro, được bầu làm tổng thống Brazil. Với khẩu hiệu « Trật tự và tiến bộ », ông thuyết phục được đa số cử tri Brazil, chán ngán về nạn tham nhũng, lo âu về tình trạng tội phạm mà các đảng truyền thống không giải quyết được. Chiến thắng của ứng viên cực hữu Brazil là chủ đề nổi bật trên hầu hết nhật báo Pháp số ra ngày 30/10/2018.
« Brazil tự đặt mình dưới quyền lực của một tổng thống phản hệ thống » là nhận định trên trang nhất của Le Figaro. Les Echos đưa tin : « Brazil đối mặt với cuộc cách mạng tự do của Jair Bolsonaro ». Với Le Monde, « Bolsonaro chiến thắng, Brazil bấp bênh » vì sau 13 năm dưới chính quyền cánh tả, « phe cực hữu lên nắm quyền », còn « phe đối lập tan nát sau chiến dịch tranh cử thất bại ». Vẫn theo Le Monde, ông Bolsonaro giành được « chiến thắng rõ ràng, có một chương trình cấp tiến nhưng lại mông lung ». Libération dành nhiều trang để nói về « đà tiến nhanh như chớp của viên sĩ quan hằn thù ».
Thêm một chính trị gia cực hữu trở thành lãnh đạo một quốc gia, xã luận của Le Figaro so sánh khuynh hướng dân túy như « cơn gió đang lan khắp hành tinh ». Nếu như tổng thống Philippines Duterte được ví như một « Trump châu Á », thì Bolsonaro được so sánh là một « Trump vùng nhiệt đới ». Họ có nhiều điểm chung : đều là ứng viên « phản hệ thống », đi theo hình ảnh « người mạnh mẽ », phát ngôn ngắn gọn, thậm chí cộc lốc, khiêu khích và gây sốc vì mang tính phân biệt, nhưng lại vô cùng hiệu quả.
Làn sóng dân túy lan tỏa khắp thế giới, từ Philippines đến Brazil, từ Hoa Kỳ đến một số nước châu Âu (Ba Lan, Ý, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ). Chỉ một điểm khác ở Brazil là Bolsonaro không mang lá bài người nhập cư ra tranh cử. Nhưng theo xã luận của Le Figaro, nguyên nhân sâu xa của làn sóng dân túy là hệ quả của một quá trình toàn cầu hóa tự do, nuôi dưỡng những bất công và nỗi sợ bị hạ thấp đẳng cấp xã hội, xáo trộn bản sắc.
Khắp nơi trỗi dậy mối lo về an toàn tính mạng, bất an về văn hóa. Khắp nơi, giới lãnh đạo của các đảng truyền thống đều tỏ ra bất lực, không đáp ứng được những yêu cầu của người dân. Và thay vì ca thán qua những kỳ bầu cử, hết lần này sang lần khác, họ cần phải thức tỉnh. Có lẽ vì thế, những người như Bolsonaro còn nhiều ngày sáng lạn trước mắt.
Brazil vừa gia nhập các nước theo trào lưu dân túy, đang trỗi dậy trên khắp thế giới. Đây là « Sự quay lại quá khứ đáng ngại », theo nhận định trong bài xã luận của Le Monde. Tổng thống tân cử Brazil sẽ thắt chặt quan hệ ngoại giao với Washington. Với một Donald Trump, ông Bolsonaro có chung quan điểm về một số chủ đề : Israel, Venezuela, và môi trường. Ông Bolsonaro có thể sẽ rút Brazil ra khỏi hiệp định khí hậu Paris như tổng thống Mỹ đã làm hoặc đóng cửa cơ quan kiểm lâm và giám sát phân định ranh giới với đất của thổ dân…
Tại sao chủ nghĩa dân túy lại trỗi dậy ?Trang nhất của La Croix có chung nhận định với Le Figaro : « Chủ nghĩa dân túy đang lây lan ». Nhưng tại sao chủ nghĩa dân túy lại trỗi dậy ? Nhật báo Công Giáo đặt câu hỏi với giáo sư Jan-Werner Muller, đại học Princeton (Hoa Kỳ).
Theo giáo sư người Mỹ, phương pháp được phe dân túy theo đuổi là liên lạc trực tiếp với người dân, vì người dân không còn tin vào truyền thông hoặc các chính trị gia bị cho là tham nhũng, và khuếch đại nguyện vọng của dân. Họ hình thành một sự liên kết giữa hy vọng về đời sống chính trị « sạch » và sự suy tàn của các quyền lực trung gian.
Giáo sư người Mỹ cho rằng để đáp lại những định kiến và tư tưởng của phe dân túy, không nên loại họ khỏi cuộc tranh luận vì như vậy, càng củng cố thêm quan điểm của họ là tầng lớp tinh hoa không nghe nguyện vọng của người dân. Ngoài ra, không nên bắt chước đường lối của phe dân túy để kiếm phiếu bầu hoặc uy tín vì cử tri bỏ phiếu cho một chương trình riêng của đảng đó, chứ không phải là cho bản cóp nhặt.
Với chiến thắng của ứng viên cực hữu Brazil, nhật báo Le Figaro nhận định « Châu Mỹ latinh đã ngả sang hữu ». Từng giành chiến thắng vẻ vang trong những năm 2000, cánh tả Nam Mỹ hiện bị thu hẹp, chỉ còn ở hai nước là Bolivia và Venezuela.
Theo RFI