Tôi cứ tưởng cái bệnh này là độc quyền của tôi. Hóa ra, bất cứ ai, người nước nào, một khi đã vướng vào vòng báo bổ là cũng có lúc trở thành báo hại. Cũng có lúc cắn mòn cả bút bi lẫn bút chì mà vẫn không nặn ra được một chữ.
Đã mang lấy nghiệp thợ viết, thì viết chẳng có khó khăn chi. Cái trần ai khoai củ, là có cái gì để viết. Một khi có ý kiến rồi, thì ngồi trước bàn máy, chỉ một tiếng đồng hồ là có quyền chấm hết chương trình của ban Tùng Lâm, thơ thới hân hoan đóng máy, đứng lên. Nhưng nếu chẳng có một tí ý kiến gì trong đầu, thì có ngồi cả ngày cũng vậy thôi. Làm nghề truyền thông, mắc bệnh này là chuyện thường tình.
Chắc cụ chưa thể nào quên được cái tin giật gân của một anh phóng viên Trung Quốc, liệng lên internet cách đây vài năm. Anh ta làm ra vẻ bí mật, bật mí, quí bà con cô bác có biết nhân bánh bao làm bằng gì không? Khi Anh Ba nói đến bánh bao thì cũng giống như là con cháu chú Sam nói tới Hamburger vậy. Già trẻ lớn bé, ai cũng hẩu sực bánh bao. Vừa ngon vừa rẻ, lại vừa đầy đủ chất dinh dưỡng, thịt hành tiêu xì dầu sáng sấu. Thơm ngon, ngọt bùi. Anh ta đi một đường quảng cáo xong anh ta mới tự trả lời câu hỏi anh ta đặt ra cho bà con. Anh nói, muốn biết nhân bánh bao làm bằng gì, xin quí bà con cô bác hãy nhìn vào bếp của bất cứ tiệm bánh bao nào. Quí vị sẽ thấy cái chậu, có một đống giấy các tông, vốn là những thùng đựng hàng, nhặt từ các siêu thị về, đang được ngâm nước cho mục ra. Sau đó, nó sẽ được anh đầu bếp băm vụn ra, rồi nêm nếm đủ mọi gia vị nước tương cùng bột ngọt, nó sẽ trở nên thơm tho, ngon ngọt vô cùng. Nó sẽ là nhân bánh bao đó. Quí cụ có còn cảm thấy thích thú ăn bánh bao nữa hay thôi.
Bài phóng sự của anh vừa đăng được mấy hôm, được bà con theo dõi quá trời, và tất cả mọi người, đã từng ăn bánh bao, đều moi cổ, móc họng với hy vọng tống khứ ra ngoài dạ dầy, những cái bánh bao nhân các tông mà mình đã nhậu trong quá khứ, thì trên báo chí cùng internet, lại có một bài thanh minh thanh nga của anh nhà báo thiếu lương tâm, mắc bệnh bí lù, rằng: xin lỗi bà con, bài phóng sự hôm trước hoàn toàn là bịa đặt. Không làm gì có cái dzụ nhân bánh bao làm bằng thùng các tông. Chẳng qua là vì, bữa đó là ngày phải trả bài cho nhà báo, mà bổn phóng viên bí quá, nghĩ hoài chưa ra đề tài, nên phịa ra cho có chuyện. Xin đừng tin những gì tôi đã nói. Tôi xin long trọng cải chính, nhân bánh bao làm bằng thịt heo thật đấy bà con ơi. Xin lỗi. Túi pú chì.
Một số bà con nhẹ dạ, thở phào nhẹ nhõm, có thế chứ, Đại Trung Quốc, làm sao lại có thể vô nhân đạo tới độ coi thường sức khỏe nhân dân đến thế. Cha bố cái anh nhà báo, nói láo ăn tiền. Phản tuyên truyền không chịu được. Trong khi một số người khác, con cháu ông Tào lại kháo nhau rằng, bài báo đó là sự thật mười mươi, nhưng sau đó nó bị đảng và nhà nước sợ mất uy tín đại cường, từ nay hàng xuất khẩu sẽ bị thế giới tẩy chay, nên dí súng vào bụng nó, bắt nó cải chính lại.
Bây giờ thì cụ dư biết trắng đen, với cái tài sản xuất gạo ny lông và phép biến hóa thịt thối thành thịt tươi, thì chuyện nhân bánh bao bằng các tông là chuyện lẻ tẻ, chẳng cần quan tâm, chẳng đáng chú ý.
Hôm nay trên tờ nhật báo ở xứ tôi, cũng có chuyện một phóng viên truyền hình bí tin. Bà này là phóng viên của đài TV 26, một đài lô canh ở xứ tôi. Bà kể chuyện, một hôm trên đường lái xe tới sở, bà nhìn thấy một mảnh giấy dán trên cột đèn. Vì lúc đang chờ đèn đỏ ở ngã tư, cho nên bà có thì giờ đọc cái bảng cáo thị viết bằng tay, có cái tựa đề là: Dê Cái Bị Bắt Cóc. Bà cảm thấy rất là hứng thú vì cái để tựa này cho nên quyết định làm một phóng sự về cái vụ con dê bị bắt cóc này. Bà tò mò đọc kỹ thì thấy bên cạnh hàng tít hấp dẫn đó có hình một cô dê cái, cái cô dê bị bắt cóc. Bà nghĩ bụng, đây là một chuyện khá ly kỳ, đâu có phải ngày nào cũng có chuyện dê bị bắt cóc đâu. Nhất là ở trong thành phố, ai mà dám nuôi dê trong nhà, có khi bị phạm luật nuôi súc vật ấy chứ. Lại còn cái vụ bị bắt cóc nữa. Ai là người mất thì giờ, đi bắt cóc một con dê, cho dù đấy là một con dê cái! Vì thế, bà quyết định điều tra vụ án này.
Bà chủ cô dê tâm sự với nhà báo, ngoài cô dê pet ra, bà còn có thêm ba con mèo sống ở trong nhà, và mấy con thỏ sống ở ngoài vườn. Nhưng trong đám con nuôi này, bà thương nhất cô dê. Điều này cũng không có gì khó hiểu cả, Vì bà nuôi cô từ lúc cô mới sinh ra được mấy tuần. Bà đích thân cho cô bú bình cho tới khi cô biết gặm cỏ một mình. Đối với bà, cô dê không phải là một con vật, mà là con yêu của bà. Bà chăm nom, săn sóc cô như một người mẹ. Cô thơm tho, sạch sẽ, dễ bảo, ngoan ngoãn, hàng xóm không hề than phiền gì về sự hiện diện của cô trong nhà cả. Trong bản cáo thị tìm cô, bà có ghi là sẽ thưởng cho ai tìm được cô, đem về trả cho bà sẽ được thưởng $200. Tuy nhiên, cả bà chủ dê và bà phóng viên đều tin tưởng rằng, cô đã được một tên bợm nhậu nào đó, cho hóa kiếp thành tiết canh và dựa mận rồi.
Nhờ cái tin này, bà phóng viên bí, có chuyện để điều tra, còn thì chuyện hay hay dở thì khán thính giả truyền hình phải chịu vậy thôi. Đầu óc con người đâu có phải là cái máy mà lúc nào cũng sản xuất ra cùng một loại bài bản hay ho như nhau. Có bài hay thì cũng phải có bài không hay chứ!
Cũng như tôi, lâu lâu tôi có bí, viết truyện đầu Ngô, mình Sở, vớ vẩn, tàm xàm thì cũng xin quí cụ đại xá cho. Người Tàu, người Mỹ còn bí huống chi tôi, một bà già Việt Nam lẩm cẩm. Tôi hứa danh dự với quí cụ, khi nào tôi bí đặc, bí lù, không cựa vào đâu được, tôi sẽ giải nghệ. Nhưng tôi cũng báo động cho quí cụ biết, rất có thể người thay thế tôi, có khi cũng bí như tôi, hay còn bí hơn tôi nữa.
Chê bí đao lại vớ ngay bí rợ, thì cũng thế thôi. Xẩm vào Cuội ra. Tránh vỏ dưa lại gặp ngay vỏ dừa! Thì cũng huề tiền!
BÀ BA PHẢ (Viendongdaily)