Sài Gòn xưa thật đẹp, văn minh và thanh bình với những con người hiền lành, mộ đạo. Nếu không có những bức ảnh tư liệu mà mỗi ngày càng được người ta chia sẻ càng nhiều, không có hàng ngàn những bản thu âm trước 1975 về dòng nhạc trữ tình Sài Gòn đã một thời lên tới đỉnh cao của văn hóa/ nghệ thuật, rồi các kiệt tác văn chương… những người sau này ắt hẳn chẳng bao giờ tin vào điều đó – Hòn ngọc Viễn Đông – vì sách giáo khoa không nói như vậy.
Tôi đến với mảnh đất này với tâm thế của một người hiền lành và tôi cũng nhanh chóng nhận ra mình chưa đủ tử tế và hiền như Sài Gòn. Tôi tri ân Sài Gòn như đất mẹ thứ hai đã cho tôi biết bao điều tốt đẹp, đã dung dưỡng và trao cho tôi những điều thật tử tế. Tôi đến và ở lại Sài Gòn không chỉ vì mưu sinh, một ước mơ ngông cuồng nữa mà vì tôi yêu, tôi thấy mình thuộc về mảnh đất này. (Cũng có thể vì ngay từ bé tôi đã thuộc và có thể say sưa đàn hát cả trăm bài bolero, tiền chiến…, ắt đó là duyên. Và cả những mơ mộng vẩn vơ của tôi về một Chiều mưa biên giới anh đi về đâu, Em tôi đi đường lên Catinat… ảnh hưởng từ bố ).
Tôi cũng biết nhiều người xứ tôi đã làm cho Sài Gòn dữ và biến dạng đi từng ngày. Tôi chỉ có tâm nguyện một ngày còn ở lại nơi này là một ngày gieo xuống những hạt mầm lành, gieo xuống sự tử tế và gìn giữ những hạt mầm tử tế còn sót lại… Tôi chỉ là một tay Bắc Kỳ lạc thời, tơ tưởng và hướng đến cái đẹp và sự tử tế. Tôi tin vào những giá trị bền vững theo thời gian và trên con đường ngược chiều ấy tôi tìm thấy hay nói đúng hơn là nhận ra những người cũng ấp ôm một điều tốt đẹp nào đó cũng đang cố gắng đi ngược chiều đồng loại. Tôi nhớ hoài một câu nói của người bạn đời của mình: Đêm hỗn mang thắp hỏa châu đi tìm bộ lạc… Có lần một người bạn Sài Gòn mà tôi rất quý mến nói “anh thật sự là một người Sài Gòn”, với tôi, đó là lời khen tặng mà tôi trân trọng vô ngần và có thể nói là hãnh diện nhất (Có lẽ là không xấu hổ với những tiền bối đến đây từ những năm 54 và rất được người Sài Gòn yêu mến).
Nói về Sài Gòn thì một chữ yêu không đủ, có điều gì đấy ngọt ngào và mặn đắng hơn thế trong tim tôi, mỗi ngày đi qua những con đường lộng gió, những “con đường tình ta đi nắng vàng tươi đẹp đẽ…” Dù nó không còn tinh khôi như đã từng nhưng chỉ cần tôi tin vào sự tinh khôi ấy, bằng trái tim nhỏ bé thật hiền, bằng cách góp mỗi bước chân nhẹ nhàng, góp tiếng nói nhỏ nhẹ không tục tĩu chửi bới chém gió ồn ào gây ô trọc, bần tiện hóa lối sống, tôi tin hơi thở của Sài Gòn vẫn sống mãnh liệt.
Sài Gòn hiền là thế nhưng nơi này đã không còn là nơi bao dung, để ai cũng có quyền đến, kiếm ăn, bú mút nhưng vẫn ngoạc mồm chê bai “đồ ăn dở, không có mùa đông, không có Tết” và mang theo những hạt mầm hủy hoại. Sài Gòn đã khắc nghiệt hơn, đã biết thải bớt người.
Những người yêu Sài Gòn đã tìm thấy nhau, dần dần, từng nhóm nhỏ. Họ cùng chọn một cách sống thật lành, nghe những bản tình ca cũ, nâng niu những nét đẹp còn sót lại và dù họ đến từ đâu, tôi tin Sài Gòn cũng ôm họ vào lòng, như đã từng…
Một mùa Giáng Sinh nữa đang đến, xứ đạo Sài Gòn bắt đầu rộn rã trang hoàng. Tôi chuyển nhà về gần nhà thờ Tân Định, chiều chiều được nghe tiếng chuông vẳng đến, xuống đường thấy ngay những cửa hàng bán đồ trang trí Giáng Sinh. Trong căn phòng nhỏ của mình, tôi và vợ nghe những ca khúc thật xúc động của băng nhạc Sơn Ca 3. Tôi mở nhiều đĩa nhạc Giáng sinh kinh điển của thế giới và thật tự hào vì Việt Nam đã từng tạo nên một băng nhạc Giáng Sinh tuyệt vời đến thế. Dẫu Sơn Ca 3 thấp thoáng toàn chia ly, tang tóc của thời ly loạn nhưng hơn hết đó là khát vọng hòa bình, tình yêu và mong cho mọi người Việt Nam đều thương nhau. Nếu nói về dòng nhạc phản chiến tại Việt Nam, có lẽ tôi thích Sơn Ca 3 hơn tuyển tập ca khúc Da Vàng của ông Trịnh.
Những người tình học trò thời ấy đã bỏ lại sau lưng bao mùa Giáng Sinh và bao nhiêu giọt lệ của người yêu? Những lời khấn nguyện về mùa Giáng Sinh chiến tranh ấy vẫn còn được vang lên khắp hang cùng ngõ hẻm không chỉ Sài Gòn. Nếu chỉ được phép lựa chọn một đia nhạc phản chiến trong tủ đĩa của mình, tôi chỉ chọn Sơn Ca 3, không phải Bob Dylan, Joan Baez, John Lennon hay bất cứ vĩ nhân nào.
Ngày tháng trôi đi qua mau
Mùa sao sáng năm nào
Giờ cũng Noel một mình em thẫn thờ
Quỳ bên hang đá nguyện cầu
Một người chân mây gió
Được sống gần nhau
….
Từ khắp muôn phương lòng thành đang hướng về
Mừng Chúa ngôi hai giáng sinh trên trời cao
Nguyện cầu yên bình nhân thế
Giữ vững tin yêu trọn đời
Bài thánh ca ngọt đầu môi
Quê hương chinh chiến đã lâu rồi
Người ngoài biên cương vẫn miệt mài đi
Mấy mùa Giáng sinh niềm nhớ bâng khuâng tìm về
Hòa theo khúc nhạc mừng Chúa sinh ra đời
…
Lạy Chúa mùa Giáng Sinh xưa
ngày đầu vướng yêu đương
Người ấy hứa với con rằng
Tan mùa chiến chinh
Ngày đó anh về kết đôi
Nhưng từng đêm chiếc lá lìa ngàn
Đêm từng đêm giấc mơ kinh hoàng
Nhân loại còn ngủ say
bên những kiếp người quê hương đọa đày
Ôi đêm thánh vô cùng
lời thương rền khắp muôn trùng
Người mau về đi! đừng gieo biệt ly!
từng hồi chuông nửa đêm sầu bi
Chiến cuộc mấy mươi năm
mệnh trời bắt gian truân
Lạy Chúa chinh chiến lâu rồi
cho mùa Giáng Sinh này đến Thanh bình Chúa ơi!
Lạy Chúa chinh chiến lâu rồi
cho người núi sông rũ áo tang bồng Chúa ơi!
Nguyễn Hậu