RSF xếp hạng Việt Nam thứ 176/180, thuộc những nước không có tự do báo chí trong năm 2019. Courtesy: Ảnh chụp màn hình rsf.org
Chỉ có 9% nhân loại trên thế giới được sống tại một đất nước mà tự do báo chí được nhận định là tốt. Đó là nơi mà các nhà báo có được môi trường làm việc thuận lợi và có thể tác nghiệp một cách tự do và độc lập.
Thống kê này được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) đưa ra trong thông cáo báo chí nhân Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới hằng năm, 3/5.
Theo Bản đồ Tự do Báo chí Thế giới dựa theo Báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2019 được phổ biến vào ngày 18 tháng 4, RSF cho biết có 9% nhân loại được thụ hưởng tự do báo chí ở mức độ hài lòng hoặc tốt, là những nước có màu trắng hoặc vàng trên bản đồ.
Trong khi đó có đến 74% dân số thế giới sống ở những quốc gia mà tự do báo chí được xem như khó khăn hoặc rất nghiêm trọng do thông tin bị kiểm duyệt gắt gao, là những nước có màu đen hoặc đỏ trên bản đồ. Nếu tính luôn các quốc gia mà tự do báo chí được cho là có vấn đề, là những nước màu cam trên bản đồ thì đồng nghĩa với 91% dân số trên toàn cầu không được tiếp cận với tự do báo chí.
Số liệu vừa nêu còn dựa theo thống kê dân số của Ngân hàng Thế giới-World Bank, cho thấy hàng năm tình hình tự do báo chí toàn cầu ngày càng tồi tệ hơn, giảm xuống 11% so với 5 năm trước đây.
Tổng thư ký của RSF, ông Christophe Deloire nhấn mạnh rằng tất cả những vấn đề lớn của nhân loại như tình trạng ấm lên toàn cầu, tham nhũng, bình đẳng giới không thể giải quyết được mà không có thông tin trung thực và độc lập bởi báo chí chuyên nghiệp và đáng tin cậy. Ông Christophe Deloire nói thêm rằng điều này rất đáng lo ngại cho giới báo chí và hơn hết là nhân loại bị tước đi quyền về thông tin của họ.
Trong Báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2019 của RSF, Việt Nam bị xếp hạng thứ 176/180 quốc gia, thuộc những nước không có tự do báo chí và bị tụt một bậc so với 4 năm liền ở mức 175/180.
Theo RFA