Vài hàng giớ́i thiệu tác giả và bài viết của Phạm Cao Dương:
Bùi Khiết là một dược sĩ, tốt nghiệp Đại Học Dược Khoa Saigon, thời đầu thập niên 1960. Sau năm 1975, ông là công sự viên nghiên cứu khoa học tại University of California, San Diego, California. Bài viết dưới đây cho ta thấy mặc dầu là một người học dược, một ngành thuộc khoa học thực nghiệm khác hẳn với sử học, một khoa học nhân văn, tác giả lại tỏ ra quan tâm nhiều đến lịch sử của đất nước ông, có kiến thức rộng rãi và tinh thần phân tích sắc bén rất đáng chú ý, từ trước tới nay ít ai để ý tới. Điều người ta có thể nói lên được sau khi đọc bài ông viết là khoa học, dầu là chính xác, thực nghiệm hay nhân văn cũng đều là khoa học mà mục tiêu tối hậu luôn luôn là sự thật và là sự thật được đem lại bởi những phương pháp dù có đôi phần khác biệt.
Trong bài này tác giả đề cập tới một vấn đề vô cùng quan trọng của lịch sử: vấn để liên hệ giữa hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc mà ông gọi là định mệnh, hai quốc gia một định mệnh. Theo tác giả cả hai dân tộc đều định cư và phát triển ở miền đồng bằng và đều sở hữu những nền văn minh định cư và nông nghiệp, thích cuộc sống hiền hòa, ưa truyền thống, không thích di chuyển, thay đổi, khác với các dân du mục ở chung quanh, sống trong các vùng đồng cỏ hay sa mạc, quen di chuyển, cưỡi ngựa giỏi, chiến đấu giỏi mà người Trung Quốc gọi chung là các Rợ với các tên khác nhau như Hung Nô, Yết, Chi, Khương, Hồ..., những tên quen thuộc đối với những ai từng đọc, từng kể hay nghe kể những truyện Tầu thời trước như Chiêu Quân Cống Hồ, Tô Vũ Chăn Dê, Chinh Đông, Chinh Tây, La Hông Tảo Bắc, Ngũ Hổ Bình Tây... Vì ở kế cận với các Rợ nên trong suốt trường kỳ lịch sử, Trung Quốc triền miên phải đối phó với các cuộc xâm nhập hay xâm lăng của họ này, phần lớn bằng những biện pháp của kẻ yếu trước kẻ mạnh trong đó có triều cống các Thiền Vu của các họ, điển hình là cống Chiêu Quân thời Nhà Hán, đồng thời tìm cách bành trướng về phía nam, từ đó luôn luôn đe dọa Việt Nam. Hai dân tộc từ đó có chung một định mệnh. Có điều các sử gia Trung Quốc đã tránh né không nói lên một sự thực là có ít nhất hai lần nước Tầu đã bị các Rợ xâm lăng và đô hộ. Đó là thời Nhà Nguyên bởi quân Mông Cổ và thời Nhà Thanh bởi người Mãn Châu mà các sử gia Trung Quốc đã “mập mờ”. “nhận vơ” coi là Triều đại Trung Quốc. Sự thực là như vậy, là người Tầu không phải lúc nào cũng mạnh như họ thường khoe khoang, nhưngvề phía người Việt, vì luôn luôn tự coi mình là yểu kém nên để bảo vệ nền tự chủ của mình, người Việt vẫn chấp nhận coi nước Tầu là thượng quốc, coi triều đình Trung Quốc là Thiên Triều, luôn luôn cầu phong và triều cống để tránh nạn can qua và từ đó tồn tại.
Một cách tóm lược, tác giả viết: Trung Quốc và Việt Nam, hai quốc gia có cùng một định mệnh là ám ảnh sợ hãi từ những xâm lấn phát xuất từ phương Bắc. Họ cố gắng chiến đấu, để lùi dần về phương Nam. Họ cố tồn tại bằng sự chịu đựng khổ nhục như cầu hòa, triều cống, cắt đất và bỏ chạy. Nhưng vì sợ hãi bị diệt vong họ phải thêu dệt nên những kỳ công để cho con cháu hậu thế noi gương giữ vững tinh thần chiến đấu. Tất cả đều được tác giả chứng minh bằng những sự kiện lấy từ chính sử Trung Quốc độc giả có thể kiểm chứng một cách dễ dàng. Tất cả cỏ thể tóm tắt trong bảy nhận định sau đây của tác giả:
1.Trung quốc rất sợ các dân tộc phương Bắc. Trung Quốc cũng bị cai trị nhiều lần bởi ngoại bang và rất hèn hạ.
2. Văn hóa cắt đất, triều cống, cầu phong, hối lộ là văn hóa Trung Quốc du nhập vào VN.
3. Mông Cổ và Mãn Châu là 2 quốc gia khác biệt đã xâm chiếm và cai trị Trung Quốc trong đế quốc rộng lớn của họ.
4. Sau khi cách mạng Tân Hợi, Tôn Dật Tiên thành công, dành lại Trung Quốc và vua Phổ Nghi lui về Mãn Châu, liên minh với Nhật Bản để tồn tại lập lại Mãn Châu Quốc.
5. Việc vua Phổ Nghi liên minh với Nhật Bản, cũng giống như vua Bảo Đại liên với Pháp, Nhật Bản, hoặc Tổng Thông Ngô đình Diệm, Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu liên minh với Mỹ để mưu cầu một sự tồn tại cho quốc gia của chính họ. Chụp mũ cho Mãn Châu Quốc là bù nhìn của Nhật để xóa sổ một quốc gia, một dân tộc là một tội ác của Liên Sô và Mỹ sau thế chiến thứ hai.
6. Tôn Dật Tiên, Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình cùng các sử gia Trung Quốc đều có tính mập mờ về sự thật lịch sử cận đại của TQ để mưu đồ sự bá quyền và bành trướng. Họ coi thời điểm Pháp chiếm VN năm 1885 là năm TQ bị mất lãnh thổ An Nam. An Nam lãnh thổ của TQ. Thực ra thời điểm này, Mãn Châu cai trị TQ, cũng như Anh Quốc cai trị Ấn Độ, thì VN làm sao lại là lãnh thổ của TQ, cũng như Miến Điện là lãnh thổ của Ấn Độ.
7. Mưu đồ cướp nước VN của TQ hiện nay rất lộ liễu. Họ tuyên bố người Kinh (Người VN ) là người thiểu số của TQ và họ tạo ra một tổ chức, trong tương lai có thể là một chính phủ đòi sát nhập VN vào TQ.
Ngày 11 tháng 11 năm 2010, tại Saigon khi tham dự “Hội Thảo Quốc Tế Biển Đông” Học giả Trung Quốc là tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh được một phóng viên Việt Nam tên là Huỳnh Phan thuộc báo mạng “Tuần Việt Nam” phỏng vấn.
Tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh hiện đang công tác tại Học viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc. Khi trả lời những câu hỏi về Biển Đông và chủ quyền các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tiến sĩ Lĩnh đã hồn nhiên trả lời: “Tất cả những quần đảo nằm trong đường chữ U chín đoạn (đường Lưỡi Bò) là thuộc về Trung Quốc và Trung Quốc đã thực thi chủ quyền và quyền tài phán từ lâu cách đây hơn 2000 năm” và ông còn nói thêm “cho đến năm 1885 Việt Nam vẫn là thuộc quốc của Trung Quốc”.
Lời phát biểu trên đã khiến nhiều người thắc mắc và không đồng ý, vì lập luận như vậy có nghĩa là:
- Gần như toàn bộ hải phận VN thuộc Trung Quốc.
- Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu nay người VN vẫn thấy là của mình và vẫn thường xuyên khai thác hải sản nay Trung Quốc nhận là của họ.
- Ngay cả quốc gia VN cũng là phần đất của họ (thuộc quốc) cho đến năm 1885 bị Pháp xâm chiếm.
Đây là nhận định của chính quyền Trung Quốc mà học giả Vương Hàn Lĩnh chỉ là cái ống loa nhắc lại.
Tất nhiên người dân VN nghe vậy đều chói tai. Nhưng ngay cả lịch sử VN dựa theo lịch sử Trung Quốc cũng đã chấp nhận VN bị TQ đô hộ 1000 năm và là một quốc gia mỗi khi có sự thay đổi triều đại đều phải xin phong vương và có triều cống. Như vậy VN là một thuộc quốc. Nhiều sử gia VN cũng chấp nhận ý kiến này.
Ngày nay các tài liệu lịch sử phong phú không còn bị bưng bít và bóp méo như xưa, nên đã đến lúc ta cần phải suy nghĩ lại. Thực sự TQ có phải là một cường quốc luôn luôn ức hiếp VN và dưới thời nhà Nguyên và nhà Thanh, VN đã anh dũng đẩy lùi quân TQ. Tài liệu lịch sử đã minh xác VN thắng quân Nguyên và quân Thanh chứ không thắng quân TQ. Tại hai thời kỳ đó TQ là thuộc quốc của Mông Cổ và Mãn Châu. Năm 1885, Mãn Thanh cai trị TQ. TQ là thuộc quốc của Mãn Châu. Còn VN là một nước độc lập.
Vương Hàn Lĩnh nói VN là thuộc quốc của TQ là sai.
Các sử gia VN thường mắc cái bẫy lý luận của TQ là các triều đại Nguyên và Thanh là hai triều đại của lịch sử TQ. Đây là một sự “nhận vơ”, đánh lừa khiến trong tâm cảm của người Việt mang một dòng máu tự ti, lúc nào cũng sợ TQ. Mà trên thực tế không lân bang nào của TQ sợ TQ dù họ chấp nhận ảnh hưởng văn hóa.
Với bài viết này, người viết muốn chứng minh rằng không phải chỉ người VN đã biết “tránh voi chẳng xấu mặt nào” để đánh lừa cái tủi hổ thua kém, mà chính TQ là cha đẻ ra cái triết lý này đã đẩy lên thành một nghệ thuật xu nịnh, cầu cạnh, khép nép tinh vi, đó là cầu phong vương, triều cống và cắt đất.
Địa lý chính trị và nhân chủng phần nào cắt nghĩa sự yếu kém của TQ và của VN.
Dân TQ và dân Bách Việt (sống ở phía Nam sông Dương Tử) là giống dân văn minh. Họ sống định cư, sống dọc theo các nguồn nước ngọt và đồng bằng. Họ làm nhà cửa bằng thảo mộc. Họ trồng lúa gạo, lúa mì và các cây ăn trái. Họ nuôi gia súc, thực phẩm chính là ngũ cốc, rau cỏ. Họ sống quần cư cố định thành làng xóm và thành gia tộc. Họ có điều kiện no đủ để suy nghĩ về triết lý và tôn giáo. Các điều kiện văn minh của dân định cư này tạo cho họ tánh ưa truyền thống và không thích thay đổi. Họ sợ phiêu lưu mạo hiểm. Họ sống bám vào đất cát canh tác. Họ bám và dựa dẫm vào gia tộc, cộng đồng. Tính tình họ hiền hòa, bất đắc dĩ lắm mới phải chấp nhận chiến tranh. Kinh nghiệm cho biết chỉ có 2 địa hạt tạo cho họ có của cải. Đó là làm cấp chỉ huy và làm nghề nông. Vì ở quần cư, dựa dẫm vào nhau nên họ phải giữ cái tình để đối xử. Cho nên người dân TQ và người dân VN đều lấy 4 nghề chính và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: Sĩ, Nông, Công, Thương.
Trái lại các dân tộc sống ở phía Bắc và phía Tây TQ thì trái ngược hẳn. Họ là dân du mục. Nơi đất sống của họ là những thảo nguyên bao la, những sa mạc bát ngát. Trong năm họ luôn luôn di động. Họ sống bằng thịt sống và sữa tươi. Của cải của họ là bầy gia súc gồm bò, ngựa, dê, cừu, lạc đà. Nơi đâu có nước và có đồng cỏ xanh tươi là họ xua đàn gia súc tới. Họ sống trong các lều bằng da thú gọi là Yurt. Và ngay cả quần áo của họ cũng bằng da. Họ cưỡi ngựa và bắn cung rất giỏi mục đích để bảo vệ đàn gia súc. Thể thao yêu thích của họ là môn vật lộn.
Dân du mục này có sức chịu đựng phi thường. Khi qua sa mạc họ chịu đựng một khí hậu nóng bức thường xuyên +40oC và có khi vào mùa đông khí hậu lạnh xuống dưới -45oC. Đôi khi trong những trận bão cát ngụt trời họ phi ngựa như tên bắn để lùa đàn gia súc.
Về vóc dáng họ to lớn hơn người TQ sống định cư. Họ luôn sống trên mình ngựa từ hồi còn thơ ấu. Bản chất ăn thịt sống khiến họ rất dữ dằn. Họ không sợ chiến tranh và họ có kinh nghiệm tác chiến, bao vây, tấn công của một bầy chó sói sa mạc. Họ thích tấn công và cướp bóc. Giống dân du mục phương Bắc này là một ám ảnh u sầu cho người dân TQ. Ngàn năm này qua ngàn năm khác cố công xây dựng Vạn Lý Trường Thành để ngăn ngừa mọi cuộc xâm lấn. Nhưng dù có Vạn Lý Trường Thành thì sức cản ngăn vẫn thường xuyên thất bại. Và lịch sử TQ là một lịch sử tủi nhục kéo dài đến năm 1911 là năm Tôn Dật Tiên lật đổ được triều đại Mãn Thanh.
Tóm lại có 2 nền văn minh là văn minh du mục và văn minh nông nghiệp đã va chạm mãnh liệt trên đất trời TQ.
TQ và VN. Hai quốc gia có cùng một định mệnh là ám ảnh sợ hãi từ những xâm lấn phát xuất từ phương Bắc. Họ cố gắng chiến đấu, để lùi dần về phương Nam. Họ cố tồn tại bằng sự chịu đựng khổ nhục như cầu hòa, triều cống, cắt đất và bỏ chạy. Nhưng vì sợ hãi bị diệt vong họ phải thêu dệt nên những kỳ công để cho con cháu hậu thế noi gương giữ vững tinh thần chiến đấu. Và dưới đây là những khổ cực nhục nhằn của dân tộc TQ qua mấy ngàn năm lịch sử. TQ gọi chung các dân tộc du mục hung hãn phương Bắc là Rợ Hồ.
* Đời Nhà Đông Hán (-206 tới +220) Sau khi nhà Tần bị chấm dứt, nhà Hán lên ngôi. Miền Trung Nguyên được coi là thời có thịnh trị nhưng thực tế lại bị các Rợ Hồ gồm người Mông Cổ, gốc Thổ Nhĩ Kỳ (Đột Quyết) thay nhau xâm lấn.
Chúa của họ gọi là Thiền Vu. Dưới mắt Thiền Vu TQ như một con heo yếu ớt, lúc nào cũng có thể đánh giết được. Vì vậy họ thường xuyên vượt qua Trường Thành vào cướp bóc, phía Tây TQ có giống Chi và Khương (Tây Tạng) cũng là dân du mục, đồng chủng với Mông Cổ cũng hung hãn không kém.
Vì Rợ Hồ quá mạnh, nên các vua Hán thường mưu mô lấy sự đút lót gọi là triều cống để lấy lòng mong tránh việc chiến tranh. Đồ cống thường là vàng, bạc và lụa là. Nhưng vì TQ quá yếu lại có tinh thần thích lo lót nên các Thiền Vu thường đòi hỏi rất ngang ngạnh, vừa làm xấu mặt kẻ thù vừa thỏa mãn khi có quà tặng rất lạ. Thiền Vu đòi phải gả các công chúa đẹp về hầu hạ cho mình. Vua Hán phải chịu. Được thể, Thiền Vu tăng sức ép đòi vua Hán gởi vợ đẹp đang được sủng ái sang làm tỳ thiếp. Còn gì nhục nhã hơn. Nhưng vua Hán đã gởi nàng Chiêu Quân, người vợ đẹp, chung thủy sang đất Hồ. Câu chuyện bi thảm khi Chiêu Quân nước mắt ngắn dài theo tùy tùng qua vạn dặm băng tuyết để rồi chết trên đất Hồ. Truyện “Chiêu Quân Cống Hồ” thành một tác phảm văn chương lưu truyền cho tới ngày nay.
Năm 127 một tiểu quốc phía Bắc Ấn Độ gọi là Đại Nhục Chi lại đi thần phục nhà Hán. Thiền Vu cho thái độ đó là hèn nhát và qua mặt nên sai quân qua đánh, chém đầu vua Đại Nhục Chi đem về dùng làm bình chứa rượu. Vua Hán Võ Đế cảm thấy bị động chạm, bị dằn mặt nên sai Tô Vũ đi sứ Đại Nhục Chi để mong tái lập liên minh đánh lại Rợ Hồ, lúc gọi là Hung Nô. Nào ngờ dọc đường sứ bộ Tô Vũ bị Hung Nô bắt được. Để bêu nhục Hán Võ Đế, Thiền Vu không cho Tô Vũ về nước mà bắt làm tù binh đi chăn dê chăn cừu vào mùa tuyết lạnh. lại còn bắt phải lấy một phụ nữ rất xấu xí ở trong hẻm núi và loan truyền Tô Vũ đã lấy khỉ sau đó có sinh được một đứa con. Nhân một mùa tuyết lạnh Tô Vũ trốn thoát và tìm đường đến Đại Nhục Chi, dọc đường đói khát, cực khổ. Nào ngờ tới nơi vua Đại Nhục Chi sợ Hung Nô trả thù bèn làm mặt giận quát tháo từ chối đuổi Tô Vũ ra khỏi nước. Tô Vũ trên đường trốn tránh về TQ không may lại bị Hung Nô bắt. Được tin Tô Vũ bị nạn vua Hán sai hai tướng là Lý Quảng Lợi và Lý Lăng mang quân qua đánh Hung Nô, vừa để cứu Tô Vũ vừa để dương oai. Nhưng cả hai đoàn quân đều đại bại. Hai tướng trong cảnh tuyệt lộ xin đầu hàng nhưng bị quân Hung Nô chém chết. Truyện Chiêu Quân Cống Hồ và truyện tranh Tô Vũ Chăn Dê quả là hai vết nhơ trong lịch sử TQ.
Đến đời Hán Tuyên Đế một bộ lạc Hung Nô tên là Ô Tôn mà theo người TQ thì “mắt xanh, râu đỏ như loài khỉ” ngang nhiên gởi sứ qua đòi gả một công chúa làm tỳ thiếp. Vua Hán ưng chịu. Một Thiền Vu của một bộ lạc khác cho rằng cưới như vậy là lấy xuống. Yêu cầu gởi trả lại TQ. Thiền Vu Ô Tôn không chịu gởi trả nên chiến tranh đã xảy ra. Năm đó có một cơn bão tuyết ghê gớm, quân hai bên chết như rạ nên cả hai bên đều lui quân. Nhưng Thiền Vu Ô Tôn không quên rước công chúa về dinh mình.
* Đời Nhà Tây Tấn (265-317) Phía Bắc có 5 Rợ Hồ hùng mạnh gọi là Ngũ Hồ gồm: Hung Nô, Yết (hoặc Kiết), Mông Cổ, Mãn Châu (Tiên Ti), chủng loại Tây Tạng (Chi và Khương) đồng loạt vượt Vạn Lý Trường Thành chiếm lưu vực sông Hoàng Hà và phần lớn Trung Nguyên. Trong Ngũ Hồ có Hung Nô mạnh hơn cả. Thiền Vu của họ là Lưu Uyên muốn chiếm luôn TQ để lên ngôi Thiên Tử và có ý định từ bỏ du mục. Ông ta lập một triều đình như triều đình TQ và lấy Bình Dương, phía Nam Tây Sơn làm kinh đô. Sau khi chiếm hầu hết TQ, quốc hiệu Hán bị bỏ đi và triều đại mới gọi là Triệu.
Người hung nô đàn áp người TQ, cướp bóc tài sản, bắt cung cấp thực phẩm, biến một số ruộng nương làm đồng cỏ nuôi gia súc.
Người Hung Nô dần dần bỏ đời sống du mục, an hưởng trên sự nô lệ và phục tùng của người TQ. TQ đã biến thái và văn hoá có sự thay đổi. Một số kẻ sĩ và gia đình không thích nghi với xã hội mới bèn lẩn trốn về phương Nam.
Ngũ Hồ tranh nhau xâm chiếm TQ và tạo ra nhiều nước nhỏ. Với nước Triệu lớn nhất gồm Tiền Triệu, Hậu Triệu, Mộ Dung, Yên. Hậu Yên, Tây Yên, Tiên Tần, Hậu Tần, Tây Tần, Hậu Lương, Bắc Lương, Tây Lương, Nam Lương, Hậu Ngụy, v.v. Trung Quốc nát ra nhiều mảnh. Tất cả các vị vua nước nhỏ đều là Rợ Hồ. Người TQ chỉ làm nô tài, nô lệ mà thôi. Lúc đầu văn hoá du mục của các Rợ Hồ đã đồng hoá với văn hoá TQ.
Số người TQ chạy trốn xuống phương Nam sống với người Bách Việt, Dao, Thái, v.v. và những người TQ đã di cư từ trước lập ra một vùng định cư nông nghiệp lớn khác hẳn vùng Hồ khắc khổ phương Bắc.
* Đời Nhà Đường (618-906) Rợ Đột Quyết (Thổ Nhĩ Kỳ) từ vùng Trung Á tiến qua sa mạc Qua Bích (Gobi) đánh thẳng vào TQ. Rợ Thổ Cốc Hồn (Tây Tạng) đánh qua. Quân Đột Quyết đánh chiếm luôn Tràng An là kinh đô nhà Đường. Vua Đường là Thế Dân phải tự trói lết tới đồn địch để cầu hòa. Theo tục lệ, tướng Đột Quyết chém con ngựa trắng, lấy máu, bắt Thế Dân quỳ lạy cúng thần rồi tha chết cho về. Rợ Thổ Cốc Hồn cũng đánh phá liên tục khiến nhà Đường phải bỏ đất lui về thế thủ. Các dân tộc Hồi ở Trung Á cũng nhân cơ hội đó xua quân vào chiếm đất và lập những thánh đường.
Cuộc xâm lăng của các Rợ Hồ đã mang tới TQ một nền văn hoá mới về ca, nhạc, kịch, nhảy múa. Các loại đàn khác lạ của Rợ Hồ, người TQ gọi là Hồ Cầm.
Đời nhà Đường có một người đàn bà là Võ Tắc Thiên thường gọi là Võ Hậu là người ham quyền lực, tàn bạo và dâm đãng đã giành được ngôi vua. Bà dời đô từ Tràng An về Lạc Dương.
Năm 698 vua Rợ Đột Quyết không đòi cưới công chúa Đường mà đòi một Thế Tử TQ sang ở rể để làm con tin. Võ Tắc Thiên ưng thuận. Đột Quyết ghét Võ Tắc Thiên lại đòi phải đưa Trung Tôn dòng dõi nhà Đường đang bị đầy ở Phòng Châu trở về lên ngôi. Dùng quân sự uy hiếp khiến Võ Tắc Thiên phải nhường ngôi sau đó ít lâu thì bà mất.
Năm 713 vua Huyền Tôn thường được gọi là Đường Minh Hoàng là một ông vua kém tài chínhtrị nhưng lại có khiếu văn nghệ và ăn chơi. Trong cung có một tên quan có tài nịnh bợ tên là Lý Lâm Phủ đưa đẩy người con dâu của Huyền Tôn đến hầu vua gây ra một vụ loạn luân bố chồng nàng dâu thật đáng chê trách. Người con dâu này rất xinh đẹp và khéo léo có tên là Dương Ngọc Hoàn, dân gian gọi nàng là Dương Quý Phi. Mối tình Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi được làm đề tài cho nhiều sáng tác văn nghệ. Lý do là Dương Quý Phi đưa người anh ruột là Dương Quốc Trung vô triều đình làm tướng.
Người này cùng Lý Lâm Phủ nắm mọi quyền hành trong triều đình, tạo bất công, gây nhiều bất mãn.
Một tướng biên thùy là An Lộc Sơn mà mẹ là người Đột Quyết và bố là Mông Cổ thấy triều đình đổ nát bèn cử binh làm phản. Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi phải bỏ kinh đô trốn vào đất Thục (tỉnh Tứ Xuyên ngày nay). Đất Thục hoang vu, nghèo nàn khiến quân sĩ đói lạnh ai oán nổi lên giết chết Dương Quốc Trung và hai người em gái Dương Quý Phi. Ba quân còn hăng máu đòi chém luôn Dương Quý Phi vì cho rằng gia đình họ Dương đã gây nên khổ ải đi vào đất chết. Đường Minh Hoàng thấy không thể bảo vệ được bà vợ yêu quý đành để cấm binh ép buộc nàng tự tử treo cổ trên một cành cây bằng tấm lụa trắng.
Giặc Hồ nhân cơ hội này vào chiếm kinh đô, sau khi An Lộc Sơn bị chính con ruột tranh quyền giết chết. Từ đó dân TQ bị Rợ Hồ áp bức và vơ vét. Theo lịch sử họ tàn sát tới 2/3 dân số TQ từ 53 triệu giảm xuống còn 17 triệu.
Những câu chuyện huyền thoại bi thảm của Chiêu Quân, Tô Vũ, Đường Minh Hoàng, Dương Quý Phi đều có sự nhúng tay của Rợ Hồ phương Bắc.
Dân TQ chạy trốn về phương Nam sống chung với dân định cư phương Nam. Vì dân TQ càng đông nên họ chiếm lấn hết phương Nam, ép dân bản xứ Bách Việt hiền lành nhường cơm sẻ áo với họ, về một phương Nam xa hơn. Và người TQ bỗng trở thành những kẻ xa lạ, tham lam hơn là những người gặp cảnh ngộ khó khăn để được chia sẻ. Người phương Nam sợ và oán hận những người phương Bắc di tản tới. Về phương Nam người TQ cũng thay đổi ít nhiều với sự pha trộn văn hoá Bách Việt. Họ thành lập 7 nước như: Ngô, Ngô Việt, Nam Hán, Bắc Hán, Tiền Thục, Sở, Mân. Nếu ở lại họ sợ rợ Hồ bao nhiêu thì phiêu bạt đến phương Nam họ cũng nhiễm cái tàn ác man rợ của Rợ Hồ khi đối xử với dân bản địa. Tất cả những cái gì hay, tốt đẹp của Bách Việt họ đều chiếm đoạt và xưng tụng là của TQ.
* Đời Ngũ Đại (907-960) Nhà Đường chấm dứt vào năm 907 thay thế bằng đời Ngũ Đại. Thời đó các Rợ Hồ phương Bắc tràn vô hầu hết các miền trên đất TQ. Họ tạo ra 10 nước riêng rẽ, đánh lộn tranh dành nhau khiến dân tình rất khổ sở. Trong các Rợ đó có Rợ Khiết Đan thuộc miền Đông Bắc TQ (Mãn Châu) là có nhiều thế lực hơn cả. Khi trở thành một nước mạnh họ lấy quốc hiệu là Liêu và luôn luôn dòm ngó về miền Trung nguyên.
* Đời Nhà Tống (960-1126) Đời Ngũ Đại đất nước rất loạn lạc. Một nhân vật tên là Triệu Khuông Dẫn nổi lên như một sứ quân. Khuông Dẫn không có tài nhưng là người đức độ nên được đồng đảng tôn lên làm vua và lấy quốc hiệu là Tống. Có người bàn mưu cho ông biết rằng Rợ Khiết Đan nay đã là Liêu Rất mạnh. Đụng độ thì ắt phải thua. Tốt nhất là nên lui về phương Nam và tiêu diệt các sứ quân yếu khác để tồn tại. Bẩy nước yếu, nhỏ ở phương Nam đã bị Tống thôn tính. Khi Tống đã mạnh lên xong người TQ luôn luôn ám ảnh về sự bị tiêu diệt bởi phương Bắc mà nay là Liêu, nên Tống hết sức tránh né mọi va chạm với Liêu. Về ngoại giao Tống triệt để áp dụng phương thức chịu nhục “tránh voi chẳng xấu mặt nào” để tồn tại. Ngoài nước Liêu còn có nước Tây Hạ thuộc Rợ Thát Bạt đã chiếm cứ các vùng Thiểm Tây, Cam Túc, Tuy Viễn cũng là một lực lượng mà Tống rất e ngại. Để có hoà bình vua Tống đề nghị:
- Với nước Liêu: Vua Tống mỗi năm xin triều cống
- 10 vạn lạng bạc
- 20 vạn tấm lụa
- Và xim làm em vua Liêu
- Với nước Tây Hạ: Tống mỗi năm cũng xin cống
- 25 vạn lạng bạc
- 25 vạn lạng trà
Nhờ có triều cống mà Tống có hòa bình. Tướng sĩ sinh ra biếng nhác, tinh thần yếu đuối suy nhược. Các Rợ khác thấy Tống nhu nhược cũng đòi triều cống.
Hai nước Liêu và Tây Hạ vốn là dân du mục nay được cống thực phẩm, bạc, lụa, gái đẹp, nô lệ nên cũng đổi dần cách sống gần như dân bản địa TQ.
Vì bị ngoại bang bóc lột nên nước Tống rất nghèo đến nỗi vua Nhân Tôn (1023-1063) có lúc đói mà thèm món thịt dê cũng không có, quần áo của vua là loại vải thô. Một vị quan rất giỏi và nổi tiếng là Vương An Thạch cố gắng đưa ra những biện pháp cải cách kinh tế nhưng bị nhóm quan thủ cựu cản trở nên đã không thành công. Dân gian đói khổ, oán than. Vua Tống nghĩ quẩn dùng biện pháp chiến tranh với Tây Hạ để làm chủ dư luận hầu gây lại uy tín. Năm 1075 vua Tống tấn công Tây Hạ, tuy thắng được vài trận nhỏ nhưng sau đó thì đại bại, 60 vạn quân Tống bị tiêu diệt. Mất người, tốn của vua Thần Tôn ôm mặt khóc lóc bỏ ăn bỏ ngủ nhiều ngày.
Thấy Tống thua Tây Hạ, nước Liêu bèn dàn quân đòi Tống nhượng đất. Vua Tống đành phải cắt 700 dậm để dâng cho Liêu.
* Với nước Đại Việt (Việt Nam) Thất bại ở phương bắc, vua Tống vẫn nghĩ đến việc tìm kiếm một chiến thắng quân sự để củng cố niềm tin. Quân Tống dự định tấn công VN, nào ngờ triều đình VN lúc bấy giờ là Lý Thần Tôn đã ra tay trước. Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem 10 vạn quân chia làm 2 đạo đánh vào 2 châu Khâm và châu Liêm (thuộc tỉnh Quảng Tây). Quân VN đại thắng giết hại 2 vạn quân TQ. Năm sau vua Tống muốn phục thù cho quân xâm lược VN bị Lý Thường Kiệt đánh tan trên sông Như Nguyệt (sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay).
* Với nước Kim (Rợ Kim) và Bắc Tống. Nhà Tống cầm quyền đã trên 100 năm mà không sao giải quyết được 2 cái họa Liêu và Tây Hạ nay lại thêm một cái họa lớn nữa là Rợ Kim.
Nhà văn Kim Dung trong cuốn truyện võ hiệp “Anh Hùng Xạ Điêu” đã dùng bối cảnh lịch sử bang giao giữa 3 nước Tống-Kim-Mông Cổ vào thời đó để dựng truyện.
Lai lịch nước Kim như sau. Ở miền thượng du Hắc Long Giang có một bộ tộc mà người TQ phiên âm là Nữ Chân cũng là một bộ tộc ở Mãn Châu. Thế kỷ 11 họ là một thành phần của nước Liêu. Đến thế kỷ 12 Nữ Chân nổi dậy chiếm một phần đất của Liêu lập nên nước Đại Kim. Vua Tống thấy nội tình vùng này có sự chia rẽ bèn mưu tìm can thiệp. Tống liền sai sứ mưu liên kết với Đại Kim để diệt Liêu. Với thỏa hiệp như sau:
Nếu liên quân Tống-Kim thắng thì Tống chỉ xin lấy lại phần đất năm xưa đã cắt cho Liêu. Còn lại bao nhiêu của cải, đất đai của Liêu là phần của Đại Kim hết. Để có kết quả của sự liên minh này, Tống hứa mỗi năm nộp cho Đại Kim 20 vạn lạng bạc và 30 vạn tấm lụa.
Cuộc tấn công bắt đầu, nhưng quân Tống đánh đâu cũng bị quân Liêu đánh thua, ngược lại quân Đại Kim lại thắng lớn quân Liêu. Nhiều khi Kim còn phải cứu nạn cho Tống nữa. Chán nản về sự yếu kém của Tống, Đại Kim cho rằng chỉ có một mình Kim có công diệt Liêu. Viện lẽ đó bắt Tống mỗi năm phải trả thêm một triệu quan tiền thuế đất. Đất mà Tống đã lấy lại của Liêu theo hiệp ước. Việc nộp tiền thuế hơi chậm trễ, thế là Kim lấy cớ đem quân đánh Tống. Quân Tống đại bại. Dân chúng TQ sợ hãi nổi loạn khắp nơi. Vua Tống thấy tình thế nguy hiểm bèn chạy trốn xuống Giang Nam. Quân Kim tiến vào kinh đô. Mặt khác vua Tống gởi sứ giả xin cầu hòa. Kim đòi Tống muốn có hòa bình phải triều cống ngay theo đòi hỏi dưới đây. Nếu chậm trễ quân Kim sẽ truy kích. Cống vật gồm:
- 500 vạn lạng vàng
- 5000 vạn lạng bạc
- 100 vạn tấm lụa
- 1 vạn con ngựa và bò
- Cắt đất Hà Bắc cho Kim
- Vua Tống phải gọi vua Kim bằng bác xưng cháu
- Gởi thân vương và tể tướng qua Kim làm con tin.
Vua Tống không thể tưởng tượng được sự đòi hỏi lại lớn lao như vậy. Quân đội Tống được lệnh đi thu góp vàng bạc của dân chúng nhưng chỉ được
- 20 vạn lạng vàng
- 400 vạn lạng bạc
- Lụa và ngựa bò không đủ
Tài sản của dân TQ bị tước đoạt thảm hại. Đâu đâu cũng nổi lên những lời oán than. Quân Kim thấy tình trạng đó cho phép Tống nợ và trả dần. Kim rút quân về nước. Vua Tống trở lại kinh đô, hí hửng tưởng mọi việc đã tạm ổn định và tưởng Kim dễ dãi bỏ qua luôn.
Nào ngờ không đầy một năm sau quân Kim bất thần tấn công trở lại, vây hãm kinh đô. Vua Tống lần này phải trói mình đi bộ tới trại Kim để xin cầu hòa lần nữa. Quân Kim trở mặt đòi hỏi rất nặng.
- 1,000 vạn lạng vàng
- 2,000 vạn lạng bạc
- 1,000 vạn tấm lụa
Vua Tống không biết làm sao thu góp đủ. Quân Kim liền bắt luôn vua Tống Khâm Tô, Thượng Hoàng Huy Tôn, Thái Tử, hậu phi và hoàng tộc tất cả 3000 người dẫn về nước Kim. Lại cho lệnh lính Kim được tự do cướp phá, tịch thu vàng bạc của cải, bắt đàn bà con gái trong kinh đô mang về nước. Đó là năm 1127. Đoàn người bị dẫn độ đói khát, rét lạnh chết dần chết mòn gần hết.