Tôi vẫn biết thế từ lâu lắm rồi nhưng thời trẻ, cơ thể phải thích ứng với nhu cầu cuộc sống trong nhịp đời vội vã nên sự học hỏi/tiếp nhận cốt lấy nhanh, không kỹ, không sâu, cũng không nhớ để tri ân những gì nhận được. Bây giờ đi vào tuổi già, mọi việc đều chậm lại, tựa như ăn cơm phải nhai lâu hơn, thở phải để ý giữ hơi dài hơn, nói năng phải cẩn trọng hơn để tránh bớt lỗi lầm. Vô hình trung, có thời gian nghiệm ra nhiều cái mới đến với mình hằng ngày, hiểu thêm, thưởng thức hơn khiền mức độ biết ơn cũng tăng tiến, và quan trọng hơn cả, nay đi kèm với ý thức đền ơn.
Sáng mở cửa ra đường, có ngay bài học thứ nhất. Một ông người Mễ, gáy tóc đã hoa râm, hăng hái với đôi vai co lên, hăm hở đẩy cái xe bán quà vặt trên hè phố. Nhìn từ đằng sau, không thấy nét mặt ông. Phố xá xe cộ tấp nập, tất nhiên cũng không biết ông có hát một mình không nhưng cứ nhìn đôi vai áo sơ mi phồng lên, bước chân đi như có lò xo của ông, ai để ý nhìn cũng đoán ra cõi lòng ông đang tràn ngập niềm vui. Vui gì thế nhỉ? Ngày buôn bán liệu có đắt hàng không? May hay rủi, nào đã biết nhưng một thái độ đầu ngày cần phấn chấn như chiếc xe đi xa cần đầy đủ xăng dầu, ai cũng chủ động được từ lúc thức giấc, sao không nhỉ? Và, tôi cảm thấy vui lây với ông. Biết đâu cái vui rất hồn nhiên này sẽ níu chân người qua đường dừng lại vì hấp lực của nó? Biết đâu trẻ con ở một ngôi trường nào đó thích ông vì ông biết làm chúng nó cười?
ậu xe xong, bước vào ngân hàng ký thác mấy cái chi phiếu cò con. Bước ra trên những bước chân khập khiễng sau lưng một ông Mễ khác cao to như Từ Hải đang sải những bước đi dài, đã thấy ông đẩy rộng cánh cửa nặng, nghĩ là ông cứ thế đi luôn nhưng không, ông quay lại, giữ cửa để chờ tôi (chắc chắn lâu hơn những lần chờ khác nếu ông luôn có cử chỉ lịch sự này vì tôi không đi nhanh được). Áy náy, biết ơn sự quan tâm của ông, tôi nói: “Cảm ơn ông lắm. Lẽ ra ông không phải làm vậy.” Bài học ông vô tình cho tôi là khiến tôi được biết thêm rằng, từ nay, nếu có lúc nào tôi đợi cửa người đi sau, tôi có thể chờ lâu hơn như tôi vẫn thường làm trước đây. Ban phát một chút mỹ cảm cho ai mà bản thân không mất mát gì, không phải cố gắng nhiều, lại làm cho tình người ấm áp hơn, giao tế xã hội đẹp hơn, tại sao không?
Chúng ta đang ở trong Tháng Năm, có ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Nhiều tài liệu, nhiều câu chuyện kể về nhiều anh hùng tử sĩ Quân Lực VNCH, cho đến ngày 30 Tháng Tư, 1975, đã hy sinh tính mạng trên bốn vùng chiến thuật phía Nam Bến Hải để đáp lời tổ quốc kêu gọi, được thực hiện thành video (Charlie, Hát cho người nằm lại/cựu binh Nguyễn Thanh Khiết) hay viết xuống thành văn bản lịch sử (Ninh De Gaule/cựu Không Quân Nguyễn Văn Chuyên) phóng lên Internet, là những nén hương tưởng niệm thắp lên dịp này, mong sẽ cháy mãi đến ngàn sau.
Tôi nói “mong” là vì nếu ở cuối bài viết, người đọc khi đọc xong, chỉ nói một câu thường tình: “Cảm ơn sự hy sinh của các chiến sĩ VNCH…” có lẽ không đủ; là vì nếu khi xem nửa chừng hay xem xong cái video, tắt ti vi, iPad hoặc cái điện thoại thông minh mà người xem chỉ buông một cái chép miệng thường tình, có lẽ càng không đủ. Những ghi nhớ bằng hình tượng sống động, qua biết bao tâm huyết của các tác giả đi lại các cuộc hành trình đầy máu và nước mắt ấy, nếu không khơi gợi nơi những người còn sống cảm nghĩ phải đền ơn cách này hay cách khác ngoài chút xúc động thoáng qua, có lẽ tôi đành phải đổ vấy cho thời gian đã làm phôi pha, đã bào mòn các góc cạnh chứ không phải lòng người đã nguội lạnh.
Sự hy sinh cao cả, tận cùng của các anh hùng tử sĩ, của bất cứ ai đã vĩnh viễn nằm xuống vì lý tưởng đấu tranh cho một nền hòa bình công chính và những giá trị làm người cao quý, của tất cả thân yêu họ để lại sau lưng trong đau thương. Tôi trộm nghĩ không nên chỉ coi đó là một ân huệ mà hơn thế, còn là một món nợ của trách nhiệm, của lương tâm, trùm phủ lên cuộc sống những ai từng yên ấm ở hậu phương, an nhiên hưởng thái bình dưới cái bóng trùm phủ ấy, có muốn trả có lẽ cũng không bao giờ trả hết, nói chi chuyện à ơi qua sóng quên thuyền!
Nghĩ đến những mất mát to lớn để kiến tạo một đất nước xứng đáng có mặt dưới ánh mặt trời, ai cũng có thể làm một điều gì trong tầm tay, nhỏ thôi, rồi sức người sẽ gom thành gió bão. Hãy nói với nhau những lời tử tế. Hãy làm những việc cần phải làm. Hãy đối xử với nhau như bạn vì mình đang có một kẻ thù chung thao túng quyền lực trên quê hương, nhìn bạn ra thù là một cách tự chặt tay chân mình, làm suy yếu đoàn kết, đưa đến tan rã, kẻ thù có thêm cơ hội tung hoành.
Không có thực lực, lấy gì mà thắng đối phương? Chớ quên rằng nước Mỹ hùng cường đã được xây dựng trên căn bản sự dung nạp nhiều nguồn di dân từ khắp nơi trên thế giới với tinh hoa những nền văn hóa đa dạng họ mang theo và không ngừng phát triển. Chẳng phải xi măng, cát, đá, vôi vữa và sắt, hình dạng khác biệt, cứng mềm khác nhau, để riêng từng thứ, công dụng không nhiều. Dưới bàn tay người, hòa vào nhau, thẩm nhập vào nhau, chúng là bê tông cốt sắt, xây nên vô vàn kiến trúc tối tân và diễm lệ, cầu cống lưu thông, những xa lộ cao tốc, những phi đạo thẳng tắp thu ngắn mọi biên cương? Như vậy, khả năng kết hợp mới là khả năng cao nhất để nhân loại hưng thịnh, không hề là khả năng triệt hạ hay loại trừ nhau, tự nó, từ bản chất, là không thể dung hòa.
Không phải vô cớ mà người Việt có một tập quán văn hóa lâu đời trong đại chúng thể hiện qua lời trối trăng cuối cùng của cha mẹ lúc lâm chung: nhắc nhở anh chị em một nhà phải thương yêu, đùm bọc nhau cho cha mẹ khuất bóng được yên lòng ở cõi khác. Trong thực tế, thương yêu, đùm bọc ít khi do sự vâng lời mà thường xuất phát từ trái tim những ai, cùng hay không cùng huyết thống nhưng ràng buộc vì hoàn cảnh giống nhau, đích nhắm giống nhau: tình đồng chí, đồng đội, đồng ngũ, đồng môn, đồng hành, chia nhau những nỗi niềm chung trong một quãng đời chung, an vui của người này cũng là của người kia và khi quyền lợi không có gì mâu thuẫn.
Ý nghĩ một cá nhân có thể tồn tại và sáng chói một mình là huyễn tưởng. Ngay cả mặt trời, mặt trăng, tinh tú cũng hoạt động nhịp nhàng trong thái dương hệ. Ngay cả bản thân mỗi con người, để sống được, cũng phải nhờ sự phối hợp của nhiều cơ phận trong nội tạng: tâm, can, tỳ, phế, thận; cũng phải nhờ sự đóng góp về nhiều mặt của đồng loại quanh mình. Thiếu hay trục trặc một thứ là đình trệ, bế tắc. Cũng vậy với năm ngón tay trong một bàn tay, ngón này phải nhờ ngón kia mới thành một cái nắm tay để cầm chắc một cái gì. Nghe qua ngỡ như nghịch lý nhưng độc lập và tương tác là hai mặt của tấm mề đay, không đối kháng mà bổ sung cho nhau, nôm na gọi là thêm vây, thêm cánh. Mạnh lên chẳng hơn là yếu đi ư?
Nước Mỹ không những chấp nhận mà cổ võ đối thủ được xem là động cơ của cạnh tranh và tiến bộ. Cạnh tranh để tiến bộ không tiêu diệt đối thủ mà tranh thắng bằng nỗ lực cá nhân có phẩm chất hơn, xuất sắc hơn, đạt thành tựu cao hơn, mỗi bên đi con đường của mình và xã hội hưởng lợi.
Là di dân trong một cộng đồng lưu vong vì hoàn cảnh chính trị, có những mất mát, đau thương, hờn căm giống nhau; có hy vọng, hoài vọng và đích nhắm giống nhau; có cùng tổ quốc và lịch sử với vinh quang và tủi nhục chia nhau; cái gì đến với người này mà không cùng đến với người kia trong thân phận chung ấy, đang anh em sao bỗng thành địch thủ, tự mình tấn công hàng ngũ của mình? Văn hóa “Giấy rách giữ lấy lề” của ông bà dặn con cháu nhớ giữ thể diện với hàng xóm, láng giềng để không cùng bị coi thường, khinh rẻ, ở đâu, thời nào cũng đúng, càng đúng hơn trong cảnh ăn nhờ, ở đậu. Quên gì thì quên, xin đừng quên truyền thống, đừng vạch áo cho người xem lưng.
Bữa nay tôi có hẹn đến Harvest Healthcare để được châm cứu cái chân đau. Hình ảnh đầu tiên tôi thấy ở môi trường khoa học này là các biểu hiệu kêu gọi nguyện cầu. Trong mỗi căn phòng nhỏ, có một cuốn Thánh Kinh, chữ Bible vàng óng ánh dưới chụp đèn ấm áp. Trên màn hình mỗi cái laptop, có một lời kinh trích dẫn. Tôi không mấy ngạc nhiên vì cũng biết rằng mục tiêu gần nhất, cụ thể nhất của nguyện cầu không phải là để đạt được mong ước mà là để… tẩy độc, đổi lấy những phút giây bình an, tâm hồn lắng đọng, tập trung vào thiện ý xin mọi sự tốt lành cho mình và cho người, sự ác hay điều bất thiện tạm dừng lại. Khi cầu nguyện, con người thấy mình nhỏ bé, khiêm cung, bớt kiêu căng, ngạo mạn và tự thanh tẩy.
Các danh y đông tây ngày nay tin là bên cạnh sự can thiệp có giới hạn của khoa học và thuốc men, đây chính là phương pháp gìn giữ sức khỏe căn bản nếu không nói là nó có hiệu lực chữa lành các thương tích mà khoa học có khi chịu thua. Chỉ cần giữa cơn đau, nỗi sợ hãi, bạn nở một nụ cười hiền trên môi, bản thân lập tức an lạc và an lạc cả không gian quanh mình, cả những ai cùng chia cái không gian ấy với bạn. Thử nhớ lại xem, bạn quạu cọ không cười, xung quanh có ai cười không?
Có phải cái tên Harvest của trung tâm châm cứu này được chủ nhân của nó chọn đặt nhằm kín đáo nhắc nhau hãy chăm chỉ gieo trồng cây giống lành để có lúc gặt hái mùa màng tươi tốt? Quả thật cuộc đời luôn cho chúng ta những bài học, như châu rơi ngọc vãi. Chỉ cần một chút quan tâm, một chút thong thả, để chúng ta nhận ra và nhặt lấy của báu. Kinh nghiệm này không riêng người viết mà nhiều bạn khác cũng có và chia sẻ.
Một người bạn tình cờ đặt bàn tay lên vai pho tượng Phật an vị trong hoa viên một ngôi nhà. Một người bạn khác tình cờ nhìn thấy và bấm máy rồi gởi tấm ảnh lên mạng. Một người bạn nữa trong chuỗi duyên lành, xem ảnh và bỗng cảm khái, viết xuống bốn câu năm chữ:
“Đặt tay lên vai Phật
Bỏ lại bờ bên kia
Yết Đế um… Yết Đế
Đã tìm được lối về…”
Kẻ này không biết là độc giả thứ bao nhiêu đọc bài thơ đầy thiền vị, vì không hiểu ý nghĩa hai Phạn ngữ Yết Đế, Yết Đế, nên phải đi tìm và được dẫn đến Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa. Bàn tay nhẹ tênh trên vai Phật, nghĩ mà không nghĩ, mái tóc bạc phơ, nét nhìn thanh thản, nụ cười vô ưu của nhân vật trong ảnh gợi ý cho tác giả bài thơ sự viên mãn của đời người, “Xong rồi! Xong rồi!” Và, thi sĩ chẳng thể nào không bật kêu lên lời reo mừng cho nhân quần bên cầu sinh tử, trút bỏ hết vô minh bên này bờ giác là tìm thấy con đường bát nhã thênh thang đưa về cõi ngàn năm an tịnh.
Bùi Bích Hà