Trưởng quan hành chính Hong Kong Carrie Lam phát biểu trong cuộc họp báo ở Hong Kong, ngày 15 tháng 6, 2019.
Nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam hôm thứ Bảy đã trì hoãn vô thời hạn một dự luật cho phép dẫn độ các cá nhân sang Trung Quốc đại lục, trong một sự lùi bước bất ngờ sau khi sự phẫn nộ về dự luật này khơi ra những cuộc biểu tình lớn nhất và dữ dội nhất trên đường phố từ hàng chục năm qua.
Dự luật dẫn độ, nếu thông qua, sẽ áp dụng cho bảy triệu cư dân Hong Kong cũng như các công dân nước ngoài và công dân Trung Quốc ở đó. Nó bị nhiều người coi là mối đe dọa đối với nền pháp trị của ở cựu thuộc địa này của Anh.
Khoảng một triệu người tuần hành ở Hong Kong vào Chủ nhật tuần trước để phản đối dự luật, theo những người tổ chức cuộc biểu tình. Đó là cuộc biểu tình lớn nhất trong thành phố kể từ khi đám đông tụ tập chống lại sự đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ quanh Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 6 năm 1989.
Các cuộc biểu tình tiếp diễn suốt tuần và cảnh sát đáp lại bằng hơi cay và đạn cao su, khiến trung tâm tài chính này của Châu Á rơi vào tình trạng hỗn loạn và gây áp lực nặng nề lên bà Lam.
“Sau nhiều lượt cân nhắc nội bộ trong hai ngày qua, bây giờ tôi thông báo rằng chính phủ đã quyết định đình chỉ hoạt động sửa đổi lập pháp, khởi động lại giao tiếp của chúng tôi với mọi thành phần xã hội, nỗ lực giải thích nhiều hơn và lắng nghe các quan điểm khác nhau của xã hội,” bà Lam nói trong một cuộc họp báo.
Trong lần xuất hiện công khai hoặc những phát biểu đầu tiên kể từ ngày thứ Tư, bà nói rằng không có hạn chót, và trên thực tế đình chỉ quá trình này vô thời hạn.
Các đối thủ chính trị kêu gọi bãi bỏ hoàn toàn dự luật. Những người tổ chức biểu tình cho biết họ sẽ xúc tiến một cuộc biểu tình khác vào Chủ nhật để yêu cầu bà Lam từ chức.
Diễn biến này là một trong những sự đảo ngược chính trị đáng kể nhất của chính phủ Hong Kong dưới áp lực của công chúng kể từ khi Anh trao trả lại lãnh thổ này cho Trung Quốc vào năm 1997, và nó đã đặt ra câu hỏi về khả năng của bà Lam tiếp tục lãnh đạo thành phố, theo nhận định của Reuters.
Nó cũng có thể làm giảm bớt sự phiền toái không mong muốn đối với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh, nơi đang vật lộn với nền kinh tế đang chậm lại và một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Khoảng một triệu người tuần hành ở Hong Kong vào Chủ nhật tuần trước để phản đối dự luật, theo những người tổ chức cuộc biểu tình.
Khi được hỏi nhiều lần liệu bà có từ chức không, bà Lam tránh trả lời trực tiếp và kêu gọi công chúng “cho chúng tôi một cơ hội nữa.” Bà nói rằng bà đã là một công chức từ nhiều thập niên qua và vẫn còn những công tác mà bà muốn làm.
Bà nói thêm rằng bà cảm thấy “hết sức buồn và tiếc rằng những thiếu sót trong công tác của chúng tôi và các yếu tố khác đã làm dấy lên những tranh cãi và tranh chấp đáng kể trong xã hội.”
Văn phòng chính phủ Trung Quốc đặc trách các vấn đề Hong Kong bày tỏ “sự ủng hộ, tôn trọng và thấu hiểu” đối với quyết định đình chỉ của bà Lam.
Trong một thông cáo thông qua thông tấn xã nhà nước Tân Hoa Xã, một phát ngôn viên của chính phủ trung ương “hoàn toàn chuẩn thuận” công tác của bà Lam và chính phủ Hong Kong và sẽ tiếp tục “kiên định ủng hộ” bà. Bắc Kinh “mạnh mẽ lên án” bạo lực trong các cuộc biểu tình và ủng hộ cảnh sát Hong Kong, thông cáo nói.
Các chính trị gia ủng hộ dân chủ của Hong Kong, phản ứng về loan báo của bà Lam, nói việc đình chỉ là chưa đủ.
“Carrie Lam đã mất hết uy tín trong dân chúng Hong Kong. Bà ấy phải từ chức,” Claudia Mo, một nhà lập pháp và là thành viên của phe ủng hộ dân chủ phản đối dự luật, phát biểu, theo Reuters.
Một phát ngôn viên cho biết lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hong Kong hoan nghênh quyết định của bà Lam và kêu gọi “quan tâm sâu sát và cân nhắc quan điểm của cộng đồng địa phương và quốc tế nếu chính phủ Hong Kong theo đuổi bất kì sửa đổi nào đối với luật dẫn độ của mình, đặc biệt là những sửa đổi liên quan đến Trung Quốc đại lục.”
Theo VOA
Sửa bởi người viết 15/06/2019 lúc 10:13:10(UTC)
| Lý do: Chưa rõ