Tôi sanh ra cũng vào tháng này, khi cuộc thế chiến thứ 2 đang ở vào giai đoạn quyết liệt của nó. Khi cuộc chiến tàn, và khi Cộng Sản Việt Nam cướp chính quyền, thì tôi chưa được đi học, và chiến tranh những ngày sau đó khiến gia đình chúng tôi phải rời bỏ thành phố Nam Định và lánh nạn tại quê nhà, cách chừng 20 cây số. Cha tôi theo kháng chiến và phải đi những đâu, tôi cũng không rõ, nhưng mẹ tôi và anh em chúng tôi phải nương náu ông bà nội nơi một cái làng buồn hiu hắt, trong trí nhớ của tôi, tại một nơi mà người ta sống nhờ vào những vụ lúa chiêm và nghề trồng dâu, nuôi tầm. Dân chúng ở đây dĩ nhiên không thể so sánh được với ruộng đồng trù phú Miền Nam nhưng cũng không đến nỗi quá nghèo đói. Tôi còn nhớ được những vườn đào nở đầy hoa mỗi khi Tết đến, những cây buởi toả ra một mùi hoa rất êm dịu những đêm trăng sáng trong dịp Tết Trung Thu, những buổi tát ao mà mẹ tôi thuê người dân làng đến tát để bắt cá, và nhất là những thỏi kẹo kéo nhân đậu phọng mà người bán đạp chiếc xe đạp mỗi ngày đến với cái chuông vang lên quen thuộc. Ông ta đến bán kẹo cho chúng tôi và hát những câu hát ngô nghê, khôi hài. Đó là tất cả những kỷ niệm của tôi thời thơ ấu nơi quê nhà.
Ông bà nội tôi qua đời trước khi Cộng Sản bắt đầu chánh sách vô sản chuyên chế và cũng nhờ đó các cụ không bị hành hạ , chết thảm lúc cuối đời vì đấu tố . Tuy ruộng đất chẳng có là bao, nhưng gia đình chúng tôi thuộc loại địa chủ. Có lẽ cũng vì vậy và biết được chánh sách của CS mà dẫu bản thân theo kháng chiến, khoảng cuối năm 1949, cha tôi trong một lần ghé về nhà,nói với mẹ tôi nhất định phải đem gia đình dinh tê, nghĩa là bỏ quê để trở về thành phố Nam Định, còn dưới quyền người Pháp. Bố tôi lúc đầu có vẻ rất hăng say chiến đấu dành độc lập cho Việt Nam, như rất nhiều nhà ái quốc lúc bấy giờ nhưng ít lâu sau, ông cũng bỏ kháng chiến và về với gia đình. Khi đó mẹ tôi có một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ để nuôi chúng tôi. Cha tôi về đúng lúc vì việc buôn bán của mẹ tôi cũng không khá gì và gia đình đang gặp khó khan về tài chánh. Ông đem gia đình lên Hà Nội và tan hết ảo tưởng vào Việt Minh, xin vào làm tại Bộ Xã Hội cũa Quốc Gia Việt Nam đã được độc lâp dưới thời Bảo Đại . Hiệp định Genève ra đời năm 1954 chia đôi nước Việt Nam một cuộc Tổng Tuyển Cử dụ trù sẽ diễn ra 2 năm sau đó có thể sẽ đem CS trở lại chính quyền. Mặc dầu vậy,cha tôi nhất quyết bõ vào Nam vì quá rõ thế nào là Cộng Sản. Phải nói rõ là cha tôi là một trong những người có bằng Tú Tài toàn phần Pháp hiếm hoi của Việt Nam, nghĩa là ông thuộc thành phần Trí Thức, có học về lý thuyết CS. Trong những khi ông nói chuyện với bạn bè mà tôi nghe lỏm được, có lẽ ông quen biết Norodom Sihanouk,Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, vì ông Giáp hồi đó là Giáo Sư trường trung học tư Thăng Long của ông bác tôi, mà tôi gọi là bác Ninh, không nhớ đầy đủ họ và tên đệm. Chính nhờ sự quyết tâm này của cha tôi mà chúng tôi không trở thành Cộng Sản và có được sự may mắn của nền Giáo Dục Miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa.
Tôi học và trưởng thành tại Miền Nam , vào lính và làm việc tại Cần Thơ cho tới ngày mất nước. Sau 75, tôi bị bắt đi cải tạo tại U Minh. Trong thời gian cải tạo tại một nơi có tên gọi là Đá Bạc, Cà Mau, việc thăm nuôi của tôi hoàn toàn nhờ vào cha vì lúc đó tôi còn độc thân. Cha tôi đã về hưu và sức khoẻ không được tốt, phải lặn lội từ Sài Gòn xuống nơi tận cùng của đất nước, tỉnh Cà Mau rồi từ đó đi xuồng ba lá mang những gói quà, đường, thuốc …vv.. vào Hòn Đá Bạc trao cho tôi. Người già hay khó giữ được đường tiểu tiện, bởi vậy ông rất khổ, nhất là trên xuồng, nhiều khi có các bà các cô đi thăm nuôi thân nhân. Thật là những hy sinh lớn lao cho người cha già phải thăm nuôi những đứa con, vì khi đó anh tôi cũng độc thân như tôi, bị bắt vào trại cải tạo vùng 3, hình như là Suối Máu. Cha tôi nhận trách nhiệm này để tránh cho mẹ tôi khỏi vất vả.
Thời gian trôi rất nhanh, những ngày đen tối đó rồi cũng qua đi, tuy tôi không bao giờ quên được. Nhờ phúc ấm tổ tiên,anh em tôi đến được Canada, tạo lập lại được cuộc đời và có gia đình, con cái tại nơi quê hương thứ hai này. Em tôi bảo lãnh được cho cha mẹ sang đoàn tụ với chúng tôi nhưng khi đến được Montreal, sức khỏe của cha già đã kém lắm rồi. Nhưng năm cuối đời, tuy sống với gia đình anh tôi, nhưng tất cả chúng tôi, vì tất bật với cuộc sống, ít bỏ ra được thì giờ lo cho cha mẹ, nhất là về vấn đề tinh thần. Bây giờ nhớ lại, tôi rất ân hận vì những năm tháng đó, các cụ rất cô đơn và lạc lõng, ít có dịp đi ra ngoài, chĩ ru rú trong nhà. Tiếp đến một Mùa Đông lạnh giá, ông cụ bị một cơn sưng phổi. Cha tôi có bệnh phổi hồi còn đi kháng chiến nên hô hấp càng ngày càng khó khăn, hơi thở yếu, lại bị nhiễm trùng nên khi vào nhà thương Rosemont, thì cụ mệt lắm rồi. Tuy nhiên, với những thuốctrụ sinh, bệnh sưng phổi có vẻ ổn định, nhưng đến đây, hình như cụ chán sống, nhất định không chịu ăn. Mặc những lời van xin của anh em chúng tôi, cụ không động đến thức ăn của nhà thương và qua đời ít lâu sau. Đó là bản tính của cha tôi, cương quyết làm những gì cụ muốn, không bị lay động bới những người xung quanh,làm là làm.Bản tính mà tôi thừa hưởng dù chỉ một phần rất nhỏ, đủ để lãnh chịu tiếng là ương ngạnh mà người đời gán cho.Cái chết của cha tôi làm cho tôi mỗi năm, vào ngày Lễ Của Cha, lại cảm thấy man mác buồn, nhất là khi đọc những bài viết, nghe lại các bản nhạc nói về người cha.
Một trong những bài ca ấy là bài PaPa, viết và trình diễn bởi Paul Anka.
Tôi thích nghe Paul Anka từ những năm niên thiếu, với bản nhạc You are my destiny nhưng phải đến khi nghe Papa tôi mới thực sự yêu mến người ca sỹ này, và Paul Anka chắc phải thực sự yêu mến cha mình mới sáng tác và trình diễn hay như thế. Nếu giả dối, người ta sẽ nhận ra ngay và chối bỏ.
Ngày của cha.
Tôi nghe lại Paul Anka và cứ nghĩ rằng tất cả mọi người con đều yêu mến và sùng kính cha mình. Tôi vẫn tin như vậy cho đến khi đọc cuốn nhật ký của Alice Swann, hay nói đúng ra là Alice Le Dung Nguyen Swann, vì tác giả là một người đàn bà Việt Nam.
Cuốn nhật ký mà tôi muốn đề cập tới ngày hôm nay nhan đề My Journey from Saigon to Ottawa.Tiểu sử tác giả ghi lại ở trang bìa sau cuốn sácg ghi là bà sanh năm 1941 tại Saigon. Bà là chứng nhân của Chiến Tranh Đông Dương và Chiến Tranh Việt Nam. Gia đình bà là Phật Giáo. Bà theo học tại Belgium và vào đạo Thên Chúa Giáo. Tốt nghiệp Catholic University of Lovain (Belgium) năm 1964, bà đã làm cho Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Rome, sau đó tại Genève trong Permanent Mission of the Republic of Viet Nam to the United Nations ( Liên Hiệp Quôc). Cuốn nhật ký của bà là câu chuyện của một người đàn bà Viet Nam từ lúc thiếu thời tại Sai Gòn đế khi về già, định cư tại Canada. Chuyện của cuộc đời bà nhưng cũng là chuyện của Việt Nam, của 2 cuộc chiến tranh và những mảnh đời theo gió cuốn đi vì bão tố thời cuộc. Đâu đó trong cuốn nhật ký là những nhân vật có thực, của gia đình Nam Phương Hoàng Hậu, của gia đình ông Ngô đình Diệm,của Big Minh, của ông Trần Văn Hương, của gia đình giới thương lưu trí thức Miền Nam, của cuộc di cư ra nước ngoài ,các boat people,các thành phố Sai Gòn, Genève, Ottawa…Cuốn Nhật Kỳ này theo tôi cũng quan trọng như cuốn nhật ký Sống Chẳng Còn Quê của BS Trần Xuân Dũng bên Ú Châu mà tôi có dịp giới thiệu gần đây. Những cuốn nhật ký này là những tài liệu phải đọc để hiểu rõ thêm về những cuộc chiến tranh tệ hại mà đất nước chúng ta phải trải qua.
Tuy nhiên việc làm tôi suy nghĩ nhiều nhất là sự liên lạc của tác giả đối với người cha của bà. Ông ta là một người Việt Nam, một đốc phủ sứ người Miền Nam rất bảo thủ và sống với những nguyên tắc mà ông vẫn cho là ông đúng cho đến phút cuối đời. Biết đâu những sự nghiêm khắc đó, những quan niệm cứng ngắc đó là nguyên nhân của biết bao đau khổ mà con gái ông, bà Nguyễn Lệ Dung không sao quên nổi và vẫn trách ông, mấy chục năm sau.
2019, ngày của cha. Tôi nghĩ đến cha tôi, đến Paul Anka và đến cuốn nhật ký My Journey from Saigon to Ottawa, đến bà Nguyễn Le Dung, đến ông Đốc Phủ Sứ thân sinh ra bà, dân Tây nhưng thập phần Việt Nam , không chấp nhận con gái đi ra nước ngoài, không chấp nhận con gái yêu thương người ngoại quốc, và sau cùng cũng không chấp nhận nổi việc sống tại ngoại quốc, cho dù nước Pháp, và phải trở về sống với mồ mả tổ tiên. Khép tập nhật ký lại, tôi thấy buồn, rất buồn.Tôi thông cảm với tác giả nhưng cũng thông cảm với phụ thân bà, trong vị trí một người cha, vì tôi cũng có những đứa con mà tôi rất thương yêu tuy không biều lộ ra .Mong rằng sau khi xuất bản tập hồi ký nói ra nỗi lòng, thì bà cũng nhẹ nhõm được phần nào.
BS Trần Mộng Lâm