Hơn một triệu người đã xuống đường biểu tình tại Hồng Kong vào ngày 09 tháng 6 năm 2019, và ngay Chủ Nhật tuần lễ sau đó 16 tháng 6, hai triệu người đã như thác lũ biểu tình chiếm hết các đường phố chung quanh khu vực cao ốc của chính phủ. Hai cuộc biểu tình năm 2014 và 2019 mang ý nghĩa khác nhau. Năm 2014, đoàn người hàng trăm ngàn đã xuống đường bao vây trụ sở của chính phủ trong 79 ngày để đòi một cuộc bầu cử tự do dân chủ và trong sạch, chống lại thủ đoạn của Bắc Kinh chỉ đưa ra các ứng cử viên thân tín với Bắc Kinh mà thôi. Tháng 6 năm nay 2019, 1/7 và 2/7 dân số của Hồng Kong đã đồng loạt xuống đường để đòi bà Carrie Lam, Đặc Khu Trưởng (tương đương với chức Thống Đốc) của Hồng Kong, người được xem như thân với Bắc Kinh phải từ chức, và chống lại luật dẫn độ mà bà Carrie này đang dự định đưa ra thành luật và áp dụng tại Hồng Kong. Nếu tu chính án của luật này thành hình, không những các người chủ chốt trong biều tình, mà Bắc Kinh liệt vào hàng “tội phạm hình sự” (criminal), kể cả các người lãnh đạo từ phong trào “Ô Dù Vàng” và “Occupy Central” năm 2014 và kể cả tháng 6 năm nay 2019 như Josua Wong, sẽ bị bắt và dẫn dộ về Bắc Kinh, sẽ bị tống váo ngục tối, và đem ra xét xử theo luật của nhà nước cộng sản. Ngoài ra, tất cả các nghi can khác mà Bắc Kinh xem là “tội phạm” khi từ một nước nào đó quá cảnh Hồng Kong cũng sẽ bị bắt và dẫn độ vào Hoa Lục.
Theo sự thỏa thuận giữa chính phủ Anh Quốc khi trao trả lại Hồng Kong cho Đặng Tiểu Bình năm 1997 thì Hồng Kong có 50 năm tự trị theo phương thức “một nước, hai chế độ (one country, two systems). Như vậy cho đến năm 2047, Hồng Kong mới chính thức được sát nhập vào Hoa Lục và chịu dưới sự cai trị của đảng cộng sản Trung Hoa. Tuy nhiên Chủ tịch Tập Cận Bình đã nóng lòng muốn đem Hồng Kong ngay về với Hoa Lục, không muốn chờ đợi lâu hơn nữa, nên đã dựng lên chính phủ bù nhìn thân Bắc Kinh tại vùng nhượng địa này. Nhiều lần nền dân chủ và tự do của người dân Hồng Kong đã bị vi phạm trắng trợn vì sau biểu tình năm 2014, mốt số thủ lĩnh và những người tham gia vào Phong Trào Ô Dù Vàng đã lần lượt bị bắt, hay ghi nhận mất tích. Tháng 10-2018, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã chủ tọa khánh thành một cây cầu dài nối liền Hồng Kong và Ma Cao vào với Hoa Lục. Và sau đó là thiết lập một Vùng Vịnh Lớn (Greater Bay Area) bao gồm cả Hồng Kong, Ma Cao và Quảng Đông-theo địa lý chính trị (geo-politic) như mang ý nghĩa các vùng đất này thuộc về Hoa Lục rồi. Trước tình thế nguy hiểm cho hàng ngàn nhà lãnh đạo của phong trào chống đối lại luật dẫn độ, và trước ý đồ của Chủ Tịch Tập Cận Bình muốn sát nhập sớm Hồng Kong vào Hoa Lục, không cần chờ đến năm 2047 nữa, người dân Hồng Kong đã biểu tình rầm rộ với một triệu và hai triệu người để nhất loạt phản đối. Ngay sau ngày Chủ Nhật biểu tình lần thứ nhì với hai triệu người, qua ngày Thứ Hai, hàng trăm ngàn người dân vẫn còn hiện diện để tiếp tục biểu tình nữa. Lần đầu tiên, bà Carrie Lam, mà các phóng viên tin rằng đã được lệnh từ Bắc Kinh, đã phải lên tiếng đình chỉ lại luật dẫn độ này để giảm đi cơn cuồng nộ như sóng thần đang lan tỏa tại Hồng Kong.
Một hình ảnh biểu tượng là cô gái 26 tuổi Lam Ka Lo đã ngồi thiền ngay trước hàng rào của cảnh sát đàn áp. Cô đã từng ngồi tọa phản kháng trong phong trào Ô Dù Vàng năm 2014, và năm nay cô đã đến khu quận Almighty một mình, nơi đặt trụ sở của chính phủ, để tọa thiền phản kháng luật dẫn độ. Cô đã từng đến Nepal và học thiền tại đó. Cô nói với phóng viên BBC là cô sẽ tiếp tục tọa thiền phản kháng dù bà Carrie Lam đã nhượng bộ, và cô đã là nguồn cảm hứng cho nghệ sĩ phản kháng của Hoa Lục Badiucao vẽ lên tấm ảnh bích chương. Hình ảnh tọa thiền của cô làm người ta nhớ lại hình ảnh anh dũng của một sinh viên đã đứng trước cản không cho xe tăng vào quảng trường đàn áp người biểu tình tại Bắc Kinh, giết hại hàng ngàn sinh viên yêu nước, trong vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 -một vết nhơ không bao giờ gột rửa được của đảng cộng sản Tầu.
Nhìn qua hòn đảo Đài Loan nhỏ bé, nhờ một phần ảnh hưởng của hai cuộc biểu tình khổng lồ, vô tiền khoáng hậu, tại Hồng Hong chống luật dẫn độ, mà Tổng Thống Đài Loan bà Thái Anh Văn đã được đảng Dân Tiến đề cử ra nhiệm kỳ thứ hai. Trước hành vi của Bắc Kinh xâm lấn quyền dân chủ tự trị của Hồng Kong, 23 triệu dân Đài Loan không thể không e ngại cho số phận của hòn đảo bé nhỏ của họ. Theo Reuters, ngay sau khi hơn 1 triệu dân Hồng Kông tuần hành chống dự luật dẫn độ, Tổng Thống Thái Anh Văn, với lập trường đứng về phía người biểu tình Hồng Kông, đã viết trên mạng Twitter: "Ngày nào mà tôi còn là tổng thống thì đừng bàn đến chuyện "một nước hai chế độ".
Năm 2014 nhìn lại, cuộc xuống đường tuần hành của hàng trăm ngàn người tại Hồng Kong coi như thất bại vì bị đàn áp, và vì cuộc họp giữa hai bên đại diện chính phủ và người biều tình đã không đạt được thỏa thuận nào. Năm nay 2019, người dân Hồng Kong đã thành công và chính phủ thân Bắc Kinh đã phải lùi bước và bà Carrie Lam đã phải lên tiếng xin lỗi. Một kỷ lục chưa từng có với hàng triệu người biểu tình, theo tỷ lệ cứ một đến hai người trong tổng số 7 người dân của Hồng Kong đã xuống đường, , Sự thành công này có nhiều nguyên nhân thuận lợi cả về Thiên Thời, Địa Lợi và Nhân Hòa. Thiên Thời là Chủ Tịch Tâp Cận Bình đang phải tập trung đối đầu với đòn cân não trong chiến tranh mậu dịch với Hoa Kỳ, và các bước tiến khó khăn của ông trong tham vọng bá chủ thế giới về hàng hóa năm 2025 qua “Made In China”, và thống trị thế giới qua mặt Mỹ vào năm 2049, nên ông đã chấp nhận lui bước. Địa Lợi là vị trí chính trị của Hồng Kong vẫn còn nằm trong vòng 50 năm được tự trị, chưa rơi vào bàn tay của đảng cộng sản Trung Hoa, và vẫn được Anh Quốc và Châu Âu và Hoa Kỳ ủng hộ thỏa thuận này. Nhân Hòa là người dân Hồng Kong, vốn đã thấm nhuần tư tưởng tự do dân chủ từ thời thuộc Anh Quốc, nên không chịu chấp nhận nền tư pháp và chính trị của họ bị kiểm soát ngay bởi Bắc Kinh, trái với thỏa thuận “Một Nước, Hai chế Độ”, nên đã đồng nhất đứng dậy tranh đấu đến cùng, không chịu bị nô lệ xích xiềng ngay một cách phi lý bởi Bắc Kinh.
Ngoài ra một yếu tố không kém phần quan trọng là chính phủ và cảnh sát Hồng Kong, dù là thân Bắc Kinh, nhưng là các lực lượng tại địa phương, nên không có những thủ đoạn tàn bạo như cảnh sát và quân đội của Trung Cộng trong Hoa Lục. Nếu không, một thảm sát như Thiên An Môn có thể đã xẩy ra rồi, họ Tập đã không thể đem xe tăng vào Hồng Kong như đã làm tại Bắc Kinh năm 1989. Ngoài ra, dù rằng Hồng Kong như miếng mỡ treo trước miệng mèo, nhưng thỏa thuận cho Hồng Kong tự trị 50 năm giữa Anh Quốc và Trung Cộng vẫn còn đó trước mắt thế giới, đã khiến họ Tập ngậm đắng nuốt cay mà quay lui.
Nhìn lại quê hương Việt, một năm đã trôi qua khi hàng trăm ngàn người dân lành, bị áp bức trong hơn bốn thập niên, đã đồng loạt xuống đường chống lại chế độ vô nhân bán nước, chống lại việc cộng sản Việt ngang nhiên nhượng ba đặc khu trọng yếu của đất nước cho cộng sản Tầu, và luật an ninh mạng. Phong trào cả nước đồng hành này đã thành công và nhà nước cộng sản đã phải tạm ngưng việc nhượng ba đặc khu cho giặc phương Bắc. Tuy nhiên, phong trào yêu nước này chưa trỗi dậy lại được vì sự đàn áp dã man của nhà cầm quyền trong nước sử dụng hệ thống công an cảnh sát trị vừa đàn áp thô bạo, vừa xâm nhập vào phong trào để phá hoại. Một yếu tố quan trọng khác là phong trào thiếu sự yểm trợ, thiếu tiếng nói ủng hộ từ bên ngoài để nêu lên chính nghĩa của quần chúng biểu tình như tại Hồng Kong.
Phạm Gia Đại