Khi nói đến một người tỵ nạn, bạn nghĩ đến ai trước tiên? Có lẽ bạn không tưởng tượng đó là một người Âu Châu. Nhưng nếu bạn là một đứa trẻ sinh ra trong thời Đệ nhị Thế chiến và hỏi cha mẹ bạn ai là một người tỵ nạn, có lẽ họ sẽ mô tả đó là một người đến từ Âu Châu.
Hơn 40 triệu người Âu Châu đã bị ly tán vì chiến tranh. Cơ quan Tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc đã được thành lập cho họ. Chúng ta quên bẵng điều đó. Ngày nay khi hô hào chống lại người tỵ nạn với những lời lẽ độc địa nhứt, một số lãnh tụ truy tìm những con đường dẫn về những quốc gia đã từng trải qua những kinh nghiệm đau thương về tỵ nạn và được cộng đồng thế giới giúp đỡ.
Hễ vừa chứng kiến xung đột vũ trang hay bách hại, phản ứng tự nhiên của con người là cố gắng bồng bế con cái chạy trốn khỏi hoạn nạn. Bị đe dọa bởi bom đạn, hãm hiếp tập thể hay các đội ám sát, dân chúng gom nhặt chút tài sản mà họ có thể mang theo và tìm nơi an toàn. Người tỵ nạn là những người đã chọn lựa chạy trốn khỏi một cuộc xung đột. Chính họ vượt thoát chiến tranh và cũng đưa gia đình thoát khỏi chiến tranh và họ cũng chính là những người thường giúp tái thiết xứ sở của họ. Đó là những đức tính cần được ngưỡng mộ.
Tại sao trong thời đại chúng ta, hai chữ “tỵ nạn” lại có những hàm ý tiêu cực như thế? Tại sao các chính trị gia lại đắc cử vì đã hứa hẹn đóng cửa biên giới và quay lưng lại với người tỵ nạn?
Ngày nay, làn ranh giữa tỵ nạn và di dân đã trở nên lu mờ và bị chính trị hóa. Tỵ nạn là những người bị buộc phải rời bỏ xứ sở của họ vì bị bách hại, vì chiến tranh hay bạo động. Di dân là những người đã chọn ra đi với mục đích chính là để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Một số lãnh tụ cố tình sử dụng hai từ tỵ nạn và di dân như nhau; họ dùng những lời lẽ thù nghịch để tạo ra sợ hãi đối với tất cả những người đến từ bên ngoài.
Ai cũng đáng được tôn trọng và đối xử một cách công bình. Nhưng chúng ta cần phải có một sự phân biệt rõ ràng. Theo công pháp quốc tế, giúp đỡ người tỵ nạn không phải là một chọn lựa, mà là một nghĩa vụ. Kiểm soát biên giới một cách chặt chẽ và tốt đẹp, đề ra những chính sách di dân nhân đạo mà vẫn thi hành trách nhiệm để giúp đỡ người tỵ nạn là điều hoàn toàn khả thi. Hơn một nửa số người tỵ nạn trên toàn thế giới là trẻ em và cứ 5 đứa trẻ tỵ nạn thì có tới 4 em sống trong một quốc gia có xung đột hay khủng hoảng khiến các em phải trốn chạy. Không có tới 1 phần trăm người tỵ nạn đã được tái định cư vĩnh viễn, kể cả trong các nước Tây Phương.
Người Mỹ quảng đại: điều đó có nghĩa là xứ sở của chúng ta là nước viện trợ nhiều nhứt thế giới. Nhưng hãy nhìn sang Lebanon. Đây là nơi mà cứ 6 người có một người là tỵ nạn. Hay Uganda là nơi một phần ba dân chúng sống trong nghèo khổ cùng cực, nhưng lại chia sẻ tài nguyên nghèo nàn của họ cho hơn một triệu người tỵ nạn. Trên khắp thế giới, nhiều nước nghèo nhứt lại trao tặng nhiều nhứt.
Khi tôi khởi sự làm việc cho Cơ quan Tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc hay Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc cách đây 18 năm, có khoảng 40 triệu người bị buộc phải di tản; tôi đã hy vọng rằng con số này sẽ giảm bớt. Nhưng theo bản phúc trình toàn cầu mới nhứt của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, ngày nay con số người bị buộc phải di tản đã lên đến hơn 70 triệu và đang gia tăng nhanh chóng. Từ Miến Điện qua Nam Sudan, chúng tôi không thể giúp giải quyết các cuộc xung đột và đưa dân chúng trở về nhà. Và chúng tôi hy vọng Liên Hiệp Quốc sẽ tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân đạo này.
Năm 1946, tại khóa họp đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Truman đã nói đến trách nhiệm tiên quyết của các quốc gia thành viên là phải tạo dựng hòa bình và ổn định. Ông nói rằng Liên Hiệp Quốc “không thể…chu toàn đầy đủ trách nhiệm của mình nếu…không có các thỏa thuận hòa bình và nếu các thỏa thuận này không tạo được một nền móng vững chắc để xây dựng một nền hòa bình vững chắc”.
Nhưng sự thật đáng buồn là: các quốc gia thành viên lại áp dụng các phương thế và chuẩn mực của Liên Hiệp Quốc theo cách thế riêng của mình. Các quốc gia thường đặt các quyền lợi kinh doanh và thương mại lên trên sự sống của người dân vô tội ở những nơi có xung đột.Chúng ta mệt mỏi hay thất vọng và từ chối những nỗ lực ngoại giao đối với một số quốc gia trước khi họ được ổn định. Chúng ta tìm kiếm những thỏa hiệp hòa bình, như tại A Phú Hãn chẳng hạn,mà không màng đến nhân quyền. Chúng ta không chịu nhìn nhận rằng ảnh hưởng của khí hậu thay đổi là một yếu tố chính gây ra xung đột và di tản.
Chúng ta dùng viện trợ để thay thế cho ngoại giao. Nhưng bạn không thể giải quyết một cuộc chiến bằng viện trợ nhân đạo. Nhứt là khi rất ít những lời kêu gọi trợ giúp nhân đạo trên thế giới không đạt tới 50 phần trăm kết quả. Liên Hiệp Quốc chỉ nhận được 21 phần trăm cho Quỹ 2019 vốn cần có cho các chương trình cứu trợ tại Syria. Tại Libya, tỷ lệ này chỉ đạt được 15 phần trăm.
Hồi năm ngoái, tỷ lệ di tản là: mỗi ngày có khoảng 37.000 người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ. Hãy thử tưởng tượng sẽ phải thất vọng biết chừng nào nếu không có đủ quỹ để giúp đỡ chỉ một nửa số người đó.
Chúng ta cử hành Ngày Tỵ Nạn vào ngày 20 tháng Sáu. Thật là một ảo tưởng khi nghĩ rằng mỗi quốc gia có thể rút lui ra sau biên giới của mình và hy vọng rằng vấn đề sẽ biến mất. Chúng ta cần có một sự lãnh đạo và một nền ngoại giao hữu hiệu. Chúng ta cần chú trọng vào một nền hòa bình lâu dài đặt nền tảng trên công lý, nhân quyền và trách nhiệm để giúp cho người tỵ nạn được trở về nhà của họ.
Đây không phải là một giải pháp dễ dàng, mà đòi hỏi cương quyết hành động. Nhưng chỉ có một giải pháp như thế mới mang lại sự thay đổi. Khoảng cách giữa chúng ta và người tỵ nạn trong quá khứ ngắn hơn chúng ta tưởng.
Angelina Jolie
Chu Văn chuyển ngữ
Angelina Jolie, diễn viên kiêm đạo diễn, đặc sứ của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, What We Owe Refugees, tạp chí Time 19/6/2019
Sửa bởi người viết 24/06/2019 lúc 09:39:16(UTC)
| Lý do: Chưa rõ