Người dân bang Arakan (hoặc Rakhine) trở về làng sau khi xung đột giữa quân đội Miến Điện và phiến quân "Quân đội Arakan" suy giảm bớt. Ảnh chụp cuối tháng 01/2019 Richard SARGENT / AFP
Việc cắt internet tại một phần lãnh thổ Miến Điện có thể coi là « vi phạm nhân quyền trầm trọng », ở khu vực mà các chiến dịch của quân đội đã làm cho hàng trăm ngàn người Rohingya phải di tản. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Yanghee Lee hôm nay 25/06/2019 cảnh báo như trên.
Bà Yanghee Lee bày tỏ sự lo ngại cho các thường dân tại đây, và kêu gọi tái lập internet ngay lập tức. Theo báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, được AFP trích dẫn, các « hoạt động truy quét của quân đội có thể là cái cớ cho việc vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với thường dân », nêu ra các tội ác đã phạm với người Rohingya năm 2017.
Bộ Giao thông và Thông tin Miến Điện từ thứ Sáu 21/6 đã ra lệnh cho tất cả các nhà mạng phải cắt liên lạc điện thoại di động tại 9 vùng thành thị của bang Rakhine và bang Chin láng giềng, trong thời gian vô hạn định. Chính quyền nêu lý do « rối loạn trật tự xã hội và sự phối hợp các hoạt động bất hợp pháp ».
Rất ít cư dân có được máy tính, và việc cắt thông tin di động khiến họ bị mất liên lạc với thế giới bên ngoài.
Từ nhiều tháng qua, bang Rakhine - nơi sinh sống của hàng trăm ngàn người thiểu số Rohingya - liên tục xảy ra các trận đánh giữa quân đội Miến Điện và phe nổi dậy Quân đội Arakan (AA). Rangoon đưa hàng ngàn binh lính đến đây, và các vụ đụng độ đã khiến ít nhất 35.000 người phải đi lánh nạn. Khoảng mấy chục người dân đã thiệt mạng trong các vụ oanh kích, kể cả tại các cơ sở tôn giáo nơi họ trú ẩn.
Hồi cuối tháng Năm, Amnesty International tố cáo quân đội Miến Điện phạm « tội ác chiến tranh » với các vụ hành quyết bừa bãi, tra tấn tại bang Rakhine. Trên 740.000 người Rohingya đã chạy trốn sang Bangladesh trước bạo lực của quân đội, mà các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc đánh giá là « diệt chủng ».
Theo RFI