Logo của Google, Twitter, YouTube TV và Facebook. YouTube, Google vàTwitter hàng ngày tải hàng hà sa số clip video, bình luận, chia sẻ nhiều tới mức không thể nào kiểm duyệt hết. (AP Photo)
Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam (Bộ TT&TT) chủ trì một buổi họp hôm thứ Ba 25/6, quy tụ các nhà quảng cáo hàng đầu và yêu cầu họ ngưng trả tiền đăng quảng cáo trên các kênh YouTube có chứa những “nội dung độc hại.”
Bản tin của Pháp Tấn xã được tải lại trên kênh truyền hình France24 của Pháp, cho biết có mặt tại cuộc họp có các nhà quảng cáo của 10 nhãn hàng lớn, trong đó có Yamaha, Grab, tập đoàn FLC và nhà bán lẻ Vincom.
Truyền thông nhà nước trước đó tường thuật rằng Việt Nam đã gửi lời cảnh cáo tới các tập đoàn khác như hãng sản xuất hàng điện tử Samsung, tập đoàn công nghệ Huawei, về những mục quảng cáo trên những trang web mà họ cho là “bất hợp pháp.”
Trang mạng congthuong.vn tường thuật rằng hôm 10/6, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTDT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức công bố 21 nhãn hàng, thương hiệu lớn “đăng quảng cáo gắn với các clip xấu độc, phản động”, trong đó có: Huawei, Samsung Việt Nam, FPT Shop, Công ty Yamaha Motor Vietnam, Grab, Sun Group, Shopee...
Một số công ty đã bắt đầu đáp ứng yêu cầu dừng quảng cáo của Cục Phát Thanh, TH và TTĐT vì lo ngại sẽ gặp rắc rối với pháp luật Việt Nam, theo AFP.
Bản tin dẫn lời ông Trần Tuấn Anh của nhà bán lẻ trên mạng Shopee, nói rằng công ty của ông đã ngưng đăng quảng cáo trên YouTube trong lúc này. Ông Trần Tuấn Anh được AFP trích lời, nói:
“Chúng tôi đang tái xét cẩn thận tất cả các kênh mà chúng tôi đang hoạt động để giảm nguy cơ trong tương lai”.
Trước đó, các giới chức Việt Nam nói có khoảng 55,000 video clip trên YouTube có nội dung “xấu, độc hại” vi phạm pháp luật, trong đó 8000 clips đã bị YouTube xóa bỏ.
Trang web congthuong.com dẫn lời ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục Trưởng Cục PTTH&TTĐT, nói rằng trong 2 năm qua, Google đã tích cực hợp tác với Bộ TT&TT để ngăn chận, gỡ bỏ những video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của phía Việt Nam.
trong 2 năm qua, Google đã tích cực hợp tác với Bộ TT&TT để ngăn chận, gỡ bỏ những video clip xấu độc trên YouTube, hơn hẳn Facebook.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ TT & TT Việt NamCục PTTH khen ngợi sự hợp tác của Google là “tích cực hơn hẳn Facebook”, tuy nhiên nói thêm rằng việc gỡ bỏ các video “vẫn chưa phát huy tác dụng do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn nhiều bất cập.”
Google và Facebook chưa trả lời yêu cầu phản hồi của Đài VOA.
Các tổ chức bảo vệ tự do báo chí và bênh vực nhân quyền bày tỏ lo ngại về động thái này. Họ nói chính quyền Việt Nam thường dùng chữ “xấu, độc hại” để miêu tả những nội dung phản biện, “chỉ trích hoặc chống đối nhà nước Việt Nam”, và thường nhắm tới các nhà báo độc lập, các blogger và giới bất đồng chính kiến.
Ông Daniel Bastard, Giám Đốc đặc trách khu vực Á Châu-Thái Bình Dương của Phóng viên Không Biên giới (RSF) ở Paris nói xu hướng đàn áp truyền thông độc lập đang mở rộng ở Việt Nam là điều rất đáng lo ngại trong bối cảnh tất cả các phương tiện truyền thông chính thức đều do nhà nước kiểm soát.
“Ở Việt Nam vì không thực sự có tranh luận trong giới truyền thông chính thức, cho nên tự do thông tin lẽ dĩ nhiên được thể hiện trên mạng, trên Facebook, qua các bloggers và các nhà báo công dân vv…cho nên chiến dịch đàn áp truyền thông lề trái đang được thực hiện trên quy mô lớn như vậy là điều rất đáng quan tâm.”
Ông nói ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin mà Việt Nam cho là “xấu, độc hại”, vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền trao đổi và nhận thông tin có ghi trong những công ước quốc tế về quyền công dân và nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết.
Theo VOA