An sinh xã hội 10: Công sản là giá trị, không phải là hàng hóa
Cần khẳng định rõ vị trí, chức năng, vai trò của công sản trong quá trình phục vụ an sinh xã hội: công sản là giá trị, không phải là hàng hóa, tại đây các mọi chuyên ngành từ triết học tới kinh tế, từ nhân học tới xã hội học… đều nhận định rõ giá trị tài nguyên của một quốc gia, giá trị tài sản của một dân tộc vượt qua định giá của một sản phẩm, vượt qua trị giá của hàng hóa. Và, nếu đã là giá trị thì giá trị không thể được đánh giá chỉ qua trao đổi bằng giá cả trong thương mại, và chắc chắn là có những giá trị không thể mang ra mua bán dễ dàng được, vậy thì đó là những công sản nào là giá trị và không phải là hàng hóa? Đó là:
- Giá trị tài nguyên thiên nhiên của một quốc gia.
- Giá trị môi trường tự nhiên của một đất nước.
- Giá trị môi sinh trong sạch của một dân tộc.
- Giá trị giáo dục đào tạo kiến thức và đạo lý từ thiếu nhi tới trưởng thành.
- Giá trị di sản của tổ tiên của dân tộc, của cộng đồng, của tập thể.
- Giá trị đạo đức của đoàn kết và tương trợ, trực tiếp tạo ra năng suất cộng đồng.
- Giá trị văn hóa tạo ra sức mạnh kinh tế qua thương mại, qua du lịch…
Tất cả những giá trị này là nền, móng, cột, trụ của công sản không định giá bằng tiền, không thể trao đổi bằng vàng, và không thể đổi chác bằng quyền lực, dù ở bất cứ chế độ nào, cơ chế nào, lãnh đạo nào!
- Trước định giá kinh tế, công sản vô giá!
- Trước kiểm giá thương mại, công sản vô giá!
Vậy thì:
- Khi bạo quyền độc đảng cướp giựt tiền tài của dân tộc không phải là lỗi mà là tội!
- Khi tà quyền tham quan trộm cắp tài nguyên của quốc gia không phải là lỗi mà là tội!
An sinh xã hội 11: Công sản là đạo lý có lý luận
Công sản khi mang giá trị của công ích tập thể có rễ là các giá trị tinh thần của tổ tiên, có gốc là dân tộc biết đầu tư vào an sinh xã hội làm ra hoa lá, cùng lúc bảo dưỡng các thế hệ như quả trái như nguyên khí quốc gia, vì vậy công sản mang nguyên tắc của đạo lý. Nhưng chính đạo lý này không hề bị xơ cứng trong một khuôn khổ bất di bất dịch, mà luôn được hệ luận khai triển nó, trong đó có:
- Lý luận về giá trị của công sản đang có cho phép lập luận về giá trị thặng dư của công sản, để của cải làm ra của cải, tài nguyên làm ra phát triển, năng xuất tập thể tạo ra hiệu suất kinh tế.
- Giải luận về tiềm lực của công sản cho phép diễn luận về đầu tư, từ vật chất tới tri thức, từ lao động tới khoa học kỹ thuật, để công sản là dàn nhún cho phát triển, để công sản là dàn phóng tới văn minh.
Hệ luận (lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận) chống lại các hành vi bảo thủ cứ khư khư ôm của như nhốt tù công sản; hoặc tiêu xài phung phí công sản như của cải hoang. Hai thái độ: đạo lý và lý luận là hai thái độ tỉnh táo trong sáng suốt, để biến thông minh một dân tộc thành sáng tạo của dân tộc đó, mà nguồn vốn gốc là công sản được khai phá, được sử dụng, được đầu tư để làm ra các thành quả mới cho dân tộc, tạo ra các thành tựu mới cho quốc gia. Các quốc gia láng giềng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã thao tác và thành công trên con đường này, với đạo lý thượng nguồn luôn linh động về công sản, với lý luận hạ nguồn luôn sinh động, từ đó dựa vào công sản để “thay hồn, đổi xác” theo hướng thăng hoa mà đi về phía của văn minh!
Bi kịch của Việt tộc đang mất dần mòn rồi mất toàn bộ công sản từ tài nguyên của đất nước tới tiền tài của dân tộc, cùng lúc bị cướp mất luôn các giá trị đạo lý của tổ tiên về công sản (ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn…) bởi độc đảng lãnh đạo trong độc tài nhưng bất tài khi sử dụng công sản, bởi độc đảng chỉ muốn độc quyền trong độc trị nhưng vô minh về quản trị. Cùng lúc sinh ra ung thư tràn lan qua hệ tham, với tham quan làm giầu qua tham nhũng, với tham quyền bòn rút sinh khí của dân tộc bằng tham ô, lấy phản xạ tham tiền để đào, xới, moi, nạo mọi tài nguyên của đất nước và tiền tài của dân tộc.
Cộng sản-vụ lợi trong độc đảng-tư lợi tồn tại để bòn rút công sản. Nên công sản chỉ tồn tại với dân chủ trọng dân quyền. Bảo vệ công sản là xóa cộng sản, qua phương pháp luận dân chủ hóa công sản.
An sinh xã hội 12: Công sản: kết quả, hiệu quả, hậu quả, công quả
Công sản có chiều dài từ tài nguyên đất nước tới tiền tài của dân tộc, có chiều sâu từ di sản tổ tiên tới đạo đức lao tác của một giống nòi, có chiều cao từ tri thức thực nghiệm tới trí tuệ văn hóa, có gốc văn hiến của một dân tộc; khi một chính quyền sử dụng công sản quốc gia thì chính quyền đó phải theo hai hợp đồng đạo đức, như hai quy định của đạo lý dân tộc:
- Hệ bảo (bảo đảm, bảo toàn, bảo quản, bảo trì) công sản được giữ gìn theo thời gian, trong đó không để công sản hư, hao, mất, mòn… trước và sau khi sử dụng.
- Hệ thức (kiến thức, tri thức, ý thức, nhận thức) của chính quyền khi sử dụng công sản để tăng giá trị, tăng năng xuất, tăng hiệu quả của công sản, chớ không phải ngược lại là làm thiệt thòi, mất mát công sản.
Công sản không phải là hàng hóa, mà là giá trị bền vững phải được bảo vệ bởi các chính sách của chính quyền qua hành pháp, có trách nhiệm không những đối với lập pháp và tư pháp, mà còn trực tiếp có trách nhiệm với toàn dân, với toàn xã hội, trong đó xã hội dân sự có quyền kiểm tra thành quả của chính quyền không những về vật chất, tài chính, kinh tế mà còn trên các tiểu chuẩn của đạo lý, đạo đức.
Trong đó, quá trình kiểm tra để đánh giá thành quả được phân loại:
- Kết quả, đúc kết các thành quả, có định lượng mà cũng có định chất, để phân ra hai loại thành quả: tích cực và tiêu cực ngay trên giá trị của công sản.
- Hiệu quả, mang thành quả tích cực tạo ra tăng xuất phục vụ cho phát triển, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, cũng cố tương trợ vì an sinh xã hội.
- Hậu quả, thì ngược lại với hiệu quả, mang những hệ luỵ tiêu cực từ vật chất, tài nguyên, tiền của tới suy đồi đạo lý tập thể, luân lý cộng đồng, tác động xấu tới đời sống xã hội, tới sinh hoạt xã hội, tới quan hệ xã hội.
- Công quả, được hình thành như một tổng lực mới của tất cả các hiệu quả, ngữ văn công quả tại đây không liên quan gì đến chuyện công quả trong chùa chiền, mà là môt ngữ pháp đánh giá sự thành công khi chúng ta sử dụng công sản để của làm ra của, tiền làm ra tiền, đạo lý hay, đẹp, tốt, lành, làm nên luân lý của bổn phận và trách nhiệm trong sáng tạo biết làm ra của cải cho đất nước.
Bi kịch của sự thảm bại của độc đảng hiện nay tại Việt Nam là:
- Không có chính sách an sinh xã hội trên toàn bộ đời sống xã hội.
- Không có quyết sách về công sản trên toàn diện các sinh hoạt xã hội.
- Không có giáo dục về công ích xã hội trên toàn thể các quan hệ xã hội.
Ngược lại, dân tộc chỉ thấy bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham quyền, ma quyền tham tiền, ngày ngày làm kiệt quệ tài nguyên đất nước, làm suy sụp tài năng của dân tộc.
An sinh xã hội 13: Công sản: từ chính quyền chỉ huy qua chính quyền hưởng dẩn
Kinh nghiệm nhiều thế kỷ qua các chế độ chính trị khác nhau, cho tới nay trong bối cạnh thị trường hóa kinh tế, tự do cạnh tranh, toàn cầu hóa… cho phép ta đánh giá rồi suy nghiệm về các mô hình sử dụng công sản thành công.
Nhưng trước hết hãy xét các mô hình của chế độ chính trị nào hiện nay đã thất bại, đó là loại chính quyền độc tài nhưng bất tài, độc trị nhưng vô minh trong quản trị, lại độc đoán trong độc quyền, mà chính trị học và kinh tế học đặt tên là: chính quyền chỉ huy, chỉ biết chỉ định trong tuyệt đối và toàn bộ, đó là thảm kịch thất bại của ĐCSVN từ hơn nửa thế kỷ qua. Nó thích bao cấp nhưng nó không biết tổ chức, nó muốn bao biện nhưng nó không nắm bối cảnh thế giới, không thấu hoàn cảnh kinh tế, không rõ thực cảnh toàn cầu hóa. Nó thích kiểm soát toàn bộ để kiểm duyệt toàn diện, nhưng cùng lúc nó vô tri trước khoa học kỹ thuật, nó vô minh trước sức mạnh của công nghệ truyền thông. Nó luôn mang phản xạ áp đặt vì luôn muốn làm vừa lãnh đạo, vừa chủ thầu, vừa là tác nhân, vừa là trọng tài.
Ngược lại, các mô hình thành công với các kinh nghiệm tích cực về quản lý và sự dụng công sản tới từ loại chính quyền, mà chính trị học và kinh tế học gọi tên là: chính quyền hưởng dẩn, nó tránh bao cấp mọi sinh hoạt xã hội, nó tránh bao biện mọi lãnh vực xã hội, nó đóng vai trò hướng dẫn không những về đầu tư, sản xuất, mà nó còn đóng vai trò chỉ dẫn để điều chế thị trường luôn bị điều kiện hóa bởi lợi nhuận, mà quên đi an sinh xã hội. Nó biết định hướng các ưu tiên, qua các giai đoạn (đoản kỳ, trung kỳ, trường kỳ) khi nó đầu tư vững vào giáo dục và văn hóa, khi nó đầu tư mạnh vào khoa học kỹ thuật, khi nó quyết đoán đầu tư bền vào an ninh và quốc phòng để bảo vệ dân tộc và quốc gia. Nó linh động hướng dẫn, nó linh hoạt chỉ dẫn, vì nó biết tận dụng các sáng kiến, sáng chế, sáng tạo để làm giầu cho công sản, để của cải sinh ra của cải, tiền sinh ra tiền, cái tốt sinh ra cái hay, cái lành sinh ra cái đẹp. Vì nó biết ngăn cái độc (độc đảng, độc tài, độc trị, độc quyền, độc tôn), mang theo bao độc hại của cái tham (tham quyền, thâm tiền, tham quan, tham ô, tham nhũng), vì nó biết cả hai cái độc-tham này sẽ giết cái đa (đa trí, đa tài, đa hiệu, đa năng, đa dụng, đa lực) của đa nguyên!
An sinh xã hội 14: Công sản: phân loại hóa để đa dạng hóa
Phân loại hóa công sản có cơ sở là tính đặc thù của địa phương, các lĩnh vực đặc sắc của các vùng miền, các đặc điểm của quốc gia, mà không quên các sinh hoạt chuyên môn của các thành phố. Tính đa dạng của một đất nước được làm nên bởi tính đa lực, đa tài, đa trí, đa năng, đa hiệu của một dân tộc, tại đây, mọi định nghĩa về công sản đều phải được suy tính, sử dụng, bảo trì bởi hai hệ này:
- Hệ đặc (đặc tính, đặc thù, đặc điểm, đặc sắc).
- Hệ đa (đa lực, đa tài, đa trí, đa năng, đa hiệu).
* Công sản địa phương mang văn hóa địa phương huyện, làng, xã… song hành cùng bản sắc tập thể của địa phương đó trong đó có phong tục tập quán tôn vinh không những tính đoàn kết và tương trợ, mà cùng lúc thể hiện tính đặc thù của địa phương đó trong lao động, qua thói quen, biết thức khuya dậy sớm, qua phản xạ biết dãi nắng dầm mưa, để làm ra của cải chung cho địa phương đó.
* Công sản vùng miền trong xây dựng mà ta thấy được qua di sản, qua văn hóa từ tín ngưỡng tới lễ hội, có lịch sử đặc sắc, có truyền thống tích cực dựa trên các đạo lý, các đạo đức của cha ông đã tạo nên vùng miền này. Quan niệm công sản không hề xơ cứng, nó cởi mở vì nó dựa trên tự do, nó sáng suốt vì nó dựa trên thông minh của dân tộc, sắc tộc của vùng miền đó. Có vùng miền thích ăn chắc mặc bền trong kinh tế, nên biết ăn bữa sáng đã lo bữa tối, thành công trong lao động nhờ cẩn trọng, thành đạt trong kinh tế vì biết phòng xa. Nhưng cũng có vùng miền thích ăn ngon mặc đẹp, biết làm nhưng cũng biết hưởng, biến cái lành thành cái hay, rồi biến cái tốt thành cái đẹp để thăng hoa ngay trong cuộc sống; họ biết sử dụng sơn hào hải vị để phát triển du lịch, họ biết không những sản xuất và tái tạo các món ngon vật lạ để làm giàu, làm đẹp cho chính họ, mà còn biết phục vụ cho du khách để phát triển du lịch. Cả hai nhân tố tích cực rất khác nhau là ăn chắc mặc bền và ăn ngon mặc đẹp, nhưng cả hai đều là sức mạnh đa dạng của công sản.
* Công sản thành phố, hiện thực sinh động của toàn cầu hóa, với tiện nghi truyền thông, giao thông, vận chuyển… lại sắc nhọn về kinh tế, thương mại, sản suất, dịch vụ; lại bén nhạy, về giáo dục, văn hóa, du lịch, không những là nơi giới thiệu trực tiếp tính đặc thù của địa phương, các lĩnh vực đặc sắc của các vùng miền, mà thành phố luôn mang một xung lực làm dán nhún, dàn phóng cho thương mại từ xuất khẩu tới nhập khẩu. Nơi đây có một nắng hai sương trong lao động, mà còn có mọi thử nghiệm của hiện đại hóa, để so ra mới biết ngắn dài, trong mong cầu của một dân tộc biết học người để khôn như người, ta biết hiểu người để bằng người…
* Công sản quốc gia có mọi tiềm lực của tính đặc thù của địa phương, các lĩnh vực đặc sắc của các vùng miền, các đặc điểm các sinh hoạt chuyên môn của các thành phố, để làm nên xung lực cho cả dân tộc, cho toàn giống nòi. Biết biến tiềm lực thành thực lực, biến xung lực của nội lực thành hùng lực trong thực tế, tức là biết quản lý để triển khai kinh nghiệm cần cù lao động của thức khuya dậy sớm, không sợ dãi nắng dầm mưa; biết quản trị để phát huy ăn chắc mặc bền vì biết nhìn xa trông rộng qua tiết kiệm trong ăn bữa sáng đã lo bữa tối; mà cũng biết ăn ngon mặc đẹp để thăng hoa con người và cuộc đời, vì biết sống-vui-để-vui-sống.
An sinh xã hội 15: Công sản vắng bóng, công ích biệt dạng
Khi xem xét lại toàn bộ quá trình bảo vệ công sản tự địa phương làng, xã, huyện tới công sản vùng miền; từ cấp thành phố tới diện quốc gia trong những năm qua thì ta nhận ra sự thất bại thảm hại của ĐCSVN nắm chính quyền, có chính phủ, toàn trị trong độc trị lại để đất nước nhem nhuốc, lại để đồng bào nheo nhóc như ngày nay, vì:
- Không bảo quản tài nguyên lại bòn rút đến kiệt quệ các tài nguyên.
- Không bảo quản thiên nhiên lại tàn hủy đến cạn kiệt thiên nhiên.
- Không bảo quản thực chất lao động Việt lại biến nó thành lao nô, nô tỳ cho các nước láng giềng qua xuất khẩu lao động nô dịch.
- Không bảo quản tính đặc thù của địa phương bằng đạo lý cộng đồng mà biến địa phương thành nô lệ cho trung ương độc tài trong bất tài.
- Không bảo quản các lĩnh vực đặc sắc của các vùng miền bằng luân lý của văn hóa vùng miền, mà lại để tham quan sống bằng tham nhũng đang tha hóa trầm trọng các di sản đặc sắc của vùng miền.
- Không bảo quản các sinh hoạt chuyên môn sắc nhọn về dịch vụ, về truyền thông, về hiện đại hóa có trong nội chất của toàn càu hóa, mà lại để tà quyền tham quan độc trị nhưng bất tài trong quản trị để biến các thành phố là nơi phơi bày cái nghèo nàn lạc hậu của dân tộc.
- Không bảo quản các đặc tính, đặc thù, đặc điểm, đặc sắc của quốc gia, mà chỉ thấy một sự liên minh đầy tội phạm của bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham quyền, ma quyền buôn đất bán người, lại cúi đầu-khoanh tay-quỳ gối trước Tàu tặc, đang đưa Việt tộc từ suy vong đến diệt vong!
An sinh xã hội 16: Công sản chế tác công ích, hoàn thiện hóa công dân
Công sản khi chế tác ra công ích để phát triển đất nước, để thăng hoa dân tộc, thì công sản qua công ích xã hội cũng trực tiếp hay gián tiếp tham dự và quá trình hoàn thiện hóa công dân của một quốc gia công dân. Như vậy trên lý luận này, công dân được phục vụ bởi công sản, mà chính quyền đại diện cho dân tộc dùng công sản để xây dựng quá trình hoàn thiện hóa công dân, trong đó có thành tựu trong học đường, có thành công trong nghề nghiệp, có thành đạt trong kinh tế, và có thành tài trong xã hội; hãy kết luận cho rõ là tổng thể của công sản luôn nằm trong quỹ đạo của dân tộc vì công dân, vì các thế hệ mai hậu.
Khi sử dụng công sản tự vật chất tới tinh thần vật chất, từ tài nguyên quốc gia tới ngân sách quốc gia, thì chính quyền sẽ có quyết sách và chính phủ phải thể hiện qua hành động bằng các chính sách về an sinh xã hội, các chính sách luôn mang theo một luân lý mà triết chính trị và xã hội học kinh tế đặt tên là: trật tự của phân công tạo ra hành động cho tập thể vì tập thể! Mà thí dụ thường được là mang ra để cụ thể hóa phạm trụ lý luận này là tổ chức của một đội bóng, trong đó mỗi cầu thủ có một ví trí, với chức năng được tập thể công nhận, với vai trò được tập thể giao phó, và đội bóng này chỉ có sức hành động và sức chiến thắng khi cả đội bóng được vận hành, với tất cả cầu thủ được vận dụng. Không có trật tự của phân công tạo ra hành động cho tập thể vì tập thể thì sẽ không có đội bóng và không có cầu thủ.
Chính quan niệm: trật tự của phân công tạo ra hành động cho tập thể vì tập thể là hình ảnh trung thực nhất để mô tả tổng thể trật tự của công sản, trong đó nền của công sản tạo điều kiện cho sinh hoạt tập thể, cộng đồng, dân tộc, tại đây có trật tự của phân công như là sự hợp lực của mọi cá thể, của mọi công dân; ở đây chính quyền đóng vai trò chỉ đạo, chính phủ đóng vai trò vận động. Khi có hợp lực, có phân công, thì sẽ có chuyên môn, chuyên nghành, chuyên gia xuất hiện để tăng năng suất của tập thể, làm việc kề cạnh với các chính trị gia, kinh tế gia biết tận dụng mọi bối cảnh thuận lợi để tạo ra hiệu năng cao nhất cho chính sách.
Đạo lý của an sinh xã hội là dân chúng thấy quyền lợi và vai trò của công dân trong công sản, và nhận thức rỏ là công dân tiến thân nhờ có sự trợ lực của công sản, và khi dân chúng thấy được công-sản-giúp-công-dân, thì công sản sẽ được bảo vệ bởi công dân.
An sinh xã hội 17: Công sản tạo thành công, xây chiến thắng
Công sản không phải của chính quyền, của chế độ, và không ai được quyền sở hữu công sản, nhưng công sản phải được bảo vệ bởi mọi chính quyền, mọi chế độ. Công sản có phần xác là vật chất làm nên thể chất, và có phần hồn là đạo lý làm nên đạo đức của tập thể. Sử dụng công sản để phát triển đất nước, thăng hoa dân tộc, tạo dựng tương lai cho các thế hệ kế tục, nên công sản được tận dụng để tạo thành công, xây chiến thắng!
Công sản của quân đội là thành công trong việc bảo vệ lãnh thổ, chiến thắng giặc ngoại xâm, nên công sản của quân đội ngược lại hoàn toàn với bi kịch quân đội hiện nay là để Tàu tặc chiếm đất, đảo, biển, trong lúc đó thì tướng tá lại đi làm đầu nậu trong đất đai, dùng công sản quốc phòng để làm kinh tế bằng tà quyền. Đây là thảm kịch lớn của đất nước!
Công sản của công an là thành công trong sứ mệnh chống tệ nạn xã hội, chiến thắng trong việc giữ gìn an ninh, bảo vệ dân lành, nó không hề là thảm kich hiện nay với công an sử dụng côn đồ, du đảng, xã hội đen để hãm hại dân lành, dùng cơ quan tham mưu của công an để tổ chức cờ gian bạc lận, mà các chủ mưu chính là các tướng công an. Đây là bi kịch lớn của dân tộc!
Công sản khi được vận dụng thì kẻ sử dụng công sản, phải tuân thủ ít nhất ba đạo lý:
- Đạo lý tôn trọng công sản để bảo vệ tuyệt đối công sản vì dân tộc,
- Đạo lý trách nhiệm để tổ chức chính sách với bổn phận là làm giầu cho đất nước,
- Đạo lý công bằng là sử dụng công sản vì công lý để bảo vệ bền vững công sản.
An sinh xã hội 18: Công sản của công bằng, của công lý, của công pháp
Công sản thực sự là nền để tạo ra công bằng, là gốc để bảo vệ công lý, là lực của công pháp; khi một chính quyền sáng suốt, với một chính phủ thông minh biết dùng công sản để chế tác ra: an cư lạc nghiệp, có trong ấm ngoài êm, vì biết cụ thể hóa đoàn kết: một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, biết phát huy tương trợ: bầu ơi thương lấy bí cùng. Chính đoàn kết và tương trợ được thực hiện bằng công sản nên công bằng, công lý, công pháp không bao giờ lẻ loi, cô độc, mà luôn mang hùng lực để trợ lực cho các chính sách về an sinh xã hội.
Chính các sung lực của an cư lạc nghiệp, trong ấm ngoài êm, một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, bầu ơi thương lấy bí cùng làm lên nền móng của hạnh phúc và thịnh vượng. Công sản tạo vật chất cho công dân không chỉ vì vật chất mà còn để đưa công dân vào quỹ đạo của hạnh phúc, và chỉ có hạnh phúc nếu có công bằng trong công lý.
Công sản là chỗ dựa để tạo ra hạnh phúc cho dân tộc, một hạnh phúc chung của mọi công dân, còn nếu sử dụng công sản như ĐCSVN hiện nay thì chỉ để xây dựng hạnh phúc riêng cho họ, nên đây không phải là hạnh phúc, mà là lạm quyền trong tội phạm. Hạnh phúc của một đảng phải không phải là hạnh phúc của một dân tộc, hạnh phúc của một tập đoàn lãnh đạo không phải là hạnh phúc của toàn dân.
Công sản chỉ phục vụ cho công ích, không phục vụ cho tư lợi, nếu ai lấy công sản để phục vụ cho tư lợi là tội (tội hình sự) với dân tộc, với đất nước, với tổ tiên, với các thế hệ mai hậu.
An sinh xã hội 19: Công sản: chế tác ra công ích tập thể
Kết quả của sự phối hợp giữa lý thuyết luận, phương pháp luận, khoa học luận đưa tới các phân tích, các giải thích, mang sức tổng hợp của lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận để đúc kết được các phạm trù sau đây:
- Cơ sở hình thành các chính sách an sinh xã hội, lấy trọng tâm là bảo vệ các thành phần yếm thế trong xã hội: kẻ tàn tật, người lớn tuổi, mà không quên phụ nữ và trẻ em, lại càng không được quên các trẻ bụi đời hiện nay không nơi nương tựa.
- Cơ sở lý luận của công sản (bien commun) là nền của công ích tập thể (intérêts collectifs), hoàn toàn trái ngược với hiện thực của Việt Nam hiện nay cộng sản-vụ lợi trong độc đảng-tư lợi đang đưa dân tộc tới diệt vong, đất nước tới vực thẳm.
Nên:
- Công sản được đinh hướng vì dân tộc, giống nòi, đất nước.
- Công sản được đinh nghĩa bởi cộng đồng, tập thể, xã hội.
Vậy:
- Công dân chỉ có thể thể hiện đạo đức qua dân tộc, giống nòi, đất nước.
- Con người chỉ có thể được hoàn hảo hóa cùng với cộng đồng, tập thể, xã hội.
Công sản như vậy sẽ là gốc, rễ, cội, nguồn của mọi lý luận về phạm trù công ích: lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng, lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, và từ đó công sản là thành trì để chống, để xóa, để dẹp hệ độc (độc đảng, độc tài, độc quyền, độc trị, độc tôn) luôn mang theo bao độc hại của hệ tham (tham ô, tham nhũng, tham quyền, tham quan, tham tiền) mà tôi và các công dân khác phải cùng dân tộc tôi xóa bỏ cả độc lẫn tham để bảo vệ công sản.
01.07.2019
Lê Hữu Khóa
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học* Giám đốc Anthropol-Asie *Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á *Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO–Liên Hiệp Quốc *Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).