Phong trào Nhà Ánh Sáng của Tự Lực Văn Đoàn Vào ngày 7-7-1963, ông Nguyễn Tường Tam, tức nhà văn Nhất Linh đứng đầu Tự Lực Văn Đoàn nổi danh thời 1932 - 1945, dùng thuốc độc quyên sinh tại nhà riêng ở Sài Gòn nhằm phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ông ra trước Tòa án vào ngày hôm sau, trong một cáo buộc cho rằng ông liên quan đến vụ đảo chính của Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông năm 1960. Lá chúc thư ông để lại viết:
“Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do”.
Đến hôm nay vừa chẵn 50 năm. Ngẫm nghĩ kỹ, những lời ngắn gọn ông Nguyễn Tường Tam viết trước lúc mất có một giá trị cảnh báo bất hủ, không chỉ với chính số phận của chính quyền Ngô Đình Diệm gần nửa năm sau đó mà còn với xu thế lâu dài của đất nước.
Như BVN đã đưa tin trong bài của Phan Tấn Hải, trong dịp này tại California có tổ chức lễ tưởng niệm và một cuộc triển lãm và Hội thảo khoa học có tính cách quốc tế về hai tờ Phong hóa, Ngày nay và Tự Lực Văn Đoàn do báo Người Việt và báo Diễn đàn thế kỷ đồng chủ trì.
Về phần BVN, hơn nửa năm trước đã có bài Thử định vị Tự Lực Văn Đoàn của GS Nguyễn Huệ Chi trong dịp kỷ niệm 80 năm ra mắt tổ chức văn học không tiền khoáng hậu ấy. Nay, lại đúng 50 năm ngày mất của văn hào Nhất Linh, chúng tôi xin trân trọng đăng tiếp bài viết của học giả Đỗ Quý Toàn là một trong các tham luận trong Hội thảo sắp diễn ra ở nước Mỹ, và chờ đợi nhận thêm các bản tham luận khác sẽ xin đăng bổ sung vào Chủ Nhật tới.
Bauxite Việt Nam
Hội Ánh Sáng của báo Ngày nay và Tự Lực Văn Đoàn đã gây nên một phong trào văn hóa xã hội ở nước ta vào cuối thập niên 1930. Nhờ tờ báo nên tầm ảnh hưởng của các hoạt động đó lan rộng trong tâm lý của rất nhiều người Việt Nam, nhất là giới trung lưu, trí thức, thanh niên ở đô thị trong thời gian từ năm 1937 cho tới năm 1945.
Chương trình thành lập hội đã được công bố trên báo Ngày nay số 38, ngày Chủ nhật 13 tháng 12 năm 1936. Tờ báo kêu gọi lập một Hội Bài trừ những Nhà Hang Tối, còn gọi là Hội Ánh Sáng. Họ đưa ra ba châm ngôn Xã hội – Nhân đạo – Cải cách. Tiếp theo, số 39 có bài “Nhà rẻ tiền để dân nghèo và thợ thuyền ở” của Hội Bài trừ những Nhà Hang Tối. Trong bài này vẽ một biểu tượng hình tròn, vẽ một nắm đấm đè bẹp mái nhà tranh tre xiêu vẹo. Nửa trên của vòng tròn là một ngôi nhà cao ráo trong ánh sáng bình minh.
Tờ báo còn cho in một số mô hình nhà ánh sáng đã được triển lãm, và kêu gọi mọi người gửi những ảnh mẫu nhà hang tối, hoặc hình những căn nhà đẹp mà kiến trúc có nhiều cái lạ, cái hay tới toà soạn để đăng báo. Sau này Tự Lực Văn Đoàn dùng một hình tròn đen với ba vạch trắng nằm chéo, và hai chữ “A S” ở hai bên; nằm giữa một hình chữ nhật giống như lá cờ, làm biểu tượng cho Hội Ánh Sáng. Kể từ số báo 40, Ngày nay dành mỗi tuần mấy trang viết về Hội Ánh Sáng, và đăng các ý kiến ủng hộ của bạn đọc gửi tới từ Hà Nội và các tỉnh như Cần Thơ, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quy Nhơn, Huế, Nam Định, Vĩnh Yên, Phúc Yên, vân vân; tức là gần khắp nước.
Tác động sâu rộng trong xã hội Hội Ánh Sáng đã tạo nên một phong trào có chiều rộng và chiều sâu, được nhiều giới ủng hộ. Trong Ngày nay số 71 có đăng ý kiến hưởng ứng và ủng hộ Hội Ánh Sáng của anh em thợ thuyền ở Vinh, cho thấy phong trào được giới lao động hưởng ứng. Tòa báo cũng loan tin ông “AiLen” (tên phiên âm?) chủ hãng G.M.R , loan báo xin nhận anh em lao động trong xóm thợ thuyền vào làm việc của hãng ông. Ông còn tổ chức bán hàng từ thiện, một ngày trích ra 10% số tiền thu được giúp dân bị lũ lụt tỉnh Bắc Ninh. Đoàn Hướng đạo Lê Lợi và ban ca vũ May Blossom cũng biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội lấy tiền giúp Hội Ánh Sáng.
Nửa năm sau khi dự án được công bố, cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Tạm thời, ở nhà ông Phạm Văn Bính, số 55 phố Hàng Bún, đã có mặt đại biểu của nhiều tờ báo, như Vũ Đình Chí (Việt báo), Lê Văn Thu (Đông Pháp), Dương Mậu Ngọc (Trung Bắc), các nhà văn Phan Trần Chúc, Phạm Lê Bổng, các Kiến trúc sư Vũ Đức Diên, Hoàng Như Tiếp, Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ; ngoài các thành viên Tự Lực Văn Đoàn và các Họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Lưu Văn Sìn.
Nhìn vào danh sách những người góp công cổ động thành lập hội và tham gia vào hội từ lúc đầu chúng ta thấy chương trình này được giới trí thức đương thời ủng hộ. Một ủy ban chuẩn bị thành lập hội do Phạm Văn Bính làm “thư ký tạm thời” từ tháng Năm 1937 đã có mặt 14 người, nhiều nhân vật nổi tiếng thuộc các lớp trung lưu, trí thức; như Bác sĩ Phạm Hữu Chương, Ngô Trực Tuân, Luật sư Trần Văn Chương, Kỹ sư Trần Văn Tiết, các Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, các thương gia và nhiều nhà báo. Trong số những người tham gia và hỗ trợ Hội Nhà Ánh Sáng có Bà Hoàng Xuân Hãn, sau này ông làm Bộ trưởng Giáo dục trong Chính phủ Trần Trọng Kim; ông Vũ Đình Huỳnh và các ông Trần Huy Liệu, Vũ Đình Hòe, sau làm Bộ trưởng trong Chính phủ Hồ Chí Minh. Danh sách các ủy viên trong các “ủy ban hành động” của hội còn những nhân vật khác, nổi tiếng như các ông Hoàng Cơ Thuỵ, Hoàng Cơ Bình, Bùi Tường Chiểu, Võ An Ninh, Thẩm Hoàng Tín, Nguyễn Gia Đức, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Gia Đức, Lương Xuân Nhị, Vũ Đình Liên, Hoàng Xuân Hãn.
Từ Hà Nội, Hội Ánh Sáng phát triển hoạt động tới các thành phố Hải Phòng, Nam Định, Đà Nẵng, vào tới Sài Gòn. Khi Nhất Linh và Thế Lữ đi Hải Phòng vận động thành lập chi nhánh (Ngày nay số 91, trang 6), các nhân vật địa phương thuộc nhiều giới khác nhau đã tham dự, như ông Bạch Thái Đào, một nhà kỹ nghệ, ông Vi Huyền Đắc, sau thành một nhà soạn kịch nổi tiếng. Ở Nam Định, buổi diễn thuyết ngày 25 tháng Giêng 1938 (Ngày nay số 95, trang 6) có các diễn giả như Vũ Đình Hòe, Vũ Đức Diên, Bà Trịnh Thị Thục Oanh, bà là “Đốc học các trường học nữ Hà Nội”. Họ đều là những nhân vật nổi tiếng trong các lãnh vực văn hóa, xã hội và chính trị lúc đó hoặc sau này.
Bây giờ đọc lại báo Ngày nay thời đó, người ta còn ngạc nhiên vì sự ủng hộ của công chúng đối với chương trình Nhà Ánh Sáng. Đây là một sáng kiến tập họp mọi người dân trong một công tác có tính cách từ thiện nhưng cũng phát động một nếp sống mới, cải cách xã hội ngay trong quan niệm về nhà ở. Điều này chứng tỏ trong xã hội cổ truyền Việt Nam đã có sẵn óc tương trợ, tinh thần hợp tác, và sẵn sàng thí nghiệm với lối sống mới. Sự góp mặt của hàng ngàn người, vừa ủng hộ vừa tham gia hoạt động với một tổ chức mới cho thấy người Việt Nam đã mang sẵn tập quán để xây dựng một xã hội công dân khi có cơ hội. Chúng ta biết rằng ngay các làng xã Việt Nam đã chứa sẵn những mạng lưới xã hội với các tổ chức tự nguyện cho rất nhiều lớp người.
Dân Hà Nội thời đó chứng tỏ họ vẫn đầy đủ tinh thần hợp tác vì công ích. Buổi ra mắt công chúng đầu tiên của Hội Ánh Sáng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vào 9 giờ tối Thứ Hai, 16 tháng Tám năm 1937, báo Ngày nay đã thông báo ai muốn dự phải tới tòa báo nhận giấy mời, vì số chỗ ngồi có giới hạn. Đêm hôm đó, hơn 2000 người được mời vào trong rạp hát, một số tương đương phải đứng ngoài nghe qua loa phóng thanh. Có những người từ Huế đến, từ Hà Nam, Thái Bình lên. Họ tới để nghe các bài diễn thuyết khô khan, có bài nói rất dài. Phần giải trí chỉ gồm mấy bài hát của các em “Sói con” thuộc phong trào Hướng đạo ở Hà Nội; các em hát những bài theo điệu cổ hoặc ca khúc bình dân của Pháp, đặt lời Việt, chỉ cổ động cho Nhà Ánh Sáng.
Ban tổ chức đã phải nhờ các Hướng đạo sinh đem phát hơn 2000 tờ “Giấy xin lỗi” cho vài ngàn người đứng ngoài. Trong nhà hát, máy phóng thanh kêu gọi: “Xin những ông nào cứng chân, cứng tay chịu khó đứng dậy nhường chỗ cho các bà các cô yếu đuối!” Một cô “thân thể nở nang” đang đứng đã phản đối: “Chúng tôi chẳng cần ai nhường chỗ!” và được nhiều người hoan hô. Hơn hai ngàn người ngồi im lặng nghe các bài diễn thuyết của Nhất Linh, Phạm Văn Bính, vân vân, mà theo nhận xét của nhiếp ảnh gia Anh Photo, “Các ông các bà ấy ngồi nghe yên lặng, chăm chú như Bụt cả”. Nhiều người vỗ tay hoan hô các diễn giả đang nói, nhưng bị người chung quanh “suỵt” yêu cầu ngưng, “làm như thính giả không được quyền ngắt lời diễn giả”. Ngay cả giới công nhân giúp việc xây dựng và bài trí sân khấu cùng phòng họp, bảy người do ông Cai Phả chỉ huy, cũng ý thức trách nhiệm xã hội khi họ trả lại số tiền thù lao, để đóng góp với Hội Ánh Sáng. Họ xin gia nhập, còn hứa sẽ cổ động thêm 100 hội viên mới khác (bài tường thuật của Khái Hưng trên Ngày nay số 73, trang 663).
Trên các trang báo Ngày nay, chúng ta đọc thấy những tin tức về các người đóng góp cho Hội Ánh Sáng. Một độc giả ký “Vô Danh” từ Quy Nhơn gửi hai đồng về giúp quỹ hội. Hội tổ chức một cuộc đấu quyền lấy tiền làm việc nghĩa, Võ sĩ Mai Thanh Ngọ mang đến tặng hội 5 đồng “để mua gạo phát chẩn cho dân bị lụt. Con số 5 đồng đó cũng lớn bằng số tiền ông Thống sứ Châtel tặng cho hội! Chủ hiệu may Tân Mỹ ở phố Bờ Hồ xin trích 5% số tiền bán hàng lẻ trong hai tháng để “biếu anh em bị lụt và Hội Ánh Sáng”. Trong số báo 83 (ngày 3 tháng 10, 1937) tờ báo loan tin nhận được 25 đồng của một vị ẩn danh, do “Sư cụ chùa Quán Sứ” đem tới. Nhà hảo tâm này đến chùa nhờ cúng “làm chay” cho cha mẹ, sư cụ đã khuyên đem tiền giúp một công cuộc từ thiện, và họ đã chọn Hội Ánh Sáng. Tuần sau, sư cụ lại đưa thêm 50 đồng, cũng do một tín chủ ẩn danh tặng Hội, bỏ việc “làm chay” để góp quỹ từ thiện. Một hội thể thao, Tổng cuộc Vận động Bắc Kỳ đã tổ chức một ngày thao diễn với các môn bóng rổ, bóng tròn, một nửa số tiền thu được đem cho Ban Từ thiện Hội Ánh Sáng mua gạo giúp đồng bào bị nạn lụt.
Thay đổi toàn diện xã hội cũKhái Hưng kết luận bài tường thuật trên bằng một ý kiến, ý kiến này giải đáp một câu hỏi của Nhất Linh nêu trong bài diễn thuyết đầu. Khái Hưng quả quyết: “Có thể thay đổi khác hẳn trước được! Chúng ta đều tin chắc như thế!”
Thay đổi “khác hẳn trước”, cũng như châm ngôn Cải Cách, đều phù hợp với chủ trương của Tự Lực Văn Đoàn. Từ lúc đầu họ đã nói muốn thay đổi văn chương, nghệ thuật. Họ đã đưa ra những đề nghị thay đổi phong tục, tập quán trong gia đình của người Việt. Họ cổ động thay đổi y phục với các kiểu áo của Họa sĩ Cát Tường. Họ đóng góp cho việc thay đổi tư tưởng giới thanh niên với “Mười điều tâm niệm” của Hoàng Đạo. Báo Ngày nay cũng công khai bày tỏ ý kiến về các vấn đề chính trị đương thời. Họ bác bỏ đề nghị áp dụng lại bản Hiệp định năm 1884, Pháp trả lại quyền cai trị Bắc Kỳ cho Triều đình Huế. Cần phản đối đề nghị đó vì ai cũng biết rằng giới quan lại của nhà Nguyễn lúc đó vẫn còn rất lạc hậu, họ sẽ cai trị theo lối chuyên chế hơn cả chế độ thuộc địa. Hà Nội là một nhượng địa cho Pháp cho nên được áp dụng một số luật của Pháp, còn tốt hơn luật của Triều đình Huế.
Trên báo Ngày nay, Hoàng Đạo tiếp tục con đường của Phan Châu Trinh với những bài xã luận bàn về các quyền chính trị, quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận, đăng liên tiếp trên nhiều số báo Ngày nay. Có bài bàn về chủ trương của Đế quốc Anh cho các thuộc địa được tự trị và bầu các nghị viện với quyền quyết định các chính sách trong xứ. Ông thấy chủ trương đó có giá trị như thiết lập một chế độ “quân chủ lập hiến”, mà chức Toàn quyền đóng vai một ông vua, vẫn bị ràng buộc bởi quyền bầu cử nghị viện của người dân (Ngày nay, số 75, trang 711). Có lúc ông viết thẳng một bài kêu gọi ông Phạm Quỳnh hãy từ chức Thượng thư, trở về cương vị một nhà báo. Ông nói thẳng, đã nhận thấy sau bảy năm tham chính Phạm Quỳnh không thực hiện được một điều gì tiến bộ như ông đã từng cổ động khi làm tạp chí Nam phong. Lối viết của Hoàng Đạo trong bài này, với lý luận đanh thép và lời văn nhã nhặn, trong khi phê phán và công kích vẫn bày tỏ thái độ kính trọng đối tượng mình nhắm vào, đúng là cách cư xử của một con người thừa hưởng giáo dục nhà Nho mà lại sống với tinh thần dân chủ.
Một đức tính cần thiết để sống trong xã hội dân chủ là biết tôn trọng những người khác ý kiến với mình. Tự Lực Văn Đoàn đã thể hiện tinh thần đó mặc dù khi phê bình các nhân vật đương thời tờ báo của họ nổi tiếng về lối văn hài hước, châm chích. Một trường hợp đáng kể lại là cuộc “bút chiến” giữa Ngày nay và báo Tân Việt Nam do nhà văn Phan Trần Chúc chủ biên. Lúc đầu ông Phan Trần Chúc đã hoan nghênh Nhà Ánh Sáng, nhưng sau lại công kích, nói Hội này theo một chương trình không thể thực hiện được, giống như “công cuộc của người điên”. Hoàng Đạo đã sử dụng giọng văn hài hước, châm biếm để tấn công. Trong một bài viết, ông gọi đối thủ là “Ông Chúc họ Phan Trần”, viết đi viết lại như thế. Trong đoạn cuối, ông nhắc lại một câu ca dao cổ “Đàn ông chớ kể Phan Trần”, và kết luận: “Thế thì họ Phan Trần, ta còn kể đến làm gì!”
Cuộc bút chiến sau đó kết thúc với cuộc hòa giải của báo giới, cho thấy làng báo ở Hà Nội vẫn có một truyền thống tốt. Ngày 19 tháng Mười năm 1937, một “hội đồng” gồm nhiều nhà báo nổi tiếng ở Hà Nội, đại diện cho 9 tờ báo đang xuất bản, cộng với nhiều nhà báo độc lập khác, đã họp lại như một phiên tòa để phê bình cả hai tờ báo đang cãi nhau. Đó là “Một việc xưa nay chưa từng có trong làng báo Đông Dương”, như tựa đề bản tin đăng trên Ngày nay số 83, trong tuần lễ sau đó. Bài tường thuật kể lại những lời chỉ trích báo Ngày nay của Lê Văn Siêu (ông nói: Ngày nay có lỗi nhiều hơn, nhất là khi đem họ của Phan Trần Chúc ra chế nhạo); Trần Huy Liệu (được bầu làm chủ tọa, ông nói trong lời kết luận: “Tôi phàn nàn anh Hoàng Đạo đã dọa đánh trong báo Ngày nay); nhà thơ Thao Thao (Tôi phản đối cái lối viết thô bỉ và tục tằn của cả hai bên); Trương Tửu (Trong cuộc bút chiến không được dùng những cái lối mỉa mai, mạt sát, đểu giả); vân vân. Lối trình bày trung thực này, đăng những lời chỉ trích cả hai báo Tân Việt Nam và Ngày nay, là một thái độ thẳng thắn, trung thực đáng kính trọng; các nhà báo thời nay cần phải học lại thái độ đó.
Phong trào Nhà Ánh Sáng không phải chỉ nhắm vào mục đích xây cất nhà rẻ tiền, như trong điều lệ của họ, mà còn nuôi những tham vọng lớn hơn. Trong bài diễn thuyết của Nhất Linh ở Hải Phòng, ngày 13 tháng Giêng năm 1938, ông đã nói đến viễn tượng xây dựng những “thôn Ánh Sáng” để cải thiện toàn thể xã hội nông thôn Việt Nam. Trong các thôn đó các “ủy viên Ánh Sáng sẽ đến dân ở trong thôn, hàng tuần tổ chức các cuộc nói chuyện thân thiện và có ích, những cuộc vui giải trí. Mỗi ủy viên sẽ nhận lấy một gia đình và đi lại thăm nom họ, dạy bảo họ như một người bạn thân”. Ông cho thấy mục đích của phong trào này không phải chỉ là để xây nhà: “Làm nhà không, không đủ, các ủy viên Ánh Sáng sẽ là và phải là những người bạn thân để mãi mãi dìu dắt đám dân nghèo ra khỏi nơi tối tăm”. Chúng ta thấy Nhất Linh có cả một chương trình cải cách xã hội, chứ không phải chỉ xây dựng các thôn Nhà Ánh Sáng.
Trong bài nói chuyện trên Nhất Linh vẽ ra triển vọng một thời kỳ “Thay đổi toàn diện xã hội cũ” theo “cảnh đời mẫu trong các thôn trại Ánh Sáng.” Ông nhấn mạnh, “sự thực hiện mục đích của Đoàn đã lan ra ngoài phạm vi của đoàn, của chi đoàn ở các tỉnh, các huyện và tràn về tới các làng quê…. Đến lúc đó, cái xã hội cũ của ta đây sẽ hoàn toàn biến thành một xã hội mới, một Xã hội Ánh Sáng”. (bài diễn thuyết đăng lại trên Ngày nay số 94, 16 tháng Giêng 1938, trang 6, 7).
Nhìn lại các ý tưởng mà Nhất Linh nêu ra như trên, chúng ta thấy ước vọng của ông và cả nhóm Tự Lực Văn Đoàn là tiến tới một phong trào cải cách cả xã hội, bắt đầu bằng hoạt động của Hội Ánh Sáng. Tham vọng này không khác gì chương trình một đảng chính trị hay một tổ chức cải cách xã hội; nó giải thích sự dấn thân của Tự Lực Văn Đoàn vào các đảng chính trị quốc gia sau này.
Một cải cách xã hội khác là nâng cao vai trò của nữ giới. Các tiểu thuyết luận đề của Tự Lực Văn Đoàn đã đưa ra chủ trương nâng cao địa vị phụ nữ trong gia đình và xã hội. Hội Ánh Sáng thể hiện chủ trương đó trên một bình diện rộng hơn. Trong buổi ra mắt Hội Ánh Sáng ở Hải Phòng kể trên, Bà Nguyễn Thị Phú đã đọc một bài diễn văn nói về hoạt động xã hội ‘đưa đường chị em đến sự giải phóng”. Bà cổ động: “Các bạn nên ra ngoài xã hội, cùng các bạn trai gánh vác lấy công việc chung… Các chị em nghèo kém hiện nay đương chìm đắm trong tối tăm, sẽ được các bạn săn sóc thân yêu đến và gia đình các bạn nghèo đó, trong các thôn trại Ánh Sáng, sau đây sẽ là gia đình thứ hai của các bạn”.
Cuộc diễn thuyết ở Hải Phòng, ngày 13 Tháng Giêng năm 1938 đã lôi kéo được hơn một ngàn người tham dự bên trong Nhà Hát Lớn và nhiều người đứng ngoài. Trong bài tường thuật, Tứ Ly (Hoàng Đạo) kể rằng mấy ngàn người đứng bên ngoài, trong gió lạnh, vẫn kiên nhẫn nghe các bài diễn thuyết đến gần nửa đêm. Vào lúc cuối, khi các hướng đạo sinh cất lời hát, “Giờ đây anh em đứng lên…” thì cả rạp “cất tiếng ầm lên để hưởng ứng” và đưa tay lên “chào nhau theo lối Ánh Sáng (Ngày nay số 95, ngày 23 tháng Giêng 1938, trang 6, 7). Lối chào Ánh Sáng đã được phát động cho thấy nhóm Tự Lực Văn Đoàn muốn gây một phong trào xã hội. Trên báo Ngày nay số 92, ngày 2 tháng Giêng 1938, trang 8, có mô tả các cách chào này, với hình vẽ: “Giơ bàn tay lên và xòe thật rộng năm ngón tay như hình mặt trời và năm tia sáng (in nghiêng trong nguyên văn). Lối chào thường: giơ bàn tay ngang tai. Chào ủng hộ: giơ hẳn bàn tay lên cao (lúc đông người)”. Dùng một lối chào riêng là một cử chỉ cốt bày tỏ thái độ dấn thân và ý muốn tham dự vào một phong trào xã hội; chắc do ảnh hưởng khi coi hình ảnh các cuộc tập họp của thanh niên đảng phát xít ở Ý và quốc xã tại Đức. Vào những năm sau 1945, khi cả xã hội Việt Nam chuyển mình với phong trào đòi độc lập, thoát khỏi ách đô hộ của quân phiệt Nhật và thực dân Pháp, các thanh niên dấn thân cũng được cổ động dùng một lối chào riêng, đưa bàn tay nắm chặt lên ngang tai. Hội Ánh Sáng dùng một lối chào riêng cho thấy các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn muốn gây một phong trào xã hội sâu rộng, mặc dù trong thời gian đó họ không chủ trương một đảng chính trị.
Dùng sinh lực của một dân tộcTuy theo đuổi viễn tượng một cuộc cách mạng xã hội, hoạt động đầu tiên của Hội Ánh Sáng được nêu lên chỉ khiêm tốn là: “bài trừ những (căn) nhà tối tăm bẩn thỉu, có hại cho người ở về phương diện vệ sinh và tinh thần” (bài diễn văn chính thức của ông Phạm Văn Bính, đọc tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày ra mắt Hội, 16 tháng Tám, 1937, in trong Ngày nay số 75, trang 714). Trên báo Ngày nay, Hoàng Đạo đã viết những bài trong mục “Bùn lầy nước đọng” để báo động công chúng về nếp sống nghèo khổ và lạc hậu ở thôn quê. Ông mô tả một làng, tiêu biểu cho cả xã hội nước ta: “đây, những lũy tre xanh cao vót ngăn cản hết gió mát ở cánh đồng lại; kia, những ao chuôm nước đen màu bùn là nơi tắm gội, rửa ráy, giặt rịa (sic) [gịa] của thôn dân; rải rác trong những mẩu vườn con, đầy rác, là những mái nhà tranh lụp xụp, ẩm thấp, bên cạnh những chuồng lợn hôi hám… Nhưng nếu chúng ta bước vào những ngôi nhà ngói ấy, ta sẽ lại thất vọng… một thứ mùi hôi mốc sông (sic) [xông] lên chẹn lấy cổ; một thứ không khí lạnh, ẩm bao bọc lấy người… Những buồng ở thì bé nhỏ như một cái hang, tối om và thấp lè tè: Sống ở trong ấy hẳn là có cảm tưởng sống trong một gian ngục. Thà rằng nằm trong gian nhà tranh còn hơn”.
“Song đến gian nhà tranh ta cũng không thấy hơn. Những buồng cũng tối om như một cái hang, nếu không trống trải như một cái quán; những gian nhà như vậy, mùa đông gió lùa vào chắc là lạnh cắt ruột …” (Ngày nay số 72, trang 639). Hoàng Đạo cũng bác bỏ ý kiến cho là vì nghèo quá nên người dân quê mới sống trong những căn nhà như thế. Ông nêu thí dụ dân nghèo Nhật Bản vẫn sống trong “ngăn nắp, sạch sẽ, nhiều khi còn lại có vẻ mỹ thuật nữa”; trái lại “bên Tàu những nhà giàu có chăng nữa nhà cửa cũng vẫn bẩn thỉu, hôi hám”. Ông nhắc lại câu phương ngôn “Đói cho sạch, rách cho thơm” chứng tỏ người Việt Nam vẫn có ý thức về vấn đề này.
Với những bài như trên, cổ động cho việc cải tổ gia cư, báo Ngày nay đã dành mỗi tuần một hai trang (trên tờ báo thường 16 trang) cho hoạt động của Hội Ánh Sáng. Nhà báo Phạm Văn Bính là người hoạt động nhất trong việc thành lập Hội Ánh Sáng, ông đóng vai Thư ký Ủy ban lâm thời rồi làm Thư ký khi Hội thành lập. Ông đi các nơi mời người gia nhập hội. Trong bài diễn văn kể trên, ông nêu ra mục tiêu cụ thể của Hội là xây dựng những ngôi nhà kiểu mẫu trong các xóm thợ thuyền và các làng quê. Hơn nữa, Hội còn muốn làm công việc “giáo dục” đồng bào, như, “bảo cách cho dân quê đào những giếng nước sạch sẽ theo lối khoa học, đắp những đường đi rộng rãi, thẳng thắn và sẻ những rãnh để nước bẩn có chỗ thoát”. Bốn mục tiêu của Hội có thể tóm tắt như sau:
1. Bài trừ những nhà tối tăm, có hại về vệ sinh.
2. Khuyến khích làm ngôi nhà đẹp sạch sẽ, bằng nhiều nguồn vốn, trợ cấp của Chính phủ và đóng góp của các nhà hảo tâm. Bảo cách cho dân quê đắp đường đi, đào giếng nước, xẻ thùng rãnh hôi hám có lối thoát.
3. Cổ động, truyền bá cho mọi người, nhất là đàn bà trông nom việc gia đình, cho các chủ nhà ăn ở ngăn nắp sạch sẽ, vệ sinh.
4. Bằng nhiều cách để giúp đỡ các gia đình nghèo “đang ở trong nhà hang tối” có nhà sáng sủa hơn.
Phạm Văn Bính nói, “chúng tôi đã trông thấy một cái chương trình man mác, không phải sức một bọn người có thể làm nổi mà cần phải dùng hết sinh lực của một dân tộc mới mong có kết quả hoàn mỹ” (Báo Ngày nay số 75, 15 tháng Chín, 1937, trang 714).
Những ý kiến trên được cổ động từ thập niên 1930 phản ảnh ý thức xã hội, tinh thần dấn thân và óc thực tế của những người chủ trương Tự Lực Văn Đoàn. Trong bài diễn văn trên, Phạm Văn Bính cũng nhấn mạnh đến giới lao động: “Chúng tôi… nhận rằng vấn đề nhà cửa của anh em thợ thuyền là một vấn đề rất cần kíp” và ông trình bày viễn ảnh “Hội Ánh Sáng dựng một làng thợ thuyền, trong đó có đủ cả vườn cho trẻ em chơi, nhà hội họp, đọc sách, xem báo, chỗ cho thuốc, chỗ tắm rửa, vân vân”. Ông nêu lên dự phóng làm những ngôi nhà rẻ tiền, “mỗi nếp nhà như thế có thể đủ cả bếp nước, sẽ tốn vào khoảng bảy chục đến một trăm bạc”. Hội Ánh Sáng sẽ cho thuê các căn nhà đó với “một giá rẻ, tùy theo từng hạng chủ nhà một”.
Trong một cuộc tiếp xúc với Bác sĩ Hermant, Tổng thanh tra y tế Đông Dương, tương đương với chức Bộ trưởng Y tế cho cả ba nước Việt, Mên, Lào để xin yểm trợ, phái đoàn Hội Ánh Sáng đã trình bày dự án “làm ngay một xóm thợ thuyền ở gần Hà Nội”, với phương pháp “cho thuê rồi bán” (vente-location). Phái đoàn Hội Ánh Sáng nói: “Trong xóm thợ thuyền đó, hội sẽ trù liệu… làm một nhà hội họp chung cho anh em thợ thuyền, chỗ xem báo, đọc sách, chỗ đi chơi cho trẻ em lao động, và một gian phòng cho thuốc (y tế) trong đó có những thứ thuốc thông dụng, như thuốc đau mắt, đau bụng, chữa bỏng,vân vân. Hội sẽ mượn những Hướng đạo sinh có bằng Hồng thập tự thay phiên nhau đến trông nom gian phòng thuốc ấy…”.
Đối với dân trong các làng quê, Hội Ánh Sáng nói: “dân quê là phần tử cốt yếu của nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ khuyến khích họ đào giếng theo lối khoa học để có nước trong sạch mà uống… Còn nhiều việc khác như làm đường rộng rãi, thẳng thắn, khai rãnh, làm cống, chúng tôi sẽ tùy sức mà giúp họ dần dần” (Ngày nay số 62, trang 409).
Đọc lại những ý kiến trên chúng ta thấy phải xét lại những lời phê bình về thái độ của các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn, coi họ là tầng lớp tiểu tư sản ở thành phố, đứng ngoài nhìn vào đời sống cực khổ của nông dân mà không dấn thân tranh đấu cho những người cùng khổ. Thực ra, họ là những thanh niên có ý thức sớm nhất về nhu cầu cải tổ xã hội, và dấn thân vào những chương trình cụ thể nhất vào lúc đó.
Giống như các phong trào thanh niên hoạt động xã hội sau này, trong Phong trào Ánh Sáng cũng xuất hiện những bài hát, bài đồng ca để tác động giới trẻ. Báo Ngày nay số 73 đã in bài hát do Thế Lữ soạn lời dựa theo giai điệu bài La Badge của hướng đạo sinh Pháp:
Anh em! Thấy không trong đời
Còn bao nhiêu nỗi đớn đau
Dân ta biết bao nhiêu người
Lầm than nheo nhóc bấy lâu
Trong xó vách nát, lều tranh
Chen chúc sống dưới trời xanh
Nào! Đem Ánh Sáng soi tới
Vùng tối tăm cho người cùng loài
Nào! Đem Ánh Sáng soi tới
Đời tối tăm bao người
(Soạn lời cùng Trần Duy Hưng, một huynh trưởng Hướng đạo)
Trong báo Ngày nay số 75, Thế Lữ soạn lời một bài ca Ánh Sáng, theo điệu Mãi Tạp Hóa, một điệu ca sau còn được đặt lời thành bài hát “Anh hùng xưa” rất phổ thông:
Đoạn (1)
Reo mừng đi! Ới đời sung sướng
Non nước non đua cười
Cười ròn sáng
Ánh sáng hằng reo xuống
Non nước non đua cười
Cùng ta (cùng) ta sung sướng
Trông nước non đua cười
Thấy đời vui!
Đoạn (2)
Trông kìa trông lớp nhà ai đứng
Tranh mái tranh gọn gàng
Tường mầu trắng
Ánh Sáng vàng tươi nắng
Như bức tranh nhịp nhàng
Nhà ai nhà ai quang sáng
Hương gió đưa dịu dàng
Dưới trời quang.
Thêm một bài hát theo điệu “Ngũ điểm mai” do Thế Lữ soạn lời mới:
Đón mừng Ánh Sáng cùng reo
Bao nhiêu miệng bấy nhiêu nụ cười
Kìa trông dưới xóm cây tươi
Khéo trang điểm cái vui bạn nghèo
Bước vào mấy lớp nhà tranh
Thấy cao rộng thênh thênh lạ thường
Vì chưng “ánh sáng” xuyên ngang
Gió đưa lại ánh dương nhẹ nhàng.
Hết thời chui rúc lầm than
Thấy chăng vẻ phong quang hiện về
Bài ca “ánh sáng” lan đi
Sáng soi cả thôn quê thị thành.
Các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn đã biết vận dụng các phương tiện truyền thông trong thời đại của họ trong dự phóng cải tạo xã hội. Họ đã nhìn thấy triển vọng lớn nếu tác động được giới thanh niên tham gia vào phong trào nhằm thay đổi xã hội này. Vì vậy, ngay từ khi thành lập, họ đã được các đoàn hướng đạo hợp tác. Phạm Văn Bính cũng là một huynh trưởng hướng đạo; sau năm 1950 ông cũng tham gia chính trị, từng làm bí thư cho cựu hoàng Bảo Đại và làm bộ trưởng thanh niên.
Với phương pháp vận động mới mẻ, Hội Ánh Sáng đã gây quỹ bằng cách đưa các thanh niên, thiếu nữ gọi là “ủy viên Ánh Sáng” và “các nàng tiên Ánh Sáng” đi lạc quyên khắp thành phố Hà Nội. Một “Ngày Ánh Sáng ở Hà Nội đã mời thêm được 2352 người gia nhập hội, với tiền thu được 1221 đồng.
(Còn tiếp)
Sửa bởi người viết 07/07/2013 lúc 10:40:57(UTC)
| Lý do: Chưa rõ