Tượng chiến lược gia Tôn Tử tại Nhật Bản. Phải chăng Trung Quốc đang áp dụng sách lược Tôn Tử trong cuộc đọ sức với Mỹ? Wikimedia Commons
Cuộc chiến thương mại đang đẩy Hoa Kỳ và Trung Quốc vào một cuộc đối đầu chưa từng có, dù đó là một cuộc đối đầu không vũ trang. Theo nhận định của chuyên gia quân sự Jean-Vincent Brisset, thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS trên tờ Atlantico, « Nếu các nhà lãnh đạo phương Tây muốn hiểu hành động của Bắc Kinh thì điều mà họ lẽ ra phải học trước tiên chính là binh pháp Trung Quốc ».
Binh pháp Trung Quốc là một bộ binh thư rất đặc biệt. Liệu rằng các định hướng chiến lược mà quân đội Trung Quốc đang sử dụng kể từ ngày thành lập đến nay có thể giải thích phần nào cách thức mà Trung Quốc đang tiến hành trong cuộc xung đột thương mại hiện nay ?Nói về « binh pháp Trung Quốc » rất là khó. Nếu như đế chế Trung Hoa trong lịch sử trải qua biết bao cuộc xung đột, thì phần lớn đó đều là nội chiến. Nhưng người ta cũng hay quên là chỉ có hai triều đại duy nhất từng chiếm đóng một vùng lãnh thổ lớn hơn cả vùng lãnh thổ của Trung Quốc truyền thống đều là hai triều đại ngoại bang và thực dân : Triều đại Nguyên Mông và Nhà Thanh (Mãn Châu).
Khi Mao Trạch Đông lên cầm quyền, Trung Quốc tiến hành nhiều cuộc chiến bên ngoài lãnh thổ. Tại Triều Tiên, Trung Quốc huy động những quân đoàn hùng hậu, gây ấn tượng bởi các đợt tấn công trực diện ồ ạt, không có một tầm nhìn chiến lược nào, khiến quân lính chết như rạ. Điều ngạc nhiên là không quân Trung Quốc tham gia cuộc chiến này đã chứng tỏ những năng lực tuyệt vời trong các cuộc không chiến, ở đó các năng lực cá nhân là điều cốt lõi. Còn trong chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, sự tham gia của Trung Quốc không rõ ràng và không đáng kể.
Năm 1962, xung đột Trung - Ấn lại rất khác lạ. Bởi vì, lần đầu tiên Trung Quốc « chuẩn bị » tham chiến bằng một loạt các hành động và biểu dương sức mạnh cực kỳ hiệu quả, đến mức quân đội Ấn Độ chưa ra trận mà đã mẩm chắc là sẽ thua. Năm 1979, « cuộc viễn chinh trừng phạt » Việt Nam lại kết thúc bằng một thất bại ê chề.
Còn cuộc xung đột Trung Quốc – Liên Xô chỉ tóm gọn trong vài trận giao tranh nhỏ, không có quân sự hóa vùng biên giới. Đối với Đài Loan, hòn đảo này trong một thời gian dài, đã tìm cách tiến hành nhiều chiến dịch nhỏ nhắm vào Hoa Lục ; các cuộc va chạm xảy ra nhiều hơn và kéo dài hơn nhưng chưa bao giờ trên quy mô lớn.
Các « định hướng chiến lược » đã có những tiến triển nhiều kể từ năm 1949. Ban đầu, Mao Trạch Đông huy động người dân được trang bị vũ khí – mà thực ra đó là lực lượng bộ binh, trang bị yếu kém và có sự hỗ trợ của lực lượng pháo binh kém cơ động, để đối phó với khả năng quân Mỹ từ biển tấn công vào.
Việc khẳng định một « cuộc chiến tranh nhân dân », đi kèm với những tuyên truyền về « con hổ giấy » nguyên tử (Mỹ), không ngăn cản Người Cầm Lái Vĩ Đại sớm khởi động chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Thậm chí, những ai tham gia vào chương trình này, nhắm đối phó với cả Liên Xô cũng như Mỹ, đều « được tha » trong suốt thời kỳ Đại Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa.
Trên thực tế, Trung Quốc tiến hành song song hai hướng chiến lược. Đối với Liên Xô, Trung Quốc từ chối giao chiến và lập « tuyến phòng thủ thứ ba », nằm sâu trong lãnh thổ nước này. Trái lại, Trung Quốc cho rằng nếu có một cuộc đổ bộ, quân Mỹ và đồng minh có thể không chịu nổi những tổn thất nhân mạng to lớn. Do đó, có chiến lược phòng thủ rõ ràng hướng về phía đông, tập trung bảo vệ Bắc Kinh, và Thượng Hải.
Đa phần các lập luận trên hiện nay của chính phủ Trung Quốc là dựa trên khái niệm phòng thủ này : Giáng cho đối thủ những thiệt hại đến mức cho dù họ có tuyên bố chiến thắng thì « thắng lợi » này cũng đẩy đối thủ vào vị thế bất lợi hơn so với lúc trước khi xảy ra xung đột. Đây chính là kiểu chiến lược răn đe của kẻ yếu đối với kẻ mạnh, giống như chiến lược của nước Pháp.
Đâu là những nguyên tắc chủ chốt của binh pháp Trung Quốc ?Từ nhiều năm nay, việc tán tụng « binh pháp Trung Quốc », được tóm gọn với cái tên « binh pháp Tôn Tử » rất thịnh hành. Cách nay rất lâu, Tôn Tử có viết một tiểu luận vài trang, và là nguồn gốc của hàng chục ngàn trang luận bàn sau này.
Tiểu phẩm này bao gồm hai lời dạy. Lời thứ nhất đề cập đến những tri thức thông thường về chiến thuật không có gì độc đáo lắm. Lời thứ hai mới thật hấp dẫn và vẫn luôn mang tính thời sự. Xuất phát từ nguyên tắc nên tránh giao chiến và chỉ tiến hành khi nào cầm chắc phần thắng, Tôn Tử chú trọng nhiều vào vai trò của việc thu thập thông tin và phân tích khả năng của đối thủ.
Trên cơ sở này, ông nhấn mạnh đến sự cần thiết « tác động trước » vào đối thủ, dùng mọi cách để làm suy yếu đối phương, nhất là bằng các đòn tâm lý. Giới quân sự Trung Quốc không phải lúc nào cũng áp dụng những lời dạy này, nhất là trong lịch sử, họ phải đối đầu với các cuộc nội chiến nhiều hơn là các cuộc xung đột ở bên ngoài lãnh thổ. Thế nhưng, trong cuộc xung đột Trung - Ấn năm 1962, những điều dạy này lại được thực hiện một cách tuyệt vời.
Tuy nhiên, nền văn hóa rất cổ xưa của Trung Quốc, không chỉ có Tôn Tử. « Ba mươi sáu kế sách » cũng quan trọng không kém. Đó chính là những kinh nghiệm khôn ngoan của nhà nông, dạy cách tay không chống trả một lãnh chúa hùng mạnh. Điều này làm chúng ta nghĩ ngay đến Robin – Thủ lãnh Rừng Xanh trong cuộc đối đầu với lãnh chúa Nottingham. Hơn nữa, ngày nay, ước mong phát triển một loại vũ khí « thần kỳ » vẫn tồn tại. Chính vì thế mà người ta nghĩ đến chiến tranh mạng, các vật thể bay siêu thanh hay nhiều thứ khác nữa.
Vậy thì chúng ta có thể dự đoán thế nào phần tiếp theo của cuộc đối đầu hiện nay giữa Trung Quốc với Mỹ ?Như chúng ta vừa thấy, các định hướng chiến lược lớn của Trung Quốc dường như chủ yếu dẫn đến thế phòng thủ khi đối mặt với Hoa Kỳ, theo chiến lược răn đe thông thường của kẻ yếu trước kẻ mạnh. Trong một thời gian dài, quả thật đúng như vậy.
Đã có nhiều thay đổi và những thay đổi đó còn đi xa hơn những phát biểu về « tin học hóa » hay cuộc chiến hiện đại. Người ta hay quên, ông Đặng Tiểu Bình, một cựu chỉ huy quân đội, từng xếp quân đội thuộc diện ưu tiên cuối cùng của Nhà nước. Trong cuộc chiến vùng Vịnh, Saddam Hussein từng được trang bị một phần vũ khí của Trung Quốc, nhưng hoàn toàn cổ lỗ, thật sự thua xa các trang thiết bị của liên quân. Giới quân sự Trung Quốc, khi ấy đã lờ mờ ý thức được sự lạc hậu, bắt đầu nói lên những chính sách của của họ, đòi hiện đại hóa quân đội.
Cùng thời điểm đó, đô đốc Lưu Hoa Thanh (Liu Huaqing), một chiến lược gia, đã thực hiện chính sách phát triển hải quân đầy tham vọng và hoàn toàn khác biệt với tất cả những gì Trung Quốc từng làm trước đó trong lĩnh vực này. Dự trù kéo dài trong nhiều thập niên, ông chủ trương – thông qua chiến lược chống tiếp cận, thâm nhập - thiết lập một sự kiểm soát toàn diện đối với các vùng biển rộng lớn, đến tận những vùng lãnh thổ tiền đồn của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Thế rồi dần dần người ta mới thấy rõ chiến lược phòng thủ của Trung Quốc ngày càng chuyển sang thế tấn công. Nhất là, sau nhiều thập niên luôn khẳng định rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên, giờ người ta bắt đầu nghe thấy Trung Quốc nói là rất có thể sử dụng loại vũ khí này trước trong trường hợp các lợi ích sống còn của họ bị tổn hại.
Những biến động tại Biển Đông, việc phát triển dự án « chuỗi ngọc » thành « Con đường tơ lụa hàng hải », việc thành lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài chứng tỏ Trung Quốc đang từ bỏ chiến lược thuần túy phòng thủ.
Tuy nhiên, trở lại với cuộc đối đầu Mỹ - Trung, nhìn từ phía Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn còn trong trạng thái răn đe của kẻ yếu trước kẻ mạnh. Và như mọi chiến lược răn đe khác, chiến lược này chỉ sẽ thành công nếu như không xẩy ra xung đột.
Theo RFI