Ngày 4 tháng 6 năm 2019, Trung Quốc kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn. Người ra lịnh cho xe tăng và quân đội cán trên thi thể và bắn trực diện vào người dân biểu tình là Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping). Cùng với người tiền nhiệm là Mao Trạch Đông (Mao Zedong) và hai hậu duệ là Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) và Tập Cận Bình (Xi Jinping), cả 4 người được Trung Quốc và thế giới xem là vĩ nhân nhưng nhìn dưới lăng kính nhân quyền, cả bốn đều là những tên bạo chúa. Bài viết trình bày tóm lược tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc trong 70 năm qua, từ thời Mao Trạnh Đông đến Tập Cận Bình.
Mao Trạch Đông và những chiến dịch sát nhân Sau cuộc Vạn Lý Trường Chinh thắng Quốc Dân Đảng và đuổi Tưởng Giới Thạch ra đảo Đài Loan, ngày 01/10/1949, tai công trường Thiên An Môn, Mao Trạch Đông tuyên bố cho toàn thế giới biết sự thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Trong 27 năm trị vì cho đến khi chết ngày 09/09/1976 lúc 82 tuổi, Mao Trạch Đông đã cai trị bằng sắt máu với chánh sách sùng bái cá nhân, đã sát hại và di hại gần 100 triệu dân (10% dân số) trong các nhà tù, trại tập trung, các cuôc đấu tố và các trận đói vì những thất bại của các chiến dịch, chánh sách tàn bạo và ngu dốt của Mao.
Sự độc tôn của Mao đến độ hoang tưởng, như trong Đại hội đảng tháng 9/1956 tại Bắc Kinh, Mao buộc các lãnh đạo trung kiên phải đọc bài tự nhận tất cả sai lầm và ca tụng Mao là “đại diện cho chân lý, không bao giờ sai lầm”. Mao tự cho là người đã kết hợp Karl Marx và Tần Thủy Hoàng, bắt mọi người dân phải học tập tư tưởng, tác phẩm của Mao. Từ năm 1965 đến khi kết thúc cuộc “Đại cách mạng văn hóa”, Trung Quốc đã phát hành 5 tỉ quyển sách nhỏ “Mao Tuyển” (Quotations from Chairman Mao Tse-Tung) mà mọi người dân luôn phải mang theo trong người để học thuộc lòng các lời dạy bảo của Mao.
Mao Trạch Đông cực kỳ tàn ác và xảo quyệt, đã dùng mưu chước và quyền lực để lợi dụng các đồng chí từng đồng lao cộng khổ trong cuộc Van lý trường chinh hầu đạt được đỉnh cao danh vọng rồi hãm hại họ. Chọn Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi) như người kế vị rồi bức hại Lưu Thiếu Kỳ chết nhục nhã, đưa Lâm Bưu (Liu Biao) lên rồi hèn hạ giết Lâm Bưu vì nghi ngờ Lâm Bưu phản bội (bị tai nạn phi cơ rơi tại một sa mạc ở Mông Cổ), chọn Đặng Tiểu Bình rồi lưu đày làm nhục Đặng Tiểu Bình, chọn Hoa Quốc Phong là người kém cỏi nhất để cho người vợ thứ tư là Giang Thanh (Jiang Qing) khuynh đảo. Mao lại là nguời dâm đảng, không phải chỉ có 4 vợ mà “qua đêm” với hàng ngàn mỹ nữ vào những tối thứ tư sau dạ yến. Mao còn là người nhơ nhớp, không bao giờ tắm chỉ lau với khăn nóng, không bao giờ đánh răng chỉ xúc miệng với một loại trà, mắc bịnh hoa liễu và truyền cho các thiếu nữ qua đêm. Mao suy nhược, thường làm việc trên giuờng hay hồ bơi xây trong dinh thự riêng gọi là Trung Nam Hải (Zhongnahan) bên cạnh Cấm Thành (theo lời kể của Lý Chí Thụy, bác sĩ riêng của Mao trong quyển “The Private Life of Chaiman Mao).
Mục đích tối hậu của Mao là đưa Giang Thanh lên cầm quyền, mặc dù khi Mao kết hôn với Giang Thanh năm 1938, Bộ Chính Trị đã có quyết định cấm Giang Thanh trong 20 năm không được tham gia việc chính trị, nhưng Giang Thanh với nhiều tham vọng đã từng bước chiếm quyền lực vượt qua Mao, nhứt là những năm cuối đời, khi Mao già yếu bịnh hoạn (bịnh Parkinson, thần kinh). Nói tóm lại, Mao tìm mọi cách loại trừ các công thần danh tướng để củng cố ngôi vị và chuyển chức “đại vương” cho Giang Thanh, nhưng những thất bại các chánh sách của Mao đã khiến giấc mộng của Mao không thành. Sau đây là tóm lược vài thành tích tội ác của Mao.
Chánh sách Trăm hoa đua nở Khi vừa chấp chánh, Mao cần tiêu diệt ngay kẻ thù của chế độ cộng sản là phe hữu và giới trí thức. Với chánh sách Trăm hoa đua nở, Mao khuyến khích giới trí thức và phe cấp tiến đóng góp ý kiến và phê bình đảng để rồi chỉ vài tháng sau, Mao bỏ tù, lưu đày hay xử tử nửa triệu người trong chiến dịch “Chống Cánh Hữu”. Mao đã ngạo mạn tuyên bố: “Tần Thủy Hoàng đáng kể gì. Ông ta chỉ giết có 46 chục nho sĩ, còn chúng ta thủ tiêu 46 vạn tên trí thức hủ nho. Có kẻ chửi chúng ta là độc tài thống trị, là Tần Thủy Hoàng thời nay. Chúng ta thừa nhận hết, nhưng chúng bây nói thế chưa đủ độ, nên chúng ta phải nói thêm rằng thực tế còn hơn thế” (Chín bài luận về đảng Cộng Sản, tr.70 ; Broad Press. ISBN: 1- 932674-325-X ). Hậu quả của chánh sách “Trăm hoa đua nở” là triệt tiêu giới trí thức Trung Quốc; những người sống sót, hoặc vâng lời “mặt trời đỏ”, hoặc tắt tiếng nói của lương tri.
Cải cách ruộng đất Cùng lúc với phong trào Trăm hoa đua nở, Mao phát động chiến dịch cải cách ruộng đất nhằm xúi nông dân đấu tố các phú nông để cướp tài sản rồi bắt giết, những đảng viên Quốc dân đảng không thoát được ra Đài Loan ẩn náu dưới dạng nông dân hay nhà giáo... “Theo công bố của ĐCSTQ, đến cuối năm 1952, số người bị tiêu diệt đến 5 triệu người” (Tuyết Mai. Lịch sử giết người của ĐCSTQ./ trithucvn.net 26/12/2017)
Phong trào “Bước Đại nhảy vọt” Tháng 1/1958, Mao phát động kế hoạch ngũ niên gọi là Phong trào Bước Đại Nhảy Vọt chủ trương tập thể hóa nông nghiệp và công nghiệp, phát triển sản xuất thép. Tất cả nông dân phải tập trung làm việc tại các công xã, ăn ở trong các nhà tập thể, phòng ăn công cộng, tất cả sản xuất thực phẩm của nhân dân bị cấm đoán. Mao bắt phải tháo gỡ đường sắt, nông cụ, thậm chí cả nồi niêu soong chảo đem nấu chảy ra để đúc thành thép, nhưng thép vô dụng vì chế tạo không đúng cách. Không sản xuất đủ thực phẩm, thời tiết xấu, nạn đói tràn lan khắp nước. Mao sống trong biệt điện, không biết đói khổ của nhân dân chỉ nghe theo nịnh thần sợ hãi, tâng bốc đại lãnh tụ bằng các báo cáo láo, thậm chí, khi Mao ra khỏi biệt điện bằng xe lửa thì nịnh thần chỉ đưa đi qua những đường có trồng rau bắp xanh tươi.
“Trong 4 năm thực hiện phong trào Bước Đại Nhảy Vọt (1959-1962), Trung Quốc đã xảy ra thảm kịch có 37,5 triệu người chết đói theo số liệu chính thức được giải mật từ quyết định của Bộ chính trị ĐCSTQ tháng 9/2005… Nạn ăn thịt người đã diễn ra ở Tứ Xuyên và nhiều nơi khác: khi chôn người chết chỉ chôn nong, đến tối bới lên lấy thịt ăn hoặc tang chủ đã lóc thịt thân nhân trước khi mai táng.…Nạn đói trong chiến dịch nầy là nạn đói lớn nhất trên thế giới vào thời điểm ấy.” (Mao Trạch Đông, ngàn năm công tội/ Tân Tử Lăng, bản dịch Thông Tấn Xã VN, 2009. tr.65).
Trước sự thất bại của Bước Đại Nhảy Vọt, năm 1959 Mao từ chức Chủ tịch Nước và Lưu Thiếu Kỳ lên thay cùng với Đặng Tiểu Bình cứu vãn kinh tế bằng cách giải tán các công xã, cho nông dân sở hữu một mảnh đất nhỏ để canh tác và nhập cảng ngũ cốc của Canada và Úc để cứu đói.
Đại Cách Mạng Văn Hóa Để thu tóm lại quyền lực, chống lại Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, năm 1966, Mao phát động cuộc Đại Cách Mang Văn Hóa, bằng cách thành lập Hồng Vệ Binh gồm các học sinh thanh niên trên dưới 20 tuổi, đặt dưới sự điều động của Tứ Nhân Bang (Bè lũ bốn tên) gồm Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn. Hồng Vệ Binh được huấn luyện hiếu sát, bắt giết các đảng viên, trí thức chống Mao, kể cả tấn công doanh trại của quân đội. Hàng chục triệu Hồng vệ binh khủng bố toàn dân, chủ trương tiêu hủy 4 cái cũ ( văn hóa cũ, tư tưởng cũ, phong tục cũ, thói quen cũ), tàn phá các di sản văn hóa (cổ vật, sách vở, đền chùa…), tạo ra hỗn loạn xã hội và kinh tế. Theo tướng Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying) tiết lộ, trong Hội nghị Trung Ương họp ngày 13/12/1978, trong 10 năm Đại Cách mạng văn hóa (1966-1976), có 20 triệu người chết, 100 triệu người bị “chỉnh đốn”, tổn thất 800 tỉ nhân dân tệ.
Kể về công tội của Mao, lịch sử Trung Quốc đa số xem Mao là tên sát nhân, như Tổng Bí Thư Hồ Diệu Bang tuyên bố có khoảng 100 triệu người Trung Quốc bị giết hại dưới triều đại của Mao.
Ngoài ra, “Theo tờ Kinh Báo Hồng Kong, vào mùa xuân năm 1992, một cơ quan truyền thông ở Bắc Kinh tổ chức cuộc thăm dò dư luận về 10 nhà lãnh đạo đáng kính nhất của Trung Quốc theo phương thức bỏ phiếu, kết quả như sau: 1. Chu Ân Lai 100% số phiếu bầu, 2. Đặng Tiểu Bình 97%, 3. Đặng Dĩnh Siêu 90%, 4. Lưu Thiếu Kỳ 88%, 5. Chu Đức 84%, 6. Vạn Lý 83%, 7. Hồ Diệu Bang 80%, 8. Dương Thượng Côn 78%, 9. Giang Trạch Dân 76%, 10. Bành Chân 72%. Còn Mao Trạch Đông được bao nhiêu? Không đến 2%.
Nhân dân đã thức tỉnh. Việc tiếp tục treo ảnh Mao trên Thiên An Môn, tiếp tục để thi hài Mao ở nhà kỷ niệm là lạc hậu cần xử lý thỏa đáng để đất nước ta thoát khỏi bóng đen Mao Trạch Đông...” (Mao Trạch Đông ngàn năm công tội, tr.112 ).
Đặng Tiểu Bình và cuộc thảm sát Thiên An Môn Nguời dân Trung Quốc và thế giới thường nhắc đến Đặng Tiểu Bình như một vĩ nhân với công cuộc cải cách kinh tế đã đưa Trung Quốc thoát ra khỏi thời kỳ lạc hậu đen tối dưới thời Mao Trạch Đông nhưng không biết hay thờ ơ với những tội ác của Đặng liên quan đến các cuộc giết hại hàng triệu người trong thời gian cầm quyền. Diên mạo và phong cách từ tốn của một nhà hiền triết hay một người cha phúc hậu đã che giấu một Đặng Tiểu Bình nham hiểm và tàn bạo.
Là đồng chí trung kiên của Mao Trạch Đông và triệt để theo thuyết Marx Lénine với chủ trương sắt máu, Đặng Tiểu Bình đã cùng với Mao Trạch Đông chiến đấu trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh từ 1930 đến khi thành công năm 1949, thực hiện các cuộc tàn sát đẫm máu trong các chương trình Đại Nhảy Vọt, Cách mạng Văn hóa vô sản, cải cách ruộng đất. Ông cũng ba lần bị thanh trừng nhưng sau mỗi lần ông lại trở về nắm quyền hành và thậm chí cao hơn trước khi bị hạ bệ. Tuy Đặng Tiểu Bình không bao giờ giữ chức Tổng Bí Thư, nhưng ông là lãnh tụ tối cao từ 1978 đến khi ông chết năm 1997. Ông đã đưa lên và hạ bệ 3 người tổng bí thư là Hoa Quốc Phong, Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, và đề cử Giang Trạch Dân thay TriệuTử Dương. Nói khác đi ông là “bố già” (parrain) của 4 tổng bí thư.
Đặng Tiểu Bình hô hào chánh sách “bốn hiện đại hóa” trong 4 lãnh vực nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và kỹ thuật nhưng ông quyết liệt từ chối hiện đại thứ năm là quyền tự do dân chủ mà nhà tranh đấu nhân quyền nổi tiếng của Trung Quốc Ngụy Kính Sinh (Wei Jingseng) đã đề nghị rồi bị bắt giam 17 năm, khi được thả năm 1997 thì bị đưa ngay ra phi trường đi Mỹ.
Cuộc hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình có mở cửa Trung Quốc thoát cảnh bần cùng chết đói dưới thời Mao, nhưng tạo ra bất bỉnh đẳng giữa giai cấp giàu nghèo, giữa các địa phương một cách lố bịch. Với phương châm “làm giàu là vinh quang, giàu không phải là xấu”, một giai cấp nhà giàu mới gồm các đảng viên và gia đình và nạn cường hào ác bá, tham nhũng tràn lan khắp nước đưa Trung Quốc đến một thảm trạng mới. Chính trong bối cảnh độc tài và bất công nầy mà cuộc thảm sát Thiên An Môn đã xảy ra vào ngày 4 tháng 6 năm 1989 (Trung Quốc còn gọi là vụ Lục Tứ)
Cuộc thảm sát Thiên An Môn - Ngày 15/04/1989, một số dân chúng và sinh viên tụ họp chung quanh Đài Tưởng niệm Anh hùng nhân dân tại công trường Thiên An Môn để tỏ lòng thương tiếc Hồ Diệu Bang vừa qua đời. Hồ Điêu Bang là người Tổng Bí Thư có tinh thần cải cách, chủ trương nới rộng tự do dân chủ, được giới trí thức và sinh viên quý trọng đã bị phe Đặng Tiểu Bình buộc phải từ chức ngày 16/01/1987.
- Ngày 19/04, cuộc tập họp biến dần thành một cuộc biểu tình ngồi của 10 000 sinh viên và công nhân yêu cầu gặp mặt các nhà lãnh đạo để trình bày những yêu sách về quyền tự do ngôn luận và bài trừ nạn tham nhũng.
- Ngày 21/04, trước ngày cử hành tang lễ Hồ Diệu Bang, 100 000 sinh viên tuần hành tại công trường Thiên An Môn đòi gặp Thủ tướng Lý Bằng, người có cùng chủ trương như Đặng Tiểu Bình đàn áp cuộc biểu tình bằng võ lực, nhưng yêu cầu của sinh viên bị từ chối. Cùng lúc bạo loạn xảy ra ở Tây An (Thiểm Tây) và Trường Sa (Hồ Nam). Đặng Tiểu Bình lên tiếng buộc tội những người biểu tình “ âm mưu gây bất ổn dân sự “ khiến cuộc phản kháng leo thang.
- Ngày 27/04, khoảng 100 000 sinh viên tất cả các đại học ở Bắc Kinh phá vỡ các rào cản của cảnh sát với sự hưởng ứng của dân chúng và công nhân diễn hành trên các đường phố tiến về Thiên An Môn.
- Ngày 13/05, dưới sự lãnh đạo của nữ lãnh tụ sinh viên Sài Linh (Chai Linh), hàng trăm sinh viên tuyệt thực vô thời hạn nhân dịp Gorbachev viếng thăm Trung Quốc, cuộc đón tiếp phải tổ chức ở sân bay thay vì tại công trường Thiên An Môn.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc mất mặt.Dưới sự lãnh đạo của các lãnh tụ sinh viên như Vương Đan (Wang Dan), Ngô Nhĩ Kha Hy (Wuer Kaixi), Chu Dũng Quân (Zhou Yongjun) v.v… phong trào phản kháng của sinh viên lan rộng đến 400 thành phố khắp nước. Trung Quốc lên cơn sốt, Đặng Tiểu Bình quyết định dùng võ lực để đán áp cuộc biểu tình.
- Ngày 19/05, Tổng bí thư Triệu Tử Dương dùng loa cầm tay để nói chuyện với sinh viên với lời lẽ ôn tồn và bài diễn văn của ông là tiếng nói của dân chủ duy nhứt của ĐCSTQ từ lúc ấy đến nay: “Hỡi các sinh viên, chúng tôi đến đây đã quá muộn. Chúng tôi xin lỗi. Các bạn nói về chúng tôi, chỉ trích chúng tôi, tất cả những điều đó cần thiết. Lý do tôi đến đây không phải là để các bạn tha thứ cho chúng tôi. Tất cả những gì tôi muốn nói với các bạn đây là các bạn đã tuyệt thực bảy ngày rồi, các bạn đã rất yếu, các bạn không thể tiếp tục như thế được…Các bạn còn trẻ, còn nhiều ngày tháng phía trước, các bạn phải sống khỏe mạnh, để nhìn thấy ngày mà Trung Quốc hoàn thành bốn hiện đại hóa. Các bạn không giống chúng tôi, chúng tôi đã già, nó không còn quan trọng với chúng tôi nữa...”.
Tổng Bí thư Triệu Tử Dương, xin lỗi những người biểu tình vì đã xuất hiện quá muộn cho một cuộc đối thoại ở Bắc Kinh vào ngày 19/5/1989. (Ảnh: Getty Images)
Chánh sách ôn hòa của Triệu Tử Dương đã khiến ông bị bãi nhiệm ngay sau đó (23/06/1989). Ông bị quản thúc tại gia suốt 16 năm cho tới ngày ông mất. Sự bức hại Triệu Tử Dương là một vết đen của lịch sử Đảng cộng sản Trung Quốc vì chính Triệu Tử Dương, trong 10 năm làm thủ tướng trước đó đã đưa Trung Quốc thoát ra khỏi bức màn sắt thời Mao. Chính ông là người mở đường cho công cuộc cải cách (trao quyền tự hữu ruộng đất cho nông dân, cải cách nông nghiệp và công nghiệp, bãi bõ kinh tế tập trung) mà sau nầy Đặng Tiểu Bình tiếp nối và khai triển. Sau cái chết của Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, Trung Quốc hoàn toàn tắt tiếng nói của dân chủ, nhân quyền.
- Ngày 27/05, chính phủ điều động 250 000 quân đội và xe tăng đến Bắc Kinh để giải tán cuộc biểu tình. Nhiều cuộc đụng độ giữa dân chúng và sinh viên với quân đội trên đường tiến quân vào thành phố.
- Tối ngày 03 và sáng ngày 04 tháng 6, quân đội xã súng bắn trực diện vào người biểu tình và xe tăng cán lên thi thể người sống, người bị thương, người chết. Máu nhuộm đỏ Thiên An Môn, đó là cuộc giết người nhanh và tàn bạo nhứt của thế kỷ XX.
Về số người chết và bị thương, cho đến nay vẫn không có con số chính xác vì chính phủ luôn từ chối cung cấp thông tin liên quan đến biến cố và cấm đoán người dân lẫn báo chí nói và viết về vấn đề nầy. Theo các thông tin gần đây, căn cứ vào các tài liệu giải mật từ các tòa đại sứ Mỹ năm 2014, Anh năm 2017, số người chết khoảng 10 000 và bị thương là 40 000 người. Sau biến cố, chính phủ bắt 21 người lãnh đạo và bắt hàng chục ngàn người đưa đến các trại giam, công trường lao động khổ sai.
Giang Trạch Dân và cuộc tàn sát Pháp Luân Công Khi Giang Trạch Dân đang làm Bí thư Thành Ủy Thượng Hải được Đặng Tiểu Bình gọi vể Bắc Kinh để chỉ huy cuộc đàn áp Thiên An Môn. Sau khi cách chức tổng bí thư Triệu Tử Dương ngày 23/06/1989 vì chánh sách ôn hòa với sinh viên, ngày hôm sau, Đăng Tiểu Bình cử Giang Trạch Dân thay thế Triệu Tử Dương.
Giang Trạch Dân không ngờ nhận được chức vụ nầy vì ông định về hưu và đã được Đại học Bắc Kinh chấp nhận giảng dạy ngành Điện học, do đó trong thời kỳ Giang làm Tổng Bí Thư, giới chính trị Trung Quốc xem ông là một thứ bình hoa trang trí, vì trong 12 năm trị vì, mọi quyết định quan trọng đều nằm trong tay Đặng Tiểu Bình cho đến khi Đặng Tiểu Bình mất (1997). Về đối ngoại, Giang bị chỉ trích là quá mềm yếu với Liên Sô và Mỹ. Vể đối nội, ông là ngưởi trách nhiệm về đại nạn tham nhũng và sự xa hoa phung phí cho đảng và cá nhân ông, nhưng tội ác lớn nhất của ông là đàn áp Pháp Luân Công.
Năm 2003, Hồ Cẩm Đào thay thế Giang Trạch Dân, nhưng Giang vẫn còn hiện diện trên chính trường để cùng với “nhóm lãnh đạo Thượng Hải” của ông bành trướng hệ thống quyền lực tham nhũng mà người kế nhiệm là Tập Cận Bình phải ra tay đánh dẹp trong kế hoạch gọi là “đả hổ đập ruồi”.
Sửa bởi người viết 07/07/2019 lúc 11:29:18(UTC)
| Lý do: Chưa rõ