Dân Nigeria biểu tình chống tham nhũng tại Lagos. Tổ chức Minh bạch Quốc tế lưu ý về sự liên hệ giữa nghèo đói và nạn tham nhũng, nói rằng trong số 10 quốc gia có tỷ lệ hối lộ cao nhất, có tới 8 nước là ở Châu Phi.Hơn phân nửa những người trả lời một cuộc khảo sát toàn cầu về nạn tham nhũng mà kết quả được công bố hôm nay nghĩ rằng tệ nạn này đã trở nên tệ hại hơn trong hai năm vừa qua.
27% báo cáo họ đã trả tiền hối lộ cho các giới chức trong 12 tháng qua.
Cuộc khảo sát, do Tổ chức Minh bạch Quốc tế có trụ sở đặt ở thành phố Berlin của Đức thực hiện, còn kết luận rằng người dân ít tin tưởng nhất vào các định chế có nhiệm vụ bảo vệ hoặc đại diện cho công chúng, kể cả cảnh sát và các tòa án.
Trên toàn cầu, các đảng chính trị được coi là định chế tham nhũng nhất - các đối tượng được khảo sát tại 51 quốc gia đặt các chính đảng vào đầu danh sách tham nhũng.
Tại 36 nước, người dân coi cảnh sát là thành phần tham nhũng nhất, trong khi tại 20 nước, hệ thống tư pháp bị coi là tham nhũng nhất.
Một người phát ngôn của Tổ chức Minh bạch Quốc tế lưu ý về sự liên hệ giữa nghèo đói và nạn tham nhũng, nói rằng trong số 10 quốc gia có tỷ lệ hối lộ cao nhất, có tới 8 nước là ở Châu Phi.
Theo cuộc thăm dò, nạn tham nhũng cũng trở nên tệ hại hơn tại đa số các nước Ả Rập kể từ sau các cuộc cách mạng năm 2011, mặc dù chính sự phẫn nộ đối với các quan chức tham nhũng là một nguyên do chủ yếu dẫn tới các cuộc nổi dậy.
Tại Israel, Nhật Bản, Sudan và Nam Sudan, các tổ chức tôn giáo được coi là “tham nhũng nặng.”
Đa số những người được khảo sát cho rằng các chính quyền đã tỏ ra ít hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng từ sau cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008.
Tuy nhiên, 2/3 các cá nhân được yêu cầu trả tiền hối lộ nói họ từ chối, phản ánh thái độ sẵn sàng đấu tranh chống nạn tham nhũng.
Source: VOA