Thời tôi còn đi học làm báo, chúng tôi được dạy là phải kiểm chứng tin tức, phải xác nhận nguồn tin và sự tin cậy của những nguồn tin này.
Khi đi làm việc cho đài BBC, đài còn đòi phải ít nhất hai nguồn tin mới được loan. Hồi đó, ở Việt Nam mới chỉ có một hãng thông tấn quốc tế có đại diện là AFP. Dĩ nhiên Tass và Tân Hoa Xã có mặt nhưng những nguồn tin đó không đáng tin. Tin tức từ Việt Nam lúc đó đã ít lại càng ít hơn vì không sao kiểm chứng được.
Ngày nay, tin tức thì nhiều nhưng vấn đề kiểm chứng còn khó gấp vạn lần hồi trước.
Mới tuần rồi, báo chí, cả đến đài BBC cũng đã bị mắc lừa về một tin ở Âu Châu. Mọi sự bắt đầu với vụ giết tàn bạo ông Mario Cerciello Rega, một nhân viên 35 tuổi của lực lượng cảnh sát carrabinieri của Ý, đang đi tuần ở quận Prati của thành Rome, vào lúc sáng sớm ngày 26 Tháng Bảy. Chỉ vài giờ sau, vào khoảng 9 giờ sáng, báo chí Ý đã giải quyết nội vụ.
Các tờ báo đều loan tin là cảnh sát đang truy nã hai thanh niên, được diễn tả nguồn gốc hoặc là “Bắc Phi” hoặc là “Magreb.” Magreb là một tên khác cho vùng Bắc Phi. Các tờ báo đều đưa ra chi tiết về chiều cao, lối để tóc và ngay cả quần áo (một người được nói mặc T-shirt màu đen; người kia một T-shirt màu tím). Twitter, nhất là các trương mục cánh hữu trở thành tán loạn.
Và chắc chắn tin đó là đúng, bởi hầu như tất cả truyền thông Ý đều loan tin như vậy, từ những tờ báo được tín nhiệm như La Republica và ngay cả những cơ quan thông tấn quan trọng như AGI và Agenpress.
Chỉ vài phút sau khi tin này loan ra, bộ trưởng nội vụ cánh hữu Matteo Salvini đã bày tỏ hy vọng là hai người này sẽ sớm bị bắt: tweet của ông được linked với một bài trên Nhật báo Il Messagero vốn nhận diện hai nghi phạm là Bắc Phi.
Lãnh tụ đảng cực hữu Fratelli d’Italia, bà Giorgia Meloni bày tỏ tức giận “về hai tên súc vật, có lẽ Maghreb.” Những nhân vật khác trong đảng của bà vội tham gia. Luca Marsella, một nghị sĩ của một đảng còn cựu hữu hơn nữa CasaPound lên án những tổ chức thiện nguyện và các chính trị gia đã cứu những người tỵ nạn khỏi bị chết đuối, hỏi bâng quơ không hiểu có phải họ đã “giúp những tên sát nhân này lên bờ hay không?” Và mỉa mai hơn nữa ngay cả Thủ Tướng Cánh Tả Paolo Genttilone cũng tham gia.
Từ những tweet, message và đóng góp, câu chuyện này trở thành chính đáng và được loan truyền khắp thế giới. Ở Anh, từ tờ báo lá cải Daily Mail đến đài BBC, đều loan tin này. Có lẽ cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi mà hầu như mọi chính trị gia và truyền thông Ý khẳng định điều đó.
Nhưng vài tiếng đồng hồ sau, cảnh sát bắt hai nghi phạm là hai sinh viên Hoa Kỳ, không có một tí dính líu gì đến Bắc Phi, và họ nhanh chóng thú tội và bị khởi tố.
Bài học đầu tiên và cũng hiển nhiên, như tờ Independent của Anh nhận xét, là câu chuyện này làm nổi bật tình trạng khó xử mà truyền thông đang đối diện. Không một cơ quan truyền thông nào hiện nay, từ báo viết đến báo hình, đều không có một ấn bản điện tử.
Trên online, sự thúc đẩy cho được nhiều “clicks” có nghĩa là phòng tin luôn chịu áp lực và sẽ cho loan tải các bản tin ngay khi nhận được. Nếu câu chuyện đã được tường thuật bởi một nguồn tin đáng tin cậy, bản năng để thời gian kiểm soát lại nguồn tin phai mờ.
Chính vì vậy mà ngày nay báo chí chả mấy ai bỏ công đi tìm nguồn tin nguyên thủy. Nhà báo Jane Fae của tờ Independent bảo cố gắng của bà kiểm soát nguồn tin thường không được đồng nghiệp và tòa soạn hưởng ứng. Họ còn coi việc đó như là cổ hủ và kỳ lạ.
Và có lẽ cũng vì vậy mà sự nghiệp báo chí của Thủ tướng Boris Johnson có thể thành công được, mặc dầu ai cũng biết ông không mấy tôn trọng sự thật.
Nhưng trở lại vụ ông cảnh sát ở Ý câu chuyện còn đáng lo ngại hơn. Trên hết là hầu như tất cả nguồn tin về vụ án mạng này dẫn lời “những nguồn tin cảnh sát.”
Theo tờ Il Post, lần đầu tiên “nguồn tin” này được nhắc đến có vẻ là trên địa chỉ Infodifesa, “một cổng điện tử của lực lượng cảnh sát và an ninh.”
Địa chỉ này cũng kèm theo là những khuyến cáo là những gì tường thuật trong đó không phải là tin tức báo chí theo định nghĩa pháp lý ở Ý.
Câu chuyện được thêm đà khi được đưa lên trang Facebook Puntato, mà lần này nhận diện “hung thủ” có bốn người, ba người Morocco và một người Algerie, và còn đáng tin hơn nữa khi kèm theo những tấm hình có vẻ là hình chụp của cảnh sát khi lập hồ sơ bắt người. Nhóm này quả cũng là có liên hệ với cảnh sát thật, nhưng nó là cố gắng cá nhân của một nhóm cảnh sát do hai ông cảnh sát điều hành sử dụng ứng dụng mà họ dùng theo dõi giao thông. Và có vẻ như là một trò đùa.
Chỉ vài phút sau nó được gỡ xuống. Nhưng nó đã được copy và chuyền lên một trang Facebook khác mang cái tên UNITI Saremo TUTTO (Có nghĩa là Cùng nhau chúng ta là tất cả) do một nhóm cực hữu điều hành. Nó ở đó vài tiếng đồng hồ và có đến 5,000 người chia sẻ.
Điều mỉa mai hơn nữa là đến Thứ Bảy, khi rõ ràng hai nghi phạm là hai công dân Hoa Kỳ chứ không phải Bắc Phi, những nguồn tin cựu hữu quay lại dẫn tờ Daily Mail ngày hôm trước để chứng minh là những bản tin mới từ Ý là sai. Thêm một kinh nghiệm nữa cho nhà báo là một khi biết tin loan ra là sai thì phải nhớ gỡ xuống càng sớm càng tốt.
Thực sự nó là một mối rối bời và không hoàn toàn lỗi của nhà báo. Nhưng dầu sao nhà báo cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Bởi mọi phe phái nay đều tích cực “sáng tạo” tin tức, diễn dịch tin tức cho thích hợp với nghị trình của họ, rồi chuồn “tác phẩm” của họ vào truyền thông dòng chính cho đến khi không còn ai biết đâu là thực đâu là hư nữa.
Mà bất cứ nhà báo nào cũng có thể là nạn nhân vô tình của những loan truyền trên internet. Bản thân tôi mới đây nhận được một bản tin thật hấp dẫn từ một thân nhân nói về một cuộc bán đấu giá sách mà trong nước vẫn có người gọi là “sách ngụy” với nhiều nhân vật chịu chi ra những món tiền lớn cho những cuốn sách cũ này. Có điều may là tôi nhớ đã từng đọc một bản tin tương tự cách đó nhiều năm thành ra khựng lại và sau khi xem kỹ thì quả đó là chuyện cũ. Chả trách một người bạn đồng nghiệp đã phải than: “Tin mới, tin cũ, tin thật, tin dỏm, cứ toán loạn lên. Internet là vậy đó!”
Trong vụ ông cảnh sát ở Ý bị đâm chết, hành động nhanh lẹ của cảnh sát Ý đã ngăn cản được những hậu quả khôn lường. Với sự khuyến khích của các chính trị gia cánh cực đoan, vụ này nếu mất một thời gian dài mới giải quyết, có thể dẫn đến những nhóm di dân bị tấn công, những vụ bạo động có thể gây thiệt hại đến nhiều sinh mạng khác.
Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng may mắn như vậy. Có lẽ đã đến lúc nhà báo phải trở lại thận trọng về tin tức như cái thời trước khi có tin tức 24/24 và clicks. Bởi khác với Facebook, Twitter, nhà báo có trách nhiệm pháp lý phải tường thuật sự thật. Một đồng nghiệp lớn tuổi của chúng tôi nhắc nhở “Đừng quên sự thật là biện minh duy nhất chống lại các vụ kiện ma lỵ!”
Lê Phan