Cục An ninh mạng vừa được thành lập đóng vai trò như một ông vua không ngai có thể nghiễm nhiên sục vào từng ngóc ngách của doanh nghiệp để buộc hợp tác hoặc cung cấp thông tin cho họ. Nếu các doanh nghiệp nước ngoài như Facebook, YouTube hay Google rời bỏ thị trường Việt Nam thì Weibo, Wechat hay các mạng xã hội từ Trung Quốc tràn vào để kiểm soát, nhận diện và chấm điểm công dân là chuyện chắc chắn sẽ xảy ra...
Sau khi Luật an ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng liên tục đăng đàn có nhiều phát ngôn “lỗi kỹ thuật”. Tuy nhiên đây không phải là hành vi chém gió suôn. Dựa trên thực tế, khi các nhà cung cấp Internet (ISP) còn nằm trong vòng quản lý thì việc thắt chặt kiểm duyệt, chặn băng thông Internet, gỡ bỏ các tài khoản chống đối hay thậm chí bắt người đem giam cầm là chuyện đương nhiên xảy ra.
Ngày 16/8/2019, Bộ Cộng an tổ chức Hội nghị Phổ biến Luật An ninh mạng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Sài Gòn. Trách nhiệm của các doanh nghiệp được nêu rõ theo quy định tại Luật An ninh mạng và dự thảo Nghị định đã được công bố trong hội nghị có những điểm đáng chú ý:
Đối với lĩnh vực giám sát an ninh mạng, các doanh nghiệp có trách nhiệm “phối hợp với lực lượng chuyên trách” (lực lượng nay do Cục An ninh mạng cử đến). Nghiêm trọng hơn là các doanh nghiệp phải “bố trí mặt bằng, điều kiện kỹ thuật, thiết lập, kết nối hệ thống, thiết bị giám sát của lực lượng chuyên trách vào hệ thống thông tin do doanh nghiệp quản lý;” “Cung cấp, cập nhật thông tin về nguy cơ đe dọa an ninh mạng; Định kỳ 3 tháng/lần thông báo với lực lượng chuyên trách về hoạt động giám sát của chủ quản hệ thống thông tin; Bảo mật các thông tin liên quan trong quá trình làm việc với lực lượng chuyên trách.”
Như vậy có thể thấy, chiếu theo dự thảo nghị định này, các doanh nghiệp từ cung cấp dịch vụ Internet cho đến khai thác nền tảng mạng xã hội đều phải cho phép Cục an ninh mạng truy xuất thông tin bất kỳ lúc nào họ muốn và phải giữ bí mật về các yêu cầu, thủ tục và hành động.
Google đã từng từ chối hợp tác khi nhận được yêu cầu tương tự từ chính quyền Bắc Kinh.
Việc đưa ra rào cản này theo quan điểm của giới kỹ thuật là can thiệp thô bạo vào quyền riêng tư và quyền bảo đảm lợi ích của khách hàng mà các doanh nghiệp đã ký kết.
Thật ra không phải đợi đến khi có Luật An ninh mạng thì việc kiểm soát thông tin của người dùng mới được tiến hành. Từ trước đến này, các nhà cung cấp Internet sẽ luôn nhận được khuyến cáo về một số thuê bao “đặc biệt” để từ đó phải bắt tay cộng tác với cơ quan công an bằng cách “chặn hub” trước khi kết nối cuộc gọi đến.
Nghiêm trọng hơn, Dự thảo Nghị định cho Luật ANM còn yêu cầu các doanh nghiêp cung cấp dịch vụ Internet phải bố trí mặt bằng, cổng kết nối, biện pháp kỹ thuật để Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) (gọi tắt là Cục An ninh mạng) trong trường hợp bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Khái niệm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội ở Việt Nam từ trước đến nay chỉ dừng lại ở chỗ khoanh vùng những người bất đồng chính kiến để dán nhãn “phản động”. Và “trật tự an toàn xã hội” chính là các chuyên án biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, công nhân biểu tình đòi quyền lợi, biểu tình vì môi trường... mọi mối dây liên kết đều quy về biểu tình hết. Đua xe, tụ tập đá gà, banh bóng cứ thoải mái vô tư đi.
Trên đây tôi chỉ dừng lại phân tích ở điểm đầu tiên của dự thảo Nghị định sắp được công bố để thấy rõ hơn tính chất nghiêm trọng của việc thắt chặt quản lý thông tin trên Internet. Qua đó người dùng có thể thấy Cục An ninh mạng vừa được thành lập đóng vai trò như một ông vua không ngai có thể nghiễm nhiên sục vào từng ngóc ngách của doanh nghiệp để buộc hợp tác hoặc cung cấp thông tin cho họ.
Nếu các doanh nghiệp nước ngoài như Facebook, YouTube hay Google rời bỏ thị trường Việt Nam thì Weibo, Wechat hay các mạng xã hội từ Trung Quốc tràn vào để kiểm soát, nhận diện và chấm điểm công dân là chuyện chắc chắn sẽ xảy ra.
Nếu vấn đề này không nghiêm trọng tại sao Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục an ninh mạng lại yêu cầu gỡ bõ bài viết “Cục An ninh mạng: DN phải lưu chữ viết, ảnh, địa chỉ IP... cá nhân theo yêu cầu”?
27/8/2019
Quỳnh Lê Anh