Tin BBC hôm 31-8-2019, “Hội nghị Trung ương lần thứ tư của Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào tháng Mười tại Bắc Kinh, Tân Hoa Xã loan tin… TC sẽ chấp nhận "Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc" là khái niệm được dùng để chỉ việc duy trì chủ nghĩa cộng sản trong tên gọi của Đảng, và duy trì quyền kiểm soát chính trị độc đảng, nhưng về kinh tế thì chủ yếu tuân theo các nguyên tắc kinh tế thị trường.”
Nhiều dấu chỉ cho thấy Tập cận Bình đánh dấu thời đại của mình như một thời đại phục hưng “đại dân tộc Trung Hoa” như Hitler đã làm sau khi nước Đức bị nhục, đất nước bị xâu xé sau khi thua đại chiến thế giới lần thứ nhứt. Ông Tập cận Bình lợi dụng và khai thác tối đa tinh thần thượng tôn dân tộc cố hữu của các triều đại vua chúa Trung Hoa, khích động tối đa tinh thần quốc gia cực đoan với khẩu hiệu “phục hưng đại dân tộc Trung Hoa”, biến Trung Quốc thời Cộng sản thành bá chủ khu vực như thời xa xưa.
Đầu tháng 12 năm 2013, vừa mới được Đảng CS Trung Quốc cử làm Chủ Tịch Đảng và Chủ tịch Quân ủy Trung Ương, chưa nhận được bàn giao quyền hành “nhà nước”, ông Tập Cận Bình mau mau mặc lại bộ quân phục, đi thăm một đại đơn vị của Quân đội Giải phóng Nhân dân của TC ở Quảng Châu, là nơi khởi đầu của Con đường tơ lụa trên biển của TQ hồi thế kỷ thứ 7. Trước ba quân tướng sĩ, Ông mạnh dạn và tự hào nói Ông sẽ tăng cường quân lực, đó là yếu tố then chốt để thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” của ông. Ông tin tưởng «Giấc mơ này có thể được xem như là giấc mơ của đại dân tộc, và đối với quân đội, đó chính là giấc mơ của một đội quân hùng mạnh».
Trong thời làm Phó Chủ Tịch Nước, Ông là người làm ra chính sách và chỉ đạo các vấn đề Biển Đông của TC. Bây giờ cờ đã vào tay, Ông bắt đầu thời đại của Ông bằng việc chỉ đạo nhiều chiến dịch khích động tinh thần thượng tôn dân tộc Trung Hoa trong quần chúng nhân dân TQ.
Đối với Việt Nam, nhà cầm quyền tỉnh đảo Hải Nam ra lịnh cho lực lượng tuần duyên lên tàu, lục soát, và trục xuất các tàu thuyền qua lại trong vùng lãnh hải rộng lớn mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Và tàu TC cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 2, thuộc tập đoàn quốc doanh Petro Vietnam.
Còn đối với Nhựt, một làn sóng biểu tình bài xích Nhựt nổi lên ở Trung Quốc. Nhà cầm quyền ở các thành phố kinh tế, kỹ nghệ lớn của TQ kích động tinh thần bài Nhật trong “quần chúng nhân dân”, mặc thị xúi dục dân chúng vụ biểu tình chống Nhựt, đập phá cơ sở của người Nhật, tẩy chay sản phẩm Nhật, kể cả liện đá vào xe của đại sứ Nhựt. Số xe hơi của Toyota, Honda sản xuất và bán ra tại TC giảm nhiều.
Tiêu biểu nhứt là TC dàn dựng cuộc biểu tình của 9 ngàn người Trung Quốc vào ngày 13/12/2012, gọi là tưởng niệm 75 năm vụ lính Nhật thảm sát và cưỡng hiếp người Trung Hoa ở thành phố Nam Kinh. Theo TC thì quân Nhựt đã tàn sát 300.000 người Trung Hoa và hảm hiếp mấy chục ngàn phụ nữ trong cuộc tiến chiếm thành phố Nam Kinh trong 6 tuần lễ, bắt đầu vào 13 tháng 12 năm 1937. Nhưng theo sử gia Mỹ, Jonathan Spence, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, chỉ có 42.000 thường dân và binh lính bị giết chết và 20.000 phụ nữ bị hãm hiếp, trong số này nhiều người đã chết sau đó.
Theo ghi nhận của báo Pháp Le Monde, Ô.Tập Cận Bình rất thiết tha với niềm tin và quyết chí «Đại phục hưng dân tộc Trung Hoa». Bài diễn văn đầu tiên Ông đọc trước báo chí và công chúng sau khi Đảng CS/ TQ “cộng đồng tuyển trạch” làm Chủ Tịch Đảng và Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương của Ông, Ông nhắc đi nhác lại nhiều lần giấc mơ «Đại phục hưng dân tộc Trung Hoa».
Ông còn thể hiện niềm tin và ý chí ấy qua việc đích thân Tổng bí thư Đảng đến dự một buổi triễn lãm mang chủ đề «Con đường của sự phục hưng» tại Viện Bảo Tàng quốc gia Trung Quốc.
Một dàn cảnh tạo ép phê sân khấu ngoạn mục dưới ánh sáng đèn màu của tinh thần thượng tôn dân tộc cố hữu và cực đoan của vua chúa Trung Hoa coi quốc gia dân tộc của mình là “trung tâm” ở giữa cái hoa, là bá chủ còn các nước xung quanh vốn là man di, mọi rợ chư hầu mà Trung Hoa ra ơn khai hoá, đô hộ.
Tinh thần bá chủ cố hữu của vua chúa Trung Hoa đó bây giờ được Đảng Nhà Nước TC hồi sinh với giai cấp thống trị là Đảng CS nắm toàn quyền độc tài đảng trị trên xã hội Trung Quốc. Độc tài vua chúa chỉ là độc tài cá nhân, độc tài gia đình; còn độc tài CS là độc tài giai cấp, độc tài đảng trị toàn diện, mạnh bạo, khắc nghiệt, triệt để hơn nhiều.
Điểm báo Le Monde, Đài RFI có lần nhận xét, “chính Đảng cộng sản đã tái sinh ra một Trung Quốc sau những sự kiện «nhục nhã» trong thế kỷ XIX… Sự tôn vinh tinh thần dân tộc được nâng lên đến mức tối đa. Tư tưởng này được biểu hiện qua việc sao chụp lại một tấm hình lớn mô tả quang cảnh vào thời xa xưa, sứ thần từ các nước lân cận đến dâng cống nạp lên hoàng đế Trung Hoa.
Chính Ô. Tập cận Bình còn nhân cách hoá mình với giấc mơ “đại dân tộc Trung Hoa”. Nhơn một cơ hội long trọng trình bày về lịch sử Đảng CS, Ông Tập Cận Bình “thật thà khai báo”: «Ai cũng nói về giấc mơ Trung Hoa. Tôi tin rằng sự phục hưng tinh thần dân tộc Trung Quốc là giấc mơ lớn nhất của đất nước trong thời buổi hiện đại».
Thái độ, hành động phục hưng đại dân tộc Trung Hoa làm bá chủ thiên hạ mà Ô Tập cận Bình đã tích cực thực hiện làm cho người ta liên tưởng đến Hitler khích động người dân Đức, con sư tử ở Âu Châu cảm thấy tủi nhục sau khi thua Thế Chiến 1 bị các siêu cường đối xử tệ bạc. Khích động của Hitler đưa nước Đức trở thành độc tài quốc xả và gây Thế chiến thứ 2, số người chết và thiệt hại nhiều lần hơn Thế Giới Đại Chiến 1.
Với Trung Cộng một chế độ độc tài đảng trị toàn diện, Tập cận Bình bây giờ trên phương diện đối nội, dễ làm hơn Hitler vì độc tài CS đã có sẵn rồi và tinh thần thượng tôn dân tộc cực đoan của Trung Quốc là cố hữu.
Đối ngoại hành động ngoại giao của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, thì tuyên bố Mỹ đứng trung lập trong các cuộc tranh chấp biển đảo. Thái độ đó bắc cầu cho TC làm tới. Tương tự như thời Thủ Tướng Chamberain của Anh xách dù qua lại, to nhỏ, chiều chuộng Đức. Đức thấy phản ứng Âu châu yếu xìu, tấn công thăm dò một nước thấy êm ru, thế là tiến chiếm hầu hết các nước Âu châu, tạo thành Thế Chiến thứ hai. Một thế chiến Mỹ phải tham dự, quân lính Mỹ chết nhiểu nhứt và tốn hao tài sản Mỹ nhiều nhứt.
Vi Anh