Bà Hoàng Thị Nở, cho AFP xem ảnh thời kỳ bà trong tiểu đội « 11 cô gái Sông Hương ». Ảnh chụp ngày 17/01/2018 HOANG DINH Nam / AFP
Hôm qua, 10/09/2019, một nhóm cựu binh Úc đã chuyển cho nhà chức trách Việt Nam các thông tin cho phép xác định vị trí chôn hàng nghìn quân nhân Việt Nam, bị coi là mất tích trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai.
Theo hãng thông tấn Pháp AFP, các quân nhân Úc nghỉ hưu đã chuyển cho phía Việt Nam một « cơ sở dữ liệu », trong đó đặc biệt quan trọng là tọa độ địa lý các địa điểm, nơi chôn các binh sĩ Việt Nam, tử trận trong các trận chiến có sự tham gia của lính Úc. Đại học New South Wales, Úc, là nơi chủ trì dự án xây dựng cơ sở dữ liệu nói trên. Ông Bob Hall, một cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam và nhà nghiên cứu tại Đại học New South Wales tâm sự : « Như vậy là một điều tốt lành đã được thực hiện ».
Cựu chiến binh Bob Hall cho biết cụ thể là việc xây dựng cơ sở dữ liệu nói trên, được Quân Đội Úc hỗ trợ, chủ yếu dựa trên các báo cáo về việc chôn cất thi hài của binh sĩ đối phương tại chỗ, sau chiến sự, tại tỉnh Phước Tuy (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay). Trong giai đoạn này, sau các trận đánh, các đơn vị tham chiến Úc và New Zealand có nghĩa vụ ghi lại chính xác tọa độ các mồ chôn.
Nghi thức chuyển giao thông tin về thi hài các binh sĩ Việt Nam mất tích nói trên diễn ra trong bối cảnh Hà Nội và Canberra đang nỗ lực siết chặt quan hệ. Mới đây, phía Việt Nam đã giúp Úc tìm lại và hồi hương thi hài sáu quân nhân mất tích. Tháng 8/2019, lần đầu tiên một thủ tướng Úc công du Việt Nam, từ một phần tư thế kỷ nay.
Tổng cộng, khoảng 200.000 quân nhân Bắc Việt Nam và chiến binh của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng miền Nam Việt Nam, vẫn bị coi là mất tích. Thi hài của họ hoặc được chôn trong các hố tập thể, hoặc riêng lẻ tại miền Nam Việt Nam, Lào và Cam Bốt. Theo phong tục truyền thống Việt Nam, người chết mất xác bị coi là những « cô hồn », tức những linh hồn phiêu bạt, không nơi nương tựa.
Trong thời gian chiến tranh, tổng cộng khoảng 60.000 quân nhân Úc tham chiến tại Việt Nam từ 1962 đến 1972. Đây được coi là cuộc chiến dài nhất mà nước Úc tham gia trong thế kỷ 20. Cũng như tại Mỹ, cuộc chiến Việt Nam ngày càng bị phản đối. Đầu những năm 1970, hơn 200.000 người biểu tình phản đối chiến tranh tại các thành phố lớn nước Úc.
Theo RFI