"Tại sao không nghĩ sẽ có nhiều Steve Jobs Việt Nam", "Việt Nam có thể làm ra những thứ thế giới chưa từng làm". Photo CAND
Đêm thứ Hai ngày 16 tháng Chín, Việt Nam khai trương phiên bản thử nghiệm (beta) trang mạng xã hội Lotus được quảng cáo là "Made in Vietnam" và "do người Việt phát triển và làm chủ".
Lotus là mạng xã hội được công ty cổ phần VCCorp cùng một số nhà đầu tư góp vốn với số tiền khoảng 30 triệu đô la và đang kêu gọi thêm khoảng 20 triệu đô la. Đây không phải là trang mạng xã hội nội địa đầu tiên của Việt Nam mà trước đó đã có ít nhất ba mạng xã hội hoạt động theo mô hình chia sẻ nội dung tựa Facebook, trong đó trang Gapo cũng vừa trình làng hồi tháng Bảy.
Kể từ sau Luật An Ninh Mạng được ban hành trong năm qua rồi áp dụng từ đầu năm nay, Việt Nam đang có chính sách khuyến khích và ủng hộ việc thiết kế, xây dựng các mạng xã hội nội địa cho riêng mình nhằm có thể “thay thế Facebook và Google,” hai hãng nước ngoài vốn không dễ dàng tuân theo các yêu cầu do phía Việt Nam đưa ra như phải mở văn phòng đại diện và đặt máy chủ lưu trữ hồ sơ người sử dụng tại Việt Nam.
Dân số trẻ và có học vấn cao so với các quốc gia có cùng nền kinh tế, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ người nối mạng khá cao. Theo số liệu từ Statista, hãng phân tích dữ liệu toàn cầu có trụ sở tại Đức cùng báo cáo từ Global Digital, Việt Nam hiện có khoảng 64 triệu người nối mạng, tức khoảng hai phần ba dân số không phân biệt tuổi tác. Trong đó có 58 triệu người sử dụng Facebook, tăng vọt trong năm 2018 và qua mặt Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ để đứng hàng thứ bảy thế giới về số người sử dụng Facebook.
Cũng trong các báo cáo này, người dân Việt Nam mở 62 triệu tài khoản Google. Còn theo phân tích chi tiết hơn về đặc tính ngươi sử dụng từ Pew Research Center thì Việt Nam cũng nằm trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới có tỉ lệ người đọc tin tức qua mạng xã hội cao.
Như các quốc gia khác, người sử dụng càng trẻ, càng có học vấn và thu nhập cao thì càng nối mạng nhiều hơn. Theo phân tích này thì 84% nhóm trẻ dưới 29 tuổi đã theo dõi tin tức hàng ngày qua Internet và một tỉ lệ xấp xỉ (81%) đọc tin qua mạng xã hội, so với nhóm trên 50 tuổi chỉ ở mức 10% và 3%. Điều đáng chú ý hơn là nữ giới đọc tin tức qua mạng cao gấp đôi nam giới và giới trẻ bỏ khá nhiều thời gian để đọc tin qua mạng xã hội, trung bình khoảng hai tiếng rưỡi mỗi ngày. Các phân tích này khá hữu dụng cho giới doanh nghiệp muốn quảng bá thương phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng hay giới truyền thông cần đưa tin tức đến với độc giả Việt Nam.
Các số liệu này cho thấy quả Việt Nam là thị trường có tiềm năng kinh doanh rất lớn cho những nhà doanh nghiệp, giới đầu tư và các hãng kỹ thuật trong nước. Không có gì khó hiểu khi Việt Nam đang có nhu cầu và cơn sốt thành lập mạng xã hội nội địa với mục tiêu tranh giành thị phần, lôi kéo người sử dụng về mạng của mình.
Với tư nhân, thách thức đặt ra hiện nay là bài toán kỹ thuật như các thuật toán sử dụng, cấu trúc hệ thống, cơ sở dữ liệu cho đến ứng dụng các kỹ thuật cao như thế nào và chiến lược kinh doanh, quảng bá ra làm sao để có thể cạnh tranh với những sân chơi toàn cầu đã quá hùng mạnh và quen thuộc với cả thế giới như Facebook, Google, YouTube, LinkedIn... Đây là thách thức lớn mang vấn đề chiến lược lâu dài với nhiều điều kiện và yếu tố liên quan để tồn tại và phát triển hơn là một cuộc khởi nghiệp vội vã. Vì xem trang mạng xã hội Gapo, cũng được đầu tư vài chục triệu đô la nhưng đã bị quá tải, "sập mạng" ngay trong ngày đầu tiên được trình làng hồi tháng Bảy vừa qua đã thấy sự vội vàng trong việc nhập cuộc. Cũng như các mạng xã hội VietnamTa, Hahalolo và VCNET vừa ra đời chưa bao lâu nhưng xem ra đang gặp khó khăn trong việc thu hút người tham gia vì bị cho rằng khó sử dụng, có nhiều tính năng nhái theo Facebook.
Với Lotus thì ý tưởng "nội dung là vua", phụ thuộc vào một số nhà tạo dựng nội dung và khuyến khích người sử dụng cùng kết nối và tạo dựng các nội dung chia sẻ. Được xem là "mới mẻ, sáng tạo" nhưng vấn đề "tạo dựng nội dung" (content creation) là một thuật ngữ và thuật toán trong quảng cáo tiếp thị theo nội dung (content marketing) qua internet đã có từ lâu và được các trang mạng xã hội, cơ quan truyền thông thế giới áp dụng gần một thập niên qua.
Có thể kể dăm ví dụ thông thường thường gặp như khi một người đang quan tâm hay tìm kiếm một món hàng hoặc dịch vụ nào đó qua internet thì Facebook sẽ tự động hiển thị các quảng cáo về món hàng hay dịch vụ đó. Hay như trang mạng LinkedIn sẽ tự động hiển thị và gởi email những việc làm mà các ứng viên đang tìm kiếm việc làm qua các chữ đăng nhập (key words). Đây là kỹ thuật để quảng cáo tiếp thị điện tử (e-marketing) hơn là nền tảng hoạt động (platform) cho mạng xã hội vì đa số người sử dụng, kể cả tại Mỹ và Châu Âu hiện nay, chỉ là người sử dụng thuần túy (end user) hơn là tạo dựng, đóng góp vào nội dung. Nên với Lotus và mục tiêu sẽ đạt đến năm hay sáu chục triệu người sử dụng, tức bằng con số người sử dụng Facebook hiện nay, là… hơi lạc quan.
Trong khi đó, về phía chính quyền thì việc xây dựng một hay nhiều mạng xã hội nội địa rõ ràng sẽ giúp cho Việt Nam kiểm soát được vấn đề thông tin trên mạng dễ dàng hơn khi những mạng nội địa này buộc người sử dụng phải ghi tên, chứng minh hồ sơ nhân thân và sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân cho nhà chức trách. Thỏa thuận cung cấp và sử dụng trang Gapo ghi một trong các thông tin cấm chia sẻ, trao đổi trên mạng này bao gồm "các thông tin chống lại nhà nước Cộng Hòa XHCH Việt Nam, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội...".
Cũng vậy, một trong những quy định có ghi trên trang Lotus là, "Bất kỳ nội dung nào mà bạn đưa lên, kể cả các thông tin đăng ký tài khoản cá nhân đều có thể được giữ lại hoặc cung cấp khi pháp luật, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu...". Thế nào là "thông tin chống lại nhà nước" là một vấn đề khác của riêng hệ thống luật pháp Việt Nam vì đã có hàng chục Facebooker bị bắt và bị kết án tù giam về những bài viết hay tài liệu vốn được xem là rất thông thường trong các xã hội mà người dân có quyền tự do diễn đạt ý kiến của mình, như việc chỉ trích những lãnh tụ hay góp ý về chính sách quốc gia nào đó chẳng hạn. Chỉ biết rằng với các quy định tương tự như vậy, các mạng xã hội nội địa này đã cảnh báo trước người sử dụng về nội dung đăng tải và giúp nhà cầm quyền kiểm soát được thông tin được chia sẻ, hay đúng hơn, đã qua kiểm duyệt. Dù có thể đây là điều kiện không tránh khỏi để các mạng xã hội này được hoạt động trong mục đích kinh doanh nhưng chúng là điều mà nhà cầm quyền mong muốn.
Có những tiềm năng và cơ hội để phát triển mạng xã hội nội địa, nhưng sự phấn khích theo kiểu mục tiêu như Hahalolo đề ra là "sẽ lên sàn chứng khoán New York" và đạt đến hai tỉ người sử dụng quả là câu chuyện trà dư, tựa như vụ một thương hiệu cà phê tỉnh lẻ của Việt Nam từng đòi "đánh sập tiệm" Starbucks trước đây. Hay theo phát biểu tại lễ ra mắt mạng Lotus, Bộ Trưởng Thông Tin Nguyễn Mạnh Hùng của Việt Nam hào hứng, rằng "tại sao không nghĩ sẽ có nhiều Steve Jobs Việt Nam" cùng niềm tin "Việt Nam có thể làm ra những thứ thế giới chưa từng làm". Chẳng ai ngăn được giấc mơ và niềm tin cá nhân. Nhưng câu chuyện quốc sách thì không chỉ có "mơ và tin", mà nó cần những điều khác hơn để có thể tạo ra được một giới trẻ tài năng cho Việt Nam, cho họ những cơ hội cùng các điều kiện để đưa Việt Nam đi xa hơn. Bằng không, “Giấc mơ Steve Jobs” chỉ là những cuộc mộng du.
Đinh Yên Thảo (VOA)