Hơn một tháng đi xa, nay trở về nhà. Tôi mở cửa sổ nhìn ra công-viên cây xanh sau nhà. Ngôi trường học mẫu giáo vẫn còn đóng cửa ngủ yên. Lũ học trò không còn xuất hiện nô-đùa ồn ào như những ngày còn học, chắc chúng theo gia-đình đi nghỉ hè những nơi xa xăm nào đó. Công-viên thật yên-lặng. Trên những chiếc ghế dài nằm rải rác dưới những tàng cây hoặc trong những khoảng trống, một vài người lớn tuổi ngồi phơi nắng. Trên một bậc cấp đi đến đài phun nước, một người ngồi, nhìn lên trời. Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường. Người ta tắm nắng cho khuôn mặt của mình. Tôi lui vào trong sắp xếp lại hành lý xong trở lại nhìn ra công-viên, người kia vẫn ngồi tại chỗ, mặt vẫn nhìn lên trời. Tôi tự hỏi, sao người kia không nằm trên một ghế trống nào đó hay nằm trên cỏ để phơi nắng cho toàn thân và cả mặt của mình, người đó không mỏi cổ sao ? Hay là trên trời có gì lạ ? Tôi nhìn lên trời. Bầu trời trong xanh, phơn-phớt vài cụm mây trắng mong manh trôi lơ-đễnh. Từ sau những tòa nhà cao tầng xuất hiện một chiếc máy bay hạ cánh thấp dần để đáp xuống phi-trường, ngoài ra không thấy có gì lạ...Rồi người đó rời chỗ ngồi, đi ra khỏi công-viên, lối ra gần cửa sổ nhà tôi, đó là một bé trai, mặt mày xanh xao, hốc hác, ước chừng chưa quá mười lăm tuổi.
Buổi tối, tôi qua gõ cửa nhà bà Mina để tặng món quà nhỏ, cám ơn bà coi chừng dùm nhà trong thời gian tôi đi vắng. Bà Mina sống với chồng và đứa con gái đang học đại-học. Gia-đình bà đến từ Afghanistan. Năm 2010, quân Taliban tấn công vào thủ-đô Kaboul, hai vợ chồng bà là viên-chức của chính-quyền trung-ương, trốn thoát được trận chiến, vượt biên qua nước Pakistan rồi xin tỵ-nạn tại Pháp. Lúc gia-đình bà dọn đến chung cư, tôi là người giúp-đỡ, hướng dẫn đưa đón làm mọi thủ-tục giấy tờ để ổn-định cư-trú, vì vậy gia-đình tôi và gia-đình bà sống với nhau rất thân-thiện. Cửa mở, vợ chồng bà và con gái có vẻ vui mừng khi biết tôi đã trở về.
Đang chuyện trò, bà Mina nói với tôi nhà bà đang có khách, bà sẽ giới-thiệu cho tôi người khách mới. Nói xong, bà xoay người hướng về một phòng có cửa đang hé mở nói bằng tiếng Anh:
- Daryab, ra chào ông Lê, người hàng xóm của nhà mình.
Một người bước ra khỏi cửa phòng. Dưới ánh sáng rỡ ràng của ánh đèn Néon, tôi nhận ra ngay là người thiếu-niên sáng nay ngồi phơi nắng ngoài công-viên mặt ngửa nhìn trời. Em đến cạnh tôi cúi đầu chào bằng tiếng Anh:
- Chào ông.
Chào xong, em đến ngồi bên cạnh bà Mina.
Bà Mina nói tiếp:
- Cháu là con của người em trai tôi. Cháu gọi tôi bằng cô. Cháu đến từ Kaboul sau gần hơn tám tháng gian nan khổ sở. Cháu được tôi đón về từ trại tạm-cư dành cho trẻ em tỵ-nạn chiến-tranh tuổi chưa quá mười tám, nay cháu vừa tròn mười bốn. Kể đến đây bà úp mặt vào lòng bàn tay khóc. Cô con gái cũng khóc theo.
Người chồng đứng lên đi vào bên trong. Daryab mặt nhìn trần nhà, lạnh lùng. Tôn trọng nỗi buồn của gia-đình, tôi vội chào cáo lui.
Những ngày sau đó, tôi được vợ chồng bà Mina nhờ giúp đưa Daryab đến tòa hành chánh thị xã để lập thủ tục xác nhận nơi cư-trú cho kịp nộp đơn nhập học cho mùa khai-giảng đang tới. Hai ông bà còn bận đi làm việc. Người con gái cũng vừa đi học vừa đi làm. Tôi vừa nghỉ hưu nên rỗi rãnh. Ngồi chờ đến phiên được gọi, tôi cần được biết vài chi tiết về bản thân của em để giúp em chuyển ngữ đến giới chức sẽ làm việc với em. Qua lời kể bằng tiếng Anh không được trôi chảy, tôi đã kết-hợp được câu chuyện của em.
Cha của Daryab xuất thân từ một đại-học nổi tiếng tại Luân-đôn, về nước làm việc cho một ngân-hàng ở Kaboul. Mẹ em không đi làm, ở nhà săn sóc em và người anh trai hơn em ba tuổi, hai anh em đều đi học. Mùa xuân năm 2018, tết Dương-lịch, cha em lái xe đưa gia-đình về thăm quê-nội phía Nam, cách thủ-đô Kaboul không xa, ước chừng một trâm cây số. Xe bị chận lại bởi những người vũ-trang Taliban. Gia-đình em bị bắt giữ vì họ phát-hiện trên giấy tờ ba em làm việc cho ngân-hàng của nhà nước Afghan. Gia đình em bị đưa vào nhốt trong một hang động rất âm-u và lạnh lẽo. Vài ngày sau, người ta đưa mẹ em đi giam giữ một nơi khác, người ta nói đàn bà có một khu giam-giữ riêng. Mặc cho hai anh em khóc lóc cầu xin để mẹ lại với chúng em. Anh của em còn bị đánh và trói tay chân vì tội giành giựt lôi kéo giữ mẹ lại khi bị đưa đi; em thấy mẹ lăn lộn trên nền đá lạnh, kêu khóc thảm-thiết. Cha thì đứng im, không nói được lời nào, nước mắt chảy dòng xuống hai má. Em cũng khóc, nhào tới kéo mẹ lại, nhưng người ta giữ chặt em, không nhúc-nhích nổi, lòng em đau đớn như đứt ra từng khúc. Rồi đêm hôm đó, vì mệt mỏi, đói, lạnh, em đã ngủ. Sáng hôm sau thức dậy thì cha em không còn ở đó nữa, người ta đã đưa cha em đi trong đêm khuya. Hai anh em chỉ còn khóc. Vì đói, vì lạnh, cả ngày hai anh em ôm nhau để chuyền hơi ấm cho nhau.
Không lâu sau đó, hai anh em được đưa đến một thôn xóm nhỏ nằm trên một cánh đồng gần chân núi. Hai anh em được giao cho một chủ gia-đình ở đây, không có người canh gác. Mỗi chân của hai anh em bị khoá bằng một sợi xích, đầu kia được luồn trong một hòn đá, mỗi khi di chuyển phải dùng tay kéo sợi xích để nâng hòn đá cùng bước đi. Trong những nhà chung quanh cũng có vài người bị xích chân như hai anh em. Người chủ nhà rất tử tế, cho hai anh em ăn uống no đủ vì cùng ăn với họ. Đêm đến có được chăn mền đáp ấm. Ban ngày, từ sáng còn mờ sương, hai anh em bị đánh thức đưa ra làm việc trên cánh đồng trồng cây thuốc phiện. Hai anh em bị cấm tuyệt-đối không được liên lạc với những người ở những nhà cũng bị xích chân. Làm việc đến khoảng mười giờ thì được cho nghỉ, về nhà, và đến khoảng ba giờ chiều thì bắt đầu làm việc trở lại cho đến tám chín giờ tối. Người ta tránh làm việc từ mười giờ trưa cho đến ba giờ chiều để tránh máy bay phát hiện bắn phá. Thời gian nầy trời trong sáng, không có nhiều mây phủ che khuất tầm nhìn của máy bay. Thỉnh-thoảng cũng có máy bay gầm, rú bay quanh khu nông trại, rít lên bắn vài loạt đạn rồi biến mất. Không có ai chết hay bị thương.
Khoảng hai mươi ngày sau, người ta thâu hoạch thuốc phiện. Tối hôm đó hai anh em bị đánh thức để khuân những bao thuốc phiện thâu hoạch trong ngày chất lên lưng những con lạc-đà cùng những con lừa do một toán võ trang Taliban đến nhận. Chiều hôm đó, hai anh em được vợ chồng bà chủ nhà cho ăn rất sớm. Ăn xong, bà chủ cho thêm hai gói thức ăn làm sẵn, bà nói:
- Hai con giữ lấy để có ăn tối nay. Buổi chiều hai con sẽ được người ta đưa đến nông trại trồng bắp.
Nhận gói thức ăn từ tay bà, em thấy từ mắt bà có những giọt nước mắt. Khi bà đi vào phía sau nhà, em nghe tiếng chồng bà:
- Không biết con nhà ai mà tội nghiệp quá !
Tiếng bà nói trong xúc động:
- Ba năm rồi, thằng Amir nhà mình cũng nổi trôi như vậy thôi, năm nay nó đúng mười tám tuổi rồi.
Em thấy thương bà vô cùng, em muốn chạy đến ôm bà như đã từng ôm mẹ. Anh em ngồi xuống trong góc nhà, kéo ôm em vào lòng, và em đã ngủ bên cạnh người anh, và đó cũng là giấc ngủ lần sau cùng của em trong vòng tay của anh Nasim. Có tiếng động mạnh bên ngoài sân, em tỉnh ngủ. Vợ chồng người chủ nhà giao hai anh em cho người lính Taliban rồi lặng lẽ quay vào nhà. Qua ánh sáng tù-mù của ngọn đèn dầu, em nhìn thấy ông bà chủ nhà đứng lặng lẽ nhìn theo. Hai anh em được đưa đến bên bờ một con sông sau gần hơn nửa giờ đi lên và xuống đồi. Hai anh em bị đẩy lên một chiếc ghe, trên ghe có một số người nhưng trời tối em không nhận ra nhiều hay ít.
Tiêng máy ghe nổ, ghe từ từ chạy, từ phía rất xa, em nhìn thấy một vùng ánh sáng của thành phố, em nghĩ đó là thủ đô Kaboul của em, nơi có nhà của cha mẹ, có trường học, có bạn bè, bao hình ảnh êm-đềm hiện ra trong đầu em. Rồi tự nhiên có tiếng súng nổ vang từ hai bên bờ. Ánh lửa lòe lên rồi tắt. Cỏ tiếng những ai đó la lên :" Chúng ta bị phục kích...chúng ta bị phục kích.." Chiếc ghe tròng trành, người trên ghe kêu tên nhau, tiêng la và tiếng khóc chen lẫn tiêng súng nổ. Em gọi "Nasim, Nasim, anh hai, anh hai". Không có tiếng trả lời. Rồi chiếc ghe xoay tròn, thân ghe chìm xuống nước. Em rơi xuống, toàn thân em lạnh cóng. Em bơi. Em đi học, nhà trường có dạy em bơi. Hàng tuần em theo bạn bè đi tắm hồ bơi gần nhà. Tiếng bì bõm trong nước, tiếng ho sặc sụa. Em có nghe tiếng gọi: "Daryab,....Daryab..." từ một góc xa xôi nào đó trong giòng sông, giữa đêm đen mù mịt. Tiếng gọi của anh Nasim.
Em nương theo giòng nước, cho thân thả trôi theo bờ sông. Khi mặt trời mọc thì em gặp một thuyền buôn cứu, cho em lên thuyền. Trên thuyền người ta nói chuyện với nhau, em nghe nói thuyền đang đi trên dòng Kaboul hướng về Pakistan. Những người trên thuyền rất cộc-cằn thô-lỗ, sau khi gặn hỏi em lý-do bị nước cuốn trôi, họ cười hô-hố khi biết được chuyện, em thấy họ không có tấm lòng nhân ái. Thuyền của họ không di chuyển ban ngày, ban ngày họ tắp vào những nơi rậm-rap có cây cối hay cạnh những vách đá, họ chỉ di chuyển về đêm. Ngày thư ba, trước khi thuyền rời bến, có một người đàn ông đẫy đà bước lên thuyền, có một người cầm súng theo sau. Mọi người trên thuyền đứng yên-lặng cho đến khi người đàn ông và người lính cân-vệ vào một phòng nhỏ đóng cửa lại. Tối hôm đó, em được đưa vào phòng người đàn ông lên thuyền lúc ban chiều mà những người trên thuyền gọi là ông chủ, ông đang nằm trên giường, dường như ông đã biết chuyện của em, vừa nhìn thấy em, ông nói liền:
- Mày ở đây làm việc với anh em trên thuyền, tương-lai sẽ có nhiều việc để làm cho mày cho đến khi mày tìm được gia-đình.
Ông bảo em ngồi cạnh giường ông, em không nhìn thấy có chiếc ghế nào trong phòng ông. Người lính cận-vệ ông ở trần, không mặc áo, em thấy còn trẻ lắm, không lớn hơn anh Nasim bao nhiêu; theo lời sai của ông chủ, người nầy rót cho em một chén nước trà thơm. Em nhận chén trà thì người nầy bắt đầu đấm bóp cho ông chủ. Em uống chưa hét nửa chén trà thì em cảm thấy em rất buồn ngủ và em mơ hồ nghe thấy âm thanh của chén trà rơi xuống sàn thuyền.
Gần hơn một tháng, đêm nào em cũng phải vào hầu ông chủ, thân xác em đau đớn rã-rời, chỉ biết khóc. Người cận vệ có lần nói riêng với em:
- Trước đây mình cũng như bạn vậy, bây giờ cũng vậy thôi. Những chuyến đi xa trên thuyền không có đàn bà nên ông chủ cần mình, đến khi về nhà thì ông có vợ con và mình sẽ được nghỉ ngơi. Sắp đến Kandahar rồi, nhà ông ấy ở thành phố đó. Bạn cố chịu đựng, đau đớn rồi sẽ hết.
Rồi thuyền cũng đến Kandahar vào một buổi sáng mù sương. Những người phục vụ trên thuyền lần lượt chuyển những bao vải xuống những chiếc ghe nhỏ chờ sẵn tiến sát con thuyền. Em theo ông chủ và người cận vệ lên một chiếc xe màu đen rời bến tàu.
Nhà ông chủ nuôi rất nhiều chó, chung quanh có tường cao không nhìn thấy bên ngoài. Nhà có vài người giúp việc, nhưng em thấy hầu như mọi việc do bà chủ đẩm đang hết. Bà đối đãi với em rất tốt, cho em ăn uống no đủ cũng như may sắm cho áo quần. Từ đó, mỗi tuần ông chủ lại đến với em một lần, có khi đêm, có khi ngày, sau một lần như vầy, lần đầu em nghe ông hỏi:
- Còn đau đớn gì nữa không ?
Em cảm thấy ê-chề, gớm ghiết, tủi thân, khóc và không trả lời.
Mấy ngày sau, ông chủ gọi em vào phòng, người cận vệ bên cạnh ông, trên bàn em nhìn thấy một chùm trái chà-là óng vàng. Ông chủ nói với em:
- Mấy tháng nay đã chuẩn bị, nay chúng ta bắt đầu làm việc. Ông vừa nói xong, người cận-vệ tiến đến gần em, bảo em khom người rồi kéo quần em xuống. Người cận-vệ ngắt một trái chà là nhúng vào một dung-dịch như dầu rồi nhét vào hậu môn của em. Em sợ hãi chống cự. Ông chủ nhiều lần đe dọa nếu em tiếp-tục chống-cự sẽ bị cùm chân tay không cho ăn uống. Em cương quyết cưỡng lại lời ông chủ. Em bị trói chân tay nhốt dưới hầm sâu, bị bỏ đói. Mấy ngày tiếp theo, đói lạnh không chịu nỗi, người cận vệ khuyên em, giống như anh ấy trước đây, phải chịu đựng đau buồn, tủi nhục như em bây giờ, rồi mọi việc sẽ quen đi. Nếu tiếp tục kháng-cự, một ngày nào đó người ta sẽ ném em xuống sông. Và em đã phải nghe theo lời người cận vệ. Lần thực hiện đầu tiên, người cân-vệ đưa vào vài trái chà là. Vài phút sau những trái chà là bị tống ra. Gần một tuần lễ, ruột em có thể tích trữ được gần mười trái chà là....Ông chủ lại đối đãi tử tế với em. Và những trái chà là bất đầu ngoan ngoãn, chịu nằm yên, không tháo ra ngoài, chúng chỉ ra ngoài theo ý muốn của em. Để chuẩn bị cho chuyến du ngoạn qua một thành phố trong lãnh địa Pakistan kế cận, theo lời của ông chủ, trưa ngày hôm trước em không được ăn, buổi sáng trước khi khởi hành, em được cho uống một ly nước, rồi không lâu sau đó tất cả phân trong người bị tống tháo ra ngoài. Ông chủ trao cho người cận-vệ một hộp có những viên nhựa bằng cỡ những trái chà-là, trong đó có chứa bột màu trắng, người cận-vệ lần lượt cho vào ruột em, em tính được mười hai viên. Em cũng thấy người cận-vệ cũng tự cho những viên nhựa nầy vào ruột của mình.
Em được ông chủ làm giấy tờ đầy đủ, có cả giấy thông hành. Ông lái xe chín chỗ ngồi đưa em và người cận vệ ra bến xe đò, ông mua vé cho hai người lên xe đò xong ông lái xe bỏ đi. Xe đò vào lãnh-thổ Pakistan được vài cây số, xe ngừng trước một trang trại nuôi cừu, người cận-vệ kéo tay em xuống xe. Trên xe cũng có vài người xuống theo. Ông chủ lại xuất hiện, trên xe ông đã có người ngồi sẵn, chỉ còn để trống 2 chỗ cho em và người cận vệ. Trên xe toàn đàn ông, với nhiều lứa tuổi khác nhau, có người râu bạc, có người nhỏ tuổi như em. Tất cả im-lậng, không ai được nói chuyện với nhau. Xe chạy vào một ngôi nhà có tường bao quanh. Lần lượt mọi người xuống xe từng lúc , khi có lệnh của ông chủ.
Em là người xuống sau cùng. Một người dẫn em đến một phòng nhỏ, đưa cho em một thau nhựa có lót giấy, và em đã xổ vào thau hết những viên nhựa đã bị đưa vào trong ruột của em.
Công việc nầy em được lệnh thực hiện hai lần một tuần. Hết tuần lễ thứ tám, ông chủ nói với em rằng ông sẽ cho em đi du-lịch nước Pháp vì em đã làm việc tốt. Từ thành phố Kandahar, ông chủ, em và người cận-vệ đi máy bay đến Dubai hai ngày trước. Ngày lên phi trường Dubai để đi Pháp, trong nhóm hành khách làm thủ-tục lên máy bay, em nhận ra hầu hết những người em từng gặp trong những lần đi với ông chủ từ Kandahar qua biên giới vào lãnh thổ Pakistan. Buổi sáng, lúc chuẩn bị lên phi-trường Dubai, trong nhà ngũ, người cận-vệ lại đưa những viên nhựa chứa bột trắng vào ruột của em, anh tiết lộ cho em biết, chuyến đi nầy ông chủ cho đi bốn mươi người, anh đã đi Pháp hai lần, Paris đẹp lắm, nếu em biết làm việc và biết nghe lời ông chủ em có thể được ông chủ cho đi nhiều nước ở Âu-châu. Khi đến phi-trường quốc-tế Charles-de- Gaulle, người cận-vệ, em và ông chủ cùng đi ra chung. Khi đi qua khu vực kiểm tra của cảnh-sát hải-quan, có những con chó chạy đến ngữi ngữi vào người em và nhiều người khác. Con chó không phát hiện gì nơi em cả. Lúc còn ở Dubai, nơi nhà ngủ, sau khi cho những viên nhựa vào ruột của em, anh cận vệ đã xịt vào toàn cơ thể em một chất gì đó mà anh nói những con chó sẽ không bao giờ phát hiện được những viên nhựa chứa bột màu trắng trong người em. Khi người nhân viên hải-quan Pháp ra dấu cho em đi qua khỏi mấy con chó, em nhìn thấy từ trong góc khu kiểm soát có một người... và em bỏ rớt cái túi xách trên tay, mừng quá, em gọi thật lớn:
- Chú Jangi.
Người ấy chạy đến ôm em. Hai người cùng khóc. Trong nổi xúc-động nhận được người thân, em rùng mình, không kiểm-soát được toàn thân, những viên nhựa từ ruột em rơi xuống đất, lăn tròn quanh chân em. Những con chó cùng chạy đến ngồi bên chân em. Em lo sợ, run rẩy. Em được đưa vào một phòng riêng. Chú Jangi là em út của cha em, chú dạy học ở Kaboul. Thời gian quân Taliban kiểm soát một phần thủ-đô Kaboul, chú trốn thoát qua Iran...rồi vào Pháp xin tỵ-nạn hơn mười năm nay. Thỉnh-thoảng chú có về thăm bà con ở Kaboul, em không ngờ chú ấy làm việc ở đây.***** Chỉ còn một tuần nữa các trường học sẽ mở cửa. Daryab đã được nhận cho học một trường gần nhà. Nhân cuối tuần, gia-đình bà Mina tổ chức một buổi ăn trưa ngoài trời, thịt cừu nướng, bánh mì...nước ngọt. Địa điểm được lựa chọn cho bửa ăn là khu đồi Fort de Stains gần khu chung cư chừng mười phút đi bộ. Đây là khu đồi nhân tạo, nguyên trước đây là một cổ thành, được lấp đất, trồng cây để biến thành đồi. Một phần của đồi là một dốc đứng nhìn về đường bay lên, xuống của phi-trường quốc-tế Charles-de-Gaulle. Mỗi người một tay chuẩn bị bữa ăn. Daryab nằm dưới bóng mát của một tàng cây lớn, mặt ngửa lên trời....Tôi đang chăm-chú luôn tay trở thịt trong lò nường...tôi bỗng nghe những tiếng kêu thảng thốt của bà Mina, của chồng bà, của con gái bà :
- Daryab ! Daryab ! Daryab.....ngừng lại, ngừng lại...
Tôi nhìn thấy mọi người đang hiện-diện trên đồi đều chạy nhanh về hướng dốc đứng của đồi. Tôi cũng chạy nhanh về hương đó. Từ lưng chừng dốc, Daryab đang nằm lịm giữa những bụi cây. Có một ai đó đã gọi báo cho cảnh-sát và nhân viên cứu hỏa....Tôi nghe tiêng khóc của bà Mina giữa đám đông..
Tôi vào bệnh-viện thăm Daryab. Theo lời bác sĩ điều-trị cho biết em rất may mắn không bị chấn thương nặng, một hai ngày sẽ được xuất viện Tôi hỏi em sự việc em rơi xuống đồi ngày hôm trước. Em im-lăng một lúc lâu như rồi em chậm-rãi kể:
- Trưa hôm đó em ngồi nhìn lên thẳt trời rất đẹp. Màu xanh của bầu trời gợi nhớ cha mẹ và anh Asim. Những ngày từ thủ-đô Kaboul về thăm ông bà nội ở vùng quê, gia đình em cũng hay có những bữa ăn trưa ngoài trời. Sau bữa ăn, tất cả mọi người đều nằm nghỉ ngơi dưới một bóng cây râm mát, nguớc nhìn lên bầu trơi xanh trong. Mẹ thường nói một cách ngọt ngào: " Daryab của mẹ đã lấy hết màu trong xanh của bầu trời vào đôi mắt của con rồi, không chừa một chút nào cho anh Asim "
Cha em trả lời mẹ: "Asim đã lấy hết màu nâu vàng của núi đồi, bãi cát của quê hương vào mắt rồi, có chừa chút nào cho em Daryab của nó đâu ! " Những lời nói êm ái yêu thương như dìu em lên khỏi mặt đất, em trôi nhẹ- nhàng trên những cỏ cây.
Em mơ màng nghe từ xa như có tiếng u..u của gió lùa qua những đụn cát nơi quê nhà. Rồi em thấy một chiếc máy bay hiện ra sau những ngọn cây. Em thấy cha em, em thấy mẹ em, em thấy anh Asim của em từ trong chiếc máy bay đưa tay vẫy gọi. Em thấy lá cờ Afghan hiện ra trên thân chiếc máy bay. Em thấy người thân cùng bạn bè em reo vui đi dưới lá cờ của đất nước em... Rồi em thấy người em như đuợc nhẹ nâng cao lên khi chiếc máy bay bay qua. Dường như có một luồng gió mạnh cuốn em bay theo. Cánh cửa máy bay mở tung, em ngã vào vòng tay của cha mẹ và của anh Asim. Em theo gia-đình trở về quê hương, bay vào khoảng không mênh-mông...
*****
Một ngày rãnh-rỗi, tôi đã mượn quyển tự-điển Afghan-Français để tìm nghĩa của chữ Daryab....người ta giải thích là Giòng Sông....Tôi thầm nghĩ, một Giòng Sông đã chảy từ một nơi xa xôi đã đến đây, đã tạm ngừng chảy, nhưng không biết mai sau còn chảy thêm đến một nơi nào nữa đây ? !!!.
Giòng Sông dễ thương lạ lùng. Giòng Sông như vẫn chảy chầm chậm, mặt Sông ngữa nhìn trời. Bầu trời luôn hiện hữu để Giòng Sông nhìn thấy và trong bầu trời thấp thoáng hình ảnh của quê nhà xa tắp mà Giòng Sông nhớ thương.
Nguyễn-đại-Thuật