logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 15/10/2019 lúc 08:43:31(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,589

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Lời Giới Thiệu: Truyện này trích từ tuyển tập Mê Cung của nhà văn Đào Văn Bình. Mê Cung là một tuyển tập truyện ngắn, theo nhà xuất bản Ananda Viet Foundation, hoàn toàn hư cấu nhưng mang tính tư tưởng và triết lý. Nói “hư cấu” nhưng đều dựa vào những sự kiện có thật trong cuộc sống vì không một đạo học, tư tưởng, triết lý hay thơ, truyện nào mà không liên quan đến cuộc sống. Tuyển tập bao gồm những chủ đề như: Tự ái của con người, diễn dịch ý chỉ của thần linh theo ý muốn của giáo sĩ, ảo tưởng về sự thành thật, nỗi buồn của Thần Chết, ảo tưởng của con người về một thế giới toàn là tu sĩ, thân phận của đàn ông khoảng nửa thế kỷ sau, cuộc sống ở Thiên Đàng ra sao. Và sau hết là một số chuyện ma để mua vui cho đời. Tuyển tập này mất ít ra mười lăm năm mới hoàn tất... Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation ấn hành. Đang bán ở Amazon: https://www.amzn.com/1080780491/  Sau đây là truyện ngắn "Mê Cung" trong tuyển tập truyện ngắn Mê Cung.

UserPostedImage
.
Mê cung là một nhạc sĩ tài hoa nhưng nghèo, nghèo là vì chàng không có máu con buôn. Trong khi những cai thầu văn nghệ nhờ phát hành băng nhạc, tổ chức đại nhạc hội trở nên giầu có, những cô ca sĩ nhờ hát nhạc của chàng mà trở nên nổi tiếng, lấy được chồng giàu sang thì chàng vẫn nghèo. Nói tóm lại chàng giống như cây cải bị lũ rầy cai thầu văn nghệ nhung nhúc bám vào thân hình. Còn những bông cải vàng rực kia lại bị lũ buớm - tức mấy cô ca sĩ bay đến hút nhụy rồi lại nhởn nhơ bay đi hút mật ở những chùm hoa khác làm cho cây cải mỗi lúc mỗi trở nên héo tàn. Chính vì vậy mà chàng đâm ra hận đời rồi từ đó chán đời. Từ hận đời, chán đời nên chàng không muốn chơi với đời nữa mà lại muốn chơi với ma. Mê Cung cho rằng ma chính là người ta đã chết đi. Một khi đã chết rồi, từ dưới âm phủ ma quay nhìn lại cuộc đời thì thấy cuộc đời tựa như một giấc chiêm bao, chẳng ra cái quái gì cho nên chẳng còn muốn giành giựt hơn thua với đời nữa. Một khi chẳng muốn hơn thua với đời thì chắc hẳn ma rất dễ thương ? Từ đó chàng có ý tìm ma để sinh sống.
Thế nhưng trong khi nhịp độ đô thị hóa tăng nhanh như thế này thì làm gì còn có chỗ nào gọi là “ma thiên lãnh“ để cho ma trú ngụ nữa ? Chàng đã vào Nghĩa Địa Bình Hòa ngủ thử vài đêm nhưng cũng chẳng thấy ma đâu cả. Thất vọng đã toan bỏ cuộc, trong khi đi hớt tóc ở Chợ Bà Chiểu chàng nghe lóm được mẩu đối thoại của hai cụ già đang ngồi đánh cờ tướng. Một cụ nói:
- Tôi chẳng bao giờ tin chuyện ma quỷ ấy thế mà cũng phải tin. Này, bác có biết chuyện con ma nhà Ông Đội Trạch không ?
Cụ già thứ hai ngưng một nước cờ, nói :
- Có phải bác muốn nói con ma ở ngôi nhà cổ cuối đường Ngô Tùng Châu không ?
Cụ già thứ nhất vội đáp :
- Đúng vậy. Câu chuyện này tôi đã được nghe ông cụ tôi kể từ hồi tôi còn bé. Ông Đội Trạch lúc nhỏ có tên là Thằng Cu Trạch, là con của một người giữ ngựa cho Tây sau được xung vào lính pạc-ti-dăng. Nhờ gan dạ, dám trá hàng đầu phục nghĩa quân của Cụ Nguyễn Trung Trực rồi sau đó dẫn Tây đến đánh úp mà Tây phong đến chức đội xếp, được Thống Đốc Nam Kỳ sắc phong Bắc Đẩu Bội Tinh và được treo cờ Tam Tài (1) trong nhà. Nhờ thế lực đó mà Đội Trạch trở nên giàu có nức tiếng ở Gia Định. Đội Trạch có cô con gái tên Mộng Nguyệt. Vì là con thứ hai trong gia đình cho nên người ăn người làm trong nhà thường gọi là Cô Ba. Mộng Nguyệt có một sắc đẹp thật não nùng. Vợ chồng Đội Trạch cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa nên cho học đánh đàn dương cầm, nữ công gia chánh, học trường đầm. Khi Cô Mộng Nguyệït đậu xong bằng Đíp-lôm (2) và cũng vừa tới tuổi cập kê, vợ chồng Đội Trạch ý muốn làm xuôi với gia đình Đốc Phủ Chương ở Chợ Lớn. Gia đình Đốc Phủ Chương có người con trai lớn là Cậu Hai André năm đó đã đậu xong bằng Bắc Đơ (3). Khi hai người gặp nhau thì Cậu Hai André mê đắm ngay sắc đẹp của Cô Ba Mộng Nguyệt. Còn Cô Ba thì cũng bị những nét hào hoa, đẹp trai của Cậu Hai André chinh phục. Thế nhưng đời cũng có lắm cái trớ trêu. Tuy cùng làm tay sai cho Thực Dân Pháp nhưng Đốc Phủ Chương lại chê Đội Trạch là dân lính tẩy không có học, không xứng đáng làm xuôi gia cho nên tìm cách chia uyên rẽ thúy. Khi nghe tin Cậu Hai André kết hôn với con gái của một ông hội đồng ở miệt Hậu Giang thì thì Cô Ba ngất xỉu. Cô ốm tương tư vì nhớ thương cậu Hai André và cũng vì uất hận nữa. Sau đó bệnh mỗi ngày mỗi nặng không thuốc nào chữa khỏi và cổ qua đời lúc mới vừa mười chín tuổi. Ông bà Đội Trạch cho chôn con gái ở vườn sau nhà, giữ gìn lại tất cả đồ đạc, kỷ niệm và bữa cơm nào cũng làm một mâm cơm để bên cạnh giường cũ như thể Cô Ba vẫn còn sống. Ít năm sau, vì quá nhớ thương con, Bà Đội lâm bệnh rồi qua đời rồi vài năm sau, ông cũng theo bà về nơi tiên cảnh. Người ta đồn rằng hình như Cô Ba chết nhằm giờ linh cho nên cô không đầu thai được. Vả lại cổ hận Cậu Hai bạc tình cho nên thường hiện lên để trêu ghẹo người ta và có đêm bắt cả đàn ông, con trai vào ân ái để trả thù Cậu Hai nữa.
Tới đây thì ông già thứ hai ngắt lời:
- Chuyện đó thì tôi không được rõ lắm. Mặc dù ngôi nhà cổ không ai ở nhưng thỉnh thoảng đêm tối đi ngang qua tôi thấy trên lầu đèn thắp sáng, thấp thoáng có bóng của một cô gái trong bộ đồ ngủ và cả tiếng đàn dương cầm vang lên thánh thót!
Nghe tới đây thì gai ốc trong người Mê Cung nổi cả lên nhưng từ nỗi lo sợ lại nẩy lên một niềm khát khao là chàng sẽ được gặp ma và sống với ma. Sau khi trả tiền xong, Mê Cung hối hả về nhà để sắp đặt một chương trình theo đúng như mộng ước của chàng.


Hôm ấy là ngày chủ nhật vào khoảng mười giờ sáng, Mê Cung thuê xe xích-lô để đi tới ngôi nhà cổ đúng như câu chuyện mà chàng đã nghe được. Trả tiền xong, xốc lại chiếc ba-lô mà trong đó chàng có mang theo mấy bộ quần áo, vật dụng cá nhân, chàng mạnh dạn tiến tới chiếc cổng sắt. Đây đúng là một tòa dinh thự cổ của một gia đình quyền quý năm xưa. Trong sân, những tàng cây cổ thụ cành lá la đà làm cho khung cảnh trở nên âm u. Dường như căn nhà ít được ai chăm sóc, quyét dọn cho nên lá khô và rêu xanh phủ khắp cho nên tất cả tỏa ra một cái gì đó trông rờn rợn. Sau khi đã giật một vài hồi chuông, loại chuông kéo bằng giây, Mê Cung hồi hộp đứng chờ. Chờ một lúc không thấy ai trả lời, chàng giật thêm vài hồi nữa nhưng vẫn không có tiếng ai đáp lại. Cuối cùng chàng đánh bạo thò đầu qua song của sắt gọi lớn vào bên trong:
- Có ai trong nhà không, cho hỏi thăm với ?
Chàng phải gọi đi gọi lại như thế hai ba lần thì từ mé vườn phía sau mới có một bóng người lẹp xẹp bước ra. Đó là một ông già gù, đi chân đất, mặc một bộ đồ bà ba màu cháo lòng. Vì mái tóc bạc phủ xuống trán, nhất là đôi mắt lé, cái miệng lại méo cho nên ông ta trông giống nhân vật Quasimodo trong câu truyện Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà. Nhìn thấy ông ta Mê Cung muốn thoái lui nhưng tới nông nỗi này thì chàng đâu còn đường nào khác nữa. Chàng đánh bạo lên tiếng:
- Thưa bác cháu muốn hỏi thăm...
Không để chàng nói hết câu, ông già gù chặn ngang với giọng bực bội:
- Cậu là ai ? Tới đây có chuyện gì ?
Mê Cung nhanh nhẹn đáp:
- Cháu là nhạc sĩ Mê Cung…, (chàng định nói thêm “rất nổi tiếng” nhưng may mà kềm lại được) xin được vào thăm căn nhà này.
Lão già gù cau mày nói:
- Ngôi nhà này có cái gì lạ đâu mà cậu muốn vào thăm ? Nè, nhạc sĩ thì ra cái quái gì đâu mà khoe ?
Nghe câu nói móc họng như vậy Mê Cung hiểu rằng nếu chàng còn giải thích lằng nhằng thêm nữa thì câu chuyện tất không xong. Chàng thò tay vào túi, móc ra tờ giấy một trăm đồng, ấn vội vào tay ông già gù, hạ giọng nói:
- Bác cầm lấy để uống cà phê. Làm ơn cho cháu vào xem một chút thôi !
Dường như tiền bạc cũng có khả năng làm thay đổi tình cảm của con người cho nên sau một vài giây ngần ngừ, lão già “ hừ “ lên một tiếng rồi từ từ rút trong cạp quần ra một xâu chìa khóa – loại chìa khóa cổ mỗi chiếc dài gần bằng cả một gang tay. Khi lão già tra chiếc chìa khóa, mở cánh của sắt thì chàng lanh lẹ lách mình vào. Sau khi đã khóa cánh cửa sắt trở lại, lão già khập khễnh đi trước còn Mê Cung lặng lẽ theo sau.
Trên đường đi hai người băng qua một sân lát gạch rộng. Có lẽ tiếng xào xạc đạp lên lá khô đã làm kinh động mấy con dơi quạ đang đeo mình trên mấy cành cây cho nên chúng bay túa ra ngoài làm Mê Cung thất kinh hồn vía. Lão già dẫn Mê Cung đi vòng ra phía sau, tới một khu nhà vừa là bếp vừa là nhà ở của đám gia nhân trước đây – giờ thì đóng cửa im ỉm, chỉ có một căn với cánh cửa khép hờ. Có lẽ chỉ có mình lão già ở trong căn phòng cho nên đồ đạc thật đơn sơ, trên nóc mạng nhện giăng tứ tung. Sau khi ấm trà đã được dọn ra, nhấp vội một ngụm, Mê Cung thành thực kể cho lão già nghe câu chuyện nghe được ở Chợ Bà Chiểu cùng ý định của chàng khi đến căn nhà này. Nghe xong lão già cười khẩy, nói:
- Thời buổi này mà còn tin chuyện ma! Nhà này làm gì có ma. Chuyện ma là chuyện mua vui, để hù dọa con nít, để trám chỗ trống trên mấy tờ báo !
Rồi bằng một giọng trầm trầm lão già kể:
- Sau khi Cụ Đội chết đi thì mười năm sau ông già lão cũng qua đời. Lão thay cha làm quản gia cho cái dinh này cũng đã hơn bốn mươi năm rồi. Lúc sanh tiền Cụ Đội có người con trai là Cậu Hai Albert du học bên Pháp. Khi cha còn sống, Cậu Hai thỉnh thoảng có về đây nhưng kể từ khi Cậu Hai qua đời thì con cháu cậu ít khi về và chỉ gửi tiền để trả tiền công cho ta làm quản gia coi sóc căn nhà. Nói tóm lại cái dinh này nay trở thành nhà tự của dòng họ Cụ Đội chứ có phải căn nhà ma đâu.
Nói đến đây lão già ngừng lại, lấy tay chỉ ra ngoài rồi nheo mắt nói:
- Đấy mả của Cô Ba nằm đó. Cô Ba mất cách đây hơn năm mươi năm rồi.
Theo ngón tay của lão già, Mê Cung nhìn ra ngoài. Đó là một ngôi mả đá bao quanh bởi một bồn hoa trồng bông mười giờ, giờ này đang bắt đầu nở rộ. Bên trên là một tấm bia thật lớn có cẩn một tấm hình thật đẹp của Cô Ba Mộng Nguyệt. Mặc dù lão già nói thế nhưng trước khung cảnh âm u của toà dinh thự, hơn nữa vì lão già bị lé cho nên con mắt lão trở nên tinh quái. Cái miệng méo làm cho nụ cười của lão trở nên hóm hỉnh cho nên càng kích thích sự tò mò của Mê Cung. Mê Cung nghĩ rằng lão già cố bịa chuyện để tống chàng đi cho rảnh nợ cho nên chàng khẩn khoản:
- Thưa bác, dù biết vậy nhưng cũng xin cho cháu ở lại đây một đêm thôi. Nếu cháu có làm chuyện gì bậy bạ thì cũng chạy đâu cho thoát, có phải vậy không bác ?
Lão gìa lại “hừ “ một tiếng rồi nói:
- Dĩ nhiên ta chẳng sợ chú mày làm chuyện bậy bạ, song có điều....
Lão chợt dừng lại, tư lự giây lát rồi gật gù nói:
- Thôi được rồi. Âu cũng là điều trùng hợp. Đáng lý ra hôm nay đã tới kỳ vợ ta từ dưới quê lên thăm nhưng không hiểu có chuyện gì không mà bả trễ hẹn làm ta nóng ruột quá. Đã mấy năm nay ta cũng chưa có dịp về thăm nhà ở miệt Cao Lãnh. Thấy chú mày là người thiệt thà ta cũng có cảm tình. Ta sẽ giao chìa khóa cho chú mày và sẽ trở về nội trong ngày mai. Chú mày có thể xem một vòng cho biết nhưng tuyệt đối không được đưa người lạ vào đây nghe chưa.
Nghe nói vậy, Mê Cung mừng rỡ ôm lấy lão già, cám ơn rối rít. Sau đó lão già gù gom một mớ quần áo, vật dụng bỏ vào tay nải. Mê Cung tiễn lão ra ngoài cửa, gọi xích-lô để chở lão ra bến xe.
Khi lão già đi rồi, Mê Cung cũng đi bộ ra ngoài Chợ Bà Chiểu mua ổ bánh mì, khoanh chả lụa và vài chai bia rồi quay trở lại tòa dinh thự. Ngay dưới tàng cây soài cổ thụ là một chiếc bàn đá và mấy chiếc ghế bành bằng mây. Chàng thoải mái ngồi dựa ngửa ở đó để uống bia và trong lòng thầm cầu mong sao tối nay sẽ được gặp ma tâm sự cho thỏa tình mong ước. Do men rượu, do bầu không khí tịch mịch, do ngọn gió hiu hiu gợi cảm, Mê Cung đã thiếp đi vào giấc ngủ trưa lúc nào không hay. Khi Mê Cung tỉnh giấc thì trời đã về chiều. Vì toà dinh thự được bao phủ bởi những tàng cây cổ thụ cho nên bên trong sân trời tối nhanh hơn ở bên ngoài. Mê Cung đã toan đi xuống nhà bếp để gom góp đồ đạc rồi sau đó sẽ mở cánh cửa hông của tòa dinh thự để bước vào bên trong thì có tiếng ai réo gọi ở ngoài cổng. Chàng vội chạy ra và trước sự ngạc nhiên của chàng, người đang đứng đó không ai khác hơn là một cô gái trạc độ mười chín, hai mươi tuổi. Đứng sát vào cổng sắt chàng lên tiếng hỏi:
- Cô tìm ai ?
Thay vì trả lời, cô gái lại hỏi chàng:
- Ba em có nhà không ? Sao em gọi mãi mà không thấy ai trả lời ?
Mê Cung ngạc nhiên hỏi:
- Ba nào ?
- Ủa ? Anh ở đây mà không biết ba em à ? Ba em là ông già, ông già quản gia của cái dinh này đó ! Anh mở cửa cho em vô đi.
À thì ra đây là cô con gái của lão già gù. Mê Cung vội vã mở cổng cho cô gái lách mình vào. Cô gái đầu đội chiếc nón lá, mặc áo bà ba trắng và chiếc quần lãnh đen, tay xách một chiếc giỏ. Dù lúc này trời đã xâm xẩm tối, tuy không nhìn thấy rõ mặt nhưng Mê Cung nhận thấy cô gái có thân hình hết sức cân đối, dáng đi uyển chuyển. Vừa bước vào bên trong cô gái đã liến thoắng hỏi:
- Thế ba em đâu rồi ?
Mê Cung vội đáp:
- Sáng nay chờ mãi không thấy ai lên, bác nóng ruột lấy xe về dưới quê rồi.
Nghe trả lời vậy cô gái nói với giọng có pha một chút ân hận:
- Âu cũng là lỗi tại em. Bắc Mỹ Thuận tối qua bị kẹt cho nên em không sao lên đây đúng hẹn làm ba nóng ruột phải về dưới đó. Không biết về ba có quở không. Nếu có gì thì xin anh cũng nói giúp em một tiếng.
Rồi không đợi chàng hỏi gì thêm, cô gái nồng nàn kể lể:
- Cứ ba tháng một lần mẹ em đều sai em lên đây để thăm và mang một số đồ tiếp tế cho ba. Em đã lên đây từ lúc mười mấy tuổi cho nên toà nhà này em rành lắm. Mà ủa, anh tới đây để làm gì ?
Bằng giọng nói thành thực Mê Cung kể cho cô gái lý do tại sao mà chàng có mặt tại ngôi nhà cổ này. Nghe xong cô gái cười khúch khích, nói:
- Trông anh bảnh trai thế mà cũng tin chuyện ma qủy. Chắc anh chọn lầm chỗ rồi đó. Căn nhà này không có ma đâu nhưng cũng có cái ngồ ngộ, để lát nữa em chỉ cho anh coi.
Nói xong cô gái lanh lẹn cầm lấy chùm chìa khóa, mở cửa hông để hai người cùng bước vào. Trước sự ngạc nhiên của Mê Cung, mặc dù bên trong trời tối như thế mà cô gái vừa đi vừa chỉ rõ nơi nào là chỗ bật điện, nơi nào là chỗ bật quạt trần, nơi nào là chỗ bật đèn ngủ v.v.. Sau khi căn phòng đã tỏa sáng, cô gái hướng dẫn Mê Cung bước lên lầu. Cũng giống như ở dưới nhà, cô gái quen thuộc từng nơi, từng chỗ như thể cô ta là chủ nhân của căn nhà này. Sau khi đèn đã được bật lên, trước mắt Mê Cung hiện ra một căn phòng khách thật sang của một gia đình quyền quý năm xưa. Những đồ đạc kê trong phòng đều là những đồ cổ đắt giá như những chiếc ghế sa-lông cẩn ốc sà-cừ, cặp ngà voi, những chiếc lục bình, những chiếc thống, chậu hoa, một chiếc máy hát quay tay với hiệu con chó ngồi xổm kê ở một góc. Trên bức tường cao, ngay trên nóc cầu thang từ dưới nhà bước lên là tấm hình khá lớn của Ông Đội trong bộ khăn đóng áo dài, với bộ râu mép trông rất uy dũng, vai choàng một cái đai cờ tam tài, ngực gắn chiếc huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Bên cạnh là hình Bà Đội đeo bông tai, quấn tóc trần, mặc áo dài nhung, cổ đeo kiềng vàng ra dáng con người quyền thế.
Trong khi Mê Cung còn đang say mê ngắm nghía thì thì cô gái đã lanh lẹn kéo những tấm rèm cửa sổ sang một bên. Giờ đây từ bên trong người ta có thể nhìn thấy những tàng cây cổ thụ ở ngoài sân, lấp lánh dưới ánh trăng đang đong đưa theo ngọn gió nhẹ. Khi đã kéo những tấm màn cửa sang một bên, cô gái quay trở lại, cầm lấy tay Mê Cung rồi vui vẻ nói:
- Em sẽ cho anh xem phòng của Cô Ba năm xưa.
Thế rồi dưới sự hướng dẫn của cô gái, Mê Cung bước vào căn phòng phía sau. Quả như lời giới thiệu, đây đúng là phòng ngủ của một tiểu thư con nhà khuê các. Một chiếc giường Hồng-Kông với những cây trụ bằng đồng kê sát vào tường nằm ngay chính giữa của bức vách, bên trên trải khăn hồng với một chiếc gối thêu hình chim phượng, một chiếc gối ôm bằng vải sa-tanh màu hoàng cúc và một con gấu búp-bê màu nâu đậm. Hai bên chiếc giường là một chiếc đèn ngủ và một kệ nhỏ để sách. Kế đó là hai chiếc tủ áo với những cánh cửa bằng kính. Đối diện với chiếc giường ngủ là chiếc bàn trang điểm trạm trổ rất tinh vi có gắn một tấm gương Tàu hình trái soan. Trên mặt bàn trang điểm là một vài thỏi son môi, một chiếc gương cầm tay và một vài cái lược. Ngay trên nóc chiếc bàn trang điểm, một tấm hình bán thân rọi lớn của Cô Ba Mộng Nguyệt được trang trọng treo trên tường. Trong khi Mê Cung còn đang mải mê ngắm nhìn những đồ vật trong phòng thì cô gái đã nhanh nhẹn mở cánh cửa tủ, lấy ở trong đó ra một bộ đồ ngủ rồi nhoẻn miệng cười, nói:
- Trời nóng nực quá em phải đi tắm và thay đồ. Có lẽ khi em tắm xong anh cũng nên tắm cho mát.
Nói xong cô gái đi về phía cuối căn phòng ngủ, đẩy cánh cửa phòng tắm, bật đèn rồi bước vào. Chỉ thoáng sau Mê Cung đã nghe thấy tiếng nước chảy rào rào tỏa ra từ chiếc hương sen ở bên trong.
Còn một mình trong phòng, Mê Cung tò mò nhặt con gấu búp-bê lên coi. Lông con gấu vẫn còn mượt nhưng bên trên phủ một lớp bụi và có mùi ẩm mốc. Nhìn con búp-bê Mê Cung liên tưởng tới cuộc sống đài các của con nhà quyền quý năm xưa – mười chín tuổi đầu rồi mà vẫn còn chơi búp-bê! Bỏ con búp-bê xuống, chàng tiến tới chiếc tủ áo. Bên trong chiếc tủ treo đủ thứ loại quần áo như áo dài, áo đầm, áo ngủ, áo mặc ở nhà, tất cả đều được thêu rất tỉ mỉ. Ngay dưới chân, sát tường là chiếc kệ để giầy bên trên bày hầu như nguyên vẹn tất cả những đôi giầy đôi hài mà Cô Ba chết đi để lại. Vừa cầm một chiếc lên coi thì Mê Cung thất kinh hồn vía. Một vật gì từ trong chiếc giày phóng vọt ra ngoài. Định thần nhìn kỹ lại thì ra đó là một con chuột nhắt làm ổ ở bên trong. Bị động chú chuột vọt ra và chạy biến vào dưới gầm giường. Chàng vừa hoàn hồn xong thì cánh cửa phòng tắm cũng xịch mở và cô gái từ bên trong bước ra. Nhìn thấy nàng, Mê Cung đứng xững như trời trồng. Trong chiếc áo ngủ xanh màu hồ thủy, cô gái gần như lột xác hoàn toàn ! Hình ảnh một cô gái quê mặc quần áo bà ba lúc nãy biến đâu mất. Nàng hiện nguyên hình thành một cô gái thật đẹp, thật quyến rũ. Thân thể nàng lồ lộ dưới làn voan mỏng của chiếc áo ngủ. Dường như không chú ý đến sự kinh ngạc của Mê Cung, cô gái từ từ tiến tới bàn trang điểm. Nàng lấy lược chải tóc rồi hồn nhiên ngắm nhìn mình trong gương. Sau giây phút hoảng hốt, một ý nghĩ tò mò nảy ra trong óc. Mê Cung tiến về phía chiếc giường, ngồi xuống và bình tĩnh ngắm nhìn cô gái hiện trong gương. Rồi hoàn toàn do sự vô tình, chàng ngửng đầu nhìn lên tường. Không hiểu mắt chàng có bị ảo giác hay không mà người đang đứng trước tấm gương và hình Cô Ba treo trên tường giống nhau như hai giọt nước! Chàng kinh hãi kêu lên :
- Giống quá ! Trời ơi giống quá !
Nói xong Mê Cung hốt hoảng đứng dậy, dựa lưng vào tường, mắt mở trừng trừng như người vừa trông thấy ma. Trước thái độ hoảng hốt của Mê Cung, cô gái quay lại. Nhưng thay vì làm một cử chỉ gì đó khiến Mê Cung có thể kinh hãi thêm, nàng chỉ nhoẻn miệng cười và nói với giọng hết sức hồn nhiên:
- Anh cũng như ba em vậy đó. Cứ mỗi lần em lên đây là ba em đều nói “ Sao con giống Cô Ba quá ! Hay con là Cô Ba đầu thai lại vào nhà ta ?” Nghe ba nói thế em cãi lại “Cô Ba là con nhà quyền quý thiếu gì nơi đầu thai tại sao phải đầu thai vào chỗ nghèo hèn như nhà mình ? Vả lại người ta giống nhau cũng là chuyện thường. Biết đâu trong lúc má cấn thai, ba lúc nào cũng nghĩ đến Cô Ba cho nên đẻ con ra giống Cô Ba chứ gì? “ Nghe em giải thích thế từ đó ba em mới không còn thắc mắc nữa.
Còn đang bán tín bán nghi với lời giải thích thì cô gái lại lên tiếng. Nhưng lần này giọng nói của nàng có pha một chút nghẹn ngào:
- Anh biết không. Em bất hạnh sinh vào một gia đình nghèo ở dưới quê suốt đời mặc quần thô áo vải. Năm mười sáu tuổi, lần đầu tiên lên thăm ba, em được ba dẫn lên đây chơi. Nhìn quần áo, giày dép, giường ngủ trong căn phòng em cứ tấm tức khen Cô Ba tốt phước quá. Khi ba xuống nhà dưới, em lén lấy quần áo của Cô Ba ra mặc. Dù không biết đánh đàn dương cầm nhưng em cũng ngồi vào ghế rồi đánh đại vài tiếng. Em mở tung cả các cánh cửa sổ thò đầu nhìn ra ngoài đường phố để có cái cảm giác của một cô gái sống ở nơi đài các. Đêm đó em ngủ ngay trên giường của Cô Ba. Sáng hôm sau biết được, ba quở em quá chừng nhưng rốt cuộc ổng chỉ mắng thế nhưng vẫn thương vì ổng chỉ có mình em. Từ đó em càng làm nư. Cứ mỗi lần lên đây em đều lấy quần áo của Cô Ba ra mặc, ngủ ngay tại giường này, thét rồi cũng đâm quen, ba thấy vậy cũng chẳng nói gì. Vậy thì anh cũng đừng có ngạc nhiên làm gì nhe !
Lời nói của cô gái làm Mê Cung nhớ tới câu chuyện đối đáp qua lại giữa hai ông già mà chàng nghe được ở Chợ Bà Chiểu. Thì ra cái hình ảnh cô gái ma trong bộ đồ ngủ, đêm khuya hiện ra trên lầu của căn nhà này với tiếng đàn dương cầm thánh thót là do sự tinh ma, ranh mãnh của cô gái này đây. Chính lời giải thích đó đã làm chàng vững tin. Do đó cái cảm nghĩ cô gái có thể là ma hiện hình thoáng một giây hiện ra trong đầu chàng cũng theo đó mà tan biến mất. Mê Cung chợt thấy thông cảm và thật tội nghiệp cho cô gái. Trong lúc chàng còn đang lúng túng chưa biết phải phản ứng như thế nào thì cô gái lại lên tiếng:
- Em chỉ mong mong một ngày được sống như Cô Ba có chết cũng cam tâm ! Con gái nhà nghèo sống cô đơn buồn tủi lắm anh ạ! Anh không nghe báo chí tiểu thuyết bây giờ người ta thường hay nói “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt ! Còn hơn le lói suốt năm canh” sao ?
Là một nhạc sĩ tài hoa, vốn thuộc nòi tình. Ngoài cái bất hạnh của chính đời mình, người nhạc sĩ cũng còn hay bỏ vào tác phẩm của họ cả những thương vay khóc mướn của nhân thế, cho nên nghe nói vậy Mê Cung cảm thấy xót thương cô gái vô hạn. Chàng tiến tới, cầm lấy tay cô gái, an ủi:
- Anh thông cảm được những gì em nói. Nhưng em đẹp thế này thì lo gì ?
Dường như tìm được người tri kỷ, cô gái khẽ gục đầu vào ngực Mê Cung. Do phản ứng rất tự nhiên, Mê Cung vòng tay ôm chặt cô gái vào lòng. Mùi hương thoang thoảng như hoa ngọc lan và da thịt mềm mại của cô gái làm chàng ngất ngây. Thế nhưng chỉ giây lát sau, cô gái đã gỡ tay Mê Cung ra rồi nàng bật cười khúc khích, nói:
- Chút xíu nữa em quên mất anh là nhạc sĩ. Tối nay anh đàn cho em nghe có được không ?
Nói xong nàng nũng nịu cầm tay Mê Cung kéo ra ngoài phòng khách. Quả thật lúc này chàng Mê Cung nhà ta dường như đã lạc vào mê hồn trận. Chàng líu ríu bước theo cô gái rồi hai người tiến tới chiếc đàn dương cầm. Quả thật trong đời chưa bao giờ Mê Cung trải qua những phút giây lạ kỳ như vậy. Giữa tòa lâu đài cổ, ngồi bên cạnh chàng là một cô gái thật quyến rũ, thật ngây thơ và cũng thật dễ thương. Bên ngoài vầng trăng đã lên cao và ném vào căn phòng một thứ ánh sáng màu sáng đục lả lơi. Thỉnh thoảng một ngọn gió nhẹ làm đong đưa đám cành lá lúc này dường như cũng đã ướt mềm như sương khuya, làm cho cảnh vật về đêm càng êm đềm, gợi cảm. Mê Cung bắt đầu dạo nhạc và chàng đã dồn hết tâm trí để chơi bản Dạ Khúc của Schubert. Khi tiếng đàn vừa cất lên thì cô gái cũng khẽ ngả đầu vào vai chàng như thể quá xúc động. Nàng nhắm nghiền đôi mắt như để tận hưởng những cung bậc du dương, mời gọi, da diết của một bản nhạc trữ tình. Mê Cung đã chơi bản nhạc giữa trạng thái ngất ngây, nửa tỉnh, nửa mê như thể chàng đã xuất hồn để tấu nhạc trong một đêm thần thoại của một cõi thần linh, ma quỷ.
Khi chàng vừa chơi dứt bản nhạc thì căn phòng đột ngột nhiên trở nên im lặng – nhưng là một sự yên lặng nhiệm màu và khó hiểu. Dường như không gian vẫn còn vương vấn và phảng phất những cung bậc thánh thót mà mới một vài giây phút trước đây nó đã ngự trị trong căn phòng này. Trong trạng thái hoang mang, bí ẩn và đầy quyến rũ đó, hơi ấm tỏa ra từ thân thể của cô gái như một chất men ma quái làm Mê Cung nóng ran cả người. Không còn kềm chế nổi dục tình, Mê Cung ôm choàng lấy cô gái, hôn lên môi nàng. Rồi chàng bế xốc cô gái và bồng nàng vào trong phòng.
 
 
Khi Mê Cung giật mình tỉnh giấc thì mặt trời đã lên khá cao. Chiếc đồng quả lắc cổ trong phòng khách thong thả điểm mười tiếng. Việc đầu tiên mà chàng nhận thức được là bên cạnh mớ chăn gối, khăn trải giường bị xô lệch, Mê Cung không thấy cô gái đâu cả. Trong lúc đầu óc chưa hoàn toàn tỉnh hẳn chàng nhớ đêm qua chàng đã trải qua một cuộc ân ái thật mặn nồng với cô gái. Dấu vết của đêm truy hoan còn để lại trên thân xác thật uể oải, miệng khô và khát nước của chàng. Nhưng giờ này cô gái ở đâu ? Trong một thoáng giây chàng nghĩ có thể cô gái đang ở trong phòng tắm. Chàng chạy vội vào đó nhưng nàng không có ở đó ! Hay nàng đang thơ thẩn chơi ở dưới sân, hoặc làm công việïc gì đó ở dưới nhà bếp ? Mê Cung vội vã chạy xuống dưới kêu réo, lục lọi khắp nơi nhưng cũng chẳng thấy nàng đâu cả ! Rồi hình như do linh tính mách bảo, chàng chạy ngược trở lên phòng ngủ của Cô Ba Mộng Nguyệt. Một tờ giấy nhỏ nằm ngay trên mặt chiếc bàn học. Chàng vội vã cầm lên đọc. Mẩu giấy viết như sau: “ Xin lỗi anh, em phải về dưới quê sớm. Nếu ba về biết chuyện này chắc ba quở em dữ lắm. Hy vọng chúng mình sẽ gặp nhau vào một dịp khác !” Vò nát mẩu giấy trên tay rồi nhét vào túi áo, Mê Cung ngồi thẫn thờ như pho tượng đá. Một niềm nhớ thương lẫn xót xa lại xâm chiếm cả tâm hồn. Tại sao trên đời lại có một cô gái đẹp, ngây thơ, dễ thương và đa tình đến thế ? Chàng cứ ngồi thẫn thờ như kẻ mất hồn cho đến khi chiếc đồng hồ thong thả điểm mười một tiếng. Thu vén lại khăn trải giường cho gọn ghẽ, đặt con gấu búp-bê ngay ngắn bên cạnh chiếc gối ôm màu hoàng cúc, đứng lặng yên ngắm nhìn tấm hình của Cô Ba Mộng Nguyệt treo trên tường một hồi, chàng buông tiếng thở dài rồi thong thả bước xuống nhà dưới. Chàng mò vào bếp châm lửa nấu nước pha một bình trà để uống cho đầu óc tỉnh táo trở lại mà cũng để chuẩn bị đón lão già quản gia như đã ước hẹn với lão sáng qua.
Khoảng sáu giờ chiều khi nắng đã ngả sang màu vàng úa và những đốm sáng từ từ rơi rụng trên đám cành lá thì bầy dơi quạ cũng bắt đầu túa ra từ những tàng cây cổ thụ để khởi đầu chuyến ăn đêm thường lệ. Dường như có tiếng ai giật chuông ở ngoài cửa. Mê Cung hối hả chạy ra và người đang đứng ở ngoài cổng không ai khác hơn là lão già gù. Sau khi mở cổng, giúp lão khiêng vào bên trong một quầy chuối, một bao gạo nhỏ và một cặp gà, Mê Cung mau mắn hỏi:
- Bác về dưới đó có gì vui không ?
Nhếch cặp mắt lé lên nhìn Mê Cung lão già đáp :
- Bà xã của ta bị đau bất ngờ. May mà ta quyết định về dưới đó nếu không thì hư hết mọi truyện. Đồ ăn, gạo thóc ở trên này cũng hết cả rồi !
Trước câu trả lời của lão già, Mê Cung ngạc nhiên hỏi tiếp:
- Thế bác gái không nói gì về chuyện con gái bác lên đây thăm bác à ?
Nghe Mê Cung hỏi thế lão già cau mặt, gặng hỏi:
- Con gái nào ?
Mê Cung thành thật đáp:
- Con gái bác lên thăm bác bị kẹt tại Bắc Mỹ Thuận mãi chiều hôm qua mới tới đây. Đêm qua cổ ngủ tạm ở ....dưới nhà bếp. Sáng nay cổ về dưới quê sớm lắm vì sợ bác quở. Cô ấy đẹp và dễ thương lắm ! Cổ đẹp như Cô Ba vậy đó !
Dường như lão già vẫn chưa hiểu Mê Cung nói gì. Lão đứng ngơ ngơ ngác một hồi, hếch đôi mắt lé nhìn trừng trừng vào mặt Mê Cung rồi lẩm bẩm:
- Ta mà có con gái à ? Lão già gù xấu xí như thế này mà có cô con gái đẹp như Cô Ba? Con gái ta hôm qua ngủ đêm tại đây à ? Chú mày rỡn chơi phải không ?
- Cháu không nói rỡn chơi đâu, thật vậy đó !
Nghe Mê Cung nói vậy lão phá lên cười. Cười một hồi, lão bóp trán suy nghĩ rồi đột ngột lấy tay chỉ vào mặt Mê Cung, nói:
- À, ta hiểu rồi ! Thảo nào ! Thật quá lắm ! Đã đem gái vào đây ngủ lại còn bịa chuyện nói dối đó là con gái ta.
Nói tới đây lão già ngừng lại, đưa mắt nhìn Mê Cung, nhìn từ trên xuống dưới như nhìn một người phạm tội. Rồi lão lấy tay xua :
- Đi ! Đi ! Đi khỏi nơi đây ngay ! Ta không muốn nhìn con người trai lơ như thế này nữa ! Ta đã dặn rồi. Khi ta đi không được dẫn ai vào đây thế mà ...
Vì sự việc diễn ra ngoài dự liệu của Mê Cung cho nên chàng ta đứng chết trân, miệng ú ớ :
-Bác, bác, cháu!
- Không bác cháu gì hết, đi khỏi nơi đây ngay ! Người đời nói không sai mà! Ca sĩ, nhạc sĩ hay bầu gánh gì cũng đều một ruộc như nhau cả !
Nói xong lão gà gù hung hãn lấy hai tay xô mạnh vào thân hình Mê Cung. Khi đã đẩy Mê Cung ra ngoài, và không quên quẳng chiếc ba-lô của chàng qua khung cửa, lão già phủi tay rồi khập khiễng bước vào bên trong. Trước tình hình diễn ra đầy bất ngờ như thế Mê Cung chết điếng cả người. Mặc dù hình bóng của lão già gù đã mất hút vào vào màn tối mênh mông của ngôi nhà cổ mà Mê Cung vẫn còn bàng hoàng đứng đó. Trong sự hoang mang và chán nản tột cùng, bao nhiêu lời giải thích cứ thi nhau nhảy múa trong đầu chàng: Phải chăng lão già gù xua đuổi chàng chỉ vì muốn tránh tiếng con gái lão đã ngủ đêm lại đây với một chàng thanh niên xa lạ ? Hay cô gái chính là Cô Ba Mộng Nguyệt hiện về để ân ái với chàng để rửa mối hận tình muôn thuở với Cậu Hai André như câu chuyện mà hai ông già đã kể cho nhau nghe ngoài Chợ Bà Chiểu ?
Giờ đây con đường Ngô Tùng Châu rải rác một vài căn nhà đã lên đèn. Mê Cung đưa mắt nhìn lên tòa gác cổ giờ này đang đứng đó, bí hiểm, im lìm, cô đơn và lạnh lẽo. Nó trông tựa như một sân khấu buồn bã đã khép màn. Màn kịch ân ái đêm qua giờ chỉ còn trong mộng, xót xa và tiếc nuối. Khoác chiếc ba-lô lên vai, trong bóng tối chập choạng, vừa bước đi Mê Cung vừa lẩm bẩm:
- Quái lạ thật! Quái lạ thật ! Cuộc đời vẫn còn những chuyện không thể nào hiểu được! Tại sao trên đời lại có một cô gái đẹp, đa tình và ngây thơ đến như thế ? Nàng là người hay là ma?
Đào Văn Bìn
_______________
GHI CHÚ:
Cờ tam tài: Cờ Pháp với ba màu xanh, trắng, đỏ.
Đíp-lôm: Bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp chương trình Pháp
Bắc-đơ: Bằng Tú Tài II chương trình Pháp.
 
Truyện "Mê Cung" ở trang 218-240 trong tuyển tập Mê Cung của Đào Văn Bình. Sách lưu hành ở: https://www.amzn.com/1080780491/  . Đặc biệt, đồng hương Bắc California có thể gặp tác giả Đào Văn Bình và nhiều nhà văn khác, cũng như sẽ gặp khoảng 300 đầu sách tại Hội Chợ Sách tại San Jose vào ngày 19/10/2019.
song  
#2 Đã gửi : 15/01/2020 lúc 10:09:44(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,589

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Mê Cung

Tôi vừa nhận được sách mới xuất bản của nhà văn bạn tù, bạn đồng môn Đào Văn Bình. Tập truyện mang tên cổ xưa “Mê Cung” gồm đa số là truyện giả tưởng, dù vậy nó cũng dựa trên tư tưởng xã hội, tác giả với óc tưởng tượng phong phú đã đưa người đọc từ đề tài này sang đề tài khác: những truyện mang nhiều ý hướng chính trị, xã hội và cũng như mang nhiều châm biếm dí dỏm về cuộc sống con người. Đào Văn Bình đã khai thác một lối viết mới lạ, những đề tài của anh ít thấy trong những áng văn chương khác
Tổng cộng gồm 15 truyện xin liệt kê: 1- Trời hại mới chết, 2- Chuyện chẳng ngờ, 3- Nỗi buồn của Thần chết, 4- Anh chàng hoài nghi, 5- Một ngày trong đời ông John, 6- Người về từ Thiên đình, 7- Câu chuyện Quan Vân Trường, 8- Vương quốc thành thật, 9- Câu chuyện về một họa phẩm đắt giá, 10- Khi mọi người là tu sĩ, 11- Con ma ở rạp hát Lido, 12- Nghề bẻ cổ thiên hạ, 13- Chuyện ông thần Thô tục, 14- Xóm chài Binh Hưng, 15- Mê Cung.
Theo tôi biết chỉ có chuyện Xóm Chài Bình Hưng là một ký sự ghi lại sự thật về những ngày tác giả trước khi ra trường giữa thập niên 60 đã đi thực tập tại một xóm chài ở Phan Thiết còn lại chỉ là giả tưởng. Có lẽ đây là đoản thiên tuyệt vời nhất của tác phẩm mang nhiều cảm xúc của người thành phố đối với dân lao động của một xóm chài nghèo.

Trước hết là truyện Trời Hại Hại Mới Chết:
Một truyện cổ xưa từ năm 1920 thời Pháp thuộc tại một làng thuộc tỉnh Bến Tre. Cậu Út Giồng Trôm, Kỹ sư bên Tây nhưng ở nhà chơi vì gia đình giầu sụ, nhiều ruộng đất và cậu Tư Albert, Phó sở mật thám là những người dòng dõi gia đình giầu có thế lực nhất làng. Cả hai đều ngoài ba mươi tuổi. Nhân ngày lễ cúng đình các cậu tranh cãi rồi đánh cá nhau về chuyện Trời hại mới chết. Cậu Út nói Trời hại mới chết, còn cậu Tư Albert nói người mới hại được người. Hai cậu tranh cãi nhau toàn bằng tiếng Tây, sau họ thách nhau, cậu Út cá Trời hại mới chết.
Cậu Albert bắt một can phạm tra tấn cho đi tầu bay tầu thủy, ép nó phải khai cậu Út chủ mưu, sau đó cậu Út bị bắt, bị xử tội và đầy đi Côn Đảo. Thấm thoắt hai mươi lăm năm, một phần tư thế kỷ đã trôi qua, ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp, chế độ Thực dân thiết lập gần trăm năm sụp đổ, cậu Tư Albert tay sai Thực dân phải cải trang làm phó thường dân đi trốn. Ông chú khuyên cậu Tư xin lỗi cậu Út và xin cậu ta che chở cho, cậu đồng ý viết thư thú nhận đã âm mưu hại bạn Út và viết thư xin lỗi bạn nhưng vì tự ái không thể xin Cậu Út che chở và rút súng lục tự tử. Nghe tin này Cậu Út thắng cuộc cười ngặt nghẽo, vì tù đầy lâu, thiếu dinh dưỡng, bị đau tim cậu lăn ra chết. Ba ngày sau hai đám ma của hai nhân vật nổi tiếng nhất Bến Tre diễn ra cùng ngày.
Thế là các bô lão Xứ Dừa suy luận bàn tán quanh hai cái chết, có phải cậu Tư cũng như cậu Út do Trời hại hay không?
. .. “Và câu chuyện này vẫn còn được truyền tụng cho tới ngày hôm nay vì người đời vẫn còn thắc mắc không biết Ông Trời và Con Người đã giữ bao nhiêu phần trăm trong việc quyết định hạnh phúc, khổ đau và mạng sống của con người?”
Tác giả không tin vào truyền thuyết, điều mà anh cho là dị đoan, mọi chuyện khổ đau, hạnh phúc, sống chết... trên đời đều do quyết định của Con Người. Văn Bình đã nghiên cứu kỹ lối hành văn, đối thoại, ngôn ngữ cổ xưa để câu chuyện nhuốm mầu sắc địa phương thời Pháp thuộc, hành văn nghiêm trang, cổ kính cho thấy tác giả đã thận trọng khi sáng tác là nhường nào.

Truyện Nỗi Buồn Của Thần Chết:
Nếu không có Thần Chết thì con người lấy đâu ra gạo ăn, Ngọc Hoàng Thượng Đế vẫn cần Thần Chết để làm chuyện hữu ích trên thế gian vì Thần Chết đã giải quyết được nạn nhân mãn

. . .“Người làm chuyện hữu ích nhất cho thế gian nhưng cũng là chuyện mà thế gian kinh hoàng và thù ghét nhất” . .

Truyện Anh Chàng Hoài Nghi:
Đại Nghi một anh chàng Kỹ sư trẻ mất niềm tin xin nghỉ một năm để đi tìm chân lý, chàng ta xin gặp một Chủ tịch Hội đồng quản trị một hãng chế tạo vũ khí khổng lồ, ông cho biết Chân lý nằm ở phía kẻ nào nhiều máy bay và chiến hạm... chàng lại xin gặp một ông Tỷ phú chứng khoán tại Nữu Ước, ông nói Chân lý nằm trong tay kẻ có nhiều tiền. Sang gặp ông Chủ nhân một Tổ hợp truyền thông khổng lồ thì lại nói Truyền thông là vua, Chính nghĩa, lý tưởng đều nằm trong tay truyền thông.
Sinh bay qua Ấn Độ tìm đến một thành phố bên bờ sông Hằng và thấy hằng chục triệu người tắm gội để rửa sạch tội lỗi, một vị Lạt Ma Tây Tạng nói với chàng: Chân lý là Trăng đáy nước, khi nào con nhìn chân lý như mặt trăng đáy nước thì tâm hồn bình an và không còn gì thắc mắc, lát nữa khi con từ giã ta đi nơi khác sẽ có lời biện giải khác về Chân lý. Chân lý nằm ở khắp mọi nơi, nó không thuộc về ai cả.
Nghe Vị Lạt Ma nói thế, Đại Nghi không hỏi thêm gì nữa, chàng thấy người nhẹ nhõm, chàng không còn hoài nghi về Chân lý vầ mọi chuyện trên đời.

Một Ngày Trong Đời Của Ông John:
Bà vợ di làm, bà gọi điện thoại về nhà dặn ông phải làm những gì. Trên một võ đài, hai võ sĩ toàn là phụ nữ, chương trình TV nay do phụ nữa diễn giảng. Đứng đầu nước là một bà Nữ Tổng Thống với 10 bà trong nội các chỉ có ông phó Tổng thống là đàn ông.
Đây là một truyện giả tưởng một ngày nào đó Phụ nữ sẽ nắm quyền bính trong tay, đàn ông chỉ làm nội trợ.

Người Về Từ Thiên Đình:
Ông Cunning Smart là người tham lam, dùng thủ đoạn để làm giầu bất chính lại muốn hưởng hạnh phúc ở đời sau . Ông bị đụng xe chết, cơ thể còn ấm, một số Bác sĩ cho là ông đã chết, một số khác lại nói ông vẫn còn sống, người ta đem ông vào phòng lạnh. Khi ấy hồn ông lìa khỏi xác. Ông tìm đường lên Thiên Đình, Phán Quan chỉ đường cho ông đi xuống địa ngục vì ông không thể lên Thiên Đình và do hậu quả của nhân nào quả nấy. Những việc thất đức của ông trước đây có thể qua mặt chính phủ, có thể che mắt báo chí nhưng không thể che mắt Thiên Đình.
Ông bèn khóc lóc gây thương xót cho Phán Quan và ba hoa thuyết phục ông này mở cứa cho mình vào Thiên Đình. Ông được lên và sống ở Thiên Đình thấm thoắt đã ba năm. Cơ thể ông ấm dần, tim đâp bình thường, Phán Quan cho phép ông hồi sinh câu chuyện ông chết đi sống lại chấn động cả thế giới và các Bác Sĩ tuyên bố ông đã hồi phục trở lại trần thế, họ thử nghiệm và nói bộ óc ông rất minh mẫn. Thiên Đình đã được thêu dệt là một bí mật chưa ai hiểu ai hiểu gì về nơi đây và nay có ngưởi ở Thiên Đình trở về.
Ông mở cuộc họp báo vĩ đại tại một sân vận động với hàng trăm ngàn người có TV cỡ lớn, đội ngũ truyền thông trên thế giới đổ về hàng ngàn nhà báo, Tu sĩ các đạo là đông nhất, sau đó các nhà triết gia, khoa học gia, sử gia, luật gia, văn nghệ sĩ, nhà buôn, kẻ giầu người nghèo....
Người ta hỏi ông vị Chủ Quản Thiên Đình dung mạo thế nào, ông nói chỉ thấy một vầng hào quang và tiếng nói oang oang, Vị Chủ Quản có khi dùng tiếng Hy Lạp, có khi La Mã, Tây Ban Nha... và bây giờ tiếng Anh. Trên Thiên Đình nay cũng mở lớp dậy sinh ngữ cho cho các sắc dân, Chủ Quản không có thời giờ chăm sóc hàng tỷ người. Nếu nói là sướng thì nơi đây cực kỳ sung sướng, và cũng là nơi bể khổ, là Cung Trời Dục Giới, sướng khổ là tự tâm mình mà ra.
Thiên Đình không có trừng phạt, không có cảnh sát, an ninh, tòa án, nhà tù. Những người gian trá dưới trần thế bị phanh phui phải cúi mặt mà đi, cũng như rơi xuống địa ngục, những đứa con xưa bị phá thai xúm lại nhìn mặt các bà mẹ khóc lóc than van. Thiên Đình trông có vẻ êm đẹp nhưng lại là một đấu trường.
Trên Thiên Đình không có thú vật, các tay đấu bò buồn lắm tự làm thành “bò giả” đấu với nhau, những tay thích ăn thịt chó ở trần thế lên đây không có chó mà ăn, đành phải ăn thị chó giả bằng plastic, cao su cho đỡ thèm. Trên này có chết cũng chỉ là chết giả. Vì không có ngựa, những tay đua ngựa phải tự làm ngựa mà chạy thi.
Trên Thiên Đình không có danh vọng, những người nổi tiếng ở trần thế khi lên đây y như cái bóng mờ, tỷ phú ở Thiên Đình cũng y như trăm ngàn người khác, ở đây ai cũng như ai, các ông tỷ phú, triệu phú tiếc đời trần thế. Thiên Đình vẫn là nơi tranh đấu về giai cấp, người vô gia cư, nghèo đói lên Thiên Đường không còn ước ao gì nữa, họ rất ung dung. Trên Thiên Đình tiến bạc là nguyên nhân phiền não. Những người ở dưới trần thế lừa bịp, gian xảo, bóp méo sự thật lên Thiên Đình vô cùng xấu hổ vì bị lột mặt nạ
Ông Cunning Smart nói dưới trần thế là cuộc sống thực, Thiên Đình là cuộc sống giả tạo, ông muốn sống dưới trần thế không muốn lên Thiên Đình.
Câu chuyện giả tưởng cho thấy con người thường mơ mộng lên những cõi trên cao cực lạc, đó chỉ là ảo tưởng vĩ đại, không phải là cõi đích thật của con người, trái đất là cuộc sống hạnh phúc, có thật:
Tác giả kết luận:
“... Thiên Đình là nơi mà con người khao khát tha thiết, mong cầu, van vái...
... Thế mà có người đã từng ở Thiên Đình, lại mong được sống đời đời kiếp kiếp ở cái thế gian ô trọc, đầy bất hạnh, đau khổ từ lúc chào đời cho đến khi nhắm mắt...”

Câu Chuyện Quan Vân Trường:
Quan Vân Trường bị Lữ Mông chém đầu đã gần 2,000 năm, được sư cụ khuyên giải nên hiểu được lẽ vô thường, nhân quả, thoát sanh về Cung Trời Đao Lợi (Cõi trên, danh từ nhà Phật).
Bồ Tát Mục Kiều Liên nhận xét về Quan Công, lòng can trường của Quan chỉ chỉ liệt vào hàng dũng khí, Vân Trường năn nỉ Bồ Tát Muc Kiều Liên đưa ông về trần thế. Ông đi qua một khu thương mại sầm uất của Hồng Kông thấy các cửa hàng bán lợn quay, mì hủ tíu, tỉm sẩm...đều có bàn thờ Quan Công, ông bèn cười bảo: Vân Trường còn nổi tiếng hơn Khổng Minh, Lưu Bị, Táo Tháo, Chu Du, Lữ Bố...VânTrường ra vẻ đắc chí. Mục Kiều Liên nhỏ nhẹ bảo ông:
Nhà ngươi đừng vội tự mãn, biết một mà chẳng biết hai, hình tượng của ngươi được thờ lan tràn ở các của tiệm không phải vì tôn kính ngươi đâu mà chỉ coi ngươi như một ông thần tài dẫn khách đế để họ phát tài, phát lộc cho bọn con buôn. Còn các đại học, thư viện... không ai đề cập tới võ tướng này.
Quan Vân Trường tức giận định phá sập các trang thờ, bàn thờ của các tiệm nhưng Bồ Tát Mục Kiều Liên ngăn lại và trong chớp mắt đưa ông về khu China town tại San Francisco. Họ thấy cũng như tại Hồng Kông người Tầu buôn bán ở đây cũng thờ cúng Quan Công để mong ngài làm cho tiệm phát đạt, ông nóng giận đạp đổ mấy cái bàn thờ.
Mục Kiều Liên vội đưa Vân Trường về Cung Trời Đao Lợi, ông nghĩ lại thế giới trần thế dưới kia:
“... Đó là một thế giới ảo mộng, khống chế bởi thần quyền , trí tuệ lu mờ, quay đảo, tới lui, thù hận lớn hơn vũ trụ ... tất cả quay như chong chóng trong cái trục gọi là Vô Minh ... ”

Vương Quốc Thành Thật:
Văn Sinh chạy sang Mỹ ngày 30-4-1975, học ra kỹ sư điện tử. Chàng nghĩ con người phải thành thực với nhau, cần có sự can đảm nói ra sự thật, có mặt thì khen lấy khen để, về nhà thì chê ỏng che eo. Anh cho rằng xã hội muốn tiến bộ con người cần thành thật nói ý nghĩ của mình.
Một hôm chàng chợp mắt ngủ thì có người cao lớn mời chàng viếng Vương Quốc Thành Thật, một vương quốc của những người thành thật sống với nhau. Có lần chàng được mời dự buổi ca hát của bà vợ một ông Bác sĩ. Bà muốn thành ca sĩ, hát ba bản trước các quan khách tại nhà, các ông được mời lên nhận xét thì đều tắm tắc khen bà hát hay quá, y như ca sĩ chuyên nghiệp. Văn Sinh cũng được mời lên nhận xét, chàng nói.
“Giọng của bà nặng như cái búa tạ, nếu bà ru con nó sẽ khóc thét lên ... nếu Thái Thanh nghe được thì sẽ té xỉu mất....”
Mọi người nhìn chàng chưng hửng..
Hôm sau chàng được mời dự một buổi ra mắt thơ của một thi sĩ, thơ được đăng nhiều tập, Văn Sinh xin được phát biểu ý kiến, người tại địa phương đón nhận chàng và nói: Chúng tôi rất quí trọng sự thật.
Văn Sinh nhận xét:
... “Thưa quí vị, tôi mới đọc vài bài thì thấy dấu hỏi dấu ngã đánh lộn tùng phèo, chính tả còn thua học sinh lớp nhất, ý thơ thì rỗng tuếch, các ông Vũ Hoàng Chương, Phạm Thiên Thư... mà biết được sẽ khóc thét lên ...”
Nhà thơ đứng chết trân như Từ Hải. Hôm sau chàng được mời dự buổi khai trương thẩm mỹ viện, bà chủ ngoài sáu mươi còn sửa sắc đẹp, người ta khen bà còn đẹp chán....Văn Sinh góp ý nói một bà sáu mươi sửa sắc đẹp để thành cô gái băm mấy là một ảo tưởng
Bà chủ mặt đỏ gay vì thẹn và tức, hôm sau dân địa phương than phiền anh chàng Văn Sinh phá hoại sự đoàn kết của Cộng đồng.
Vị đại diện của Vương Quốc Thành Thật bảo chàng tại Vương Quốc này “con người ru ngủ nhau trong ảo tưởng, lừa dối để mà sinh tồn”. Văn Sinh nghĩ “đòi hỏi người ta nói lên sự thật chỉ là một ảo tưởng...”

Câu Chuyện Về Một Họa Phẩm Đắt Giá:
Họa sĩ Lê Thành khi năm mươi tuổi mới nổi tiếng, các du khách ngoại quốc ca ngợi tranh của ông. Khi ông mất người người ta làm cuộc triển lãm tranh tại Paris, người ta đổ sô đi mua tranh của ông. Nhà họa sĩ này ở Mỹ cũng lâu, khi còn sống ông gửi tranh về nhà ở Sài Gòn cho bà Lê Thành nhưng lại gửi nhầm địa chỉ cho bà Thành Lê, chủ tiệm giường tủ, đồ gỗ nên tranh đã nằm trong kho của bà này, một tháng sau ông họa sĩ ra người thiên cổ.
Ông Giám đốc Viện Bảo Tàng khám phá ra bức tranh vô giá của ông Lê Thành và trình Bộ Giáo Dục, ông Bộ trưởng Văn Hóa Giáo Dục gửi thư cho bà Thành Lê nói bức tranh này có thể trị giá một triệu đô la, tin này được báo trong nước đăng trang nhất.
Bà chủ tiệm đồng ý bán cho Bộ Giáo Dục 500 ngàn nhưng chỉ lấy một ngàn, còn lại cúng cho tài sản quốc gia. Tuần sau họ tổ chức trưng bầy cho dân chúng thưởng ngoạn, đồng thời cũng tổ chức phỏng vấn, hội thảo trên TV. Nhiều người tranh luận về tên bức tranh, một nhóm cho rằng tên nó là Tiến Hóa, nhóm kia cho là nó được gọi Suy Đồi, họ tranh cãi nhau về tên bức tranh.
Một chàng tên Sinh ngồi đồng để xuống dưới ấy hỏi cụ Lê Thành về chuyện này. Cụ nói ta cứ vẽ đại đi mà, gọi nó là Vẽ Đại đi, cũng được, cụ cho biết hôm đó bí đề tài nên vẽ đại.
Khi đã tỉnh lại Sinh không dám nói tên thật của nó là Vẽ Đại mà chàng ghép Tiến Hóa Suy Đồi làm một để khỏi mất lòng hai nhóm....
Khi một họa sĩ đã nổi tiếng lừng lẫy thành Thiên tài rồi thì vẽ nghệch ngoạc gì cũng được người đời thán phục coi là “Báu vật của đất nước.”

Khi Mọi Người Là Tu Sĩ:
Do một phép màu loài người bỗng đều trở thành tu sĩ, các ông Thống đốc, Tỉnh, Thị trưởng, Xã trưởng ... sẽ trở thành những ông quản trị hành chánh. Về Quân đội, mới đầu Giáo hội định giải tán sau phải duy trì vì để giữ an ninh cho Thánh Quốc, các tay lính tráng nay sẽ được mặc áo tu hành. Giáo hội cũng mở cửa nhà tù cho hàng triệu các tù nhân nay thành tu sĩ, trước đây họ phạm những tội ác tầy trời. Mấy trăm nghìn Cảnh sát được duy trì, các ông cảnh sát lái mô tô, đeo súng lục, còng số tám trong bộ quần áo nhà tu trông rất ngộ nghĩnh.
Bộ Xã hội nói những cô gaí điếm, thoát y, những cậu đóng phim dâm ô... sẽ cho vào Trung tâm phục hồi nhân phẩm. Các phim dâm ô sẽ được đem thiêu hủy hết, phim đánh nhau, bắn giết tàn bạo…cũng được đem hủy hết. Các Trumg tâm tài chính lớn trên thế giới như tại Hồng Kông, Tokyo, Luân Đôn, New York... sẽ đóng cửa hết vì đã là tu sĩ không cần tiền.
Các cửa tiêm đấm bóp, sơn móng tay, tắm hơi... phải dẹp tiệm hết, tu sĩ không cần làm đẹp. Tu sĩ không cần của cải nên nhà cửa, ruộng đất, tàu bè, máy bay... đều thuộc về Giáo Hội.
“Tất cả phải bắt đầu một cuộc đời mới thánh thiện và cống hiến cả đời mình cho đấng Giáo Chủ Thiêng Liêng”
Văn hóa giáo dục sẽ tập trung vào việc giảng dậy kinh điển trau dồi đạo đức.
Ông Bill cách đây ba tháng bị đụng xe, chấn thương sọ não nằm bệnh viện ba tháng nay, khi tỉnh dậy thấy xã hội đổi thay, mọi người trở thành tu sĩ, sống trong Giáo khu tập thể, tình cha con trở thành đồng đạo khi mà vợ con ông lên thăm ông, gia đình cũ không còn... Ông Bill khóc nức nở, ông cho là mình không phải là tu sĩ. Tòa án tôn giáo xét xử và lưu đầy ông một hoang đảo, ông thành Robinson Crusoe, Tòa coi là ông bị quỉ ám..
Ông Bill cho rằng cả xã hội làm sai, chỉ một mình ông làm đúng, ông không muốn sống với những người điên
Một truyện giả tưởng, tác giả muốn nói xã hội phải có đủ mọi hạng người, có người trồng lúa lấy gạo ăn, có người cầm súng, có người dậy học, xã hội cũng không thể hoàn toàn thánh thiện được.

Con Ma Ở Rạp Hát Lido:
Một cây viết tên Văn Nhân, chàng nổi tiếng và đã có vài chục tác phẩm xuất bản, chàng cũng là người giới thiệu chương trình văn nghệ cho Trung tâm văn nghệ Hằng Nga và được Trung tâm mời hợp tác. Chàng ta chinh phục được khán giả. Nhờ băng Hàng Nga được phổ biến khắp nơi quán ăn, quán nhậu, trên xe đò ... mà Văn Nhân nổi tiếng như sóng cồn. Cháng dẻo miệng khéo chọn mỹ từ như “Tiếng hát vượt thời gian”, “giọng hát mượt mà” hoặc “Làm sống lại hình ảnh Ngọc Cẩm và Nguyễn Hữu Thiết xa xưa”...
Trung tâm Hằng Nga hay tổ chức các show tại rạp Lido, Paris, người ta đồn tại đây có một con ma người Việt, một hôm Văn Nhân ngồi ghế bành rồi ngủ thiếp đi, chợp mắt được dăm ba phút chàng thấy một thiếu phụ cỡ 25 tuổi đi vào, chàng bèn hỏi cô sao không đi ăn cháo khuya với nhân viên đoàn hát, cô nói mình là chủ hí viện từ 70 năm qua. Cô tự nhận là ma, tên Mộng Quỳnh. Từ khi 19 tuổi ở Gia Định cô đã bị Thống sứ Nam Kỳ Maurice 52 tuổi ép duyên, cô đã có người yêu tên Công 21 tuổi học Chasseloup Lauba... cô xin Maurice cho Công vào dậy tiếng Pháp cho cô được một năm, cha Maurice qua đời tại Pháp, ông ta về làm chủ Hý Viện này.
Thế rồi một hôm Công đến tìm Mộng Quỳnh, hai người ôm nhau như trong mơ, Maurice tình cờ chứng kiến, ông ta ghen và rút súng bắn Công, Mộng Quỳnh can bị trúng đạn chết. Nay nàng xin Văn Nhân thỉnh một nhà sư xin Ngài một hồi kinh siêu độ để đi đầu thai... nàng cũng nhờ Văn Nhân kể lại.
Văn Nhân kể lại chuyện ma Mộng Quỳnh và nói với vợ chuyện này là do chàng phịa ra.
Tác giả không tin chuyện mê tín dị đoan và cho rằng anh Văn Nhân này giỏi phịa, câu chuyện tình cũng cho thấy thân phận người nữ nhi thời Pháp thuộc, chúng đã áp bức dân ta như thế nào.

Nghề Bẻ Cổ Thiên Hạ:
Đại Quan họ Đỗ thỉnh cụ Tả Ao về nhờ cụ cải số trời, xin cụ để mồ mả cho con cháu sau này có thể bẻ đầu bẻ cổ thiên hạ (ý nói làm quan). Cụ Tả Ao nói đã tìm được mảnh đất tốt, con cháu sẽ tha hồ mà đè đầu cưỡi cổ thiên hạ, nhưng phúc phần là do Trời định. Nghe thế ông bà cho cải táng mộ cụ Cố tổ đời thứ năm, bán hai sào ruộng cho con trai theo học một cụ Cử, nhưng cậu sau sáu năm dùi mài kinh sử, hai lần thi Hương không đỗ gì. Bây giờ thực dân đã đặt nền móng cai trị vững vàng, muốn làm quan phải học trường Thông Ngôn Hậu Bổ. Ông bố Đại Quan bèn đăt tên con là Đỗ Đại Quan. Năm 1953 chiến tranh giữa Việt Minh và Pháp khốc liệt, ông bố bèn cho Đại Quan tá túc nhà người em ở Hà Nội.
Ông chú khuyên Đại Quan nên học nghề vì muốn di học đã trễ nay chưa xong bậc tiểu học và khuyên cháu học nghề hớt tóc, Đại Quan nghe lời chú vì ít ra nó cũng đỡ cực nhọc hơn đời cầy cuốc ở nhà quê. Ông chú ghé ngang chỗ Đại Quan hành nghề và giật mình khi nhớ ra chuyện cụ Tả Ao để mồ mả... từ đời thứ tư thì Đại Quan bẻ cổ thiên hạ. Cụ Tảo Ao chơi sỏ hay cụ chọn lầm đất chăng, Đại Quan cho rằng chuyện để mồ mả chỉ là truyền thuyết và chàng chỉ làm nghề này một thời gian thôi.
Năm 1954 hiệp định Geneve chia đôi đất nước, chàng Đỗ Đại Quan theo chú di cư vào Nam, đem cả thùng đồ nghề đổ xuống Hồ Tây thề không bao giờ làm cái nghề này nữa.
Chàng vào Nam, tìm việc cũng khó, xin làm thư ký thì không đủ khả năng, buôn bán phải có vốn, đi học thì đã lớn tuổi, chàng lại trở lại cái nghề bẻ đầu bẻ cổ thiên hạ. Chàng lại mua tông đơ, dao kéo, gương lược... nhờ chăm chỉ, công việc ngày một khá, hai năm sau mướn được căn nhà bên cạnh mở tiệm lấy tên Coiffure Đại Quan, thuê hai người thợ, từ từ mua lại căn nhà đó. Năm sau cưới vợ dần dần chiến tranh khốc liệt 1968, thời điểm này Mỹ đã đổ quân vào VN tới nửa triệu. Sài Gòn truất phế, đảo chính... Đại Quan bán tiệm mở quán cà phê, chàng lại đem tông đơ, dao kéo... đổ xuống sông Sài Gòn và thề không bao giờ trở lại cái nghề này.
Vật đổi sao dời, miền Nam sụp đổ, Đại Quan đóng cửa quán nhạc, chạy lên chợ cũ mua tông đơ, dao kéo ... mở tiệm hớt tóc lần này bỏ cái tên Tây Coiffure Đại Quan có vẻ phản động và lấy tên ta Hớt Tóc Đại Quan. Anh ta mừng rỡ mồ mả đã để cho mình cái nghề này chứ nếu làm quan thì giờ này chắc là cải tạo mút mùa. Tuy vậy chàng cũng phải ăn độn, làm thủy lợi, họp phường họp khóm.... Năm 1979 chàng vượt biên tới đảo Bi Đông và nghĩ không bao giờ trở lại cái nghề bẻ cổ thiên hạ. Thế nhưng ở đảo đã lâu, vợ mang thai, Đại Quan lại nhờ Giám thị Mã Lai mua tông đơ, dao, kéo.. hành nghề hớt tóc, nhờ đó mà sống thoải mái, mua sắm áo quần, mua vàng của dân tỵ nạn mới vào trại.
Thế rồi vợ chồng chàng được vào Mỹ, ở tiểu bang Cali, chàng xin được nhà housing ở không mất tiền, gia đình được ăn welfare, food stamps. Chàng nghe lời hàng xóm lại mua tông đơ, dao, kéo trở lại cái hớt tóc làm chui kiếm tiền thêm, thế là Đại Quan lại tiền bạc rủng rỉnh.
Vợ chàng nói: Nếu con trai sau này làm nghề hớt tóc, mở tiệm kiếm nhiều tiền, góp tiền tranh cử cho các ông Thống đốc, Dân biểu...sau này sẽ được các ông bổ làm quan tha hồ bẻ cổ thiên hạ.
Một truyện gỉa tưởng nhưng có phần hiện thực, tác giả bài bác chuyện mê tín dị đoan, cho rằng chuyện Coi mồ mả, Để mồ mả, Tin định mệnh không có thật, mọi việc do Con người quyết định. Văn Bình cũng cũng chê bai người mình tham lam như cảnh chàng Đại Quan làm chui kiếm tiền.
Lối văn giản dị trong sáng, dí dỏm có duyên cho thấy óc tưởng của tác giả thật phong phú.

Chuyện Ông Thần Thô Tục:
Thô tục là căn bệnh nguy nan của thời đại, nó làm ô nhiễm đời sống tinh thần. Trên Thiên Đình các Thiên binh, Thiên tướng, các Quan... bắt đầu nói tục. Ngọc Hoàng Thượng Đế muốn bổ nhiệm một vị Thần Thô Tục. Ngài lựa chọn mãi chưa chọn được người nào thô tục nhất nhưng cuối cùng cũng chọn và bổ nhiệm được một vị Thần Thô Tục, ông Thần được hưởng lộc cao.
Mới nhậm chức, ông bèn vào mạng internet để ‘Chếc meo”, coi thư, ông giật mình khi thấy hàng ngàn câu chửi thề, mạ lỵ nhau thậm tệ, Thần Thô Tục tự xét mình còn thua xa những email này và xin trở về Hạ giới. Từ đó Thiên Đình không thể bổ nhiệm được một ông Thần Thô Tục. Chuyện chửi bới, mạ lỵ, ăn tục nói phét còn kéo dài tới ngày tận thế.
Trong truyện này tác giả bi quan thấy đạo đức, luân lý thời nay xuống dốc, ngay cả các cô gái cũng chửi thề, chưa biết bao giờ sẽ hết.


Xóm Chài BÌnh Hưng (Đoản khúc ngợi ca biển):
Đây là một ký sự của Văn Bình, anh kể lại khoảng thời gian sau khi ra trường năm 1966, về thực tập tại một vùng biển Phan Thiết. Các đoản thiên của Tập truyện chỉ là giả tưởng thì đây chính là những cảm nghĩ, suy tư của chàng về một xóm chài nghèo bên bờ đại dương. Tác giả không ưa thích biển vì nó u buồn, đơn điệu, tiếng sóng vỗ rì rào không ngừng luôn gợi cho ta những nỗi buồn xa vắng:
Văn Bình ghi nhận:
“Nếu biển rộng mênh mông thì tình của mẹ cũng vô bờ bến. Nếu biển ru ta bằng tiếng sóng vỗ rì rào buồn muôn thuở thì mẹ cũng vỗ về giấc ngủ của ta bằng giọng à ơi tha thiết.”
Biển Thương Chánh nhỏ và buồn, một bãi biển nghèo nàn mộc mạc, những hàng thông, phi lao buông tiếng thở rì rào. Quang cảnh thật vắng vẻ quạnh hiu, tình cảm của tác giả trước bãi biển nhỏ và buồn khiến cho anh thấy cô đơn và rồi mâu thuẫn thay. Sống tại nơi mà anh cảm thấy tù túng ao ước một nơi xa hoang vắng và bây giờ nó thúc dục anh trở lại cái nơi mà mình đã sống đã quen, nay lại nhớ các bạn thân yêu ở Sài Gòn quây quần bên gánh phở rong .
Văn Bình được giám đốc hãng đồ hộp Intraco cho chàng ở một căn phòng nhỏ ở trên gác, có giường và cái bàn nhỏ, một nơi riêng tư không phải nằm chung giường với các anh em trong gia đình như trước. Tự nhiên anh lại trở thành nghệ sĩ thích đứng bên song cửa nhìn biển khơi, ngắm những cánh buồm lô nhô xa tít, đưa mắt nhìn những chiếc thuyền quay vào bến cá.
Chiều qua đêm tới, những bước chân nhẹ nhàng theo tiếng gió đưa, tiếng sóng vỗ rì rào từ xa vọng lại, ánh đèn của những con thuyền câu mực về đêm như choàng chiếc vương miện sáng rực như sao sa, giống như một thành phố nổi xuất hiện ban đêm rồi biền mất khi bình minh ló rạng. Ban chiều những đoàn thuyền nối đuôi nhau ra biển mang theo những chiếc đèn măng sông sáng, đàn mực tìm tới nơi có ánh sáng để làm mồi cho dân chài, biển đã lột xác thành mỹ nhân.
Thành phố về đêm thanh tịnh và êm đềm, con đường Bình Hưng chạy ra biển đang nằm ép mình dưới ánh đèn vàng hiu hắt, đám thanh niên ra chợ cá khi choạng vạng tối, trai cũng như gái ăn mặc đẹp la cà ăn nhậu, coi hát hay đi dạo phố. Rồi những lão ngư ông trông giống như những bóng mờ trong đêm tối làm bạn với chai rượu đế để đánh dấu một ngày đã qua, cuộc đời của họ giống như con đường cô đơn dưới ngọn đèn vàng hiu hắt. Văn Bình đứng trên căn gác nhìn đường như muốn thở than trước cảnh hoang vu tịch mịch.
Tiếng ồn ào máy chạy, tiếng người gọi nhau khiến chàng tỉnh giấc, tiếng dao băm trên thớt vang động khiến anh tưởng như một ngày làm cỗ lớn. Đó là sinh hoạt về đêm của hãng đồ hộp, từng gánh cá được quẩy vào, hôm nay cá về lúc khuya, hàng trăm người đàn bà, con gái sống bằng nghề chặt đầu cá để kịp đưa vô phòng lạnh. Chỉ cần năm nhát dao: chặt đầu, moi bụng, đánh vẩy hai mặt, chặt đuôi thế là xong. Tại đây có cả một em bé mới tám tuổi, Văn Bình tự nhiên chạnh lòng xót thương cho em bé hãy còn quá nhỏ phải lao đầu vào cuộc mưu sinh đêm hôm khuya khoắt trong khi hàng triệu em bé khác đang say sưa giấc ngủ bên nệm ấm, chăn êm, bên vòng tay trìu mến của mẹ hiền
Hai mươi năm sống ở Sài Gòn chàng đã chứng kiến những trẻ em bươi đống rác tìm kiếm ve chai, dép nhựa... tác giả lại thấy lòng mình xe lại bởi lý do đơn giản, trong khi mọi người ao ước sự giầu sang hạnh phúc mà không làm gì để thay đổi thực trạng ấy. Bất công xã hội thì ai cũng ghét nhưng mọi người đều thích những bất công có lợi cho mình.
Cuộc sống ở bến chài Bình Hưng bừng lên nhưng nó âm thầm với những người đang mơ màng giấc điệp, nó cũng ẩn chứa sự cay đắng, hy vọng, hồn nhiên, yêu đời. Biển khơi giờ đây chan hòa trong ánh trăng, những giải mây trắng nhẹ nhàng lững lờ bay đã che khuất mảnh trăng lưỡi liềm. Biển và đêm không chết nhưng nó cũng không ngủ mà như vỗ về giải cát đang nằm uốn lượn và ru ngủ cái thành phố nhỏ đang im lìm trong giấc điệp bằng bản tình ca buồn ra riết:
“Gió ơi, em lạnh cho lòng ta ngây ngất,
Biển ơi! hãy hát lên đi...”
Văn Bình trở về căn gác nhỏ hưởng làn gió mát qua song cửa rồi mơ màng tới bóng dáng của Sài Gòn với bạn bè thân yêu với nỗi nhớ nhung bất tận.
Tác giả kết luận:
“Tôi nhìn lên trời, ngắm nhìn mảnh trăng vô định. Bây giờ trái tim tôi bỏ ngỏ....Tiếng băm trên thớt vẫn vang đều một nhịp... nhưng căn gác nhỏ bé của tôi trông sao hoang vắng.... bóng dáng của Sài Gòn, của các bạn bè thân yêu chạy qua trong đáy mắt với chút nhớ nhung ... đã ru tôi vào giấc ngủ chập chờn”
Một ký sự nhẹ nhàng, giản dị nhưng cũng diễn tả phong phú cuộc sống lam lũ của một xóm chài nghèo.

Mê Cung:
Đây là truyện chính của tác phẩm, Văn Bình đã lấy đoản thiên đặt tên cho tuyển tập.
Mê Cung là một nhạc sĩ tài hoa nhà nghèo, những cai thầu văn nghệ phát hành nhạc thì trở lên giầu có, ca sĩ hát nhạc chàng thành nổi tiếng, lấy chồng giầu còn chàng nhạc sĩ vẫn nghèo. Từ đó nhạc sĩ chán đời hận đời muốn chơi với ma, ma cũng chính là người đã chết, ma nhìn lại cuộc đời như một giấc mơ qua và chàng tìm ma để sống. Mê Cung đã vào nghĩa địa ngủ thử một đêm nhưng chẳng thấy ma đâu.
Tình cờ có lần chàng nghe lóm được chuyện ma nhà ông Đội Trạch do hai ông già kể lại: Đội Trạch lập công với Thực dân Pháp được họ phong chức Đội Xếp, nhờ đó trở lên giầu có nổi tiếng ở Gia Định, nhà có cô con gái tên Mộng Nguyệt, thường gọi là Cô Ba có sắc đẹp não nùng, cô được học dương cầm, theo học trường đầm... đâu Đíp lôm xong Đội Trạch muốn làm xui gia với nhà Đốc Phủ Chương trong Chợ Lớn, ông Đốc có cậu cả nay đã xong bằng Bắc đơ. Cô cậu gặp nhau mê đắm như bị tiếng sét ái tình.
Đốc Chương chê Đội Trạch chỉ là lính tẩy ít học nên cuộc hôn nhân không thành, sau đó cậu cả kết hôn với ái nữ của ông Hội Đồng ở Hậu Giang. Cô ba ốm tương tư uất hận qua đời lúc mới mười chín cái xuân xanh. Ông bà Đội Trạch cho chôn Cô ngay sau vườn, vì quá thương con mấy năm sau ông bà qua đời. Cô chết vào giờ linh nên không đầu thai được, Cô hận Cậu Hai bạc tình thường hiện lên bắt trai tơ vào ân ái trả thù Cậu Hai.
Ngôi nhà cổ của gia đình nay không có ai ở nhưng trên lầu đèn vẫn sáng, vẫn có tiếng đàn và hình bóng một cô gái. Mê Cung nghe kể chuyện này và muốn gặp ma, sống với ma.
Chàng bèn thuê xích lô tới căn nhà cổ mang theo ba lô quần áo, vật dụng cá nhân, căn nhà to rộng nhưng hoang vắng, chàng rung chuông hồi lâu được một một cụ già gù lưng ra tiếp, chàng xin vào nhà. Lão gù dẫn chàng ra phía sau nói cháu chắt cụ Đội Trạch ở bên Tây gửi tiền về trả công coi nhà, ông cũng chỉ cho Mê Cung coi mả Cô Ba mất hơn 10 năm, ông lão có cảm tình trao thìa khóa cho chàng để mai cụ về quên thăm nhà một ngày rồi sẽ trở lại.
Đến chiều có tiếng con gái gọi cổng, cô tự nhận là con gái ông quản gia tư dinh cổ này, chàng thấy cô ta duyên dáng uyển chuyển. Cô nói mẹ sai mang đồ ăn tiếp tế cho ba.
Khi vào nhà cô gái biết rành đồ đạc, lối đi trong nhà, cô dẫn chàng đi coi phòng Cô Ba hồi xưa gồm tủ áo, phòng trang điểm. Cô gái đi tắm rồi thay đồ trông như lột xác thành một mỹ nhân quyến rũ. Mê Cung thấy cô ta giống hệt như hình Cô Ba treo trên tường khiến chàng sợ hãi. Cô nói mỗi lần lên đây cô hay lấy quần áo Cô Ba mặc, cô cũng nói thà được sống một ngày như Cô Ba rồi chết cũng cam khiến chàng xót thương cô và ôm cô gái quê vào lòng, hai người ra phòng khách. Ngồi giữa một tòa lâu đài cổ bên một cô gái quyến rũ, ngây thơ, dễ thương lạ... chàng dạo một khúc dương cầm giữa một đêm thần thoại ma quái, đầu nàng ngả vào vai chàng, Mê Cung không kìm chế được lòng bèn ôm cô gái vào phòng.
Khi chàng tỉnh giấc, mặt trời đã lên cao, chăn gối sô lệch, không thấy cô gái đâu cả, chàng nhớ có trải qua một đêm ân ái với cô, chàng lên phòng ngủ Cô Ba thì thấy một tờ giấy viết đôi hàng, nàng xin lỗi Mê Cung phải về quê, hy vọng có ngày tái ngộ.
Chàng ta thẫn thờ tại sao lại có cô gái đẹp, ngây thơ, đa tình, khả ái... như thế. Khoảng 6 giờ chiều, Lão quản gia gù trở về, chàng kể tối qua con gái ông lão lên đây thăm ông.
Nhưng ông già gù ngạc nhiên xác nhận không có con gái như thế rồi la chàng đã đem gái về ngủ. Lão già giận quá bèn tống cổ Mê Cung ra khỏi cổng và quẳng hết đồ của chàng ra ngoài. Mê Cung nghi ngờ lão này muốn tránh tiếng cho con gái nên đã đuổi chàng, Mê Cung đưa mắt nhìn tòa nhà cổ bí hiểm, im lìm, cô đơn, lạnh lẽo, màn kịch ân ái đêm qua chỉ còn trong mộng. Trên đời sao lại có một cô gái đẹp, ngây thơ, đa tình ... như vậy, không biết cô nàng là ma hay người.
Tác giả bỏ thì giờ để mua vui cho độc giả một truyện ly kỳ mờ ảo y như thế giới Liễu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh. Hoặc là Cô Ba hiện về quyến rũ Mê Cung trong căn nhà ma hoang vắng này, hoặc lão già gù tự ái nếu cô gái là con ông, chàng nhạc sĩ tài hoa ngỡ ngàng không biết đâu là hư đâu là thật .

Nhận Xét:
Trong phần lời mở đầu tác giả nói đây là tuyển tập những đoản thiên giả tưởng và hư cấu nhưng mang tính triết lý và tư tưởng con người. Mặc dù hư cấu, giả tưởng nhưng đều dựa trên những sự kiện có thật của đời sống con người, theo anh, không một tư tưởng nào, thơ văn, triết lý... mà không bắt nguồn từ cuộc sống. Tác giả cho biết thời gian sáng tác tính ra trong khoảng trên mười năm.
Như chúng ta đã thấy qua các truyện ngắn vừa đọc về ảo tưởng con người, thận phận của đàn ông trong nhiều thế hệ tới... đều đã phản ảnh hiện thực đời sống con người mà Văn Bình thường khiêm tốn gọi là ảo tưởng. Nó không những thoát thai từ đời sống mà còn có ngụ ý khen chê và thể hiện những ý nghĩa chua chát của tình đời bằng lối hành văn sáng sủa.
Xin mời quí độc giả thưởng thức tài nghệ của cây bút họ Đào qua những đoản thiên phong phú kể trên và cũng là để suy gẫm về triết lý xã hội, thế sự nổi trôi thăng trầm của tập thể loài người.

Texas ngày 15/1/2020
TRỌNG ĐẠT

(Tuyển tập truyện ngắn Mê Cung do Ananda Viet Foundation xuất bản, Amazon phát hành)
Tuyển tập Mê Cung: https://thuvienhoasen.or...g-tuyen-tap-truyen-ngan-
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.956 giây.